"Thành phố Hồ Chí Minh – Giờ khắc số 0": Lịch sử Việt Nam qua góc nhìn báo chí quốc tế
Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt bạn đọc cuốn sách “Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”. Đây là một ấn phẩm đặc biệt không chỉ tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam qua góc nhìn của các nhà báo quốc tế mà còn là minh chứng sống động cho giá trị của sự thật, của ký ức và của niềm tin vào một tương lai hòa bình sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
Ra mắt vào tháng 9 năm 1975, chỉ bốn tháng sau ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, cuốn sách tập hợp những bài phóng sự đặc sắc được viết bởi nhiều nhà báo phương Tây – những người đã có mặt tại Việt Nam trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Tác phẩm không mang màu sắc tuyên truyền, không khuôn đúc theo một lăng kính chính trị cố định mà là những lời kể trực diện, chân thật, đậm đặc hơi thở của thời cuộc. Điều đặc biệt là các bài viết này đều được chắp bút ngay sau biến cố 30/4, khi cảm xúc còn nóng hổi, khi lịch sử vẫn đang chuyển động từng giờ từng phút. Chính vì thế, giá trị tài liệu và giá trị nhân văn của cuốn sách càng trở nên sâu sắc.
.png)
Qua từng trang viết, người đọc có thể hình dung một cách sống động hình ảnh Sài Gòn những ngày cuối tháng Tư năm 1975. Đó là một thành phố đang bước vào giờ phút quyết định, nơi diễn ra những biến chuyển dữ dội về tâm lý, xã hội và chính trị. Những chiếc trực thăng nối đuôi nhau cất cánh rời nóc Đại sứ quán Mỹ mang theo những người Mỹ cuối cùng, để lại phía sau một Sài Gòn hỗn loạn, ngổn ngang. Thế nhưng, chỉ một tuần sau đó, chính các phóng viên này lại ghi nhận một Sài Gòn hoàn toàn khác: trật tự được lập lại, đường phố bình yên, người dân ra đường với tâm thế thận trọng nhưng không hoảng loạn, và những đoàn quân Giải phóng đi trong tiếng chào hỏi thân thiện của người dân.
Một trong những điểm đặc sắc nhất của cuốn sách nằm ở cách các nhà báo phương Tây tiếp cận nhân vật và sự kiện. Không phải bằng ống kính lạnh lùng của người quan sát mà bằng trực giác và cảm xúc của người chứng kiến. Họ không chỉ thấy những đoàn quân mặc áo xanh, chân đi dép cao su bước vào thành phố mà còn ghi lại những cái ôm nghẹn ngào giữa người thân sau hàng chục năm xa cách. Họ thấy những em học sinh trở lại trường trong tà áo dài trắng, những buổi chợ họp lại ở đầu đường, và những ánh mắt còn bỡ ngỡ nhưng lấp lánh hy vọng. Những chi tiết bình dị, đời thường ấy chính là sức mạnh lớn nhất để khẳng định: chiến thắng của dân tộc Việt Nam không chỉ là chiến thắng của một bên quân sự mà là chiến thắng của nhân dân, của khát vọng thống nhất và của quyền được sống trong hòa bình.
Cuốn sách không né tránh sự phức tạp của chiến tranh, càng không đơn giản hóa những câu chuyện con người. Các tác giả không ngại đề cập đến sự sợ hãi, hoang mang của người dân Sài Gòn trước giờ khắc lịch sử, cũng như không che giấu sự bất ngờ khi chứng kiến Quân Giải phóng chiếm lĩnh thành phố trong trật tự và không đổ máu. Họ thành thực chia sẻ cảm xúc của mình – những người từng theo dõi cuộc chiến Việt Nam từ nhiều năm trước rằng cái kết thúc này vừa như được báo trước, lại vừa đầy bất ngờ bởi sự nhân văn và tĩnh lặng đến khó tin.
Tập hợp trong gần 200 trang là những bài phóng sự của các nhà báo đến từ nhiều quốc gia, nhiều tờ báo uy tín khác nhau, từ Frankfurter Allgemeine Zeitung, Neue Zürcher Zeitung đến Süddeutsche Zeitung, Der Spiegel… Dưới sự biên tập của nhà báo Börries Gallasch - người có mặt trực tiếp tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975, cuốn sách mang tính tổng hợp và đối sánh tư liệu rất cao. Với sự nhạy bén của một nhà báo thực thụ và cái tâm của một nhân chứng lịch sử Gallasch đã kịp thời tập hợp các đồng nghiệp để thực hiện một ấn phẩm không chỉ là bản ghi của thời cuộc mà còn là một phần của lịch sử được viết nên từ nhiều góc nhìn, nhiều cảm xúc.
Về giá trị của những bài báo trong cuốn sách, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhận định: “Những người hoạt động trong lĩnh vực sử học chúng tôi trân trọng các nhà báo có mặt trong cuộc chiến tranh này. Vì khi hành nghề họ là nhà báo, nhưng thời gian đã khiến cho những điều họ viết trở thành lịch sử. Bởi lẽ, các nhà báo chính là những người chép sử đương đại.”
Giữa dòng chảy sôi động của kỷ nguyên hậu chiến, giữa những cuộc tái thiết không ngừng của một đất nước đã vượt qua đau thương, “Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0” vẫn giữ nguyên giá trị như một thước phim sống động, như một bản ghi trung thực về giờ phút chuyển giao định mệnh của một dân tộc. Đó là một lời kể bình thản nhưng lay động, một tiếng nói thầm lặng nhưng kiên định rằng: lịch sử không chỉ nằm trong chiến thắng mà còn trong cách con người bước ra khỏi chiến tranh với sự bao dung và ý chí hòa hợp.
Trong phần đầu sách, nhà báo Freimut Duve từng viết: “Loạt bài thời sự chuyên về Việt Nam này có thể là loạt bài cuối cùng”. Nhưng như thực tế 50 năm qua đã chứng minh, đề tài chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục xuất hiện trên nhiều mặt báo, trang sách, trong các công trình nghiên cứu và trong cả ký ức tập thể của nhân loại. Bởi thế cuốn sách không khép lại câu chuyện về chiến tranh mà mở ra một chương mới – chương của sự kết thúc, của đoàn tụ, của hi vọng tái thiết được viết nên bằng chính cái nhìn của những người đã trực tiếp chứng kiến./.