Cách làm sáng tạo, hiệu quả
Về thôn Minh Kha (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) những ngày này, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh làng quê ngoại thành đang ngày một “thay da đổi thịt”. Đó là những tuyến đường xóm khang trang, sạch sẽ; những bức tường được trang trí bằng bích họa có chủ đề gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền về nếp sống văn minh, cách ứng xử văn hóa, thanh lịch; những tuyến đường hoa rực rỡ, thơ mộng chạy dọc theo đường làng...
Ông Nguyễn Kim Đài, Trưởng thôn Minh Kha phấn khởi cho biết: Năm 1997, Minh Kha là Làng văn hóa đầu tiên của huyện Thanh Oai và từ đó đến nay, người dân nơi đây vẫn tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống của làng. Năm 2019, Minh Kha là Làng văn hóa kiểu mẫu đầu tiên của huyện Thanh Oai. “Nhiều năm qua làng tôi không có chuyện khiếu kiện ồn ã, mọi việc được giải quyết êm đẹp ngay từ gốc. Ngõ xóm luôn sạch đẹp, người dân ứng xử văn minh, sống gắn bó, đoàn kết, yêu thương, tình nghĩa. Có được những kết quả ấy là nhờ việc cập nhật thường xuyên các nội dung về ứng xử vào hương ước của làng. Cứ 2 năm chúng tôi lại cập nhật một lần, những quy tắc không còn phù hợp sẽ được thay thế bằng nội dung mới phù hợp với cuộc sống hiện đại, văn minh. Hiện hương ước được treo ở trước cổng làng, Nhà văn hóa và khu thể thao...”, ông Đài chia sẻ.
Xây dựng nếp sống văn hóa thông qua hương ước cũng phát huy tác dụng tích cực ở thị trấn Kim Bài. Ông Trương Văn Quang, Tổ trưởng tổ dân phố Kim Bài (thị trấn Kim Bài) cho biết, tổ dân phố đã thành lập tổ soạn thảo gồm 5 người là những cán bộ nghỉ hưu có năng lực, trình độ, uy tín để cùng bàn bạc, nghiên cứu xây dựng quy ước của tổ dân phố. “Quy ước có 7 chương, 35 điều. Chúng tôi đã phát cho toàn bộ 481 hộ trong tổ dân phố, đồng thời tuyên truyền trên loa phát thanh cũng như treo quy ước ở Nhà văn hóa. Có thể nói, việc đưa quy tắc ứng xử vào hương ước, quy ước của làng xã, tổ dân phố là một cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả trong việc xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở”, ông Quang nhấn mạnh.
“Mưa dầm thấm lâu”
Kinh nghiệm cho thấy, để các quy tắc ứng xử nêu trong hương ước, quy ước đi vào cuộc sống, góp phần thay đổi nếp nghĩ của người dân thì công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu. Ông Bùi Văn An, Trưởng thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai) cho biết: “Chúng tôi xác định đây là công việc lâu dài, phải làm thường xuyên, liên tục, “mưa dầm thấm lâu” chứ không thể ngày một, ngày hai. Cuộc sống mới đặt ra những yêu cầu mới, chúng tôi buộc phải có những thay đổi sao cho phù hợp để làng quê ngày càng văn minh, nhất là trong tổ chức việc cưới, việc tang và xây dựng cách ứng xử văn minh ở nơi công cộng. Rất may, nhờ công tác dân vận tốt, người dân đã dần thay đổi nhận thức, tự giác chấp hành”.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai đánh giá: "Việc thường xuyên cập nhật nội dung quy tắc ứng xử vào hương ước, quy ước của làng và tổ dân phố là cách làm sáng tạo, mang lại kết quả to lớn. Vì thế, chúng tôi hy vọng hoạt động này sẽ được nhân rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội".