Sự kiện & Bình luận

Thăng Long - Hà Nội là trái tim, khối óc của cả nước trong nhiều cuộc chiến chống giặc ngoại xâm

Trung Kiên 18/12/2024 05:52

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) khẳng định, với vai trò trung tâm chính trị quốc gia, Thăng Long - Hà Nội là trái tim, khối óc của cả nước, giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên cũng đồng thời khẳng định, trong suốt chặng đường lịch sử lâu dài, quân và dân Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, đã bền bỉ lao động, kiên cường tranh đấu, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ, lập nên nhiều chiến công.

thieu-tuong-nhien.jpg
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam).

Những địa danh Hàm Tử, Chương Dương, Đông Quan, Ngọc Hồi, Đống Đa... đã trở thành bất tử và mãi mãi lưu danh cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, chiến công 60 ngày đêm đánh thực dân Pháp mở đầu toàn quốc kháng chiến, kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” đánh gục “pháo đài bay B52” của đế quốc xâm lược mở đường đi đến đại thắng mùa Xuân năm 1975...

1. Thời tiền Thăng Long, vùng đất Hà Nội đã là địa bàn của nhiều cuộc chiến đấu chống ngoại xâm ác liệt. Đó là cuộc kháng chiến chống Nam Việt (181-179 Tr.CN) do nhà nước Âu Lạc tổ chức thất bại. Kinh đô Cổ Loa thất thủ, mở màn thời Bắc thuộc hơn nghìn năm (179Tr.CN-938). Trong cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, vùng đất Hà Nội là nơi mở đầu cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và là nơi dựng đô thành Mê Linh của chính quyền Trưng Vương. Dân chúng nhiều địa phương thuộc Hà Nội ngày nay như Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hoàng Mai, Từ Liêm... hăng hái tham gia nghĩa quân lật đô ách đô hộ của nhà Hán. Đây cũng là địa bàn Lý Nam Đế lập nhà nước Vạn Xuân, đặt đài Vạn Xuân, dựng thành cửa sông Tô Lịch, xây chùa Khai Quốc sau khi khởi nghĩa thắng lợi. Thời thuộc Đường, đây là thủ phủ của chính quyền đô hộ và cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến đấu quyết liệt của nghĩa quân đánh chiếm phủ thành. Sau thắng lợi, vùng đất cổ Thăng Long - Hà Nội xưa tiếp tục được chính quyền Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, chính quyền họ Khúc, họ Dương lựa chọn xây dựng thành thủ phủ trong các cuộc đấu tranh giành lại độc lập.

Từ khi định đô đến nay, suốt hơn nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, Việt Nam đã phải thực hiện 12 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong thời Minh thuộc có hơn 60 cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, thời Pháp thuộc các cuộc khởi nghĩa và các phong trào yêu nước, cách mạng nổ ra gần như liên tục.

“Trong 12 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, có đến 8 cuộc kháng chiến mà chiến trận đã lan đến Thăng Long - Hà Nội, tức là chỉ trừ cuộc kháng chiến chống Tống (1075- 1077), cuộc kháng chiến chống Xiêm (1784-1785) và hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc năm 1979. Trong hai thời kỳ bị nước ngoài đô hộ, thời Minh thuộc kết thúc bằng Hội thề Đông Quan buộc quân Minh phải rút quân diễn ra tại phía Nam thành Đông Quan (Hà Nội) và thời Pháp thuộc cũng kết thúc bằng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 trên đất Hà Nội”, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, cho biết. Hơn thế nữa, trong 8 cuộc kháng chiến diễn ra trên đất kinh thành thì Thăng Long - Hà Nội là địa bàn của 3 trận quyết chiến chiến lược giữ vai trò định đoạt trên chiến trường.

hai-ba-trung.jpg
Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Âm vang Mê Linh” tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng 2024 (huyện Mê Linh tổ chức), tái hiện hình ảnh hai kiệt nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị khởi nghĩa, giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40-43 sau Công nguyên. (Ảnh tư liệu).

Trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ năm 1258, trước địa thế Thăng Long không phù hợp với chiến lược phòng ngự, bởi nơi đây là “đồng bừng nội rộng, không có cái thế hiểm trở, núi cao, sông to… trong thành lại không có viện binh, tiến không đánh được, lùi không giữ được”, vua Trần đã tổ chức rút lui về Thiên Mạc (Nam Định) bằng đường thủy. Thăng Long hưng thịnh, đông đúc dân cư, tập trung nguồn của cải dồi dào trở nên hoang vắng do kế “thanh dã” (vườn không nhà trống) khiến quân Mông Cổ không thể bám giữ lâu dài. Đạo quân xâm lược kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, bất lực trong việc tìm kiếm thắng lợi quân sự trên chiến trường. Trong khi đó, sau khoảng thời gian 9 ngày kể từ thời điểm rời khỏi kinh thành Thăng Long, vua tôi triều Trần đã xoay chuyển thế trận, củng cố lực lượng, từng bước giành và giữ thế chủ động. Ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1258), vua Trần Thái Tông cùng binh tướng từ Thiên Mạc ngược dòng sông Hồng, tập kích quân giặc ở Đông Bộ Đầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược năm Kỷ Dậu (1789), sau khi tránh được mũi nhọn của địch, với sự chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, lương thực, vua Quang Trung quyết định mở cuộc tiến công chiến lược vào Thăng Long để kết thúc chiến tranh. Chủ trương tiến công vào những ngày Tết Nguyên đán xuân Kỷ Dậu (1789) đã giáng một đòn phủ đầu bất ngờ cho quân Thanh và tạo ra một thế chiến lược chủ động cho toàn bộ cuộc chiến tranh giữ nước.

Bằng lối tiến công thần tốc cùng cách đánh bao vây cô lập, chia cắt lực lượng của quân Tây Sơn làm cho quân Thanh tại các đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng hoàn toàn bất lực, không phát huy được lợi thế về lực lượng cũng như về trang bị và vũ khí. Những tin tức bất lợi từ đồn Ngọc Hồi và Đống Đa dồn dập được báo về khiến cho chủ soái Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long choáng váng, “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy”. Chủ tướng bỏ chạy, binh lính Thanh và quân cần vương Lê Chiêu Thống cũng “hoảng loạn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu, sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống chết rất nhiều”.

2. Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự - Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, cho biết thêm, trong thế kỷ XX, lần đầu tiên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dân tộc Việt Nam nói chung, quân và dân Thủ đô Hà Nội nói riêng tổ chức và thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược, tạo sự bất ngờ và nỗi kinh hoàng cho phía đế quốc xâm lực và ngụy quyền.

dienbien-tren-khong.jpg
Thắng lợi của Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng tháng 12/1972 trên bầu trời Hà Nội đã góp phần tạo bước ngoặt, có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. (Ảnh tư liệu).

“Hà Nội 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 là nơi thử thách khốc liệt đối với sức sống của chế độ xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng ở miền Bắc, là cuộc đụng đầu giữa “lương tri và phẩm giá con người” với sức mạnh hủy diệt của chủ nghĩa đế quốc. Bảo vệ Thủ đô Hà Nội không chỉ là trách nhiệm riêng của Hà Nội, của cả nước mà còn là sự ủy thác của nhân loại yêu chuộng hòa bình đặt lên vai quân và dân Thủ đô, những người trực tiếp đối mặt với “kẻ hiếu chiến nhất trong các thế lực hiếu chiến” - Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, chia sẻ.

Thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận không chỉ cổ vũ, động viên nhân dân Việt Nam mà còn làm nức lòng bạn bè quốc tế. Dư luận thế giới ngỡ ngàng, thán phục. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh, biểu hiện sinh động, cụ thể ở nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chiến tranh cách mạng của Đảng; nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng, nghệ thuật giành và giữ quyền chủ động trong tác chiến, nghệ thuật tạo lập thế trận phòng không nhân dân thống nhất theo ý định; cách đánh được chuẩn bị, tính toán từ trước, kết hợp với sự chuyển hóa linh hoạt trước các diễn biến, tình huống cụ thể, tập trung lực lượng tác chiến hiệp đồng, liên tục, kết hợp đánh mạnh tại chỗ với rộng khắp trên các địa bàn…, giành thắng lợi quyết định.

dienbien-tren-khong-3.jpg
Bản hùng ca Chiến thắng Điện Biên phủ trên không cuối năm 1972 của quân và dân Hà Nội được tái hiện trong Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vừa qua.

Những bài học kinh nghiệm từ các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội cần tiếp tục được nghiên cứu và vận dụng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, nhấn mạnh: “Cùng với những kết quả to lớn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, thắng lợi của Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng tháng 12 năm 1972 trên bầu trời Hà Nội đã góp phần tạo bước ngoặt, có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Cục diện chiến tranh có sự thay đổi căn bản, mở ra thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời, buộc chính quyền Richard Nixon phải xuống thang chiến tranh, quay trở lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
  • Hà Nội điều chỉnh lộ trình và tần suất hàng loạt các tuyến xe buýt từ 1/4
    Căn cứ vào quyết định của Sở Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã điều chỉnh lộ trình luồng tuyến, tần suất hoạt động, các chỉ tiêu dịch vụ đối với 44 tuyến buýt của Tổng công ty từ ngày hôm nay (1/4).
Đừng bỏ lỡ
Thăng Long - Hà Nội là trái tim, khối óc của cả nước trong nhiều cuộc chiến chống giặc ngoại xâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO