Thăng Long - Hà Nội là trái tim, khối óc của cả nước trong nhiều cuộc chiến chống giặc ngoại xâm
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) khẳng định, với vai trò trung tâm chính trị quốc gia, Thăng Long - Hà Nội là trái tim, khối óc của cả nước, giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên cũng đồng thời khẳng định, trong suốt chặng đường lịch sử lâu dài, quân và dân Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, đã bền bỉ lao động, kiên cường tranh đấu, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ, lập nên nhiều chiến công.
Những địa danh Hàm Tử, Chương Dương, Đông Quan, Ngọc Hồi, Đống Đa... đã trở thành bất tử và mãi mãi lưu danh cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, chiến công 60 ngày đêm đánh thực dân Pháp mở đầu toàn quốc kháng chiến, kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” đánh gục “pháo đài bay B52” của đế quốc xâm lược mở đường đi đến đại thắng mùa Xuân năm 1975...
1. Thời tiền Thăng Long, vùng đất Hà Nội đã là địa bàn của nhiều cuộc chiến đấu chống ngoại xâm ác liệt. Đó là cuộc kháng chiến chống Nam Việt (181-179 Tr.CN) do nhà nước Âu Lạc tổ chức thất bại. Kinh đô Cổ Loa thất thủ, mở màn thời Bắc thuộc hơn nghìn năm (179Tr.CN-938). Trong cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, vùng đất Hà Nội là nơi mở đầu cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và là nơi dựng đô thành Mê Linh của chính quyền Trưng Vương. Dân chúng nhiều địa phương thuộc Hà Nội ngày nay như Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hoàng Mai, Từ Liêm... hăng hái tham gia nghĩa quân lật đô ách đô hộ của nhà Hán. Đây cũng là địa bàn Lý Nam Đế lập nhà nước Vạn Xuân, đặt đài Vạn Xuân, dựng thành cửa sông Tô Lịch, xây chùa Khai Quốc sau khi khởi nghĩa thắng lợi. Thời thuộc Đường, đây là thủ phủ của chính quyền đô hộ và cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến đấu quyết liệt của nghĩa quân đánh chiếm phủ thành. Sau thắng lợi, vùng đất cổ Thăng Long - Hà Nội xưa tiếp tục được chính quyền Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, chính quyền họ Khúc, họ Dương lựa chọn xây dựng thành thủ phủ trong các cuộc đấu tranh giành lại độc lập.
Từ khi định đô đến nay, suốt hơn nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, Việt Nam đã phải thực hiện 12 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong thời Minh thuộc có hơn 60 cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, thời Pháp thuộc các cuộc khởi nghĩa và các phong trào yêu nước, cách mạng nổ ra gần như liên tục.
“Trong 12 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, có đến 8 cuộc kháng chiến mà chiến trận đã lan đến Thăng Long - Hà Nội, tức là chỉ trừ cuộc kháng chiến chống Tống (1075- 1077), cuộc kháng chiến chống Xiêm (1784-1785) và hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc năm 1979. Trong hai thời kỳ bị nước ngoài đô hộ, thời Minh thuộc kết thúc bằng Hội thề Đông Quan buộc quân Minh phải rút quân diễn ra tại phía Nam thành Đông Quan (Hà Nội) và thời Pháp thuộc cũng kết thúc bằng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 trên đất Hà Nội”, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, cho biết. Hơn thế nữa, trong 8 cuộc kháng chiến diễn ra trên đất kinh thành thì Thăng Long - Hà Nội là địa bàn của 3 trận quyết chiến chiến lược giữ vai trò định đoạt trên chiến trường.
Trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ năm 1258, trước địa thế Thăng Long không phù hợp với chiến lược phòng ngự, bởi nơi đây là “đồng bừng nội rộng, không có cái thế hiểm trở, núi cao, sông to… trong thành lại không có viện binh, tiến không đánh được, lùi không giữ được”, vua Trần đã tổ chức rút lui về Thiên Mạc (Nam Định) bằng đường thủy. Thăng Long hưng thịnh, đông đúc dân cư, tập trung nguồn của cải dồi dào trở nên hoang vắng do kế “thanh dã” (vườn không nhà trống) khiến quân Mông Cổ không thể bám giữ lâu dài. Đạo quân xâm lược kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, bất lực trong việc tìm kiếm thắng lợi quân sự trên chiến trường. Trong khi đó, sau khoảng thời gian 9 ngày kể từ thời điểm rời khỏi kinh thành Thăng Long, vua tôi triều Trần đã xoay chuyển thế trận, củng cố lực lượng, từng bước giành và giữ thế chủ động. Ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1258), vua Trần Thái Tông cùng binh tướng từ Thiên Mạc ngược dòng sông Hồng, tập kích quân giặc ở Đông Bộ Đầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược năm Kỷ Dậu (1789), sau khi tránh được mũi nhọn của địch, với sự chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, lương thực, vua Quang Trung quyết định mở cuộc tiến công chiến lược vào Thăng Long để kết thúc chiến tranh. Chủ trương tiến công vào những ngày Tết Nguyên đán xuân Kỷ Dậu (1789) đã giáng một đòn phủ đầu bất ngờ cho quân Thanh và tạo ra một thế chiến lược chủ động cho toàn bộ cuộc chiến tranh giữ nước.
Bằng lối tiến công thần tốc cùng cách đánh bao vây cô lập, chia cắt lực lượng của quân Tây Sơn làm cho quân Thanh tại các đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng hoàn toàn bất lực, không phát huy được lợi thế về lực lượng cũng như về trang bị và vũ khí. Những tin tức bất lợi từ đồn Ngọc Hồi và Đống Đa dồn dập được báo về khiến cho chủ soái Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long choáng váng, “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy”. Chủ tướng bỏ chạy, binh lính Thanh và quân cần vương Lê Chiêu Thống cũng “hoảng loạn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu, sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống chết rất nhiều”.
2. Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự - Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, cho biết thêm, trong thế kỷ XX, lần đầu tiên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dân tộc Việt Nam nói chung, quân và dân Thủ đô Hà Nội nói riêng tổ chức và thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược, tạo sự bất ngờ và nỗi kinh hoàng cho phía đế quốc xâm lực và ngụy quyền.
“Hà Nội 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 là nơi thử thách khốc liệt đối với sức sống của chế độ xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng ở miền Bắc, là cuộc đụng đầu giữa “lương tri và phẩm giá con người” với sức mạnh hủy diệt của chủ nghĩa đế quốc. Bảo vệ Thủ đô Hà Nội không chỉ là trách nhiệm riêng của Hà Nội, của cả nước mà còn là sự ủy thác của nhân loại yêu chuộng hòa bình đặt lên vai quân và dân Thủ đô, những người trực tiếp đối mặt với “kẻ hiếu chiến nhất trong các thế lực hiếu chiến” - Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, chia sẻ.
Thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận không chỉ cổ vũ, động viên nhân dân Việt Nam mà còn làm nức lòng bạn bè quốc tế. Dư luận thế giới ngỡ ngàng, thán phục. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh, biểu hiện sinh động, cụ thể ở nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chiến tranh cách mạng của Đảng; nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng, nghệ thuật giành và giữ quyền chủ động trong tác chiến, nghệ thuật tạo lập thế trận phòng không nhân dân thống nhất theo ý định; cách đánh được chuẩn bị, tính toán từ trước, kết hợp với sự chuyển hóa linh hoạt trước các diễn biến, tình huống cụ thể, tập trung lực lượng tác chiến hiệp đồng, liên tục, kết hợp đánh mạnh tại chỗ với rộng khắp trên các địa bàn…, giành thắng lợi quyết định.
Những bài học kinh nghiệm từ các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội cần tiếp tục được nghiên cứu và vận dụng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, nhấn mạnh: “Cùng với những kết quả to lớn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, thắng lợi của Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng tháng 12 năm 1972 trên bầu trời Hà Nội đã góp phần tạo bước ngoặt, có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Cục diện chiến tranh có sự thay đổi căn bản, mở ra thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời, buộc chính quyền Richard Nixon phải xuống thang chiến tranh, quay trở lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”./.