Thế là mùa xuân lại về. Mưa bụi lay phay trên những ngọn xoan trụi lá, bắt đầu nảy lộc xanh non. Khói sương bảng lảng dọc theo con đường theo bến sông tan dần theo bóng mặt trời rựng lên mỗi sớm mai. Chợ bắt đầu họp nơi tôi định cư vài năm nay. Những đống bưởi vàng ươm xếp chật hè phố. Lá dong mươn mướp trải ngợp những lối đi. Hoa đào hoa mai rộ khoe sắc thắm trước gió xuân. Tôi đi tha thẩn dọc theo các quầy hàng bày đủ: mộc nhĩ, nấm hương, măng, miến, mọc... Đúng là cơ chế thị trường thời đổi mới cho ta nhiều lựa chọn. Nhất là dịp Tết đến xuân về. Ký ức đưa tôi ngược chiều thời gian về lại nơi ấy, thị xã yên bình, nơi nhiều gian khó một thuở nhưng cũng lắm thương yêu. Cứ vào dịp trước Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), cha tôi lại chộn rộn rửa nhà, quét vôi tường... để đón năm mới. Mẹ tôi tất bật đi chợ xa, chộn rộn quanh năm nên mọi việc trong nhà đều do ông đảm nhận. Ông lau bàn thờ, rửa cốc chén, kiểm lại phiếu thực phẩm, định lượng lại chất đốt, củi đóm để dành cho Tết nghèo phố thị một cách chu tất. Thằng em tôi đang ở chiến trường mãi tận Quảng Trị khiến tôi bồn chồn không yên, thỉnh thoảng ra ngõ ngóng thư gửi về thăm hỏi gia đình. Cậu em học mỹ thuật công nghiệp ngút xa nơi trường sơ tán trên Hiệp Hòa (Bắc Giang) tranh thủ mấy ngày nghỉ Tết vẽ lại linh vật (trâu - sửu), nét vẽ ngời lên nhuần thắm trên nền điệp vân sóng. Tôi tranh thủ ra bưu điện thị xã mua mấy tờ báo cho có chữ nghĩa trong nhà đậm không khí Tết. Nhà bà ngoại tôi gần đấy, đôi lúc tạt sang thăm, khi dúi cho tôi dăm nắm lá vối, lúc cho tôi dăm đồng bạc lẻ, nhưng tôi đâu dám nhận. Bà ngoại ra mặt giận làm tôi cứ ân hận mãi.
Cứ vào dịp này, dẫu bận đến đâu, mẹ tôi cũng đảo qua chợ mua dăm bó mùi già và nhắc mấy đứa chúng tôi kịp tắm tất niên chiều ba mươi Tết để tẩy “bụi trần” trước khi bước vào năm mới. Có lẽ tôi nhớ nhất là cả nhà quây quần bên mâm cơm cuối năm trong bóng chiều lãng đãng. Ai cũng nhắc đến người đi xa, nhất là chú em đi nghĩa vụ quân sự. Vui nhất là cha tôi trong những ngày này, nhất là lúc rượu vào ngà ngà, ông nâng chén chạm với mấy đứa con. Ông dặn chúng tôi hết sức ân tình, mong các con thành đạt trong công việc và sự nghiệp văn học và hội họa. Viết hay và vẽ đẹp là những điều tâm đắc khi tôi nghĩ về ông. Và tôi nhớ nhất hình ông in đậm trên tường khi ông dâng hương lên ban thờ tổ tiên trong ánh pháo hoa rực sáng đêm ba mươi. Cái dáng cao gầy, mảnh khảnh, giọng ông thì thầm thành kính, mắt ông hướng về chốn linh thiêng, in đậm tâm thức tôi những ngày gian khó ấy.
Đã bao mùa xuân trôi qua. Tháng ngày như vụt hiện, chất "một đống tuổi" lên đầu lòng tôi lại rưng rưng chợt nhớ, khiến mình như trẻ lại cái thuở ban đầu ấy. Tôi chợt nhớ lại điều mình tự nhủ: ký ức không có tuổi. Vâng mỗi khi Tết đến xuân về, lòng tôi lại nao nao nhớ về nơi ấy - nơi tôi đã lớn khôn và làm người...