Tế Hanh làm thơ khá sớm:
Mười lăm tuổi xa nhà ra Huế học
Tôi bắt đầu cùng các bạn làm thơ
Những vần đầu tiên gửi về quê mẹ
Bài “Quê hương" muối mặn
đến bây giờ
(Gửi Quảng Ngãi, Câu chuyện quê hương)
Năng lực sáng tạo thật sự được bộc lộ vào mùa hè năm 1939. Ba tháng nghỉ hè Tế Hanh viết ngót 30 bài thơ, tập hợp dưới tên chung: Nghẹn ngào. Tập thơ gửi dự thi thơ Tự lực văn đoàn và đã được tặng giải cùng với Bức tranh quê của Anh Thơ (1940). Năm 1944, tập thơ được bổ sung và xuất bản đổi tên là Hoa niên. Bạn đọc bắt gặp ở Hoa niên một tình cảm đằm thắm, thuần hậu, một cách viết trong sáng, giản dị. Bao trùm tập thơ là lòng mến thương, yêu dấu chân thành. Tế Hanh yêu cái làng quê chài lưới “nước bao vây cách biển nửa ngày sông". Tế Hanh thương mến những con người “làn da ngăm rám nắng/ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm".
Thơ Tế Hanh phảng phất buồn, cái buồn bao trùm không gian thơ ca hồi đó. Nhưng nét buồn của Tế Hanh thanh sạch, trong trẻo, đầy cởi mở, mến thương:
Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau
(Những ngày nghỉ học)
Tham gia kháng chiến, Tế Hanh làm công tác giáo dục. Năm 1949, ông có tập Hoa mùa thi, tập thơ mang nội dung mới, nhưng cách diễn tả cũ, cảm xúc tác giả chưa ra khỏi khí quyển của thời kì lãng mạn trước đó:
Sang bờ tư tưởng ta lìa ta
Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà
Hai năm 1951, 1952, Tế Hanh tham gia đoàn cải cách ruộng đất. Mảng thực tế này là nền tảng cho tập Nhân dân một lòng (xuất bản 1954). Ngược với tập trước, tập này lại quá nôm na, cách diễn đạt mang nhiều nét tự nhiên chủ nghĩa. Nhiều bài lục bát được viết để hô bài chòi.
Năm 1954 đất nước cắt chia, Tế Hanh tập kết ra Bắc. Một chủ đề mới đến với thơ ông và sẽ trở thành chủ đề bao quát những thành công tiêu biểu của ông: sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Những bài đầu tiên ở chủ đề này viết trong năm 1955 và đầu năm 1956 chưa có gì đặc biệt, vẫn là lối viết kể lể thuở Nhân dân một lòng. Nhưng đến hai bài Chiêm bao và Nhớ con sông quê hương, viết liên tiếp trong hai tháng 5 và 6 năm 1956, thơ Tế Hanh đã có một bước tiến vượt bậc về chất lượng. Tế Hanh đã tìm được mối hòa hợp đúng nhất của hồn thơ ông với chất thơ của đời sống. Hồn thơ Tế Hanh nghiêng về tâm tình, giãi bày chân thật nỗi lòng ông, thiếu khả năng đồng hóa những đề tài ở ngoài mình. Nhớ con sông quê hương là nỗi lòng thương nhớ chan chứa kỉ niệm, nó chính là tình cảm của tác giả những ngày đầu xa quê hương, một cuộc đi xa mà ngày về chắc còn phải qua nhiều khó khăn trắc trở, nên nỗi thương nhớ càng ngút ngàn thấm thía xót xa. Bài thơ Chiêm bao có cái thảng thốt bàng hoàng của nỗi lòng:
Chiêm bao bừng tỉnh giấc
Biết là em đã xa
Trên tường một tia nắng
Biết là đêm đã qua
nhưng lại có được sự tin tưởng tỉnh thức của ý chí:
Giấc chiêm bao đêm trước
Soi sáng cả ngày sau.
Nỗi nhớ quê Nam đã trở thành tình cảm chủ yếu cho ba tập thơ liên tiếp của Tế Hanh: Gửi miền Bắc, Tiếng sóng và Hai nửa yêu thương. Trong đó Gửi miền Bắc là tập sâu đậm cảm xúc nội tâm nhất, có lẽ cũng là tập trội nhất về bản sắc thi sĩ. Đặc điểm chính của tập thơ là một nỗi buồn luôn luôn phảng phất trong các câu thơ, đôi lúc nhói lên sững sờ. Bão, Vườn xưa, Em ở đây là những bài thơ tình hay. Cái hay nằm trong nỗi khắc khoải, xót xa, và nỗi khắc khoải, xót xa nằm trong nỗi đau chia cắt rộng lớn của cả đất nước. Với những bài thơ này, có thể nói Tế Hanh đã lấy lại được tất cả những tinh hoa của hồn thơ thuở Hoa niên và cũng đã khác hẳn xưa.
Tứ và ý trong thơ Tế Hanh đều dễ hiểu. Sự vận chuyển của ý thơ ở một tốc độ phổ cập, vừa sức tiếp nhận của nhiều người.
Sang Tiếng sóng, Tế Hanh tiến thêm một bước trong việc sử dụng chất liệu thực tế. So với thời kháng chiến chống Pháp, đây là một bước trưởng thành. Tế Hanh đã xử lý các đề tài ở ngoài mình dưới ánh sáng của quan niệm thẩm mĩ cách mạng, tạo ra chất trữ tình mới. Chưa có bài nào thật trội, nhưng rải rác Tế Hanh có nhiều ý thơ đẹp, câu thơ hay. Nhiều người nhớ câu thơ viết ở nông trường cà phê:
Nông trường ta rộng mênh mông
Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài.
Giặc Mĩ đánh ra miền Bắc, Tế Hanh có mặt đều đặn trên báo chí với các bài thơ chiến đấu. Ưu điểm nổi bật là tính thời sự của từng bài. Tế Hanh đã thể hiện một cố gắng lớn: chịu đi, chịu viết, sử dụng cả bút pháp đả kích, chính luận, suy tưởng… Tuy nhiên giai đoạn sáng tác này của Tế Hanh có tình trạng lấy lượng bù chất.
Sau ngày đất nước thống nhất, Tế Hanh xuất bản 2 tập thơ Giữa những ngày xuân (1977) và Con đường và dòng sông (1980). Giữa những ngày xuân bao gồm những bài viết trong ba chuyến đi vào miền Nam:
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
(Nhớ con sông quê hương)
Chúng ta bắt gặp những nét cảm xúc mừng tủi của Tế Hanh khi trở lại quê hương. Mùa hoa lựu năm xưa trong mảnh vườn ngày cũ, sắc đỏ bỗng nhiên làm nhói lòng người:
Chỉ còn cây lựu già
Từ thời ông để lại
Đỏ chói một chùm hoa
Tuy từ lâu không trái
(Vườn cũ)
Đọc Trở lại con sông quê hương, Mẹ, chúng ta có cảm giác: cảm xúc của nhà thơ chưa đủ tương xứng với đề tài. Phải chăng ấn tượng của Nhớ con sông quê hương của Nhớ mẹ còn in sâu đậm trong tâm trí chúng ta, đòi một sự xúc động phải thỏa đáng hơn với nỗi nhớ thương đằng đẵng ngần ấy năm trời?
Bài viết về các nhà thơ dân tộc là một cách đánh giá, với tư cách một người sáng tác, di sản văn hóa của ông cha. Cách đánh giá Phạm Thái có những nét mới. Bài thơ Thăm nghĩa trang danh nhân ở Mạc Tư Khoa cũng là tấm lòng mến yêu trân trọng những tài năng của nhân loại. Đáng chú ý hơn ở tập thơ này là Tế Hanh đã đạt tới một sự sâu sắc trầm tĩnh ở những bài thơ tự biểu hiện. Thời kì này, Tế Hanh bị bệnh mắt nặng, thị lực giảm nhiều, thời gian nằm trên giường bệnh là thời gian ông nghĩ ngợi nhiều về đời, về thơ, về bản thân. Chữa mắt, ngoài kính cận, kính viễn, ông ao ước:
Có một thấu kính nào
Màu thời gian đặc biệt
Tôi thấy lại mặt em
Trong một ngày xuân đẹp
(Những loại kính)
Đau mắt ông giác ngộ về cái nhìn:
Em không thể mãi là em
Dẫu anh còn mãi cái nhìn ngày xưa
(Cái nhìn)
Cái hay của những bài thơ này in khá rõ dấu vết năm tháng của cuộc đời tác giả. Có một sự bình tĩnh lắng nghe mình.
Tế Hanh yêu mến cuộc sống bằng sự lặng lẽ, chiu chắt của mình. Ông để tâm đến những vui buồn thường ngày của con người. Thơ viết về trẻ con của Tế Hanh nhiều yêu thương lắm; năm đánh Mĩ, nhìn một cháu bé ngêu ngao tự hát, tự ngủ một mình, Tế Hanh viết bài thơ Bé hát dưới trăng rất cảm động. Những bài thơ ông viết về con có được chất thơ bình dị thấm thía: Cha ngồi ở giữa hai con, Sao ba lại đánh em, Đưa con đi học...
Tế Hanh không viết nhiều thơ tình, ông quan niệm: thơ tình khó mà viết nhiều. Ông cho rằng không nên “hư cấu” ra người yêu, tình yêu để viết. Cho nên thơ tình của Tế Hanh không lộng lẫy, tài hoa như những người khác, nó khiêm tốn trong sự chân tình, người đọc dễ nhận ra nỗi lòng người viết, và từ đó mà cảm thông yêu mến. Nỗi lòng người cha trong Im lặng II (1957), và nỗi lòng người chồng Anh trong đau ốm gặp em (1978) là những nét tương đồng trong một tâm hồn. Tâm hồn Tế Hanh đa cảm và giàu trắc ẩn, cho nên khi đi vào cõi riêng tư thường phảng phất buồn, cái buồn dịu êm làm lòng ta lắng lại.
Gặp anh, câu cuối cùng chưa nói
Buổi sớm qua rồi, sắp hết trưa
Góc sân ánh nắng như lưu luyến
Dừng lại trên chùm hoa báo mưa
(Hoa báo mưa)
Tế Hanh tỏ ra nhạy cảm trong sự nắm bắt chất thơ, đúng hơn là chất yêu thương bình dị của hằng ngày. Ở chỗ người ta dễ qua, thì ông biết dừng lại, ông dừng lại trước cây mít già sẽ ở lại lòng hồ Thác Bà:
Cây mít đứng một mình
Người ta không thể
Bứng trồng như cây quýt, cây cam
Mà cũng không đành lòng cưa ra
làm ván
Cây mít đứng ở đây làm kỉ niệm
(Thác Bà)
Không đành lòng cưa ra làm ván, cái tình của cuộc đời là ở đấy. Chỉ thêm một chút thực dụng, chỉ thiếu một chút nhân tình, sẽ không còn cây mít ấy trong đời, và cũng không có nét đời ấy ở trong thơ.
Tâm tình Tế Hanh gặp thiên nhiên nhiều khi cất lên thành suy tưởng. Bài thơ Hoa nở theo trăng tác giả như mê dần với tạo vật: đoạn một cảnh thật, đoạn hai cảnh ảo, đoạn ba đúng là không còn phân biệt hư thực:
Trên hoa trăng sáng một vùng
Dưới trăng hoa nở bừng bừng
nhụy bông hoa
Hoa là trăng đậu cành cong
Trăng là hoa ngự trời trong ngời ngời
Hoa trăng với lại hồn tôi
Phút giây hư thực đất trời trôi qua.
Mấy câu thơ tả mùa thu, chữ nghĩa điềm đạm, mà nghe xao xuyến ở bên trong:
Mùa thu đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng trong cây
Một ít buồn trong gió trong mây
Một ít vui trên môi người thiếu nữ
(Bài thơ tình ở Hàng Châu)
Tâm tình là giọng điệu chung của thơ Tế Hanh, những thành công của Tế Hanh đều nằm trong khu vực đó. Tế Hanh có tìm tòi những cách biểu hiện khác để tạo về phong phú trong bút pháp: Ông chuyển sang trình bày khách thể, giấu tâm tình đi, để sự việc tự nói trong những chi tiết ít ỏi, tiết kiệm nhất, bài thơ tác động tới trí tuệ trước khi thấm vào tình cảm, sức mạnh của nó nằm trong cái tứ toàn thể hơn là rải trong từng câu. Cách viết này khô, nhưng thường có tứ, bớt được sự kể lể, là nhược điểm thường gặp ở nhiều bài thơ hiện thực của chúng ta.