Dự án định hình sự phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, bày tỏ nhất trí cao với nội dung tờ trình Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) khẳng định, việc triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của thành phố Hà Nội, mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung; có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và Vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, kết nối liên vùng, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong khu vực.
“Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô”, đại biểu nói.
Góp ý vào chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Long An) cho rằng, việc đầu tư đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh không chỉ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước. Dự án này sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành trong vùng, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, góp phần giảm thiểu quá tải hạ tầng giao thông các khu vực cửa ngõ và nội đô thành phố Hồ Chí Minh, tăng cường kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế của các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) khẳng định, đây là hai dự án có tính đột phá chiến lược, tháo điểm nghẽn của hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đồng thời tạo động lực kích hoạt sự phát triển của Vùng Thủ đô và vùng thành phố Hồ Chí Minh.
“Đây cũng là các quyết sách cần thiết, kịp thời của Quốc hội để phục hồi kinh tế sau đại dịch và hiện thực hóa rõ ràng hơn về những giải pháp và hành động để đạt mục tiêu năm 2030-2045 của đất nước… Cử tri và nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng và mong đợi các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua và sớm được triển khai thực hiện”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.
Đại biểu nhấn mạnh thêm, một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của Vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành phố.
“Đây không phải là bài toán riêng của Hà Nội gặp phải, mà đây là vấn đề của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới đều phải hình thành nên Vùng Thủ đô, từ đó phát triển ra đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài”, đại biểu nói.
Cần cơ chế đặc thù khai thác nguồn lực đất đai
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện chủ trương đầu tư các dự án.
Đồng tình với việc phân kỳ đầu tư giai đoạn một của cả hai dự án, Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị làm rõ việc cùng là quy mô 4 làn xe cao tốc nhưng mặt cắt ngang giữa hai tuyến đường vành đai lại rất khác nhau. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc thêm đối với những đoạn tuyến cao tốc đi qua khu vực có lưu lượng giao thông lớn nên đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường 24,75m) nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.
Đề cập về cơ chế chỉ định thầu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất cho phép Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.
“Đối với các gói thầu liên quan, có nhiều địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư nên việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn do Thủ tướng quyết định giao cho nơi nào thực hiện”, đại biểu nói.
Còn đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) đề nghị Chính phủ quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố có sự tăng thu để đáp ứng được cơ cấu nguồn vốn cho các dự án. Về giải phóng mặt bằng, để bảo đảm tiến độ của 2 dự án, đại biểu đề nghị trong phân cấp, phân quyền, khi thành lập khung chính sách nên nghiên cứu để giai đoạn từ lúc địa phương lập khung chính sách giải phóng mặt bằng đến lúc trình Thủ tướng Chính phủ cần được tiến hành nhanh chóng, kịp thời.
“Đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế đặc thù để các địa phương chủ động triển khai các dự án đạt tiến độ đúng theo yêu cầu đặt ra”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề nghị, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, Chính phủ nên đề xuất Quốc hội có cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực đất đai xung quanh các dự án, tránh tình trạng phát triển tự phát.
“Cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường, không chỉ là đường song hành, mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị Chính phủ cần song hành việc triển khai dự án và xây dựng các dự án liên kết để khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này, đặc biệt là khu công nghiệp, khu đô thị và những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô, thu về cho ngân sách nhằm bù đắp cho chi phí thực hiện dự án.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tiếp thu các ý kiến sâu sắc, xác đáng của các đại biểu Quốc hội, trong đó, tập trung về giải phóng mặt bằng, quy mô, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, nguồn vốn, khả năng hấp thụ vốn, báo cáo đánh giá tác động môi trường… Bộ trưởng cho biết, các ý kiến này sẽ được tiếp thu và tiếp tục làm rõ trong báo cáo khả thi và trong quá trình tổ chức triển khai.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 17 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu tranh luận trong phiên thảo luận; đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết, tính cấp bách đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại cuối kỳ họp này.