Theo dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN, tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn xuống còn 30%. NHNN sẽ kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, các quy định mới sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tin dụng các ngành kinh tế. Ảnh;VGP/Huy Thắng |
|
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khi trao đổi về Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN, văn bản này đang trong giai đoạn lấy ý kiến rộng rãi.
Có một số ý kiến quan ngại rằng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN ảnh hưởng tới tiêu cực tới thị trường bất động sản. Ông có ý kiến gì đối với nhận xét này?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Dự thảo thay thế Thông tư 36 sửa đổi một số quy định liên quan tới tỷ lệ an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có dự thảo giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Quy định này áp dụng đối với khoản vay đầu tư vào tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, không chỉ áp dụng riêng cho lĩnh vực bất động sản.
Với lộ trình gồm 3 giai đoạn đến năm 2022, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn xuống còn 30%, NHNN sẽ kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hệ thống trước những thay đổi điều kiện kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Dự thảo thông tư quy định khoản vay mua bất động sản có số dư nợ trên 3 tỷ đồng áp dụng hệ số rủi ro 150%, từ 1,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng áp dụng hệ số 100%, dưới 1,5 tỷ đồng, các khoản vay mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các dự án, chương trình hỗ trợ của Chính phủ áp dụng hệ số rủi ro 50%. Việc này nhằm hướng tín dụng bất động sản vào nhu cầu thực của người dân, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội (phân khúc đang thiếu nguồn cung). Do đó dự thảo Thông tư không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Vậy số tăng trưởng âm của tín dụng bất động sản trong Quý IV/2018 có đáng lo ngại và ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung thị trường bất động sản?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Thứ nhất, tính đến cuối năm 2018, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm kinh doanh và mua bất động sản để ở) tăng trưởng 31,76%. Do đó, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản phù hợp với chủ trương của Chính phủ, định hướng của NHNN là kiểm soát chặt chẽ tín dụng kinh doanh bất động sản và hướng tín dụng vào các dự án hiệu quả, dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ và nhu cầu thực của người dân. Đây cũng là một trong các mục tiêu mà dự thảo thay thế Thông tư 36 nhắm đến.
Thứ hai, hiện nay, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng, thể hiện ở việc ngân hàng không chỉ tài trợ trực tiếp vốn cho chủ đầu tư và còn tài trợ gián tiếp thông qua việc cho vay đối với người mua nhà để thanh toán tiền ứng trước cho chủ đầu tư.
Do đó, nguồn vốn phục vụ nguồn cung bất động sản sẽ bao gồm cả nguồn vốn phục vụ từ bên cầu. Nói cách khác, khi tính nguồn vốn tín dụng cho kinh doanh bất động sản, phải tính cả vốn tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống về nhà ở. Như vậy, tăng trưởng tín dụng âm trong quý IV/2018 không phản ánh việc thiếu vốn, giảm nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Thứ ba, 3 tháng đầu năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 3,29% so với cuối năm 2018. Mức tăng này vẫn cao hơn mức tăng trưởng chung (quý I/2019) của nền kinh tế, nên nhận định việc siết nguồn vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là không chính xác. NHNN định hướng kiếm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, nhưng định hướng tín dụng phục vụ nhu cầu thực của người dân.
Gần đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có nhiều kiến nghị liên quan đến quy định tại dự thảo văn bản thay thế Thông tư 36; theo đó, chủ yếu nhận định dự thảo các nội dung giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn và tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay tiêu dùng nhà ở là biện pháp siết tín dụng, làm giảm nguồn cung bất động sản. Ông có bình luận gì về các kiến nghị này?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Các kiến nghị của Hiệp hội bất động sản Việt Nam về lộ trình giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn chính là một phương án mà NHNN dự kiến lựa chọn. Theo đó, sẽ điều chỉnh giảm mỗi năm 3-4% để từ 01/7/2022 áp dụng tỷ lệ tối đa 30%.
Nhận định của Hiệp hội về việc tăng hệ số rủi ro từ 50% lên 150% đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên là không chính xác. Việc điều chỉnh hệ số rủi ro khoản cho vay lĩnh vực bất động sản phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, bảo đảm sự phát triển hiệu quả,bền vững của thị trường bất động sản và an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36 chỉ áp dụng đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thực hiện Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (một số ngân hàng đang trong quá trình thực hiện sáp nhập, hợp nhất gặp khó khăn về tài chính).
Theo chúng tôi phân tích, mức độ tác động của quy định trên tới thị trường bất động sản là không lớn.
Bên cạnh đó, việc thay đổi quy định tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 36 tạo động lực cho các doanh nghiệp bất động sản nâng cao năng lực, uy tín để huy động vốn trên thị trường vốn trong nước cũng như quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, phù hợp với xu hướng của quốc tế hiện nay.
Hiện nay dự thảo Thông tư thay thế thông tư 36 đã được lấy ý kiến rộng rãi, NHNN đang chỉnh sửa cho phù hợp, đảm bảo khả năng đáp ứng của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như khách hàng vay vốn.