Ẩm thực

Quán bánh cuốn có giá rẻ nhất Hà Nội

Kim Ngân (t/h) 06:35 10/04/2023

Bánh cuốn Thụy Khuê không chỉ nổi tiếng là quán bánh cuốn lâu đời tại Hà Nội, với tuổi đời hơn 40 năm mà còn là quán bánh cuốn bán với giá thành rẻ nhất Thủ đô.

Nói đến bánh cuốn, ai sống ở mảnh đất Hà Nội này vài năm mà chẳng từng ăn qua mấy hàng. Bánh cuốn Hà Nội, tuy chẳng nhiều quán như phở, nhưng cũng la liệt. Nhiều người, bước xuống cửa, đi vài bước chân cũng thấy quán bánh cuốn, xa hơn thì đi từ sâu trong ngõ ra đầu ngõ... Lạc vào mấy con phố ăn uống, lỡ thèm thì thế nào chẳng có một hàng bánh cuốn. Ấy thế nhưng, bảo tìm ra một hàng bánh cuốn giá rẻ thật rẻ, chưa đến 20.000 VNĐ/ suất thì không phải ai cũng biết. Đặc biệt, đến ăn rồi, biết đến "lịch sử" của quán lại càng thấy bất ngờ hơn nữa.

z4250504645242_d0887f1eeb67aa24e49ae7c77a951faa.jpg
Có một hàng bánh cuốn chỉ nhỉnh hơn 10K/suất đã tồn tại hơn 40 năm giữa Hà Nội mà chưa hề tăng giá.

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ số 29 Thụy Khuê, hàng bánh cuốn của ông Phạm Văn Chính (62 tuổi) là địa chỉ ăn sáng quen thuộc của nhiều người. Quán mở bán từ 6 - 14 giờ hàng ngày, đông nhất từ 7 - 9 giờ. Khách đến ăn dựng xe thành hàng dọc con ngõ.

Ông Chính thường bố trí khách ngồi ở hai nơi, quầy bánh đầu ngõ của vợ ông hoặc bên trong nơi ông ngồi tráng bánh. Cả hai nơi tối đa có thể phục vụ được khoảng 30 khách cùng lúc.

img-7350-jpg-4778-1678695187.jpg
Tất cả các đĩa bánh đều được ông Chính làm trực tiếp sau khi khách gọi món.

Sau hàng chục năm bán hàng, quán bánh cuốn vẫn được nhiều người truyền miệng là "rẻ nhất Hà Nội". Ông Chính chia sẻ, quán được mẹ ông là bà Nguyệt mở bán từ những năm 1950. Lúc đó, quán có tên "Bánh cuốn bà Nguyệt", giá một đĩa còn được tính bằng tiền hào. Sau này, vợ chồng ông Chính kế nghiệp, đổi lại tên là "Bánh cuốn Thụy Khuê" để mọi người dễ tìm. Hai ông bà bán đến nay đã hơn 40 năm.

Anh Phạm Duy Anh (trú tại Thụy Khuê) cho biết, đây là quán ăn gắn liền với tuổi thơ của anh và đến nay 35 tuổi rồi anh vẫn ăn. Bây giờ, khi đã có gia đình, anh đưa vợ và các con đến. 

Duy Anh cũng cho biết anh đã ăn thử nhiều hàng có tiếng khác ở Hà Nội nhưng với anh bánh cuốn ở đây vẫn ngon nhất. "Có lẽ hương vị đã quá quen nên ăn ở đâu cũng không thấy ngon bằng mà cũng không đâu rẻ bằng", anh chia sẻ.

z4250498079479_289be95107f8a4744ff2bff5b597b9bf.jpg
Bánh cuốn rẻ, lại vừa miệng nhiều người nên khách ngày một đông.

Quán có hai món chính là bánh cuốn thường (nhân thịt, mộc nhĩ) và bánh cuốn trứng. Mức giá 10.000 đồng một đĩa, chả thịt gọi thêm 5.000 đồng được ông duy trì nhiều năm. Tháng 11/2022, ông mới tăng lên 13.000 đồng, chả thịt lên 7.000 đồng. Hiện mặt bằng giá chung của món ăn này ở Hà Nội, dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng một đĩa. Một số nơi đặc biệt có giá hơn 40.000 đồng.

So với sự tỉ mỉ trong từng công đoạn để làm ra một đĩa bánh thì giá bán được ông Chính cho rằng "không thể làm giàu". Nhưng ông vẫn duy trì quán một phần vì muốn giữ nghề gia truyền, phục vụ những khách hàng lâu năm. Một phần vì ông không bị áp lực về kinh tế, cuộc sống gia đình đã đầy đủ, con cái đã lập gia đình, công việc ổn định.

"Nhiều người bảo tôi tăng giá chứ đừng đóng cửa vì đã ăn quen mấy chục năm rồi, không muốn đổi", ông nói. Với những khách quen lớn tuổi, ông vẫn chỉ bán cho họ với giá 10.000 đồng một đĩa.

Mỗi ngày, ông và vợ dậy từ 4giờ sáng để chuẩn bị các nguyên liệu như: pha bột, xào nhân, dọn dẹp vệ sinh quán. Điều ông Chính tâm đắc và làm nên thương hiệu chính là lớp vỏ bánh. Gạo tẻ ngon được xay nhuyễn bằng cối đá từ xưa, sau đó loại bỏ tạp chất bằng cách lọc qua nước để lấy bột nõn. Đây là công thức từ thời mẹ ông để lại và vẫn được ông duy trì những năm qua.

Khách đến gọi mới được phục vụ. Bột tráng bánh được múc theo từng muôi rưới lên mặt nồi hấp, tráng đều rồi đậy vung. Hấp khoảng một phút vỏ bánh vừa chín tới, có độ dai nhẹ. Ông Chính dùng que tre dẹt cuốn lấy vỏ bánh đặt lên đĩa, cho phần nhân đã được xào chín vào rồi cẩn thận cuộn tròn sao cho vỏ không bị rách, cắt đôi và rắc thêm chút hành khô.

Nước chấm có vị chua ngọt dịu. Chả thịt gọi thêm được cắt thành từng miếng khoảng 3 cm, cho vào bát nước chấm. Vỏ bánh trong và mịn, nhưng vẫn đảm bảo độ dai, không nát. Nhìn qua 2-3 lớp vỏ được gói chồng lên nhau vẫn thấy lớp nhân thịt dày. Nhân có mùi thơm của nấm hương, khi nhai cảm nhận được độ sần sật của mộc nhĩ và vị béo của thịt, kết hợp với vị ngọt nhẹ của vỏ bánh.

Mỗi ngày hai vợ chồng ông Chính làm khoảng 5-7 kg gạo, cho ra hơn 200 đĩa bánh. Cuối tuần khách đông hơn, số lượng có thể đến 300 đĩa.

Khách đến quán đa phần là khách quen lâu năm, còn lại là khách du lịch đến từ vùng miền khác hay người nước ngoài. Với mức giá rẻ, quán cũng là địa chỉ ăn sáng quen thuộc của nhiều học sinh, sinh viên và công nhân lao động.

Quán nằm sâu trong ngõ nhỏ nên sẽ hơi khó tìm, đường đi hẹp. Diện tích mặt bằng không lớn nên nếu đến vào thời điểm đông khách sẽ phải đợi khá lâu. Khách hàng có thể yêu cầu số lượng bánh nhiều hoặc ít bánh tùy theo sức ăn. Với ông Chính, khách bỏ thừa đồ ăn khiến ông cảm thấy công sức không được tôn trọng và ông sẽ không đón tiếp vào lần sau./.

Bài liên quan
  • Cơm âm phủ Huế - đặc sản cố đô
    “Cơm âm phủ” là món ăn tiêu biểu cho nghệ thuật chế biến đậm chất văn hóa ẩm thực Huế. Dù sở hữu cái tên rất độc lạ nhưng món ăn này vẫn cực kỳ hút khách ở Huế.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Quán bánh cuốn có giá rẻ nhất Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO