Văn hóa – Di sản

Phùng Khắc Khoan – nhà văn hóa lớn, nhà chính trị, nhà ngoại giao

Tạ Ngọc Liễn 07/11/2023 14:53

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528, quê ở làng Phùng Xá, tên Nôm là Kẻ Bùng, huyện Thạch Thất, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông có tên hiệu là Hoằng Phu, Nghị Trai, Mai Nham Tử. Phùng Khắc Khoan đậu Tiến sĩ năm Canh Thìn (1580), đời Lê Thế Tông (1573-1600), khi ấy ông đã 53 tuổi và đã là một công thần có nhiều thành tích với nhà Lê trong cuộc chống Mạc.

phung-khac-khoan.jpg
Mộ phần của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Trong thế kỷ XVI có lẽ chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan là hai gương mặt lớn nhất, tiêu biểu cho lịch sử văn hóa dân tộc. Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có ý thức tìm về cội rễ tinh thần dân tộc rất sâu sắc nhưng cũng thấm nhuần đến cốt lõi văn hóa Trung Hoa và mang một phong độ sống cao khiết của nhà hiền triết Á Đông ít ai sánh được. Còn Phùng Khắc Khoan tuy học vấn sâu rộng, song lại là người có cuộc sống hết sức lão thực, hết sức dân dã, gần gũi với công việc đồng áng, nông trang... được nhân dân phong Trạng, gọi là Trạng Bùng.

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528, quê ở làng Phùng Xá, tên Nôm là Kẻ Bùng, huyện Thạch Thất, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông có tên hiệu là Hoằng Phu, Nghị Trai, Mai Nham Tử. Phùng Khắc Khoan đậu Tiến sĩ năm Canh Thìn (1580), đời Lê Thế Tông (1573-1600), khi ấy ông đã 53 tuổi và đã là một công thần có nhiều thành tích với nhà Lê trong cuộc chống Mạc. Nhờ có công lao mấy chục năm phò giúp nhà Lê, Phùng Khắc Khoan được phong nhiều chức vụ quan trọng như Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Tán trị Thừa chính sứ ty, Thừa chính các xứ Thanh Hoa, Tả thị lang Bộ Công, Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Hộ, tước Mai Quận công. Năm 1597, Phùng Khắc Khoan được cử làm Chánh sứ dẫn đầu một sứ bộ sang triều Minh và cuộc đi sứ của ông đã thành công lớn, được Lê Quý Đôn đánh giá: “Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoại bẩy mươi... biện bạch quang minh chính đại, hoàn thành sứ mệnh vua giao, làm mạnh mẽ thể chế trong nước...” (Kiến văn tiểu lục). Đặc biệt trong lần đi sứ này, Phùng Khắc Khoan đã kết giao được với sứ thần Triều Tiên Lý Toái Quang cũng là một người có văn tài và hai vị sứ thần hai nước Việt - Triều đã làm thơ xướng hoạ với nhau rất tâm đắc. Trong các cuộc gặp gỡ, “bút đàm”, Phùng Khắc Khoan đã để lại trong kí ức Lý Toái Quang nhiều ấn tượng đẹp đẽ. Lý Toái Quang ghi lại hình ảnh phùng Khắc Khoan như một bức ảnh chụp: “Sứ thần họ Phùng, tên Khắc Khoan, tự hiệu là Nghị Trai, tuổi ngoài bẩy mươi, hình dáng lạ lùng, răng nhuộm đen, tóc vấn thành búi, áo dài, ống tay rộng. Khăn đội trên đầu thì lấy cả khổ vải đen trùm lên đầu như dáng khăn ông sư. Ông người tuy đã già nhưng sức còn khoẻ, thường đọc sách, viết sách luôn...”.

Sau khi xin nghỉ quan vì già cả, Phùng Khắc Khoan về quê sống và trên miền quê xứ Đoài, cụ đã cho trùng tu hai nhịp cầu Nhật Tiêu kiều, Nguyệt Tiêu kiều bên núi Sài trước mặt chùa Thầy. Ngoài ra Phùng Khắc Khoan còn cho đào mương tiêu nước quanh núi Thầy, từ đó dẫn nước đi tưới cho cả vùng lân cận. Nhưng đậm nét nhất trong kí ức nhân dân Bùng Xá vẫn là công đức Phùng Khắc Khoan truyền dạy cho dân làng nghề dệt tơ và cách trồng ngô, trồng đỗ do cụ đưa giống về.

Phùng Khắc Khoan qua đời năm 1613, thọ 86 tuổi.

Sự nghiệp thơ văn Phùng Khắc Khoan để lại lớn lao, bao gồm cả sáng tác bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm, trong đó có 3 tác phẩm quan trọng là Ngôn chí thi tập, Lâm tuyền vãn, Mai Lĩnh sứ hoa thi tập.

Lâm tuyền vãn (còn gọi là Đào nguyên hành) dài 185 câu, được viết bằng chữ Nôm, thể thơ sáu, tám; nội dung miêu tả cách trồng các loại rau, quả cùng công dụng của từng loại đối với con người, nhất là đối với nhân dân vùng Con Cuông - Nghệ Tĩnh, nơi Phùng Khắc Khoan viết tác phẩm này, khi vì có chuyện trái ý vua bị đày tới đây. Lâm tuyền vãn không những cho ta thấy ở Phùng Khắc Khoan có một vốn tri thức nông nghiệp hết sức phong phú, mà còn là tác phẩm nói lên tâm sự của Cụ và tâm hồn Cụ, một tâm hồn đôn hậu, giản dị, mộc mạc, gắn bó với cuộc đời, với thiên nhiên một cách hồn hoàn.

Mai Lĩnh sứ hoa thi tập là tập thơ Phùng Khắc Khoan sáng tác trong thời gian đi sứ Trung Quốc. Trong thi tập này, những bài Phùng Khắc Khoan hoạ, đáp với sứ thần Triều Tiên Lý Toái Quang có lẽ là những bài thơ lý thú nhất, ghi lại được những tình cảm hữu nghị, chân tình của Cụ đối với vị sứ thần họ Lý:

Giao lân tiện thị tín vi bản,

Tiến đức thâm duy kính tác dư.

Ký thử sứ thần hoàn quốc nhật,

Nam lai ngũ sắc vọng vân xa.

(Giao thiệp với nước láng giềng lấy tín làm gốc,

Đức nghiệp muốn tiến chỉ dùng chữ kính làm xe.

Nhớ ngày xe sứ giả về nước,

Tôi trở lại nước Nam thường ngóng trông xe mây năm sắc của ngài)

(Mai Nam Nghị Trai kính hoạ theo vần thơ của ông sứ thần họ Lý quý nước Triều Tiên)

Những vần thơ đi sứ của Phùng Khắc Khoan còn là cả nỗi lòng nhớ nhà, nhớ nước được gửi gắm vào đấy:

Hồi thủ Thiên Tân Nam đẩu vọng,

Ngũ canh vô mộng bất tư gia.

(Quay đầu lại Thiên Tân ngóng sao Nam đẩu,

Suốt năm canh không có giấc mộng nào không nhớ nhà)

(Tức sự nơi công quán)

Ngôn chí thi tập (Tập thơ nói chí) được Phùng Khắc Khoan sáng tác liên tục từ lúc còn trẻ đến khi già, hiện còn lại khoảng hơn 200 bài, phần lớn là nói lên lý tưởng, hoài bão mà Cụ muốn thực hành, thi thố ở đời với một quyết tâm cao:

Tự cổ đại tài ưng đại dụng,

Trượng phu khẳng dữ thế phù trầm.

(Viễn ký hữu nhân)

(Từ xưa bậc đại tài phải được đại dụng,

Là trượng phu há chịu để chìm nổi theo đời!)

Bình sinh chính trực hựu trung thành,

Tráng trí cao huyền nhật nguyệt minh.

(Bệnh trung thư hoài)

(Cuộc đời ta chính trực trung thành,

Chí mạnh mẽ treo cao sáng như mặt trời, mặt trăng).

Thơ Phùng Khắc Khoan vừa nói cái chí lớn của kẻ nam nhi phải lập công danh ở đời, vừa nêu cao vai trò của sách vở, văn chương, của văn hóa, với quan niệm rằng tất cả những người làm nên sự nghiệp “khanh tướng” đều có học vấn cao:

Tự cổ khởi thân khanh tướng giả,

Phúc trung toàn yếu hữu thi thư.

(Tự thuật)

(Từ xưa những người lập thân làm nên khanh tướng,

Là những người trong bụng phải có thi thư)

Ở Phùng Khắc Khoan hoài bão về sự nghiệp văn chương cũng rất lớn. Khi mới 16-17 tuổi, cụ đã tự bày tỏ tâm sự của mình (Bài 1) trong bài mở đầu tập Ngôn chí thi:

Gia tàng hoạt kế thư kỳ bảo,

Lực đại canh sừ bút thị nô.

(Kế sinh nhai cất chứa trong nhà sách là của quý,

Sức lực thay cầy bừa bút là nô bộc)

Phùng Khắc Khoan có một quan niệm về văn chương rõ ràng: “Văn chương phải sắc bén, coi thường con dao của bọn thư lại. Bút phải được dùng làm tươi sáng, vẻ vang cho nước” (Mao trung thư); và: “Cái gọi là thơ không phải là thứ láu lưỡi trong tiếng sáo, lối chơi chữ dưới ngòi bút” (Bài Tựa tập thơ Ngôn chí). Thơ văn, theo Phùng Khắc Khoan, phải là:

Bút hạ tiện giao phong vũ động,

Thi thành giải sử quỷ thần kinh.

(Hạ bút làm cho mưa gió phải động,

Thơ thành khiến quỷ thần kinh sợ).

(Trong lúc có bệnh viết bài tỏ bày)

Nội dung thơ văn Phùng Khắc Khoan cũng phong phú, đẹp đẽ như chính cuộc đời cụ, một cuộc đời lớn, tất cả vì đất nước, nhân dân./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Tô Hiến Thành – nhà chính trị tài năng
    Chính sử chép rằng Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng giêng và mất năm Kỷ Hợi 1179, đời vua Lý Cao Tông, nhưng không ghi rõ năm sinh. Lịch sử có điều khiếm khuyết như vậy (Tháng 7 năm 1997 tại cuộc hội thảo lớn về thân thế, sự nghiệp của Tô Hiến Thành, có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện các nơi thờ cúng cụ Tô, đại diện các chi hệ dòng họ cụ Tô tham dự. Hội nghị đã tham khảo nhiều bản thần tích, tộc phả và đã tìm ra ngày tháng năm sinh Tô Hiến Thành là ngày 22 tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1102, triều Lý Thần Tông)...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Bắn súng Việt Nam dành 2 Huy chương Vàng ở giải vô địch Đông Nam Á
    Giải vô địch bắn súng Đông Nam Á 2024 diễn ra từ ngày 5 đến 14-12, tại Philippines, thu hút hơn 150 vận động viên, huấn luyện viên của 7 quốc gia tranh tài. Đội tuyển bắn súng Việt Nam có 3 cán bộ đoàn, 2 huấn luyện viên và 10 xạ thủ tranh tài cả 2 nội dung là bắn đĩa bay trap và skeet.
  • Không khí lạnh bao trùm miền Bắc, nhiều nơi rét đậm, rét hại
    Dự báo thời tiết ngày 9.12 miền Bắc tiếp tục duy trì nền nhiệt thấp, mưa vài nơi. Trong vài ngày tới (từ ngày 9 đến ngày 12/12) miền Bắc sẽ bị không khí lạnh sâu bao phủ, theo dự báo, nhiều nơi khu vực phía Bắc rét đậm, rét hại. Trung Bộ và Nam Bộ cũng chịu ảnh hưởng bởi không khí lạnh.
Đừng bỏ lỡ
Phùng Khắc Khoan – nhà văn hóa lớn, nhà chính trị, nhà ngoại giao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO