Nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng sản phẩm du lịch huyện Phú Xuyên tại buổi tọa đàm (Ảnh: Đăng Chung).
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Thể thao huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) cho biết, toàn huyện có 156/156 làng, cụm dân cư có nghề, chiếm 100%, có 78 làng nghề được duy trì và phát triển mạnh; 40 làng nghề đã được UBND TP. Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống như đan cỏ tế ở xã Phú Túc; sơn mài khảm trai xã Chuyên Mỹ có từ thế kỷ XI; nặn Tò he ở Xuân La xã Phượng Dực có cách đây 300 năm và là làng nghề duy nhất có ở Việt Nam, may comple ở Vân Từ, đóng giầy da ở Phú Yên,...
Việc gìn giữ và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở vùng nông thôn được địa phương xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Các làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng có của mỗi làng nghề và đã tạo dựng được thị trường rộng lớn ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và hầu hết các tỉnh, thành trong nước. Một số sản phẩm được xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Thái Lan, Nga,...
Phát biểu tại buổi tọa đàm ông Trịnh Xuân Tùng - Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội nhận định: thế mạnh du lịch của Phú Xuyên là du lịch làng nghề, bởi vậy cần xúc tiến quy hoạch khu trưng bày các sản phẩm làng nghề, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch làng nghề, lắp đặt biển chỉ dẫn vào làng nghề. Những sản phẩm làng nghề là món quà đậm đà tình nghĩa quê hương cho những người Việt Nam và đồng thời là món quà lưu niệm đầy ý nghĩa đối với khách du lịch quốc tế khi có dịp đến Việt Nam nói chung và huyện Phú Xuyên tham quan du lịch…