Phố Lương Văn Can dài 300m, rộng 7m.
Thời Pháp thuộc là đường số 19 (voie N0 19) vốn là phố Hàng Cân kéo dài (rue des Balances Prolongée), năm 1949 đổi tên thành phố Lê Lợi, năm 1931 đổi thành phố Lê Quý Đôn. Năm 1949 đổi thành tên phố Lương Văn Can. Những lần đổi tên sau vẫn giữa nguyên tên này.
Nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.
Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Yên Hoa hợp với thôn Xuân Hoa thành thôn Xuân Yên, và tổng Tiền Túc cũng đã đổi là tổng Thuận Mỹ.
Hiện nay còn đền Xuân Yên ở số nhà 6A phố này (đền thôn Yên Hoa cũ) thờ Nguyên quận phu nhân (có thể là vợ Phạm Ngũ Lão). Trên hai cột trụ ở cổng đền có đôi câu đối nhắc tới tên làng cũ:
Xuân sắc mãn hoàng đô, vạn cổ sơn hà vĩnh diện
Yên hương đằng thắng tích, ức niên từ vũ trường tồn
Dịch:
Xuân sắc đầy Kinh đô, sông núi muôn đời bền vững mãi
Khói hương lừng tích thánh, miếu đền vạn thuở vẫn dài lâu.
Lương Văn Can (1854-1927) hiệu là Ông Như, nguyên quán làng Nhị Khê (quê của Nguyễn Trãi) huyện Thường Tín, Hà Nội. Đỗ cử nhân năm 1879 song là một nhà nho yêu nước, gặp lúc thực dân Pháp xâm lược, ông không ra làm quan. Ông cùng một số bạn đồng chí chủ trương làm cách mạng dân tộc bằng con đường phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng cho nhân dân những vốn liếng về khoa học, kỹ thuật, làm cơ sở để tiến tới tự giải phóng về chính trị. Với chủ trương ấy, Lương Văn Can đã cùng Nguyễn Quyền, Lê Đại, Nguyễn Hữu Cầu... Tổ chức ra Đông Kinh nghĩa thục, một trường học kiểu mới. Trường này hoạt động được gần 9 tháng thì bị Pháp đóng cửa.
Năm 1913, thực dân Pháp kiếm với kết tội Lương Văn Can 10 năm tù biệt xứ, đưa đi an trí ở Nam Vang (Nông Pênh). Nhưng tới năm 1921 do nhân dân đấu tranh, Pháp phải tha ông trước kỳ hạn. Ông về Hà Nội, vẫn ở tại nhà số 4 phố Hàng Đào cho tới ngày mất, ngày 12/6/1927.