Năm 2025, Hà Nội phấn đấu đưa 2 làng nghề gia nhập mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới
Mục tiêu của Thành phố Hà Nội trong năm 2025 sẽ đề xuất hội đồng thủ công thế giới đánh giá, xem xét công nhận 2 làng nghề trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới; xét công nhận 10 làng đạt danh hiệu “Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống”.
Những mục tiêu trên nằm trong Kế hoạch số 81/KH-UBND về “Phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2025” vừa được UBND Thành phố ban hành. Ngoài các mục tiêu cụ thể vừa nêu, Kế hoạch của Thành phố còn đặt mục tiêu tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ và Luật Thủ đô năm 2024. Tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 03/3/2022 của UBND Thành phố về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, triển khai Đề án tổng thể phát triển làng nghề giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề trên địa bàn Thành phố phát huy tiềm năng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan làng nghề, phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Kế hoạch “Phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2025” cũng nhằm nghiên cứu xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực ngành thủ công mỹ nghệ; triển khai kế hoạch khuyến công thành phố Hà Nội năm 2025 và kế hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường làng nghề và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Quyết định của UBND Thành phố: số 2546/QĐ-UBND ngày 28/4/2023, số 310/QĐ-UBND ngày 16/01/2024 đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2025 và tổ chức Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Quốc tế năm 2025.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội đặt ra 7 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ- CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ và Luật Thủ đô năm 2024.
Đồng thời, Hà Nội đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ thông qua việc tiếp tục quản lý triển khai và bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố và các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Thành phố đến năm 2030 liên quan đến phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý nước thải, rác thải, khí thải phù hợp với làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn. Hỗ trợ đưa công nghệ số, hạ tầng số, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đưa công nghệ phục vụ bảo tồn ngành nghề, làng nghề.
Hà Nội cũng sẽ chú trọng và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho làng nghề và phổ biến chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch làng nghề. Tăng cường kiểm tra, đánh giá quá trình quản lý và sử dụng nhãn hiệu cộng đồng nhằm phát huy tính hiệu quả của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Thành phố đến năm 2030.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền về làng nghề, ngành nghề nông thôn, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, kinh tế hộ và trang trại trên địa bàn Thành phố, sở hữu trí tuệ và Phát triển làng nghề gắn với du lịch. Tổ chức Hội thi, Hội chợ sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội; tham gia Hội chợ giống vật tư, thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, Thành phố trong nước; tổ chức Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Quốc tế năm 2025. Tham gia Hội chợ thủ công, mỹ nghệ sản phẩm quà tặng tại nước ngoài; đón tiếp đoàn Hội đồng thủ công Thế giới…
Hỗ trợ các làng nghề hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới; tổ chức đoàn công tác đi trao đổi kinh nghiệm và kết nối vùng nguyên liệu cho các làng nghề; tổ chức đoàn cán bộ, nghệ nhân thành phố Hà Nội tham gia triển lãm và trình diễn kỹ năng tạo tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tại Lễ hội Thủ công thế giới KoKan-Uzbekitan (các Thành phố sáng tạo trong mạng lưới Hội đồng thủ công thế giới); Phối hợp với Trường Thiết kế đại học Lund - Thụy Điển trong tư vấn về các hoạt động liên quan đến thiết kế mẫu mã phát triển cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề định hướng xuất khẩu. Ngoài ra, Thành phố Hà Nội hỗ trợ vốn và phổ biến chính sách thuế; giao đất, cho thuê đất và bảo vệ môi trường làng nghề.
Đặc biệt, Thành phố Hà Nội sẽ phát triển, bảo tồn làng nghề gắn với du lịch, giáo dục trải nghiệm bằng các giải pháp cụ thể. Đó là thực hiện hỗ trợ dự án phát triển ngành nghề nông thôn năm 2025; hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho làng nghề, tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch cho làng nghề và phổ biến chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn năm 2025; tổ chức chương trình phối hợp với Hội đồng thủ công Thế giới.
Hướng dẫn đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Thành phố đến năm 2030 về đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý bắt đầu thực hiện từ năm 2026 cho các quận, huyện, thị xã, trong đó quan tâm đến các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của Thành phố. Đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa làng nghề của mỗi địa phương để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính độc đáo, khác biệt và có tính cạnh tranh cao…/.