Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý lưu ý các quận huyện triển khai nghiêm túc, nhất là việc hạn chế tập trung đông người, tạm dừng hoạt động cơ sở kinh doanh. Điều tra kịp thời, chính xác, quyết liệt để cách ly các trường hợp F1, F2 để khoanh vùng được đối tượng lây lan.
“Sở Y tế phối hợp với BV Bạch Mai có phương án chặt chễ để hỗ trợ, phòng hộ cho tất cả các BV trên địa bàn TP. Bởi nếu một vài BV trên địa bàn TP mà lại giống BV Bạch Mai nữa thì sẽ không còn chỗ chữa bệnh” – Phó Chủ tịch UBND TP nói.
Về các khó khăn mà quận huyện nêu, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng việc chuyển phát bưu phẩm các văn bản của Đảng, Nhà nước cần tiếp tục được hoạt động, đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch. Đối với việc phát lương hưu, các quận huyện cử cán bộ để phát lương hưu tại nhà.
Ô dịch tại BV Bạch Mai hiện đang là nơi nguy hiểm nhất
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định, dịch Covid-19 đã lan ra trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ trong vòng 4 ngày, số ca mắc từ trên 300.000 hiện nay đã lên trên 700.000 ca. Chủ tịch UBND TP tin rằng, với tốc độ lây lan này, chỉ trong vòng 3-4 ngày nữa số ca mắc sẽ tăng lên tới hàng triệu ca.
Chủ tịch thông tin thêm, tại Trung Quốc đang diễn ra tình trạng lây nhiễm trở lại. Sau Trung Quốc, đến Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, Đông Nam Châu Á, Nga, Ấn Độ, Brazil, Châu Phi, Úc…dịch bệnh lây lan với mức độ nhanh và tàn phá khủng khiếp. Các nước cạnh Việt Nam như Lào và Campuchia cũng đã bùng phát dịch bệnh.
Tại Việt Nam, đến nay đã khống chế được nguồn dịch về từ Châu Âu, Mỹ, vùng Đông Nam Châu Á. Số người trở về từ những vùng này đã được đưa vào các khu cách ly tập trung trên các tỉnh, thành phố. Đối với những trường hợp này, Hà Nội đang kiểm soát tốt và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt trong thời gian thực hiện cách ly.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cho rằng: Chúng ta đang bước vào giai đoạn vô cùng nguy hiểm. Dịch bệnh đã lan truyền rộng hơn trên địa bàn TP, có nguy cơ lây nhiễm chéo trên các tỉnh, thành phố.
Riêng tại BV Bạch Mai, dịch bệnh đã lây lan ra 20 quận huyện của Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Có một số trường hợp F3 đã trở thành F0. Song Chủ tịch UBND TP khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn có thể khoanh vùng dịch nếu như mỗi cá nhân, gia đình đều có ý thức tự giác”.
Với diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay, chưa ai và chưa quốc gia nào đưa ra dự báo dịch bệnh sẽ kết thúc vào thời điểm nào. “Dịch bệnh sẽ còn kéo dài, chứ không thể trong vòng 1 đến 2 tháng. Vì thế chúng ta phải xây dựng phương án phòng chống dịch dài hạn” - Chủ tịch UBND TP nói.
Đối với các nước kém phát triển, mức độ tàn phá của dịch bệnh sẽ càng lớn hơn vì hệ thống y tế kém, sinh hoạt ở cộng đồng cũng kém, có thể sẽ gây ra hệ lụy lớn.
Có một số thông tin về việc có người nhiễm Covid-19 có thể tự khỏi, Chủ tịch UBND TP khuyến cáo người dân không nên chủ quan với thông tin lan truyền bệnh này có thể tự khỏi. Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế nghiên cứu, có khuyến cáo về việc người dân mắc bệnh phải đi điều trị tại cơ sở y tế, không nên tin rằng bệnh tự khỏi.
Chủ tịch thông tin thêm, với tất cả nghiên cứu từ CDC các nước, câu chuyện tự khỏi là không có hoặc rất khó khăn. Điển hình như ở Pháp có người tử vong trẻ nhất mới 17 tuổi. “Như vậy tức là dịch lây lan không trừ độ tuổi nào, chỉ có người già mắc bệnh nền thì tử vong nhiều hơn. Vì vậy, đã nhiễm phải chữa, nếu không chữa nguy cơ tử vong rất cao chứ không có chuyện 60-80% tự khỏi”, Chủ tịch nhấn mạnh.
Nhận định, dịch bệnh kéo dài sẽ tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP cho rằng: Với diễn biến hiện nay, rất có thể toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta sẽ không thể cho học sinh đi học vào ngày 15/4. Bên cạnh đó, ngành hàng không gần như đã dừng hoạt động. Toàn bộ người lao động trong ngành dịch vụ khách sạn đã không còn việc làm… “Nếu không dự báo đúng tình hình đưa đưa ra các biện pháp chính xác, rất có thể chúng ta sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của người thân của chúng ta”.
Chủ tịch nhấn mạnh, nếu không quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, chúng ta phải trả giá bằng mạng sống chứ không phải là kinh tế.
Chủ tịch UBND TP đề nghị Chủ tịch các quận huyện, phường xã phải luôn cập nhật các kiến thức và nhận thức về dịch bệnh, không được bảo thủ.
Chủ tịch UBND TP khái lược, từ ngày 6/3 đến nay, các ổ dịch nhỏ tại Hà Nội đều đã được phát hiện và dập dịch tương đối triệt để. Nhưng giai đoạn hiện nay là giai đoạn rất nghiêm trọng, ổ dịch tại BV Bạch Mai hiện đang là nơi nguy hiểm nhất.
Hà Nội nguy hiểm hơn khi có thể xuất hiện những ca nhiễm tại BV Bạch Mai sẽ lây nhiễm ra người bệnh, người nhà và người khác chỉ trong vòng thời gian ngắn. Khi đã lây và phát tán, dịch bệnh sẽ phát triển rất nhanh, nếu không có các biện pháp dứt khoát, dịch bệnh sẽ lây theo cấp số nhân của cấp số nhân. Thực tế tình hình dịch bệnh trên thế giới đã chứng minh điều đó.
Vì thế, Hà Nội phải hành động nhanh chóng và dứt khoát, không có thời gian để bàn bạc. Cần phải định hình lại nguồn lực, các vật tư y tế; khẩn trương tổ chức nhân lực có khả năng lấy mẫu xét nghiệm.
Đối với các nhiệm vụ cần làm ngay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị có có cán bộ chuyên môn cập nhật dữ liệu thường xuyên lên ứng dụng Smart City để các đơn vị khác nắm bắt thông tin. Tất cả các trường hợp cách ly tại nhà bắt buộc phải cập nhật tình hình lên ứng dụng.
Mặt trận tổ quốc các cấp vận động người dân và có hỗ trợ các trường hợp nghèo, khó khăn đang khám chữa các bệnh hiểm nghèo.
CDC Hà Nội và trung tâm y tế các quận huyện phải khẩn trương lấy mẫu các trường hợp có các yếu tố liên quan đến BV Bạch Mai và những trường hợp nhập cảnh.
Đề nghị CDC Hà Nội sử dụng test nhanh 10 phút thông qua lấy mẫu máu. Tổ chức hướng dẫn cho các trạm y tế về việc xét nghiệm ngay.
Chủ tịch UBND TP đề nghị chuẩn bị thành lập 10 tổ công tác để tổ chức xét nghiệm nhanh trên địa bàn TP đối với những nơi tập trung đông người. Trước mắt chiều nay sẽ triển khai ngay tại các phường xung quanh BV Bạch Mai. Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị y tế cho những trạm lấy mẫu di động.
Đề nghị BV Bạch Mai đề xuất với Bộ Y tế công khai những trường hợp tử vong do những bệnh lý khác, tránh trường hợp kẻ xấu lợi dụng thông tin rằng đây là những trường hợp tử vong do Covid-19 gây hoang mang dư luận. Bên cạnh đó, tuyên truyền và xét nghiệm lại toàn bộ cho các nhân viên y tế, y tá, bác sĩ yên tâm làm việc.
Về Công ty Trường Sinh, Chủ tịch thông tin, có khoảng 90 người làm việc trong BV Bạch Mai, riêng bộ phận đưa nước có 23 người thường xuyên có tiếp xúc gần. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung lưu ý toàn bộ việc lây nhiễm và phát tán bệnh dịch Covid-19 trong Bệnh viện Bạch Mai là thuộc Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện.
Chủ tịch TP cho biết, đã trao đổi với Giám đốc công ty Trường Sinh, toàn bộ việc nấu ăn của công ty Trường Sinh dưới sự giám sát của Khoa Dinh Dưỡng BV Bạch Mai nên coi các nhân viên nấu ăn vào bệnh viện làm việc và có hợp đồng với Khoa Dinh Dưỡng của BV Bạch Mai chứ không phải là công ty tư nhân vào bệnh viện làm đơn lẻ.
“Anh Giám đốc Công ty nói rằng, hàng ngày có 7 nhân viên Khoa Dinh Dưỡng xuống kiểm tra nguồn thực phẩm, giám sát quá trình nấu nướng, dinh dưỡng... tóm lại đây là một bộ phận của Khoa Dinh Dưỡng BV Bạch Mai, vận hành cho Khoa chứ không phải công ty tư nhân tự nhiên vào đây làm”, Chủ tịch nói.
Bộ Tư lệnh Thủ đô tiếp tục tổ chức tốt các trung tâm cách ly. Các trường hợp cách ly hết 14 ngày thì phải tiếp tục có quyết định cách ly thêm 14 ngày tại nhà, cần phải thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm tiếp nhận tất cả các trường hợp F1 trên địa bàn TP. Các bệnh viện TP sẽ không tiếp nhận các trường hợp F1 để chuẩn bị nguồn lực cho việc chữa trị các bệnh nhân.
Chủ tịch UBND TP khuyến cáo các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu cho nhân viên nghỉ và tận dụng tối đa làm việc qua mạng, hạn chế việc lây nhiễm chéo.
Chủ tịch UBND TP nêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới: Nếu như chúng ta thực hiện các biện pháp như vừa qua sẽ hạn chế được 60-65% việc lây lan. Nếu làm quyết liệt hơn nữa thì chúng ta có thể nâng được tỷ lệ này lên 95%.
TP đề nghị tất cả các trường hợp đã đến BV Bạch Mai từ ngày 10/3 đến 28/3 cần khẩn trương cách ly, liên hệ với lực lượng chức năng để lấy mẫu xét nghiệm, khai báo y tế. Các trường hợp đó bao gồm: bệnh nhân đã từng điều trị và mới ra viện trong thời gian từ ngày 10/3-28/3; những bệnh nhân nằm trong 1.592 trường hợp từ BV Bạch Mai đã chuyển các tuyến BV; người nhà đến trông nom bệnh nhân trong thời gian từ 10/3-28/3; bệnh nhân điều trị ngoại trú đã đến khám tại BV Bạch Mai từ ngày 10/3-28/3; những người đã từng đến thăm hỏi bệnh nhân trong tất cả các khoa tại BV Bạch Mai từ ngày 10/3-18/3; các học sinh, sinh viên của các trường Cao đẳng Y tế, Đại học Y Hà Nội đến học tập, thực tập tại BV Bạch Mai từ ngày 10/3-28/3; những người tiếp xúc với bác sĩ, y tá tại BV Bạch Mai rồi đi chữa bệnh tại các BV khác trên địa bàn TP từ 10/3 đến nay; tất cả thân nhân của những người đã tham gia vào công tác khám chữa bệnh tại BV Bạch Mai; những người có tiếp xúc với bệnh nhân BV Bạch Mai hiện nay đã dương tính với Covid-19.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn không tổ chức thăm hỏi bệnh nhân tại các BV trên địa bàn, chỉ cho phép 1 người nhà vào thăm và trông bệnh nhân nặng. Tất cả các y tá, bác sĩ trên địa bàn TP cần được xét nghiệm, ưu tiên lực lượng tại 41 khoa truyền nhiễm tại các BV. Các khoa dinh dưỡng cần tổ chức nấu ăn và kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm.
TP giao CDC Hà Nội triển khai các trạm xét nghiệm nhanh ở các phường xung quanh BV Bạch Mai, sau đó ở các BV nội thành và ngoại thành và một số nơi tập trung đông người khác. “Việc này phải triển khai càng nhanh càng tốt” – Chủ tịch UBND TP nói.
Với phương châm “4 tại chỗ”, Chủ tịch các quận, huyện toàn quyền quyết định việc cách ly, điều tra làm rõ và tổ chức quản lý cách ly tại cộng đồng. Chủ tịch UBND TP cho rằng, nếu chúng ta kiểm soát tốt ổ dịch tại BV Bạch Mai thì cơ bản sẽ ngăn chặn được sự lây nhiễm của dịch bệnh, nếu không hậu quả sẽ khôn lường.
http://kinhtedothi.vn/phat-hien-3-ca-duong-tinh-sars-cov-2-la-nguoi-cham-soc-benh-nhan-tai-bv-bach-mai-379342.html