Dư luận đang quan tâm nhiều đến vấn đề vi phạm của chủ đầu tư khi không tiến hành thành lập Ban quản trị nhà chung cư.
Chuyên gia Vũ Quang Vinh - Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Nhưng mặt trái của sự việc là một số ban quản trị lại hoạt động không hiệu quả, gây ra xung đột với chính cư dân. Trao đổi với pv, chuyên gia Vũ Quang Vinh - Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, phải tăng cường tính trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các Ban quản trị nhà chung cư.
Thời gian gần đây, xung đột giữa cư dân với Ban quản trị tòa nhà có dấu hiệu tăng. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Đúng là trong thời gian qua đã có những mâu thuẫn, xung đột xảy ra giữa Ban quản trị chung cư với cư dân. Theo tôi, nếu không giải quyết thấu đáo sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và sớm muộn sẽ trở thành vấn nạn, dẫn đến xảy ra tranh chấp khó giải quyết giống như những tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân các dự án chung cư như hiện nay. Tôi cho rằng, những mâu thuẫn này chưa bùng phát nhưng nó đang âm ỉ tại rất nhiều dự án chung cư.
Vậy những mâu thuẫn dễ dẫn đến xung đột nhất giữa Ban quản trị chung cư với cư dân là gì, thưa ông?
- Đó chính là vấn đề liên quan đến lợi ích của cư dân, mà cụ thể là vấn đề tài chính. Ban quản trị nhà chung cư là một tổ chức được pháp luật công nhận. Họ hoạt động có con dấu, có tài khoản riêng, được trả thù lao trách nhiệm và các chi phí hợp lệ khác theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư.
Không những vậy, họ còn được giao quyền quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và quyết định của Hội nghị nhà chung cư, báo cáo Hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này. Đồng thời còn được đề nghị Hội nghị nhà chung cư thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư... Như vậy, có thể nói, Ban quản trị nhà chung cư giống như một đơn vị sự nghiệp.
Chính vì được giao quyền quản lý tài chính nên đã xuất hiện những khoản chi không minh bạch, có thể được dùng để chi cho việc bảo dưỡng - bảo trì các hạng mục xuống cấp của tòa nhà và có thể được chi cho các mục đích khác... Khi cư dân yêu cầu công khai, giải trình thì Ban quản trị lại lúng túng, mập mờ nên đã xảy ra những mâu thuẫn, lâu dần trở thành xung đột.
Vậy theo ông, cách nào để giải quyết thấu đáo vấn đề này?
- Thời điểm hiện tại, đa phần các Ban quản trị nhà chung cư được cư dân bầu ra đều là những người lớn tuổi, cán bộ về hưu, vì họ cho rằng cộng đồng chung cư cũng giống như ở làng, xã nông thôn.
Những người lớn tuổi là những người được tôn trọng, tiếng nói của họ sẽ có sức nặng nhất định đối với cộng đồng, nhưng thực tế không phải thế. Tuy chung cư cũng là một cộng đồng dân cư nhưng đó không phải cư dân của một vùng có chung tập tục sinh sống, mà ở đây tập hợp tất cả cư dân các vùng miền. Văn hóa ở chung cư khác với văn hóa làng xã và về quản lý chung cư thì quản lý theo chính quyền đô thị.
Theo tôi, để các Ban quản trị hoạt động tốt hơn nữa phải tăng cường thiết chế pháp luật về trách nhiệm của những người tham gia. Nếu có hành vi làm thiệt hại, mất mát tài sản phải chịu trách nhiệm đền bù theo quy định của pháp luật, nếu thiệt hại lớn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xin cảm ơn ông!