Minh họa của Nguyễn Văn Đức
Căn nhà nhỏ ở phố Đội Cấn bố mẹ tôi cho chỉ hơn chục mét vuông, xây lên bốn tầng, tuy không rộng rãi khang trang nhưng ấm áp, đủ dùng cho đôi vợ chồng mới cưới. Bố mẹ tôi ở ngay bên cạnh. Mấy ngày nay xoay vào đám cưới của tôi, ông bà nhiều việc chạy đi chạy lại, nên tối đi nghỉ sớm. Còn tôi… vẫn đợi anh. Hơn 21 giờ, hơn 22 giờ… 24 giờ, vẫn không thấy anh về.
Tôi lững thững ra đầu phố ngóng đợi. Đêm khuya, phố vắng, gió từ hồ Tây thổi vào mơn man trên má, trên tóc nhưng sao người tôi lại nóng bừng. Có chuyện gì đã xảy ra chuyện gì với anh chăng? Anh đi đâu mà giờ này chưa về? Cầu mong đừng có tai vạ gì xảy đến với anh. Cầu trời, hãy để anh về với tôi. Vâng, dù thế nào, anh cũng đã là chồng tôi rồi.
Anh, quê Hưng Yên, hát hay, đẹp trai. Trời phú cho anh giọng hát trầm ấm, mượt mà, nhiều cô gái mê. Tôi ngã vào lòng anh khi nghe anh cất lên “Những cô gái quan họ”, “Ca dao em và tôi”, “Về quê” …, dù bố mẹ còn nhiều băn khoăn. “Nhân vô thập toàn”, tôi nói với bố thế.
Hơn 12 giờ đêm, tôi lủi thủi trở về nhà và thiếp đi. Gần sáng giật mình, mặt trời đã lấp ló đằng Đông. Tôi uể oải ngồi dậy, chẳng buồn chải lại tóc tai. Có chuyện gì vậy? Anh đi đâu? Nếu bố mẹ tôi hỏi thì trả lời sao đây. Càng lúc ruột gan tôi càng rối như tơ vò. Nhà bên, bố mẹ tôi đã dậy. Bố tôi xuống sân tập thể dục như thường lệ. Chắc là bố tâm lý để cho con gái ngủ thêm nên mở cửa rất nhẹ. Gần trưa mẹ tôi gọi: “Trưa nay, hai đứa sang nhà mẹ ăn cơm, không phải nấu nướng gì nữa nhé!”. Tôi chìm vào ngổn ngang trăm mối, trả lời mẹ sao đây.
Cả ngày sau, anh cũng không về. Chập tối, tôi nhận được điện thoại: “Anh xin lỗi”. Hoàng hôn ngày cưới của tôi, anh nhận được cuộc gọi của người yêu cũ. Cô ta bảo vừa từ Sài Gòn ra Hà Nội và đang đợi anh ở khách sạn. Thế là anh bỏ tôi, đến ngay khách sạn với cô ta. Sau đó, tôi chỉ nhớ mình rơi vào một cái hố đen ngòm, không biết gì nữa. Khi tỉnh lại thì thấy bố ngồi bên cạnh, đang cầm tay tôi. Mắt bố tôi buồn nhưng ông cố nở nụ cười làm ra vẻ bình thản: “Không sao, bố biết cả rồi”.
Tôi nằm liệt giường, không dám nhìn bố mẹ vì tôi biết nhìn vào đó sẽ thấy thăm thẳm một nỗi buồn. Tôi cũng không dám ra phố vì sẽ có những ánh mắt nhìn tôi soi mói và những tiếng xì xào…
Năm ngày sau, anh về. Anh quỳ xuống xin tôi tha thứ. Anh thề thốt và đêm ấy lại hát cho tôi nghe. Không biết lời thề hay tiếng hát của anh làm tôi mủi lòng. Anh ở với tôi đúng chín ngày. Đêm ngày thứ chín anh lại đột ngột bỏ đi. Gần một tháng sau, anh gọi điện về báo rằng anh đã đi theo cô gái nọ vào Sài Gòn sinh sống. Một lần nữa lại xin lỗi.
Cái bào thai trong bụng tôi cứ lớn dần. Tôi vui với công việc ở một cơ quan truyền thông và đám bạn gái từ cấp một đến cấp ba. Mấy bà cô quá lứa nhỡ thì hay tụ tập ở nhà tôi. Chúng ăn uống, nói cười thoải mái, vô tư. Có lúc, tôi ao ước được rảnh rang như chúng nó.
Hơn chín tháng mười ngày tôi hạ sinh một cô công chúa xinh xắn, kháu khỉnh và là niềm an ủi, vui sống của tôi. Nghe theo lời rủ rê của mấy đứa bạn gái, tôi tham gia sinh hoạt ở một câu lạc bộ. Tại đây, tôi gặp một chàng không điển trai, không biết hát… nhưng lại chiều tôi hết mức. Mỗi lời tôi nói ra như một mệnh lệnh với chàng. Nhìn cái dáng nhỏ thó chạy đi sau mỗi câu nói của tôi mà thấy thương thương. Tôi ngã vào tay chàng lúc nào không hay. Nhà chàng ở phố Hoa Vàng. Tôi và con gái theo chàng về đó ở. Bố mẹ chồng ở chung với chúng tôi. Một cuộc sống mới, với tôi, lại làm lại từ đầu. Bố chàng là giáo viên, mẹ chàng là cán bộ nghỉ hưu - những người mẫu mực của lớp cán bộ trước 1975. Tôi tưởng cuộc đời mình đã tìm được bến đỗ, con gái tôi có chỗ dựa. Nhưng, được bảy ngày, đêm khuya hôm đó, chàng đi chưa về, mẹ chồng bảo tôi đèo bà đi tìm. Bà biết, và dường như đã quen, nên chẳng bao lâu, đã tìm thấy chàng đang vui với đám bạn ở quán bia. Mặt chàng tím tái lại càng tím tái hơn khi nhìn thấy mẹ và vợ. Chàng miễn cưỡng chia tay bạn nhậu dù cuộc vui đang dang dở. Về đến nhà, chàng đóng sầm cửa lại và cứ thế ở trong buồng đánh tôi túi bụi. Vừa đánh, vừa hét: “Mày làm mất thể diện của tao trước bạn bè”.
Con gái tôi co rúm người lại, khóc lóc và sợ hãi. Bố mẹ chồng đập cửa ầm ầm. “Đồ khốn nạn, lại chứng nào tật nấy rồi” - Bố chồng vừa quát vừa xô cửa.
Hóa ra, chàng nghiện rượu. Không ít lần chàng đã lao vào gốc cây bị sứt đầu mẻ trán nhưng không chừa. Chàng đi, cứ đi, không bỏ được rượu và đám bạn nhậu, về đến nhà là say khướt và cà khịa. Mẹ chồng van xin tôi: “Con hãy thương nó. Mẹ cứ tưởng lấy con về thì nó thay tâm đổi tính, ai ngờ”.
Tôi chẳng dám một lời ca thán với bố mẹ. Vì, lần thứ hai, tôi tự nguyện theo tiếng gọi của con tim, vất vả, khổ đau con chịu. Nhưng con tim tôi lại lần nữa lỗi nhịp.
Sau một lần đi nhậu về, hắn đánh tôi đau quá. Sáng đến cơ quan, tôi đau bụng dữ dội và bị sảy thai. Tôi cố giấu bố mẹ nhưng không giấu được con gái tôi. Cháu buồn lắm và lo cho tôi lắm. Bất ngờ, một ngày tỉnh táo, chàng về kể với tôi câu chuyện bố đẻ tôi đến tìm chàng ở cơ quan. Hai người ngồi nói chuyện ở quán trà vỉa hè. Bố tôi kể rằng:
- Hòa, con gái, là đứa hướng nội, ai mà được nó yêu thương thì nó sống hết mình với người đó. Rằng: suốt cả cuộc đời bố tôi, nào thuở nhỏ ốm yếu, thiếu thốn, nào những ngày gian khổ ác liệt ở Trường Sơn trong thời chống Mỹ, đến khi có vợ, có con thì với bố gia đình luôn có ý nghĩa thiêng liêng. Gia đình là nơi ta cất tiếng chào đời, che chở ta những lúc vấp ngã trên mọi nẻo đường đời và giang rộng vòng tay đón ta về trong những ngày cuối trước lúc đi xa. Gia đình, nơi ấy có vợ, có con ta. Nơi ấy, hơn mọi thứ vinh hoa, của cải phù phiếm. Bởi vinh hoa đến mấy, của cải nhiều đến mấy cũng chỉ như ánh hào quang lóe lên nhanh cũng vụt tắt nhanh. Nhưng gia đình thì còn mãi. Vì thế, hãy biết yêu thương, trân trọng, gìn giữ ngọn lửa ấm gia đình, ngọn lửa hạnh phúc.
- Bố nói những điều mà bố đẻ con chưa bao giờ nói cho con nghe cả - Chàng đáp lời trong bộ dạng có vẻ xúc động như là bố vợ đã chạm đến trái tim bấy lâu nay chìm trong hơi men của chàng.
Tôi thầm hy vọng: Bố ơi, cám ơn bố nhiều lắm. Mỗi bước con đi, từ lúc chập chững đến giờ đều có bàn tay bố đỡ cho con. Nào là những khi trái nắng trở trời, nào là học những ngôi trường tốt nhất ở Thủ đô. Mẹ thương con gái bằng tình thương liền khúc ruột, cha thương con gái bằng tình thương dằng dặc một đời. Với tôi, bố là người bình thường nhưng luôn thương tôi nhất, tình cảm nhất và tốt nhất trên đời. Một người của một thời.
Có lần, con nghe lỏm được câu chuyện của bố và mẹ:
- Anh cố lo lấy một chỗ làm cho con gái khi ra trường. Việc này em không lo được.
- Yên tâm, anh sẽ cố gắng.
Ngày tôi tốt nghiệp đại học, bố bảo: “Bố cho nghỉ thoải mái một tháng, sau đó đi làm”. Đúng một tháng sau, tôi đi làm ở một cơ quan truyền thông lớn, có uy tín và đang “hot” nhất lúc bấy giờ. Vì nhiều lý do, năm sau tôi chuyển đến một cơ quan thuộc Tổng cục Bưu điện, cũng là một cơ quan “hot” và lại một lần nữa có bàn tay của bố.
Vì thế, chuyện riêng của tôi, tôi giấu bố hoài. Vì, tôi biết, bố thương tôi bằng một tình thương giấu kín ở chỗ sâu thẳm nhất trong lòng. Nhưng trò đời, giấu mãi không được. Một lần, tôi về nhà, vô tình để lộ vết thâm tím trên mặt. “Bố biết rồi, nhưng có nhất định phải hy sinh như thế không con?” - Bố tôi trầm giọng.
Sau ngày đó ít lâu, mẹ con tôi phải nhờ đến bà con hàng xóm mới chạy được khỏi trận đòn của anh chồng vũ phu. Tôi cố chịu đựng để giữ lấy đứa con trong bụng, khi cháu sinh ra vẫn có bố. Nhưng cứ năm ngày ba trận thế này thì đứa bé cũng không giữ nổi. Tôi quyết định ly hôn.
Ngày dọn về nhà bố mẹ đẻ, tôi không còn nước mắt để khóc. Tôi không than thân trách phận, nhưng sao cuộc đời dành cho tôi nhiều éo le, trớ trêu đến thế. Biết bao đêm nước mắt ướt đầm trên gối. Trong lúc hoang mang tột cùng, trong tôi lại có mặt trời le lói: hai đứa con. Chính các con tiếp cho tôi thêm động lực và sức mạnh dấn bước trên đường đầy mưa gió cuộc đời. Bố mẹ tôi bán căn nhà gắn bó rất nhiều kỷ niệm với gia đình tôi ở phố Đội Cấn, dành một phần tiền mua cho tôi căn hộ chung cư ở phía Tây sông Tô Lịch. Có gì ở vùng đất mới đang chờ mẹ con tôi, tôi chưa thể biết, nhưng rõ ràng gần như tháng nào cũng ít nhất một lần bố tôi đạp xe sang bên kia sông Tô Lịch thăm chúng tôi.
Thoắt cái đã gần 10 năm tôi mạnh dạn sang phía Tây sông Tô Lịch để định cư, một cuộc dịch chuyển về địa lý và cả xê dịch của số phận, tôi vừa thấy lạ lẫm, vừa thấy xa xôi. Ngày ấy, đường xa heo hút, ngọn đèn đường đỏ quạch. Tôi thấy như đang hít vào trong phổi một mùi vị khá đặc trưng: mùi vị làng. Đây vẫn còn cổng làng, kia vẫn còn tên xóm. Ăn bát phở hay uống cốc café ở đây khác hẳn trên phố cũ. Cảm giác chung là quê quê, buồn buồn.
Và rồi, phía Tây thành phố quê quê ấy được góp thêm người mẹ đơn thân một nách hai con nhỏ, áp lực cuộc đời tứ phía bủa vây, có lúc thân muốn xẻ làm đôi. Cũng từ ngày đó, tôi chuyển đến một cơ quan khác chuyên về kinh doanh và lao vào công việc như con thiêu thân để trốn tránh khỏi đối diện với bản thân mình. Tối ngày với công việc mà tôi vẫn lâm vào cảnh thiếu thốn, nợ nần, nhiều khi đi làm nhịn đói để dành tiền mua sữa cho con. Nhiều buổi sáng, nhìn con ăn nắm xôi hay mẩu bánh mì không nhân mà lòng tôi đau thắt, nước mắt chảy ngược vào trong. Dù vậy, tôi vẫn gắng tìm trường học tốt, mua những bộ quần áo mới, sắm đủ sách vở cho chúng. Dốc sức là vậy cũng chỉ vì muốn được bù đắp một phần thiệt thòi cho con trẻ cùng ước mong cháy bỏng: con mình không thua kém con người. Nhưng, một lần đi làm về, trước cảnh nhà cửa bề bộn, lại nghe cô chị mách cậu em xé trang vở bị điểm kém để giấu mẹ, cơn giận dữ bùng lên, tôi thét vào mặt con, bắt cởi áo xuống dưới sân chung cư quét rác. Rồi trước mắt tôi là thân hình bé bỏng run rẩy, tôi chẳng thể gào thét được nữa mà chỉ còn có thể ôm con vào lòng và òa khóc. Bữa tối ấy thật buồn, cả nhà ăn mì tôm.
Giờ đây, con gái tôi vào tuổi dậy thì, càng ngày càng biết thương mẹ, thương em. Căn hộ ở phía Tây sông Tô Lịch của chúng tôi đang ấm dần. Tiếng cười lan tỏa từ mẹ sang con, từ con sang mẹ. Gần nhà tôi, con phố nhỏ Lưu Hữu Phước ít xe cộ và yên tĩnh, rợp bóng mát suốt cả ngày. Hàng cây hai bên đường vươn những cánh tay lá đan xen vào nhau, có chỗ ánh nắng không lọt qua. Trưa, tiếng ve đầu hè gióng giả gọi nhau. Tôi để ý ngôi nhà ba tầng ở đầu phố có cái cổng vòm sắt cong cong đỡ lấy vài ba nhành thiên lý buông hững hờ, hoa nở vàng nhạt. Từ trên tầng hai tiếng đàn piano như gió thoảng mây trôi những câu hát trong bài “Ru con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Cô gái trẻ đang thả dáng mơ màng tựa lan can. Vân ơi, vâng tôi biết cô gái, chị muốn chụp một tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc này của em quá. Tôi thích chụp ảnh, bởi đó là trò chơi của những khoảnh khắc vui vẻ lóe sáng. Tôi bám vào khoảnh khắc chợt vui để quên đi những gì không muốn nhớ.
Các con tôi đã qua tuổi bế bồng nhưng sao lúc này tôi muốn chạy ào về nhà bế chúng vào lòng, ôm thật chặt để cảm nhận cái ngọt ngào của tình mẹ con, quên đi cái vị đắng chát của cuộc đời. Và điều bình yên nhất là được bình yên trong lòng mình - cái mà tôi bắt đầu cảm nhận vậy mà sao lại khá rõ ràng và mạnh mẽ trong tôi.
Mới đây, có một anh chàng thợ máy, bỏ vợ, bắn tin ngỏ lời. Nhưng tôi sợ lắm. Ở phía Tây thành phố của tôi có nắng, có gió và tôi đang có cuộc sống yên bình.