Nụ cười của mẹ

Nguyễn Thanh Vũ| 12/07/2019 12:45

Tôi yêu thích ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu, âm thanh nhộn nhịp của buổi đò tinh mơ và mùi hương khét lẹt của khói đồng chiều. Tất cả những điều đó khiến tôi luôn nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ lại thời ấu thơ.

Nụ cười của mẹ

Tôi yêu thích ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu, âm thanh nhộn nhịp của buổi đò tinh mơ và mùi hương khét lẹt của khói đồng chiều. Tất cả những điều đó khiến tôi luôn nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ lại thời ấu thơ. Trong ký ức tôi, mẹ rất ít cười, có lẽ do cha quanh năm làm ăn xa nhà, những khó khăn trong cuộc sống, sự khó nhọc nuôi dạy con cái đã hiện lên trên nét mặt mẹ rất rõ, không lẫn vào đâu được. Thế nhưng, có một lần mẹ đã cười và chính nụ cười ấy đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi.

Đó là khi tôi còn học tiểu học. Không biết do mình kém thông minh, hay do bận bịu với những công việc nhà khiến tôi - một học sinh từ trước tới nay thành tích học tập khá tốt lại không đạt điểm trung bình. Giáo viên gọi tôi lên phòng giáo vụ nhắc nhở rồi bảo chiều mời phụ huynh đến trường. Tôi không dám nói với mẹ việc này, tôi sợ chiếc roi trong tay mẹ, mặc dù mỗi lần mắc lỗi, mẹ bao giờ cũng giơ cao đánh khẽ. Chiều hôm đó tôi không đi học, một mình bê rổ tre ra vườn kiếm rau về cho heo ăn, mãi đến khi trời tối chị gái mới tìm thấy tôi, nói mẹ vừa ở trường về và gọi tôi về nhà. Vừa về đến nhà, mẹ chưa kịp nói gì tôi đã khóc và ôm lấy mẹ nói: “Mẹ, con không đi học nữa, ở nhà giúp mẹ nuôi heo, nấu cơm, con làm hết mọi việc nhà để các anh chị yên tâm đi học. Mẹ bảo con làm việc gì cũng được, nhưng đừng bắt con đi học…”.

Tôi là con út trong nhà, tôi nghĩ thế nào mẹ cũng đồng ý, bởi vì trong nhà cũng đang thiếu người phụ giúp mẹ. Nào ngờ mẹ lại mỉm cười, trong nụ cười của mẹ bao hàm một điều gì khiến tôi khó hiểu, mẹ vừa cười vừa lau nước mắt cho tôi: “Con ngốc, con nhỏ thế này không đi học sao được, sau này làm được cái gì? Dù sao đi nữa con cũng phải học hết trung học chứ”. “Nhưng cô giáo bảo…” - tôi khóc thổn thức. Mẹ ân cần dỗ dành: “Cô giáo nói con rất chăm học, chỉ có chữ viết không được đẹp, viết số 3 giống như số 5… vì vậy mới không đạt điểm trung bình. Sau này con phải chịu khó tập viết, thành tích học tập sẽ khá lên”. Mẹ nói xong, lấy từ trong túi áo chiếc bút máy mới tinh đưa cho tôi và nói: “Cô giáo nói với mẹ, tập viết phải dùng bút máy, chứ viết bằng bút bi chữ viết không được đẹp…”. Mẹ ngừng một lát rồi nói với chị Hai và chị Ba: “Sau này tan học về, chị em đừng đi kiếm rau cho heo nữa, ăn cơm xong cùng nhau làm bài tập, làm chị phải kèm cặp em một chút”. Tối hôm đó, tôi thao thức không ngủ được.

Từ đó, ngày nào mẹ cũng đi làm về rất muộn, và lúc nào trên tay mẹ luôn có rổ rau đầy ắp cho heo. Nửa đêm tỉnh dậy, tôi thường thấy mẹ ngồi vá quần áo, đan rổ, kiểm tra bài tập cho tôi dưới ánh đèn lờ mờ… Khi tôi đạt điểm 10 bài tập toán hay điểm 9 tập làm văn, mẹ luôn mỉm cười thay cho lời khen ngợi. Nụ cười đó như “bỏ bùa”, thôi thúc tôi học hành tốt hơn, ý thức cao hơn với bản thân mình.

Tôi học hết cấp hai và cấp ba một cách thuận lợi. Khi tôi cầm giấy báo trúng tuyển vào đại học đưa cho mẹ, mẹ mỉm cười trong ánh mắt ngấn lệ. Tôi biết, nụ cười của mẹ tràn đầy niềm vui.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nụ cười của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO