Niềm đam mê rực rỡ

Kiều Bích Hậu| 07/10/2021 09:51

Niềm đam mê rực rỡ
Minh họa của  Vũ Khánh

Hơn ba năm nay, các buổi tối Hải sương gió đều dạy môn võ Vovinam ở sân đền Hai Bà Trưng trên phố Đồng Nhân. Lớp học ngày càng đông, có người muốn học gợi ý Hải mở thêm lớp, nhưng anh từ chối. Mỗi tối chỉ dạy một lớp, có một người học cũng dạy mà cả trăm người học cũng dạy. Học phí thì vào ngày cuối tháng, mỗi học viên tự động để tiền vào một cái hộp gỗ thầy đặt trên sân đền. Ai để bao nhiêu, tùy. Ai túng quá không có tiền trả thầy cũng không sao, vài tháng sau trả bù. Tiền dạy võ ít nhiều gì cũng đủ với Hải, đổ xăng lượn lờ, cà phê là chính. Có người biết gia đình Hải thì bảo nhà ấy giàu ba đời ngồi không ăn chẳng hết của nên tiền hẳn không phải là vấn đề Hải quan tâm.
Điều Hải sương gió quan tâm là mỗi ngày phải làm được một việc tốt, nếu chưa làm thì ngày đó không thể ngủ được. Anh cũng truyền dạy tư tưởng này cho học viên lớp Vovinam buổi tối của mình. Đó được coi như ý nghĩa sống của Hải. “Xã hội này còn nhiều cảnh trớ trêu cần mình ra tay. Tìm việc tốt để làm không khó. Cái khó là làm như thế nào” - Hải nói với học viên lớp Vovinam. Thời này lắm khi giúp đỡ, làm việc tốt cho ai đó không vụ lợi mà còn bị nghi ngờ. Ngay như cô gái đêm qua được Hải cứu khỏi lũ cướp, chắc chắn cô ta nghĩ Hải muốn làm quen với người đẹp nổi tiếng nên dàn cảnh để tạo cơ hội. Nghĩ đến đó, anh mỉm cười và bỗng dưng muốn biết cô học trường nào. Thực ra, kiếm được một việc tốt đáng làm mà lại là một “xen” thú vị như đêm qua thì rất sướng. Còn nhặt cái xác chuột chết trên đường, hay đóng lại cái giường cũ người ta bỏ đi để tặng một cụ già neo đơn, giải tán đám học trò đánh nhau... thì ít gây cảm hứng dù anh cứ làm mỗi ngày. Những “xen” thú vị tạo nên được là cái “duyên”. Ừ, phải có duyên mới dược.
Ăn vèo cái bánh mì kẹp thịt, làm một cữ cà phê không đường, Hải sương gió xách xe ra phố. Lượn lờ kiếm một việc gì đó tử tế để làm. Xong rồi thì đến trò chuyện và luyện võ với một võ sư đẳng cấp Hà thành.
Chạy vè vè tốc độ chậm trên đường, Hải sương gió thảnh thơi ngắm nghía phố phường. Hà Nội vào thu không khí trời nước trong veo, xanh thẳm dễ thương. Thiếu nữ Hà Nội chở nhau trên những chiếc Piagio thong dong khoe dáng eo thon, chân dài, tóc mượt, má phơn phớt hồng và mi cong. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều việc phải làm lắm. Những khu đất mới đào xen giữa những tòa nhà sin sít chật chội, trông nguy hiểm và là nguyên nhân của một nửa bụi bặm trong thành phố. Những ùn tắc, tai nạn giao thông lẻ tẻ. Những thanh niên mặc áo body, tóc mào gà, một bên cánh tay xăm kín phóng xe lạng lách và rất có thể tìm thấy “hàng nóng” trong cốp xe chúng. Rời mắt khỏi những thiếu nữ, Hải dõi theo hai thanh niên đi xe “Su”, không đội mũ bảo hiểm, tay xăm rồng quấn từ bả vai xuống hết bàn tay. Hai đứa nói chuyện gì đó với nhau cười hí há. Đột ngột chúng ngừng cười, rồ ga vút lên. Đứa phía sau giật phắt điện thoại một phụ nữ đang vừa đi xe máy vừa nói chuyện điện thoại. Chị này loạng choạng rồi rú lên “cướp! cướp!”. Nhanh như điện xẹt, Hải vọt lẹ lên trước chị ta, đuổi theo xe hai thằng cướp. Đường đông quá nguy hiểm, hai thằng uốn éo luồn lách như làm xiếc, phải công nhận tay lái thằng kia quá lụa. Thêm ba xe nữa cùng đuổi theo xe cướp. Hải quyết định ra đòn. Đúng lúc xe hai tên cướp bó vỉa khúc rẽ Phạm Ngũ Lão ra phố Chương Dương, anh bốc đầu xe vọt chặn, đuôi xe quệt qua đầu xe hai tên cướp làm chúng ngã xoài bắn lên vỉa hè. Mấy người cùng đuổi theo hai tên cướp ghìm xe lao lên vỉa hè chặn đầu. Một cuộc ẩu đả tập thể xảy ra. Hải tung vài cú đá, nhanh nhẹn khóa tay một thằng, thằng kia bỏ chạy được vài bước thì bị cảnh sát ập tới tóm gọn. Móc chiếc điện thoại từ tay tên cướp, Hải đưa trả người phụ nữ cũng vừa chạy tới nơi. Thằng kia trước khi bị cảnh sát khóa tay lôi đi, còn gằn giọng đe dọa Hải: “Mày nhớ mặt tao!”, anh giả bộ sợ hãi, lấy hai tay che mặt.
Hải nhanh chóng thoát khỏi đám đông. Anh cũng không thích nhận lời cảm ơn hay phải làm chứng lằng nhằng. Lòng nhẹ nhàng phấn khích, anh vòng xe trở lại phố Hai Bà Trưng. Chợt Hải khựng lại khi thoáng thấy bóng dáng quen quen vừa đi vào cổng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Anh bối rối dừng xe lại, nhìn hút theo cái bóng dáng kia một lúc. Trước mặt anh hiển hiện dáng gầy mảnh với đôi chân dài, cặp mắt ánh lên bướng bỉnh. Lila - cô người mẫu đêm qua được Hải cứu thoát - Hải mấp máy tên cô rồi bỏ đi, thầm nghĩ: “Nếu có duyên nhất định sẽ gặp lại”.
***
- Lila, cô đi đứng sao thế? - Đạo diễn Cường xoăn cao giọng - Cứ như bị thọt vậy. Hai chân cô phải dẻo như cao su, mà phải nhẹ như gió thoảng. Cô phải đi như trong mộng, cô phải khiến khán giả ước mơ, hãy sải những bước chân kỳ diệu, đi như không có ngày mai.
Lila cắn răng bước tiếp. Cơn đau ở hông và gối chặn niềm vui thú của cô. Cứ như có những lưỡi dao cắt cứa bên hông làm chân cô cứng lại.
- Dừng lại! Lila, có cần tôi bơm cho cô một liều… thì cô mới bay trên đôi chân của cô được?- Đạo diễn Cường nóng nảy quát vào mic và tiến lại gần Lila.
- Đạo diễn thông cảm - Lila thì thào - Em bị ngã xe trẹo chân.
- Tôi là đạo diễn, không phải bố cô - Cường nhếch mép - Tôi bất cần chuyện khác, ngoài việc cô phải diễn bay bổng nhất. Nếu không chúng ta cần thay người mẫu.
Lila tái mặt. Cô không muốn bỏ đêm diễn quan trọng này. Nhà tạo mốt Lê Thy xen vào:
- Không được thay. Tôi muốn Lila diễn trong màn cuối bộ sưu tập mốt của tôi, dù cô ấy chỉ có một chân cũng được.
- Ok! - Cường xoăn phẩy tay -  Vậy thì phiền Lê Thy lo giúp cho cô ấy một liều thuốc giảm đau. Tôi không muốn đưa một cái chân gỗ lên sàn catwalk.
Nuốt một liều thuốc giảm đau cực mạnh, Lila ngồi nghỉ chừng chục phút cho ngấm thuốc. Cô vỗ nhẹ vào hông “Nào, cô mình, cố lên. Đi như ngày mai không bao giờ đến”. Đêm diễn quan trọng này, hơn một nghìn khán giả trực tiếp tại sân khấu, và hàng triệu khán giả xem truyền hình trực tiếp giới thiệu chín bộ sưu tập đắt giá nhất cho mùa đông tới, chẳng phải là những sải chân mơ ước của Lila sao? Cô sẽ sải những bước chân dài và nhẹ. Đôi chân dài mảnh mai sẽ giúp cô sải những bước catwalk huyền thoại. Không phải là những sải chân, mà là một làn gió phấn khích, một luồng ánh sáng rực rỡ, một siêu thanh vút bay. Lila nhắm mắt, hít một hơi thật sâu và đứng dậy. Lạ lùng quá, cơn đau như đã lùi xa, nhường chỗ cho sự phấn chấn và kích thích cực độ. Đôi chân cô nhẹ bỗng.
Lila bước đi trong tiếng nhạc mạnh, cảm giác rõ rệt lớp tơ mềm mại mơn trớn trên đùi, lớp dạ ram ráp massage làn da. Cô nhìn thẳng, môi mím nhẹ, ánh mắt truyền đi một niềm đam mê rực rỡ, làm lan tỏa một năng lượng phấn khích, mơ mộng và hoang dại không thể kiểm soát. Đó là thứ cảm hứng điên rồ điển hình của mốt mà người ta mong được hưởng khi tới với sàn catwalk. Chỉ những vedette của sàn diễn như Lila mới đủ năng lực khơi dậy hứng khởi hoang dại ấy, như một cơn lốc tham lam bất thình lình xuất hiện, cuốn xoáy rồi tan biến.
- Lila, em tuyệt lắm! - Nhà tạo mốt Lê Thy ôm chầm lấy cô sau cánh gà - Em lấy đâu ra năng lực quyến rũ mê hồn như thế. Em đã làm trang phục của tôi tỏa sáng. Cảm ơn em rất nhiều!
Đúng lúc này, Lila như muốn xỉu vì cơn đau rút hông trở lại. Cô chỉ có thể im lặng gật đầu trước thịnh tình của nhà tạo mốt Lê Thy.
Rời vòng tay ôm của Lê Thy, Lila loạng choạng đi về phòng thay đồ. Đạo diễn Cường tóm được cô, anh đỡ cô đi.
- Này cô bé, tan hết thuốc rồi phải không? - Anh vỗ nhẹ lưng cô an ủi - Nghề của chúng ta phải thế, quên hết mọi sự cho sàn diễn, những giây phút thần thánh trên catwalk. Nhớ nghỉ ngơi bảo dưỡng đôi chân vàng ngọc của cô nhé.
- Cảm ơn anh! - Lila chỉ đáp được có thế.
Nhét cái phong bì cát xê vào xắc tay, tẩy trang vội vàng, Lila nghĩ không biết làm cách nào mà lấy xe về nhà bây giờ. Cô tập tễnh ra bãi gửi xe, nhờ người trông xe dắt xe ra khỏi bãi. Cố đẩy xe đến vỉa hè thì Lila phải ngừng lại vì đau. Cô gạt chân chống, đứng tựa vào xe, thở sâu. Chẳng lẽ có cái xương nào gãy? Ôi! Cầu Phật phù hộ cho đôi chân của con.
- Chào Lila! Chân cô không nhấc nổi rồi à?
Lila giật mình ngước lên, một dáng người cao, rắn rỏi đứng sát bên cô từ lúc nào.
- Hải sương gió đây - Anh chàng mỉm cười - Chắc cô chưa kịp quên tôi nhỉ.
- A, anh xuất hiện đúng lúc tôi cần đấy. - Lila nhăn mặt vì đau, nhưng chợt thấy an lòng rất lạ.
- Tôi vừa xem chương trình biểu diễn của cô - Hải giải thích - Tôi không biết nói như thế nào, nhưng đúng là cô sinh ra cho sàn diễn. Mà sao cô có thể lướt đi tuyệt vời như thế khi chân còn đau? Không thể tin nổi.
- Tôi đã dùng thuốc giảm đau - Lila nhăn nhó - Bây giờ thì hết thuốc rồi nên chân tôi như cột đá vậy, không nhấc nổi nữa.
- Cô đừng dùng thuốc đó, rất hại cho dạ dày và còn gây nghiện - Hải lắc đầu - Đưa chìa khóa xe cho tôi, tôi đưa cô về nhà. Ngày mai tôi sẽ đưa cô đi bệnh viện chụp kiểm tra xem có vấn đề gì không.
- Không được đâu! - Lila hốt hoảng - Bà ngoại tôi sẽ giết!
- Giết cái gì? - Hải giả vờ ngạc nhiên.
- Giết cả tôi và... anh - Lila đáp.
- Tốt! Nhiều kẻ dọa giết tôi lắm. Tôi muốn thử cảm giác bị giết xem nó hay thế nào - Hải nói rồi nổ máy xe, chờ Lila nhúc nhắc trèo lên xe. Anh cho xe đi chầm chậm. Giá như có phép màu kéo dài con đường ra mãi.
- Tôi có nhược điểm lớn, cô biết là gì không? - Hải hét to lên và thấy ngạc nhiên với chính mình.
- Tôi không biết, anh hãy khai thành thực đi! - Lila cũng hét lên, chợt thấy lòng phóng khoáng lạ.
Gió ù ù thổi.
- Nhược điểm chết người của tôi là: quá say mê võ thuật và muốn làm người hùng! Nghe “sến” lắm không?
- Tốt! - Lila cười tít mắt.
- Người hùng, cô không hiểu? - Hải ngoảnh mặt về phía trái, nói to - Cái thứ mà bây giờ người ta cho là dở hơi nhất ấy.
- Người hùng chỉ có trong chiến tranh và truyện cổ tích thôi - Lila gật gù - Còn thời bây giờ thì người hùng là đồ dở hơi biết bơi. Ha ha!
Cả hai cùng cười vang, tiếng cười bay theo gió đêm. Tuổi trẻ dễ vui. Họ chẳng chút mảy may nghi ngờ rằng, những thảm kịch đang chờ họ phía trước. Họ cứ thế mà tiến tới thôi.
- Dừng lại ở đây thôi - Lila đập nhẹ vào lưng Hải - Ngõ nhà tôi đây rồi.
Hải dừng xe, nhưng vẫn để máy nổ:
- Tôi sẽ đưa cô về tận nhà, dắt xe vào nhà cho cô. Tôi chắc cô không nhấc nổi chân nữa kìa.
- Bà ngoại tôi sẽ giết tôi, thật đấy - Lila rên rỉ - Để tôi thử xem nào. Thà đau còn hơn nghe bà day rỉa.
Lila thận trọng xuống xe, tập tễnh bước. Chân trái đau tê dại. Cô xua tay khi Hải buông xe máy đỡ lấy cô.
- Sao cô phải sợ bà cô thế? - Hải băn khoăn - Bà chứ có phải hổ dữ đâu. Cứ nói với bà, tôi là bạn của cô. Cô đã là một sinh viên rồi, chả lẽ không có quyền kết bạn?
- Tôi không sợ bà - Lila nghếch cằm lên - Tôi rất nể bà tôi, vì bà đã thay mẹ để nuôi và bảo vệ tôi chục năm trời. Tôi sẽ cố, hết sức cố gắng nể trọng bà, nghe lời bà, cho đến khi nào còn có thể. Anh cứ mặc tôi.
- Khoan đã - Hải giữ tay Lila - Cô hãy lưu số máy của Hải sương gió này. Bất cứ khi nào cô cần, hãy điện thoại cho tôi. Tôi sẽ ở bên cô, giúp cô vô điều kiện. Và cô không cần phải băn khoăn nghĩ ngợi gì về tôi cả. Không cần nghĩ ngợi một tí gì.
Dù đau, nhưng Lila vẫn bật cười:
- Vô điều kiện thật chứ?
Hải sương gió xòe hai bàn tay:
- Đôi tay này từng can dự vào nhiều việc, cũng giúp được người ta, mà không đòi hỏi gì. Đó là ý nghĩa sống của tôi. Đừng nghĩ tôi trông chờ gì đó ở cô như mớ ba láp ngoài đường kia kìa. Tôi khác họ. Cô chớ bỏ qua những lời chân tình của tôi.
Giơ ngón tay cái lên, Lila chớp chớp mắt:
- Anh làm tôi xiêu lòng đấy. Nhưng tôi không mong là mình sẽ có chuyện để phải phiền đến anh. Tôi chỉ ước có thể ngồi sau xe anh, phóng vun vút trên một cây cầu lớn qua sông Hồng.
- Ồ - Hải bật cười - chuyện dễ ợt, có gì mà phải ước ao. Đợi cái chân cô khỏe lên, chúng ta đi liền. Thỉnh thoảng nhớ gió, tôi vẫn một mình phóng xe qua cầu vượt sông Hồng. Giờ thì có người chung sở thích rồi.
- Lila! - Tiếng thét giật giọng làm đôi trẻ đang tíu tít trò chuyện đứng tim.
Lila nhanh chóng thoát khỏi khoảnh khắc sửng sốt, cô đập vào vai Hải vẫn đứng chết giấc.
- Anh đi mau đi.
Quá luống cuống vì bị bất ngờ, Hải không mở miệng nổi trước ánh mắt nảy lửa của bà già. Anh len lén chuồn vội.
- Thằng kia, mày đứng lại tao hỏi đã! - Bà ngoại Lila xỉa tay theo bóng chàng trai.
Cắn chặt răng, Lila đẩy xe vào ngõ:
- Lila, thằng mất dạy ấy là thằng nào? - Tiếng bà ngoại xoe xóe như xé vải, làm rúng động cả xóm. Mấy cái cửa sắt rít lên mở ra với những cái đầu bù xù mang ánh mắt tò mò xen lẫn ái ngại.
- Bạn con - Lila đáp gọn lỏn. Cô nhăn nhó không phải vì những ánh mắt đang soi mói nhìn cô, mà vì cái chân đau quá. Cô chỉ muốn vứt xe mà ngã lăn ra nhưng phải cố gắng. 
- Bạn bè gì mà thậm thụt đầu đường xó chợ? Mới nhìn thấy bà nó đã lẩn mất. Rõ là mặt thằng ăn cướp!
- Sao bà dám nói về người ta như thế? - Lila bực bội - Bà biết gì về người ta mà đã nói như vậy?
- A, con này giống tôm cứt lộn lên đầu rồi phỏng?
Lila vừa kịp đẩy xe vào nhà thì bà ngoại liền sấn đến trừng mắt xỉa xói:
- Đồ mất nết! Cái thói bênh giai nảy nòi!
Lila vừa kịp quay lại thì cú tát của bà giáng xuống trúng tai cô.
- Sao bà độc ác thế - Lila thét lên.
Cơn điên giận nổi lên, bà túm cái gậy gỗ dựng bên cửa nhằm giáng thẳng vào lưng Lila. Thoắt cái, một cánh tay rắn như thép thình lình giơ ngang đỡ cú vụt của cây gậy. Lực phản lại làm bà chùn cổ tay.
- Dừng lại! - Tiếng đàn ông lạnh lùng vang lên - Bà không được đánh cô ấy.
Hải sương gió đã đứng chắn giữa bà ngoại và Lila.
- A. Quân ăn cướp. Mày dám thò mặt vào tận nhà bà? - Bà già vừa hét, vừa vung tiếp cây gậy giáng vào đầu Hải.
- Con xin bà! - Lila hét lạc giọng, - Đừng đánh người. Bà bình tĩnh nghe con giải thích đã.
Hải giơ tay trái lên. Cú đập giáng xuống một tiếng cắc nghe rợn tai. Bằng một cú xoay người, Hải đã tóm hai tay bà từ phía sau. Cây gậy rơi xuống. Anh ấn bà ngồi xuống ghế. Không hiểu anh dùng thủ thuật gì mà bà cứ ngồi cứng trên ghế, trong khi miệng vẫn chửi xoe xóe!
- Cô đi với tôi! - Hải xốc Lila đi ra cửa.
- Không được - Lila phản đối - Đây là bà ngoại của em. Anh đã làm gì bà?
- Không sao đâu - Hải kéo xoạch cửa sắt, ngăn giữa anh, Lila và bà già la hét. Chỉ mười lăm phút nữa là bà em sẽ đứng dậy được. Chúng ta phải đi khỏi đây đã.
Một ánh chớp xẹt ngang, Lila đã hai mươi tuổi. Và cô muốn thoát khỏi vòng kìm kẹp của bà, để thỏa sức theo nghiệp người mẫu. Nếu còn sống cùng bà ngoại, cô phải chấp nhận sống như kẻ hai mặt, điều đó không xứng đáng với niềm đam mê rực rỡ của cô.
Đôi trẻ phóng xe máy vun vút trên cây cầu bắc ngang sông Hồng. Hạnh phúc thật phóng khoáng và giản dị biết bao… 
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Niềm đam mê rực rỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO