Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Những người thầy khơi nguồn sáng tạo và “truyền lửa” yêu thương

Khánh Thư 20/11/2023 17:21

Với bề dày thành tích trong công tác dạy và học, Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) đã khẳng định được vị thế không chỉ ở quận Ba Đình mà còn trong cả ngành giáo dục Thủ đô. Góp phần vào thành tích của nhà trường không thể không nhắc tới những thầy cô giáo. 3 tấm gương nhà giáo mà Người Hà Nội giới thiệu dưới đây chỉ là số ít trong rất nhiều những “bông hoa đẹp” của Trường THCS Giảng Võ. Bằng nhiệt huyết, sáng tạo cùng sự tận tâm... các thầy cô đã khơi nguồn sáng tạo và “truyền lửa” yêu thương cho bao thế hệ học trò.

Thầy Kiều Việt Dũng: Tổng Phụ trách Đội năng động và nhiệt huyết

Thầy Kiều Việt Dũng gắn bó với trường THCS Giảng Võ từ năm 1994 ngay sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Trung ương số 1. Dù khi ấy tuổi đời còn trẻ nhưng với sự nhiệt huyết, năng động thầy đã được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ Tổng Phụ trách Đội.

Thuở mới đảm trách công việc, thầy Dũng bảo cũng áp lực nhiều lắm. Nào lo lắng khi đứng trước đám đông, nào ngại ngần sợ “va chạm” với đồng nghiệp, rồi cả băn khoăn sao cho học sinh hưởng ứng và tham gia tích cực công tác Đội... Không nản lòng, thầy vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, vừa nỗ lực nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Đội.

thay-dung-1.png
Thầy Dũng (bên phải) dẫn dắt Liên đội trường THCS Giảng Võ thực hiện nhiều phong trào tình nguyện ý nghĩa.

“Hồi học cấp III, tôi đã biết chơi guitar, thổi sáo, nhưng kiến thức về âm nhạc cũng chưa nhiều. Lúc tham gia công tác Đội, mỗi khi mời các thầy cô đến dạy cho đội nghi lễ, tôi lại học lỏm cùng các em, chép từng nốt nhạc, học cách thổi kèn. Dần dà tôi có thể huấn luyện cho đội nghi lễ và đội tuyên truyền măng non của nhà trường”, thầy Dũng nhớ lại. Đội nghi lễ - “dàn quân nhạc tí hon” của Trường THCS Giảng Võ hoạt động ngày một sôi nổi cũng là nhờ công sức của thầy Dũng.

Không chỉ học hỏi, tập luyện, dần hoàn thiện nghiệp vụ công tác Đội, thầy Dũng còn tìm cách làm phong phú các hoạt động Đội trong nhà trường. Để thu hút, tạo hứng thú các em học sinh tham gia công tác Đội, thầy Dũng luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức sinh hoạt Đội; lôi cuốn những giáo viên trẻ nhiệt huyết tài năng vào tham gia công tác Đội; tăng cường sự ủng hộ của Ban giám hiệu nhà trường; tạo sự kết nối giữa các giáo viên chủ nhiệm cũng như đội ngũ Ban chỉ huy Liên đội.

thay-viet-dung-2.png
Thầy Dũng đã tham gia phát động quyên góp xây dựng sân chơi cho trẻ em khó khăn của huyện Ba Vì.

Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, thầy dẫn dắt Liên đội trường THCS Giảng Võ thực hiện nhiều phong trào tình nguyện ý nghĩa. Chỉ cần thầy Dũng phát động, các em sẵn sàng, vui vẻ bớt chút tiền mua một cái áo mới, một món đồ chơi, một bữa ăn vặt cổng trường để quyên góp ủng hộ người nghèo, các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Không hô hào, kêu gọi học sinh làm từ thiện một cách máy móc, áp đặt, thầy Dũng thuyết phục học sinh bằng sự yêu thương, quan tâm, giúp đỡ, bao dung; bằng việc là tấm gương cho các em học sinh qua mỗi việc tốt thầy làm và bằng cả những tâm sự, chia sẻ, những câu chuyện ấm áp tình người mà thầy vẫn kể mỗi lần sinh hoạt Đội. Nhờ vậy, tinh thần đồng cảm, sẻ chia, “tương thân tương ái” thầm dần trong mỗi học sinh một cách tự nhiên, trong sáng nhất.

Ở trường THCS Giảng Võ, khi nhắc tới thầy Kiều Việt Dũng các thầy cô thường nói vui: “Đâu cần thầy Dũng có, đâu khó có thầy Dũng”. Sau nhiều năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy đã cùng tổ chức Đoàn, Đội trường THCS Giảng Võ hoạt động tích cực và góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Với sự dẫn dắt của thầy Dũng, công tác Đội của nhà trường đi vào chiều sâu chất lượng và Liên đội của trường liên tục đạt danh hiệu Liên đội mạnh xuất sắc cấp Thành phố và Trung ương.

Không chỉ hết lòng với học sinh, thân ái, giúp đỡ đồng nghiệp, tích cực làm thiện nguyện và truyền cảm hứng cho các em học sinh làm việc tốt, thầy Kiều Việt Dũng còn là người thầy giỏi chuyên môn với giải Nhất Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố môn Thể dục (năm 2015) và là tấm gương về tinh thần tìm tòi, sáng tạo với nhiều sáng kiến kinh nghiệm.

Với những cống hiến và nỗ lực không ngừng, thầy giáo Kiều Việt Dũng đã vinh dự được UBND Thành phố Hà Nội đã trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2023.

Cô giáo Bùi Thanh Vân: Thắp lên niềm đam mê khám phá tri thức cho học trò

Sinh ra trong một gia đình có bố là giáo viên, ngay từ nhỏ cô giáo Bùi Thanh Vân đã cảm nhận được những vất vả cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc của công việc “gõ đầu trẻ”. Tốt nghiệp THPT, cô Vân theo học cả 2 trường: Đại học Sư phạm Hà Nội (Khoa Sư phạm Địa lý) và Viện Đại học Mở (khoa Tiếng Anh).

co-giao-van.png
Cô giáo Bùi Thanh Vân.

Gần 10 năm trải nghiệm công việc ngoài ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp đại học chính là “phép thử” cho tình yêu với nghề giáo, với môn Địa lý của cô Vân. Từ bỏ công việc hấp dẫn với mức lương khá cao để gắn bó với phấn trắng bảng đen tại trường THCS Giảng Võ vào năm 2006, cô giáo Vân bảo cũng không phải không có những lo lắng. Cô sợ những bài giảng của mình sẽ không hấp dẫn học trò, làm lãng phí thời gian của các em…

“Địa lý là môn học đặc thù tổng hợp rất nhiều kiến thức từ lịch sử, văn học, vật lý… bao quanh cuộc sống hằng ngày, bởi thế giáo viên cần có kiến thức nền vững. Nếu chỉ đơn thuần là truyền đạt lại những kiến thức trong sách giáo khoa thì vai trò của giáo viên sẽ rất nhạt nhòa”, cô Vân chia sẻ.

Để “chinh phục” học trò, hóa giải những lo lắng của bản thân, cô Vân tìm đến những người đi trước học hỏi kinh nghiệm; tìm hiểu về tâm lý tuổi học trò để đến gần hơn với các em; đọc tài liệu, sách, báo để cập nhật các vấn đề thời sự, mở rộng kiến thức cho học trò. Và đặc biệt là cô luôn nỗ lực làm mới các bài giảng của mình để đào sâu và gợi mở cho các em các kiến thức mà sách giáo khoa không có. Ví như dạy về quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trên thế giới, cô Vân liên hệ tới các chuyến thăm của các nguyên thủ Quốc gia gần đây. Hay khi dạy về địa lí các vùng miền cô Vân minh chứng bằng những ví dụ cụ thể như: lũ lụt, thiên tai, hạn hán…

Qua mỗi giờ học Địa lí với cô Vân, học sinh được “chu du” nhiều nơi, khám phá nhiều vùng miền, trải nghiệm cuộc sống cùng với người dân ở các địa phương khác nhau. Cô cũng đặc biệt chú ý bồi dưỡng nhận thức và thái độ đối với việc bảo vệ môi trường và hướng nghiệp cho học sinh.

co-giao-van-2.jpg
Cô giáo Vân luôn thắp lên sự tin yêu trong mỗi trái tim học trò.

Ở trường THCS Giảng Võ, cô Vân không chỉ giỏi chuyên môn, “siêu” tiếng Anh, vi tính mà còn vô cùng năng động, nhiệt huyết và yêu thương học trò. Nhiều năm nay, cô giáo đã được các cấp lãnh đạo tin tưởng giao nhiều trọng trách như: Phụ trách đội tuyển thi học sinh giỏi của trường Giảng Võ, của quận Ba Đình; phụ trách và giảng dạy học sinh thi chuyên vào lớp 10 môn Địa lí.

Là giáo viên chủ nhiệm, cô Vân cũng không ngừng nỗ lực để đồng hành cùng các học trò bằng cách lắng nghe, chia sẻ, quan tâm. “Đối với tôi, mỗi sự tiến bộ của các con đều làm cho tôi rất vui. Ở lứa tuổi này các con đang dần hoàn thiện bản thân nên việc thay đổi thói quen, tư duy, nếp nghĩ cũng không phải là chuyện dễ dàng. Vậy nên tôi luôn dõi theo và đồng hành cùng các con từng tí một, vừa kỷ luật lại vừa mềm mỏng sao cho các con ngày một tiến bộ, trưởng thành”, cô giáo Vân bộc bạch.

Chính những bài giảng tuyệt vời và tình yêu vô điều kiện của cô dành cho học trò đã thắp lên ngọn lửa đam mê môn Địa lý - môn học tưởng chừng như khô khan trong các em. Và hơn cả là cô thắp lên niềm đam mê khám phá tri thức, thắp lên sự tin yêu trong mỗi trái tim học trò.

Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cô Bùi Thanh Vân nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi... Năm 2023, cô đã vinh dự được UBND TP. Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”; được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc và được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Cô giáo Hoàng Tuệ Minh: Người khơi nguồn sáng tạo trong chính học sinh

Nhận công tác tại Trường THCS Giảng Võ sau khi tốt nghiệp đại học, cô giáo trẻ Hoàng Tuệ Minh mang theo bao háo hức và say mê của tuổi trẻ. Từ những bỡ ngỡ, hồi hộp của lần đầu đứng trên bục giảng cho đến khi trở thành một giáo viên dạy giỏi, một Tổ trưởng chuyên môn được mọi người tin yêu, đó là cả một hành trình với bao kỷ niệm.

“Hơn 20 năm gắn bó, với tôi trường THCS Giảng Võ chính là ngôi nhà thứ hai. Nơi mà chúng tôi được bảo ban, được chăm bẵm, được “mắc lỗi” để được bao dung, để sửa mình. Thế hệ sau cứ nhìn các cô chú, anh chị đi trước để học hỏi, để cứng cáp. Thứ tình cảm mà chúng tôi gọi đó là tình thân, đấy cũng chính là sợi dây tinh thần để chúng tôi kết nối, yêu thương và trưởng thành”, cô giáo Tuệ Minh chia sẻ.

co-tue-minh-1(2).jpg
Cô giáo Hoàng Tuệ Minh

Trong công tác giảng dạy, cô Hoàng Tuệ Minh không ngừng tìm tòi các phương pháp dạy học sáng tạo cũng như tìm cách khơi nguồn sáng tạo trong chính học sinh. Cô rất chú trọng tới việc lan tỏa văn hóa đọc, thường xuyên chức các buổi seminar chia sẻ cảm nhận, góc nhìn của các em sau quá trình đọc… Bên cạnh đó, cô còn chủ động lồng ghép những tiết học “sân khấu hóa các tác phẩm” giúp học sinh vừa tìm hiểu sâu về tác phẩm vừa thỏa sức sáng tạo với văn học; tạo cơ hội trải nghiệm cho các con qua các dự án, bộ phim, hay những chương trình ca múa nhạc.

“Với tôi, tất cả những hoạt động dạy – học, dù truyền thống hay sáng tạo, mới mẻ đều phải lấy học sinh làm trung tâm, giúp các em phát triển được những năng lực cần thiết”, cô Minh bộc bạch.

Không chỉ quan tâm, thấu hiểu học sinh, cô Tuệ Minh còn áp dụng phương pháp giáo dục kỉ luật tích cực giúp các em học sinh được bày tỏ ý kiến, cảm xúc, được tôn trọng, lắng nghe, cảm thấy tự tin và chủ động hơn trong việc tự thay đổi bản thân. “Lớp học hạnh phúc”, với cô Tuệ Minh, phải là nơi an trú an toàn, là nơi được sai và được sửa sai, là sân chơi sáng tạo, là tình thân gia đình ấm áp, là “thanh xuân rực rỡ” của học sinh.

Là Tổ trưởng tổ Văn-Sử-Địa-GDCD, với mong muốn giúp các tổ viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong giáo dục, cô Minh thường xuyên đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường mời các chuyên gia về bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá cho tổ viên. Bản thân cô cũng không ngừng trau dồi, học hỏi, nâng cao về chuyên môn là tấm gương để các đồng nghiệp noi theo.

co-tue-minh-1(1).jpg
Cô Hoàng Tuệ Mình cùng các trò nhỏ trường THCS Giảng Võ.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, cô Minh còn có các giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm được công nhận và áp dụng tại cơ sở. Hai năm gần đây nhất, cô đã có 3 sáng kiến kinh nghiệm về: Đổi mới dạy học môn Ngữ văn theo định hướng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; Tổ chức hoạt động dạy học trải nghiệm trong môn Ngữ văn ở trường THCS nhằm phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh; Nâng cao hiệu quả dạy học trải nghiệm trong môn Ngữ văn ở trường THCS nhằm phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh. Những sáng kiến này đã được áp dụng hiệu quả ở các khối lớp trong nhà trường góp phần đáng kể trong công tác phát huy sự linh hoạt, chủ động của giáo viên và tạo được sự hào hứng, tích cực của học sinh.

Hơn 20 năm tuổi trẻ cống hiến và dành trọn tình yêu cho ngôi trường Giảng Võ, cô Hoàng Tuệ Minh đã nhiều lần đạt Danh hiệu Chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố cùng các thành tích, khen thưởng khác. Năm 2023, cô Minh vinh dự được trao tặng Bằng khen của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, những giải thưởng Quốc gia, giải thưởng học sinh giỏi Thành phố các học trò của cô giáo Minh đạt được là niềm vui, là sự khẳng định cho những nỗ lực, tâm huyết, tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ của cô./.

Bài liên quan
  • Cô giáo nhiệt huyết, sáng tạo và giàu lòng nhân ái
    Ở Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội nhắc tới cô giáo Đặng Thị Thùy Nga – giáo viên bộ môn Vật lý, những đồng nghiệp đều dành cho cô sự tin yêu và cảm phục. Còn với học trò, cô giáo Nga chính là người mẹ thứ 2 đã trao truyền cho các em không chỉ kiến thức mà cả tình yêu thương vô bờ bến. Gặp cô trong một ngày đầu đông, lắng nghe những trò chuyện của cô về hành trình gần 20 năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen càng khiến tôi thêm trân trọng hơn sự nhiệt huyết, tận tâm với nghề, tình yêu đối với học t
(0) Bình luận
  • Góp phần xây dựng thành công chuẩn mực con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới
    Sáng 13/12, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL) phối hợp tổ chức Hội nghị tọa đàm về triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
  • Xây dựng chuẩn mực văn hoá, con người Hà Nội mang tính đại diện vị thế Thủ đô trong thời kỷ nguyên mới
    “Với vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội không chỉ là nơi hội tụ tinh hoa dân tộc mà còn là biểu tượng đại diện cho bản sắc, hình ảnh và sức mạnh mềm của quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, xây dựng và phát huy hình ảnh con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, thân thiện, văn minh, hòa bình và sáng tạo đã luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và toàn bộ hệ thống chính trị Thành phố”, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết.
  • Hội nghị tổng kết các nhiệm vụ của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội thực hiện Chương trình số 06
    Những năm qua, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy (Chương trình số 06) và Kế hoạch 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025" quyết liệt, hiệu quả, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố được ban hành, có tác động tích cực đến đời sống nhân dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng.
  • Nhân rộng và lan toả những mô hình di tích kiểu mẫu trong giai đoạn mới
    Việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng nếp sống văn minh tại di tích, nơi thờ tự, trong đó có hoạt động xây dựng mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” trên địa bàn Thủ đô nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hoá Thủ đô, người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
  • Tăng cường trao đổi, kết nối về văn hoá giữa Hà Nội và Thái Nguyên
    Sáng 28/11, Đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm trong đẩy mạnh các giải pháp thực hiện, tuyên truyền triển khai về các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tiếp tục có buổi làm việc hiệu quả tại tỉnh Thái Nguyên.
  • Xây dựng hệ giá trị văn hóa Thủ đô trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    “Chương trình khảo sát trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới giữa các địa phương nhằm tăng cường hiệu quả triển khai thực tiễn, đồng thời bổ sung và hoàn thiện tiến tới xây dựng khung hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam nói chung cũng như hệ giá trị văn hóa đặc thù riêng của Thủ đô phù hợp trong kỷ nguyên vươn mình củ
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Những người thầy khơi nguồn sáng tạo và “truyền lửa” yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO