Vậy mà không phải. Những tay máy nghiệp dư ấy đang chờ cơ hội chớp một khuôn hình đẹp trong buổi bình minh mùa hè Hà Nội. Họ đứng đấy để đón những đám mây mùa hè nhuốm ánh mặt trời buổi sớm trên khoảng trời mái vòm Nhà hát Lớn, một công trình kiến trúc tuyệt đẹp hơn trăm năm tuổi đã được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia đặc biệt.
Thấy có người quan tâm đến thú chơi của mình, ông Tuấn, một trong những tay máy thường xuyên săn mây ở địa điểm này chia sẻ: "Hôm nay trời đẹp, dễ có được những bức ảnh ưng ý". Sở dĩ ông và những tay máy cùng sở thích hay “phục” ở đây vì Quảng trường Cách mạng Tháng Tám với một không gian mở cùng kiến trúc Nhà hát Lớn là bối cảnh lý tưởng cho những bức ảnh đẹp, nhất là vào những sáng mùa hè…
Dõi tầm mắt theo phía ông Tuấn đang hướng ống kính, dù là dân ngoại đạo, tôi cũng có thể hình dung một khung hình khá hấp dẫn: Những vầng mây đang vần vụ phía trên bờ mái lợp đá đen Slate Lai Châu, nét đặc trưng tiêu biểu của những công trình kiến trúc mang phong cách tân cổ điển của Pháp ở Việt Nam như Nhà hát Lớn, Tòa phúc thẩm ở Hà Nội...
Ông Tuấn khoe, chỉ trước đó mươi, mười lăm phút, ông đã chớp được khuôn hình cũng những vầng mây ấy rực một màu vàng huyền ảo. Cũng có hôm, ông chụp được áng mây hình rẻ quạt hắt lên nền trời từ sau vòm mái. Có lẽ, sự hấp dẫn của cuộc săn mây chính là ở sự biến ảo diệu kỳ đó.
Đam mê thú chơi này đã lâu, ông Tuấn bảo những bức hình mà ông ưng ý chưa nhiều. Ông chỉ bày chơi ở nhà, thi thoảng mời vài người bạn tâm đầu ý hợp đến cùng thưởng thức, ai thích thì ông tặng mà không bán. Bức ảnh đẹp, như chai rượu ngon, phải mời được bạn hiền, không thì phí rượu - ông Tuấn nói vui.
Lấy cái sự đi săn mà ví von với thú chơi này quả là phù hợp. Bằng chứng là sáng hôm sau, trên lộ trình đạp xe mỗi sớm, tôi quay lại điểm săn mây hôm trước thì không gặp được ông Tuấn, dù đã cố đi thật sớm. Một vài tay máy đang thu dọn đồ nghề để rời đi.
Một ông tầm tuổi trung niên cưỡi con Vespa cổ lắc đầu: "Hôm nay "xịt" rồi". Nhìn lên nóc Nhà hát Lớn, bầu trời sớm mùa hè đã xanh ngăn ngắt, không một gợn mây. Ừ nhỉ, săn mây mà thế này thì quả là buồn. Chợt bật cười, giá với con mắt của mình, qua ống kính chiếc smartphone, tòa kiến trúc này, bầu trời xanh ngắt này, lại thêm ngọn cờ đang no gió thế kia, chắc sẽ có một bức ảnh được xem là đẹp.
Thì ra, săn ảnh mây cũng như đi câu, phải kiên trì, phải đam mê. Ngoài Nhà hát Lớn, Hà Nội còn có một vài điểm hấp dẫn với những người đam mê thú săn mây, như cầu Long Biên mỗi bình minh hay trời nước Hồ Tây lúc chiều tà. Hành trình mỗi ngày đi tìm cái đẹp của những tay máy có thể bắt đầu từ cầu Long Biên. Đây là điểm có nhiều khuôn hình đẹp, dù là dưới bãi sông nhìn lên hay trên cầu nhìn xuống. Nhưng dù ở góc độ nào, “nhân vật chính” vẫn là những nhịp dầm nhuốm màu thời gian. Cũng như Nhà hát Lớn, những địa điểm trên có một không gian mở, thỏa sức cho đam mê sáng tạo của người chụp ảnh.
Theo đuổi cái thú này đa phần là người đứng tuổi, cũng có nghĩa họ đã có một thời gian dài, thường là cả cuộc đời gắn bó với thành phố này. Có thể trong số những người đang rời đi sau một buổi săn mây bất thành kia, có những bà nội trợ sẽ đi mua đồ ăn sáng cho cả nhà, những ông vội về đưa cháu đi học…
Trong số đó, tôi biết có một cựu đại sứ từng in dấu chân nhiều vùng đất khắp thế giới, một cựu công chức mẫn cán của chính quyền Hà Nội, một ông chủ cửa hàng cà phê nơi phố cổ… Nghĩa là mỗi người, mỗi nghề, gặp nhau ở tình yêu Hà Nội, cùng bắt đầu ngày mới một cách đầy hứng khởi bằng việc đi tìm và ghi lại những khoảnh khắc đẹp của thành phố mà họ gắn bó.
Cũng như nhiều người khác, tôi vẫn hay tự hào mình là người Hà Nội gốc, nghĩa là đã mấy đời sinh cơ, lập nghiệp ở thành phố này. Lại nghĩ, liệu có nên tìm một thước đo khác để đánh giá “chất Hà Nội” của những người đang sinh sống ở thành phố này, dù họ đến từ những miền đất nào, như sự gắn bó và tình yêu với Hà Nội chẳng hạn? Bởi Hà Nội đẹp thêm, hấp dẫn thêm cũng một phần nhờ những con người biết cảm nhận và yêu cái đẹp của thành phố này, như ông Tuấn và những người săn mây trong thành phố mỗi sớm, mỗi chiều…