Sân khấu

Những đóng góp cho sân khấu Hà Nội đầu thế kỷ XX của Nguyễn Thúc Khiêm

TS. Nguyễn Thị Thanh Vân 14:12 04/12/2023

Vào những năm 1913 - 1930, ở Hà Nội có hai trung tâm nghệ thuật lớn đó là rạp Quảng Lạc và Sán Nhiên Đài. Đây là nơi chiêu tập được nhiều đào kép nổi tiếng từ 3 miền Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ về biểu diễn. Đặc biệt là các vở diễn tuồng, chèo cải lương với ngôn ngữ sắc bén, đầy tính châm biếm, đả kích sâu cay, kích thích lòng yêu nước của dân tộc gắn liền với tên tuổi Nguyễn Thúc Khiêm đã góp phần vào việc thay đổi, phát triển của sân khấu Hà Nội trong giai đoạn đầu thế kỷ XX.

dong-gop.png
Nguyễn Thúc Khiêm

Hoạt động sân khấu tại Sán Nhiên Đài

Sán Nhiên Đài (nay là số 50 Đào Duy Từ, Hà Nội) khai trương vào ngày 16/8/1920, nhưng phải nghỉ diễn do vắng khách. Theo tác giả Hà Văn Cầu trong bài viết “Cụ Nguyễn Đình Nghị như tôi biết” (1995), khi diễn trở lại thì rạp phải "diễn xen kẽ tuồng cổ với chèo cổ: “Hoa Dung tiểu lộ”, “Tam khí Chu Du”, “Đương Dương Trường Bản”, “Dự Nhượng đả long bào”, “Quan Âm Thị Kính”, “Kim Nham” Một số vở chèo cải lương do Nguyễn Thúc Khiêm, Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Văn Tâm viết kịch bản".

Tại Sán Nhiên Đài, cùng với vở “Trận cười” của Nguyễn Đình Nghị là những kịch bản chèo cải lương của Nguyễn Thúc Khiêm và các tác phẩm được viết lại theo tiêu chí mới của rạp hát. Theo tác giả Lê Việt Hùng trong bài viết “Tiếng cười trong chèo cải lương của Nguyễn Đình Nghị” (2005): "Trong hai năm từ 1926 – 1927, Sán Nhiên Đài hoạt động rất sôi nổi, có thể nói làm ăn rất phát đạt. Sán Nhiên Đài mở rộng địa bàn hoạt động, gia tăng việc cổ động quảng cáo, mạnh dạn cải tiến nghệ thuật, đồng thời sử dụng lại các tích truyền thống và gia công viết lại chúng cho phù hợp với đòi hỏi của công chúng như “Oan bề Thị Kính”, “Nỗi lòng khôn tỏ” (theo tích “Trương Sinh”), “Châu Long toàn bích” (theo tích “Lưu Bình - Dương Lễ” của Nguyễn Thúc Khiêm)". Những vở diễn chèo cải lương như: "Chuột sa chĩnh gạo”, “Cái kiến mà kiện củ khoai”… của Nguyễn Thúc Khiêm đều rất ăn khách.

Nguyễn Thúc Khiêm vừa là người vừa nhắc vở, vừa biên kịch, sáng tác và biểu diễn chèo, nên ông “sành” về làn điệu và nắm vững lý luận cơ bản của nghệ thuật chèo. Trong cuốn “Các bài hát chèo” (Nhà in Mai Du Lân, Hà Nội, 1928), ông cho rằng: “Hát chèo tức là hát chào, bày trò cười cho vui, hát chèo cổ có nhiều điệu, song rút lại chỉ có ba lối, 1 lối lục bát như đường trường, 2 lối thất cửu, như nói sử, 3 lối tứ ngũ như rịp đuổi, sân nhân lối đường trường, mà sinh ra giọng bồng mạc, sa mạc, sa lệch, hát than, hát vãn, ba than, hát thảm, ngâm sầu, rịp chờ rịp dắt, dịp một, rịp ba, rịp năm, rịp bẩy, và các lối cắm giá, như đào lẳng đào điên, đào thảm, đào ghen, lão say và nồi niêu, cũng không lọt được lối lục bát. Nhân lối nói sử mà sinh ra giọng than sử nói lối, đọc phú ngâm thơ ngâm sổng, đào nghiêm cũng không khỏi được lối tứ ngũ”. Những vở diễn của ông biểu diễn trên Sán Nhiên Đài đều thu hút khán giả thành thị. Có những vở đã biểu diễn nhiều lần, như trường hợp vở “Con chuột sa chĩnh gạo”, nhưng theo sự góp ý của khán giả, ông và ban hát vẫn dày công chỉnh sửa và tập luyện: “là vở chèo cải lương soạn thành nhiều điệu hát rất hay, các câu hát rất là thâm thuý và có ý vị lắm. Độ trước bản Hội đã diễn nhiều lần, xong chưa được hoàn toàn cho lắm, nay soạn giả sửa đổi lại và ban hát đã được thành thuộc cả rồi. Bản hội xin diễn lại luôn hai tối”. (1)

Ông cùng với Nguyễn Đình Nghị trở thành người cộng tác đắc lực và tạo nên xu hướng đổi mới của các rạp hát ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX. Hoạt động sân khấu của ông ở nhiều lĩnh vực, vô cùng xuất sắc, tạo ấn tượng trong các thế hệ người làm sân khấu sau này.

Nguyễn Thúc Khiêm hiểu và nắm vững niêm luật thơ cũng như từng làn điệu của chèo cổ, điều đó đã thể hiện rõ trong các kịch bản của ông. Tuy nhiên, thị hiếu của khán giả thị thành tại thời điểm đó là thích sân khấu phải hoạt náo, vui nhộn. Vì thế, khi sáng tác chèo cải lương, ông chủ trương đưa vào các làn điệu của nghệ thuật khác cho vui trò, như ông đã viết trong “Các bài hát chèo”: “Hiện bây giờ chèo cải lương chỉ thêm có các giọng ca ngâm Huế và Nam kỳ và nói lối, và những vở kịch mới thì chỉ độc nói chuyện thường, theo giọng văn xuôi, mà những các giọng hát chèo cổ dần dần tiêu tán gần hết, rút lại là chỉ vì các ngài mải sự học mới không kịp lưu tâm đến âm điệu câu hát cổ”. Và “Thúc quân đang lúc mới cũ gia điểm, làm một bài soạn vở kịch hát tuồng, hát chèo tại Hà Nội, Hải Phòng, toát hết các giọng mới mà so với điệu cổ thì chèo cổ nhiều giọng kỳ quật, cứng cỏi, nôn nao thổn thức, khảng khái lâm ly, không phải các giọng ca ngâm mới đọ nổi, nên chèo cải lương tưởng nên pha ca giọng kim giọng cổ, lối mới lối cũ vào mới hay và đủ”.

dong-gop1.png.jpg
Sán Nhiên Đài (sau đổi thành rạp Lạc Việt) là một trong 2 rạp hát lớn nhất ở Hà Nội xưa.

Dựa trên phương pháp chèo cổ kết hợp cái mới và sáng tạo ra chèo cải lương, thành công trong việc thu hút khán giả thị thành đến với rạp hát, Nguyễn Thúc Khiêm đã đưa chèo từ dân gian đến với sân khấu hộp, sân khấu chuyên nghiệp. Việc đổi mới, cách tân này tuy có những hạn chế nhất định, nhưng đã góp phần vào việc bảo tồn nghệ thuật chèo trong giai đoạn đầu thế kỷ XX trước sự tấn công của văn minh phương Tây và luồng văn hóa mới “gió Âu mưa Á”. Ý thức bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo của Nguyễn Thúc Khiêm nói riêng và nhóm nghệ sĩ Hà Nội nói chung trước sự kiềm tỏa của thực dân Pháp lúc bấy giờ để tạo ra một loại chèo mới – chèo cải lương là sự đột phá của sân khấu chèo trên sân khấu Hà Nội.

Hoạt động sân khấu tại rạp Quảng Lạc

Rạp Quảng Lạc (nay là số 8 Tạ Hiện, Hà Nội) là nơi hoạt động biểu diễn tuồng vào cả ban ngày và tối. Kịch mục bao gồm các vở tuồng cổ với các tích truyện cũ mượn của Tàu, như: “Triệt Giang phù A Đẩu”, “Thôi Tử thí Tề quân”,... Sự cách tân nghệ thuật biểu diễn tuồng của Quảng Lạc đã được thể hiện ở “Hà Thành ngọ báo” trong mục “Cuộc vui tối nay” đăng tin quảng cáo về hoạt động biểu diễn của rạp. Đây là những tư liệu hiếm cho thấy hoạt động biểu diễn và sự ảnh hưởng, cách tân của nghệ thuật tuồng đầu thế kỷ XX ở Hà Nội. Rạp Quảng Lạc không chỉ tổ chức biểu diễn tuồng mà còn có chèo, cải lương, kịch nói, như vở “Thiên chúa giáng sinh” cũng là một vở độc tôn của rạp này. Sự cách tân về mặt trang trí, phục trang và nhất là về các điệu hát của các vở tuồng ở rạp Quảng Lạc lúc bấy giờ bị một bộ phận báo chí và phần đông khán giả không tán thành. Trong bài viết “Ta phải nên cải cách âm nhạc thế nào” trên Nam Phong tạp chí số 194, năm 1934, tác giả Đồ Nam có viết: “Ở Hà Nội gần đây có rạp Quảng Lạc ra chỉnh đốn lại lối hát tuồng này. Có soạn được ít vở về xã hội, diễn lối tả chân gọi là tuồng mới. Nhưng phần nhiều vẫn còn diễn những vở của Tàu, thần tiên ma mãnh, Lã Bố, Điêu Thuyền và Quan ngài, y nguyên khuyên sáo mấy mươi đời trước. Có mới chỉ mới ở cái phông, đèn điện và những hạt thủy tinh lấp lánh trên mũ những người con gái kiểu Tàu mà thôi”.

2.jpg
Một số tác phẩm của Nguyễn Thúc Khiêm.

Nguyễn Thúc Khiêm không chỉ là soạn giả cho rạp này, mà ông còn là một diễn viên tuồng thực thụ trên sân khấu tại rạp Quảng Lạc. Ông đã biểu diễn vai chúa Nguyễn trong vở “Nguyễn chúa phò Hoàng”. Vào vai diễn, ông đã sáng tạo thành công hình ảnh Nguyễn chúa (Nguyễn Kim), một trung thần của triều đại nhà Lê, phò trợ Hoàng tử Ninh chạy sang Lào, đưa về Thanh Hoa lên ngôi vua. Tại rạp Quảng Lạc, Nguyễn Thúc Khiêm còn tham gia diễn xuất, ngâm thơ. Ngoài ra, ông còn vào vai ông Tú ngâm thơ và hát đối đáp với đào Nộn Hoàng Oanh trong vở tuồng “Già trẻ cùng chung một mối tình” (1930)... Theo quảng cáo biểu diễn của rạp Quảng Lạc thì ông thường là người giới thiệu vở diễn của mình trước khi biểu diễn. Các bài đăng quảng cáo liên tiếp biểu diễn vở “Nguyễn chúa phò Hoàng” của rạp Quảng Lạc trên Hà Thành ngọ báo vào các ngày 22, 25, 27, 28 tháng 5/1930, chứng tỏ họ rất coi trọng và kỳ vọng vào vở diễn này:

"Tối mồng một tháng năm, tức là buổi tối trước ngày lễ "Hưng quốc khánh niệm", vậy xin kính diễn bản tuồng này để thần dân ta ôn lại công lao đức Nguyễn chúa, từ mười mấy đời trước mới gây dựng nên cơ nghiệp muôn năm.

Soạn giả là ông Hoàng Sơn kê cứu rất kỹ lưỡng mới soạn thành tuồng, mà là tuồng phá cách, trước đã công bố trong báo Nam Phong được nhiều người quan tâm thưởng lãm và bình phẩm.

Huống chi lại chính ông Tú Hoàng Sơn đóng vai Nguyễn chúa, là vai chính tuồng.

Các ngài chiếu cố đến buổi hát này sẽ được ba điều mãn ý:

- Một là hiểu rõ sự tích nước nhà mà lại là sự tích quốc triều.

- Hai là coi diễn tuồng phá cách, là một lối hát riêng, không giống như tuồng, không giống như chèo, cũng không giống như cải lương.

- Ba là được coi một nhà Hán học lão thành mà ra đóng tuồng, cũng nhảy, cũng múa, cũng hát xướng, cũng đội mũ đeo râu.

Thật là một buổi lạ lùng xưa nay vậy." (2)

Sinh ra trong gia đình có tư tưởng yêu nước, truyền thống cách mạng, Nguyễn Thúc Khiêm sớm bộc lộ tư tưởng chống lại chính phủ bảo hộ. Ông tham gia phong trào “Chấn hưng dân trí” ở Hà Nội, nên các tác phẩm đều có sự đổi mới, từ truyện thơ, lời các bài hát cho đến các tác phẩm sân khấu. Thể hiện rõ nhất là các vở tuồng, chèo cải lương đã biểu diễn ở rạp Quảng Lạc và Sán Nhiên Đài. Các vở chèo cải lương, như “Cái kiến kiện củ khoai”, “Chuột sa chĩnh gạo”... của ông làm cho khán giả Hà thành thích thú bởi "những câu hát rất thâm thúy và hợp thời" và có tác dụng hô hào dân chúng chống lại chính quyền bảo hộ. Cho nên, ông bị thực dân Pháp cử người theo dõi và bị truy lùng gắt gao.

dong-gop2.png.jpg
Phố Tạ Hiện xưa có rạp Quảng Lạc không chỉ tổ chức biểu diễn tuồng mà còn có chèo, cải lương, kịch nói.

Theo ghi chép của Lê Thanh Hiền, năm 1931, sau khi công diễn vở chèo “Kêu giời rằng oan”, thì Nguyễn Thúc Khiêm và Nguyễn Đình Nghị đều bị bắt. Sau đó nhờ sự can thiệp của một số quan chức ở Hà Nội và sự gom tiền lo lót của các chủ rạp, hai ông được thả ra, nhưng chịu sự quản thúc của chính quyền thực dân. Để giám sát ông, chính quyền bảo hộ đã cử tên mật thám Lê Thi theo dõi. Thậm chí tên mật thám này còn tìm mọi cách đầu độc ông và gia đình, nhưng cả hai lần đều không thành công: "Ông Nguyễn Thúc Khiêm thức dậy trông thấy Lê Thi đứng trước bàn có để bình nước và chén khay.... Một lúc sau Lê Thi ra về, ông Khiêm dậy cùng hai con uống nước ở cái bình ấy thấy nhức đầu, đau họng, quặn ruột rồi nôn mửa… Đến ngày 24 Octobre năm ấy, Lê Thi lại đến nhà ông Tú. Lần này Lê Thi bỏ được vào trong một cái siêu thuốc một chất gì rất độc có lẫn cỏ, ông Khiêm trông thấy rõ ràng nên đem siêu thuốc này trình việc này bóp. Xét ra thứ thuốc ấy quả là độc và Lê Thi cốt làm hại cả nhà nên Lê Thi bị bắt" (trích “Vụ đầu độc cả nhà ông Tú Khiêm”, Hà Thành ngọ báo số 1520, ngày 23/9/1932). Âm mưu đầu độc Nguyễn Thúc Khiêm và cả gia đình không thành, tên mật thám Pháp còn bị ông kiện ra tòa, nhưng tại tòa hắn lại đổ vấy cho người khác.

Mặc dù hai lần bị mật thám Pháp ngầm cho người giết hại, nhưng không làm nhụt ý chí và lòng yêu nước của Nguyễn Thúc Khiêm. Ông vẫn tiếp tục tham gia phong trào “Chấn hưng văn hóa” và sáng tác kịch bản sân khấu, vẫn lên sân khấu biểu diễn. Chính quyền bảo hộ bèn ra lệnh ngăn cấm Nguyễn Thúc Khiêm viết vở, trục xuất khỏi Hà Nội.

Năm 1940, vì sự truy lùng gắt gao, bắt bớ các nghệ sĩ tham gia hoạt động cách mạng của mật thám Pháp ở Hà Nội, Nguyễn Thúc Khiêm liền chuyển về Thái Bình hoạt động cách mạng. Tại quê hương, Nguyễn Thúc Khiêm đã tổ chức diễn tuồng.

Không những tổ chức biểu diễn mà ông còn đi khắp nơi tuyên truyền, và viết truyền đơn. Những việc làm của ông đã bị bọn mật thám theo dõi và chúng ra lệnh bắt ông: "Gần đây không hiểu ông Tú Khiêm thế nào lại khắc ấn nhà vua, viết những câu mạn phép... Vì những hành động ấy nhà chuyên trách đã để ý nghi Tú Khiêm. Thì hôm mới đây, quan Công sứ được tin mật báo, liền cùng quan Tổng đốc và ông Chánh mật thám, đem một toán lính khố xanh về làng Hoằng Nông, huyện Duyên mà khám xét nhà Tú Khiêm" (trích bài viết “Ông Tú Nguyễn Thúc Khiêm bị bắt” của tác giả Việt Bảo (1940), Báo Sài Gòn, số 14557).

Sau đó chúng đưa ông đi giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), rồi chuyển lên nhà tù Sơn La. Năm 1943, Nguyễn Thúc Khiêm mất tại nhà tù Sơn La. Năm 2006, Nguyễn Thúc Khiêm được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ và đến tháng 8/2016 ông được Nhà nước công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945.

..........................

(1) Theo Đông Pháp, số 130, ngày 17/11/1925.

(2) Hà Thành ngọ báo, số 841, ngày 27/5/1930, tr.4.

Bài liên quan
  • Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ IV năm 2023
    Các đơn vị tham gia Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ IV có Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Câu lạc bộ Ảo thuật Gia Định, Câu lạc bộ Ảo thuật Tiền Giang, Câu lạc bộ Ảo thuật TP.HCM… Số lượng tiết mục đăng ký năm nay nhiều hơn so với 3 cuộc liên hoan lần trước.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Những đóng góp cho sân khấu Hà Nội đầu thế kỷ XX của Nguyễn Thúc Khiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO