Những chân trời ở lại

HNMCT| 24/02/2022 19:12

Những năm tháng ở xóm Chùa Cuối, ngày đẹp trời tôi thường ngồi cạnh rệ cỏ xanh rì sát con mương chạy dọc cánh đồng. Từ đó tôi tha hồ phóng tầm mắt, háo hức tìm kiếm đường chân trời xa tít tắp với những quầng mây ảo diệu xếp thành những khối hình lộng lẫy, kích thích trí tưởng tượng của tôi.

Tôi hình dung ở đó những lâu đài cổ kính, những cánh rừng mùa thay lá sáng rực trong ánh mặt trời, những ngọn núi biết biến hình, những vị thần đùa vui cùng muông thú ẩn hiện trong những đám mây...

Mỗi ngày, chân trời luôn vẽ ra thật nhiều câu chuyện kỳ diệu, bí ẩn, chỉ tôi mới hiểu được. Lũ trẻ trong xóm thường bảo chơi nhảy dây, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê còn dễ hơn ngồi nhìn và đoán hình thù từ các đám mây. Có đứa còn cười, bảo tôi lẩn thẩn, “tâm hồn treo ngược cành cây”. Mặc kệ, tôi vẫn ký thác tâm hồn cho những đám mây vô định luôn vận động, luôn khiến tôi bất ngờ, xúc động đến ngộp thở trước vẻ đẹp siêu nhiên, kỳ vĩ mở ra trước mắt rồi biến mất trong tích tắc. Tôi ngồi mường tượng nếu đi hết cánh đồng trước mặt, đi mãi về phía trước, liệu có thể chạm được vào đường chân trời, chạm vào những đám mây ảo diệu ấy không? Liệu tôi có thể gặp được tòa lâu đài của mình, với những vị thần, những cánh rừng sẽ đợi tôi ở đó? Ý nghĩ ấy đeo đuổi tôi ngày này qua ngày khác. Và tôi không ngừng mơ tưởng mỗi khi ngồi bên rệ cỏ, thả hồn vào đường chân trời lộng lẫy đang chờ đợi, mời gọi, thôi thúc tôi dấn bước.

Có lẽ vì thế tôi luôn háo hức với những chuyến đi vượt ra ngoài xóm nhỏ của mình. Từ năm lớp 7 tôi đã theo Phượng bạn cùng lớp chuyên văn về nhà nó ở Bình Lục. Đó cũng là lần đầu tiên tôi trải nghiệm đi xe khách liên tỉnh. Con đường từ Nam Định lên Bình Lục ngày ấy nhỏ hẹp, đầy “ổ gà”, “ổ trâu”, bụi cuốn mù mịt mỗi khi có ô tô phóng qua. Chúng tôi bẹp rúm giữa đám người lớn chen vai đứng dọc lối đi giữa hai hàng ghế. Nhà xe nhồi khách, càng đông càng tốt, bởi vậy xe đang phi như trâu vào xới, thoáng thấy khách vẫy dọc đường liền phanh khựng lại, làm khách đứng trên xe đổ dạt về phía sau. Mùi hơi người, mùi dầu máy khét lẹt trộn vào nhau. Cửa sổ xe mở toang, đón thêm mùi bụi đường nồng nực. Tôi giương mắt, tò mò, lạ lẫm trước những gì đang diễn ra.

Bố mẹ không hay biết chuyện ấy, chỉ đơn giản nghĩ tôi vào ký túc xá ở với bạn một hai hôm cho vui. Tôi không dám kể sự thật vì sợ bố mẹ không cho đi. Từ bé đến lớn tôi chỉ quanh quẩn trong thành phố nhỏ như lòng bàn tay. Có lang thang từ bệnh viện chỗ bố mẹ làm đến vườn hoa thành phố, hay la cà quán sách cũ phố Cửa Đông, lượn ra bờ sông Đào, vào chợ Rồng ngắm nghía hàng hóa thì tôi cũng vẫn có thể tự đi về nhà, và dù sao vẫn trong tầm kiểm soát của bố mẹ. Nhưng nhảy xe khách, đi mấy chục cây số thì không còn là chuyện nhỏ nữa.

Tôi thì không sợ. Phượng bằng tuổi tôi, tháng nào cũng theo xe đi về giữa Nam Định và Bình Lục thì sao tôi không làm được. Và quả thực chuyến đi ấy đã cho tôi dũng khí ban đầu để nuôi khát vọng khám phá chân trời của chính mình.
Chân trời ấy luôn vẫy gọi tôi tìm đến.

Năm lớp 11, tôi theo Ngọc - cũng là một bạn học cùng lớp, nhảy xe khách lên Hà Nội thăm chị gái Ngọc đang học Trường Đại học Y. Hai ngày ở Thủ đô, chúng tôi lấy xe của chị đạp quanh thành phố. Cần đi đến đâu thì hỏi đường. Nào hồ Hoàn Kiếm, nào Lăng Bác, hồ Tây... Có khi chẳng cần đích đến cụ thể, chúng tôi cứ nhẩn nha dạo chơi, cảm nhận một cuộc sống thật khác lạ. Hai đứa con gái tỉnh lẻ chở nhau trên chiếc xe đạp khô dầu kêu lọc xọc, háo hức ngắm nhìn Hà Nội. Hôm đầu, gần 10h tối vẫn chưa tìm thấy đường về ký túc xá nhưng chúng tôi không hề lo sợ. Cảm giác được tự mình vẽ nên “bản đồ khám phá” của riêng mình khiến tôi vô cùng phấn khích.

Những chuyến đi ấy, mãi sau này tôi mới dám kể với bố mẹ. Không nằm ngoài dự đoán, bố mẹ sợ chết khiếp vì sự liều lĩnh của tôi. Và mặc dù bảo tôi không được như vậy nữa, nhưng bố mẹ cũng thừa hiểu rằng không thể ngăn được khát vọng của tôi.

Tôi thì không quá bận lòng về nỗi lo âu của bố mẹ. Bởi với tôi người lớn luôn cả nghĩ và phức tạp hóa vấn đề. Trong khi tôi nghĩ mình có thể tự tin bước chân ra ngoài rệ cỏ chạy dọc con mương, tự tìm đến những chân trời thay vì ngồi hình dung, tưởng tượng và ước ao. Chính vì vậy nhiều năm sau và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn bị thôi thúc dấn bước vào những cuộc khám phá mới, để lại phía sau lưng những chân trời đã qua.

Nhưng rồi đến một lúc, tôi sực nhận ra rằng những chân trời cũ vẫn ở ngay phía sau tôi, vẫn dõi theo tôi. Nếu không có những chân trời cũ mở rộng vòng tay đón nhận, khích lệ tôi dấn bước, hẳn sẽ không có tôi như ngày hôm nay.

Những gì tôi đã trải nghiệm, những vùng đất tôi đã đi qua, những câu chuyện tôi đã nặng lòng, những người bạn tôi đã gắn bó..., đó chính là phù sa của chân trời cũ, bồi đắp nên chính tôi bây giờ, để tôi tự tin bước tiếp.

Gần hai năm qua trải nghiệm cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh, không được rộng chân bay nhảy đến những vùng đất mình khao khát, không được làm những điều mình yêu thích, cuộc sống đơn điệu trong bốn bức tường nhà, tận mắt chứng kiến nhiều mất mát đau thương diễn ra quanh mình..., nhưng chính nhờ vậy tôi đã tìm ra một chân trời khác cho mình. Ở đó, tôi được sống chậm lại, nhìn sâu vào bản thể, có thời gian lý giải cuộc sống quanh mình một cách cặn kẽ hơn. Ở đó, tôi học được niềm vui khi mỗi sáng nhìn thấy những bông hoa mới nở khoe sắc trên ban công nhà mình, bình yên khi nghe tiếng trẻ nô đùa trong ngõ nhỏ, hạnh phúc khi thấy tiếng mẹ vang lên trong điện thoại, nhắc về món cháo bí đỏ ngày bé mẹ hay nấu cho chị em tôi ăn...

Tôi không oán trách hay căm ghét con vi rút hình vương miện, bởi quy luật sinh tồn và phát triển, thiên tai, dịch bệnh sẽ luôn hiện diện trong cuộc sống của nhân loại. Chúng ta phải tự học cách để đối mặt và vượt qua.

Những điều xảy ra, bởi vậy chẳng có gì là vô nghĩa.

Với tôi, những chân trời ngày cũ vẫn luôn hiện diện ở đó, như đang thầm thì cất tiếng...

(0) Bình luận
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Hội Điện ảnh Hà Nội: Nhiều hoạt động ghi dấn ấn trong năm 2024
    Sáng ngày 11/12, Hội Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức Lễ tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.
  • Vinmec tiên phong mang công nghệ tiêu chuẩn quốc tế vào điều trị bệnh mề đay
    Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ UCARE, khẳng định năng lực chuyên môn vượt trội trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh mề đay (mày đay) theo tiêu chuẩn quốc tế GA2LEN.
Đừng bỏ lỡ
Những chân trời ở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO