Những chân trời ở lại
Tản văn - Ngày đăng : 19:12, 24/02/2022
Mỗi ngày, chân trời luôn vẽ ra thật nhiều câu chuyện kỳ diệu, bí ẩn, chỉ tôi mới hiểu được. Lũ trẻ trong xóm thường bảo chơi nhảy dây, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê còn dễ hơn ngồi nhìn và đoán hình thù từ các đám mây. Có đứa còn cười, bảo tôi lẩn thẩn, “tâm hồn treo ngược cành cây”. Mặc kệ, tôi vẫn ký thác tâm hồn cho những đám mây vô định luôn vận động, luôn khiến tôi bất ngờ, xúc động đến ngộp thở trước vẻ đẹp siêu nhiên, kỳ vĩ mở ra trước mắt rồi biến mất trong tích tắc. Tôi ngồi mường tượng nếu đi hết cánh đồng trước mặt, đi mãi về phía trước, liệu có thể chạm được vào đường chân trời, chạm vào những đám mây ảo diệu ấy không? Liệu tôi có thể gặp được tòa lâu đài của mình, với những vị thần, những cánh rừng sẽ đợi tôi ở đó? Ý nghĩ ấy đeo đuổi tôi ngày này qua ngày khác. Và tôi không ngừng mơ tưởng mỗi khi ngồi bên rệ cỏ, thả hồn vào đường chân trời lộng lẫy đang chờ đợi, mời gọi, thôi thúc tôi dấn bước.
Có lẽ vì thế tôi luôn háo hức với những chuyến đi vượt ra ngoài xóm nhỏ của mình. Từ năm lớp 7 tôi đã theo Phượng bạn cùng lớp chuyên văn về nhà nó ở Bình Lục. Đó cũng là lần đầu tiên tôi trải nghiệm đi xe khách liên tỉnh. Con đường từ Nam Định lên Bình Lục ngày ấy nhỏ hẹp, đầy “ổ gà”, “ổ trâu”, bụi cuốn mù mịt mỗi khi có ô tô phóng qua. Chúng tôi bẹp rúm giữa đám người lớn chen vai đứng dọc lối đi giữa hai hàng ghế. Nhà xe nhồi khách, càng đông càng tốt, bởi vậy xe đang phi như trâu vào xới, thoáng thấy khách vẫy dọc đường liền phanh khựng lại, làm khách đứng trên xe đổ dạt về phía sau. Mùi hơi người, mùi dầu máy khét lẹt trộn vào nhau. Cửa sổ xe mở toang, đón thêm mùi bụi đường nồng nực. Tôi giương mắt, tò mò, lạ lẫm trước những gì đang diễn ra.
Bố mẹ không hay biết chuyện ấy, chỉ đơn giản nghĩ tôi vào ký túc xá ở với bạn một hai hôm cho vui. Tôi không dám kể sự thật vì sợ bố mẹ không cho đi. Từ bé đến lớn tôi chỉ quanh quẩn trong thành phố nhỏ như lòng bàn tay. Có lang thang từ bệnh viện chỗ bố mẹ làm đến vườn hoa thành phố, hay la cà quán sách cũ phố Cửa Đông, lượn ra bờ sông Đào, vào chợ Rồng ngắm nghía hàng hóa thì tôi cũng vẫn có thể tự đi về nhà, và dù sao vẫn trong tầm kiểm soát của bố mẹ. Nhưng nhảy xe khách, đi mấy chục cây số thì không còn là chuyện nhỏ nữa.
Tôi thì không sợ. Phượng bằng tuổi tôi, tháng nào cũng theo xe đi về giữa Nam Định và Bình Lục thì sao tôi không làm được. Và quả thực chuyến đi ấy đã cho tôi dũng khí ban đầu để nuôi khát vọng khám phá chân trời của chính mình.
Chân trời ấy luôn vẫy gọi tôi tìm đến.
Năm lớp 11, tôi theo Ngọc - cũng là một bạn học cùng lớp, nhảy xe khách lên Hà Nội thăm chị gái Ngọc đang học Trường Đại học Y. Hai ngày ở Thủ đô, chúng tôi lấy xe của chị đạp quanh thành phố. Cần đi đến đâu thì hỏi đường. Nào hồ Hoàn Kiếm, nào Lăng Bác, hồ Tây... Có khi chẳng cần đích đến cụ thể, chúng tôi cứ nhẩn nha dạo chơi, cảm nhận một cuộc sống thật khác lạ. Hai đứa con gái tỉnh lẻ chở nhau trên chiếc xe đạp khô dầu kêu lọc xọc, háo hức ngắm nhìn Hà Nội. Hôm đầu, gần 10h tối vẫn chưa tìm thấy đường về ký túc xá nhưng chúng tôi không hề lo sợ. Cảm giác được tự mình vẽ nên “bản đồ khám phá” của riêng mình khiến tôi vô cùng phấn khích.
Những chuyến đi ấy, mãi sau này tôi mới dám kể với bố mẹ. Không nằm ngoài dự đoán, bố mẹ sợ chết khiếp vì sự liều lĩnh của tôi. Và mặc dù bảo tôi không được như vậy nữa, nhưng bố mẹ cũng thừa hiểu rằng không thể ngăn được khát vọng của tôi.
Tôi thì không quá bận lòng về nỗi lo âu của bố mẹ. Bởi với tôi người lớn luôn cả nghĩ và phức tạp hóa vấn đề. Trong khi tôi nghĩ mình có thể tự tin bước chân ra ngoài rệ cỏ chạy dọc con mương, tự tìm đến những chân trời thay vì ngồi hình dung, tưởng tượng và ước ao. Chính vì vậy nhiều năm sau và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn bị thôi thúc dấn bước vào những cuộc khám phá mới, để lại phía sau lưng những chân trời đã qua.
Nhưng rồi đến một lúc, tôi sực nhận ra rằng những chân trời cũ vẫn ở ngay phía sau tôi, vẫn dõi theo tôi. Nếu không có những chân trời cũ mở rộng vòng tay đón nhận, khích lệ tôi dấn bước, hẳn sẽ không có tôi như ngày hôm nay.
Những gì tôi đã trải nghiệm, những vùng đất tôi đã đi qua, những câu chuyện tôi đã nặng lòng, những người bạn tôi đã gắn bó..., đó chính là phù sa của chân trời cũ, bồi đắp nên chính tôi bây giờ, để tôi tự tin bước tiếp.
Gần hai năm qua trải nghiệm cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh, không được rộng chân bay nhảy đến những vùng đất mình khao khát, không được làm những điều mình yêu thích, cuộc sống đơn điệu trong bốn bức tường nhà, tận mắt chứng kiến nhiều mất mát đau thương diễn ra quanh mình..., nhưng chính nhờ vậy tôi đã tìm ra một chân trời khác cho mình. Ở đó, tôi được sống chậm lại, nhìn sâu vào bản thể, có thời gian lý giải cuộc sống quanh mình một cách cặn kẽ hơn. Ở đó, tôi học được niềm vui khi mỗi sáng nhìn thấy những bông hoa mới nở khoe sắc trên ban công nhà mình, bình yên khi nghe tiếng trẻ nô đùa trong ngõ nhỏ, hạnh phúc khi thấy tiếng mẹ vang lên trong điện thoại, nhắc về món cháo bí đỏ ngày bé mẹ hay nấu cho chị em tôi ăn...
Tôi không oán trách hay căm ghét con vi rút hình vương miện, bởi quy luật sinh tồn và phát triển, thiên tai, dịch bệnh sẽ luôn hiện diện trong cuộc sống của nhân loại. Chúng ta phải tự học cách để đối mặt và vượt qua.
Những điều xảy ra, bởi vậy chẳng có gì là vô nghĩa.
Với tôi, những chân trời ngày cũ vẫn luôn hiện diện ở đó, như đang thầm thì cất tiếng...