Nhiều đổi mới của Hà Nội đến từ Luật Thủ đô
Với các cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn với nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô bền vững, Luật Thủ đô 10 năm qua đã phát huy tính hiệu quả và giúp Hà Nội không ngừng phát triển, vươn cao và đạt những thành tựu to lớn.
Như Tạp chí Người Hà Nội đã thông tin tại bài viết Luật Thủ đô tạo động lực mới cho sự phát triển của Hà Nội, Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Ngay khi Luật Thủ đô được thực thi, các bộ, ngành, địa phương, nhất là Thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.
Theo Bộ Tư pháp, các cơ quan đã ban hành 34 văn bản để quy định chi tiết 21/21 nội dung Luật Thủ đô giao qua đó, tạo lập đồng bộ các công cụ pháp lý trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô bước đầu đã giúp cho thành phố Hà Nội trong việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, đạt mức cao so với bình quân chung của cả nước. Chẳng hạn, tính riêng năm 2022, GRDP của Hà Nội ước tính tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7,0% - 7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây. GRDP bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng, tăng 10,6% so với năm 2021. Xét theo cơ cấu GRDP năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,08% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,04%; khu vực dịch vụ chiếm 63,22%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66%.
Cùng đó, Luật Thủ đô đã đưa nhiều dự án, công trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải được ưu tiên đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực mạng lưới hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Có thể kể đến hai công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội vừa đi vào hoạt động gần đây, đó là tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông...
Không khó để nhận thấy, nếu 10 năm trước, khu vực quận Hoàng Mai giáp ranh với quận Hai Bà Trưng, hai bên tuyến đường này có nhà máy, xí nghiệp và những ngôi nhà thấp tầng dày đặc. Đến khi có Luật Thủ đô, khu vực này đã có nhiều khu đô thị mới với trên 60 toà chung cư, cao ốc mà điểm nhấn là khu đô thị Time City với 20 tòa chung cư cao tầng. Từ đây có thể thấy, nhiều dự án khu đô thị mang tầm vóc của đô thị hiện đại đã, đang dần hiện hữu trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Không những thế, nhiều dự án nhà ở xã hội đã được xây dựng trên địa bàn Hà Nội, giúp người dân thu nhập thấp có cơ hội được sở hữu căn hộ giá rẻ nhưng có đầy đủ tiện ích, dịch vụ đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - KTS Trần Ngọc Chính cho biết, 10 năm qua, Hà Nội có sự thay đổi vượt bậc về diện mạo đô thị hoá theo tất cả các hướng và thay đổi nhanh nhất thuộc về phía Bắc sông Hồng như quận Long Biên, Gia Lâm với hàng loạt khu đô thị lớn cao cấp có diện tích hàng trăm ha. Theo KTS Trần Ngọc Chính, việc đầu tư hạ tầng theo đúng quy hoạch tạo sự phát triển đồng bộ cho Thủ đô, điển hình như việc xây dựng thêm cầu Vĩnh Tuy 2, Nhật Tân, các tuyến đường từ nội đô như Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Quốc Việt ra các tuyến vành đai 2, 3, hay trục Nội Bài -Võ Nguyên Giáp...
Báo cáo tổng kết năm thi hành Luật Thủ đô, đại diện Bộ Tư pháp cho biết thêm, cảnh quan kiến trúc hai bên đường trên một số tuyến phố của Hà Nội đã được chỉnh trang sạch đẹp; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn.
Khoa học công nghệ được đầu tư phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, hướng tới chất lượng, ứng dụng hiệu quả; nguồn thu ngân sách được bổ sung nhờ cơ chế phát huy nội lực, chính sách huy động vốn, chính sách thưởng và đầu tư trở lại từ nguồn tăng thu của ngân sách trung ương trên địa bàn Thành phố. Thủ đô đang dần phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, sức mạnh lan tỏa, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Ngoài ra, các quy định của Luật Thủ đô đã tạo cơ chế tăng nguồn thu tài chính, ngân sách cho Thủ đô; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước./.