Theo ghi nhận của PV, sáng nay hàng trăm hành khách bắt đầu mua, đóng phí sử dụng tàu. Theo ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Hà Nội metro), trong thời gian miễn phí, tàu Cát Linh – Hà Đông đã vận chuyển trung bình 19 nghìn lượt hành khách vào những ngày trong tuần, ở cuối tuần, lượng khách trung bình là 30 nghìn lượt. Từ 21/11, hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông bắt đầu phải đóng phí sử dụng. |
|
Ông Lê Hữu Nguyên (Hà Đông) cho biết, từ sáng 21/11, ông đã tới quầy bán vé tàu Cát Linh – Hà Đông để đóng phí sử dụng vì biết rằng bắt đầu từ ngày Chủ nhật người dân sử dụng dịch vụ của tuyến đường sắt trên cao này sẽ phải thu phí. Theo hướng dẫn của nhân viên nhà ga, ông đã xuất trình các giấy tờ để chứng minh mình thuộc đối tượng giảm giá và đóng khoản tiền 100.000/tháng. Toàn thời gian ông Nguyên đợi hướng dẫn, đóng tiền, nhận vé chỉ tốn khoảng 20 phút.
Bên cạnh đó, sáng 21/11 đã có hàng trăm hành khách đến ga tàu Cát Linh để mua vé, tuy không đông như Chủ nhật tuần trước nhưng lượng khách tới ga vẫn phải thực hiện đầy đủ các bước khai báo, kiểm dịch phòng, chống Covid-19.
Ông Vũ Hồng Trường cho biết, được sự chỉ đạo quyết liệt sát sao của Thành uỷ, UBND TP Hà Nội, sự vào cuộc rất quyết liệt của các Sở, ngành và địa phương, bám sát chủ trương và linh hoạt trong giải pháp. Trong thời gian qua, đơn vị vận hành tàu Cát Linh – Hà Đông đã có nhiều cố gắng, lắng nghe mọi chỉ đạo, ý kiến góp ý để đạt được thành quả hiện tại.
Các thủ tục đóng phí tháng sẽ được thực hiện tại quầy. |
|
“Có nhiều quyết định của TP ký lúc nửa đêm; thậm chí có hôm vào lúc nửa đêm Phó Chủ tịch UBND TP còn gọi điện để giải quyết kịp thời những kiến nghị của Công ty để kịp thời triển khai ngay ngày hôm sau”, ông Vũ Hồng Trường nói.
Tuyến đường sắt dài 13km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây. Nếu tàu chạy từ điểm đầu - ga Cát Linh, đến điểm cuối - ga Yên Nghĩa và ngược lại không dừng chỉ mất 13 phút, không gặp bất kỳ trở ngại nào do chạy ở đường riêng.
Dọc đường sắt có 52 tuyến xe buýt, riêng ga Cát Linh có 16 tuyến. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần điều chỉnh tiến độ.
Máy bán vé tự động. |
|
Về quy trình mua vé, hành khách đi tàu theo hình thức vé ngày sẽ mua vé tại quầy, đối với người thuộc đối tượng được miễn phí sẽ được cấp thẻ 0 đồng, tương tự như loại thẻ sử dụng trong giai đoạn miễn phí. Hành khách mua vé tháng chỉ cần đến trả tiền, vé có tác dụng ngay lập tức để sử dụng trong 30 ngày, khi thẻ này hết hạn, hành khách tiếp tục tới thanh toán tại quầy và đóng tiền gia hạn nếu có nhu cầu.
Ngoài ra, đối với loại vé có dán tem ưu tiên, hành khách chỉ phải trả 100.000 đồng/tháng. Yêu cầu đối với hành khách có nhu cầu làm vé ưu tiên được thực hiện rất đơn giản khi hành khách chỉ cần tới quầy đề nghị hướng dẫn và xuất trình thẻ học sinh, sinh viên để biết mình có thuộc đối tượng ưu tiên hay không mà không cần đơn từ, khai báo qua nhiều công đoạn, giá trị thẻ này cũng có thời hạn là 30 ngày.
Người mua vé lượt có thể mua trực tiếp tại máy bán vé tự động, nếu xảy ra tình trạng ùn ứ, chờ đợi, Hà Nội metro sẽ tăng cường bán loại vé này tại quầy.
Để chuẩn bị cho ngày bắt đầu bán vé, tất cả các máy bán vé đã được Hà Nội metro rà soát, kiểm tra chất lượng. Đồng thời bổ sung thêm nhân viên công ty, tình nguyện viên và nhân sự của Công đoàn ngành giao thông Hà Nội. Trong ngày 20/11, công ty sẽ tập huấn bổ sung cho các nhân sự này.
Hành khách trên tàu Cát Linh - Hà Đông. |
|
Trước đó, tàu trên cao Cát Linh – Hà Đông bắt đầu được đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/11 và hoạt động miễn phí trong 15 ngày tiếp theo. Tới 22 giờ ngày 20/11, thời gian miễn phí kết thúc, người dân khi sử dụng dịch vụ trên tuyến đường sắt này sẽ phải mua vé.
Mức giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách. Trong đó, tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất.
Giá vé ngày 30.000 đồng/người không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày. Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé.
Tàu Cát Linh – Hà Đông có có 13 đoàn tàu toàn tuyến, mỗi chuyến tàu chở trên 950 hành khách lượt. Tàu có vận tốc tối đa 80km/h, tuy nhiên vận tốc khai thác bình quân sẽ chạy ở tốc độ 35km/h và tốc độ cho phép chạy đến 65km/h.
Năm đầu tiên đưa vào hoạt động, dự án 2A Cát Linh - Hà Đông sẽ được chia làm 2 giai đoạn vận hành. Cụ thể, ở 6 tháng đầu, có 6 tàu chạy. Giai đoạn 6 tháng sau, số đoàn tàu được tăng lên thành con số 9, đạt 100% công suất tối đa.