Nhà thơ Thu Bồn: Sức vóc trường ca và nét thơ xao xuyến
Vóc hình cao lớn, nói năng hồn nhiên, ứng xử phóng khoáng. Viết nhanh, viết nhiều, vừa tiểu thuyết vừa thơ. Định là làm. Làm cật lực và chơi cũng cật lực. Vào Nam ra Bắc, nồng nhiệt những bạn bè, văn chương, nghệ thuật. Tôi có cảm giác Thu Bồn luôn luôn dư thừa sức lực, sức lực thể chất và sức lực tâm hồn. Cũng phải thân xác ấy mới đủ sức để chạy theo được những ý tưởng những cảm xúc luôn bề bộn trong lòng ông.
Tôi đã nghe ông kể về việc địu con bằng ba lô, vượt bom đạn Trường Sơn ra Bắc. Đứa bé thò chân qua hai lỗ khoét ở hai góc ba lô. Và ông thì đi bộ, đi xe quân sự, nhiều tháng đường rừng. Hà Nội một năm nào đó, khi trả lời một bạn văn trách ông vắng mặt buổi nhậu đêm Trung thu, ông nói: mình ngồi với cháu ở nghĩa trang. Gương mặt ông lúc ấy rất buồn và tôi cứ mãi hình dung bóng ông bất động bên mộ con trong cái nghĩa trang rộng bạt ngàn phần mộ dưới trăng đêm ấy. Cách đây, cũng đã nhiều năm, khi đi tìm những câu thơ hay cho ngày thơ Nguyên tiêu, bạn thơ Hữu Thỉnh nhắc tôi hai câu của Thu Bồn, mà với tôi là rất lạ: “Lấy khăn mà gói bơ vơ/ Tay cầm nước mắt bao giờ sang sông”.
Lạ, trong chất hồn dân tộc đắm đuối xót thương. Cả lời, cả cảnh, cả tình, cả ý rưng rưng nỗi niềm một thuở xa xưa, thân gái dặm trường, đò sông bến nước. Lạ, khi ốp thơ ấy vào vóc dạc và cá tính Thu Bồn, khi chiếu thơ ấy vào dòng cuồn cuộn ào ạt và cũng hơi xô bồ của các trường ca đậm hương vị Tây Nguyên, từ “Bài ca chim Chơ Rao” đến “Ba dan khát”. Cái hay tiêu tao của câu thơ ấy như một nhắc nhở tôi lưu tâm tìm một khía cạnh khác. Lắng hơn, trầm hơn, rất sâu nặng tình đời trong thơ Thu Bồn.
Thu Bồn (1935-2003) có tên khai sinh là Hà Đức Trọng, người làng Điện Thắng, huyện Điện Bàn Quảng Nam. Bạn đọc miền Bắc biết Thu Bồn khi trường ca “Bài ca chim Chơ Rao” lần đầu được in trọn vẹn trong một số của tuần báo Văn Nghệ Hà Nội năm 1965. Đầu trường ca tác giả đề: Kính tặng miền Bắc, cuối trường ca là ngày hoàn thành: tháng 5/1963. Những năm ấy các tác phẩm văn chương từ miền Nam gửi ra còn hiếm và rất được trân trọng đọc như đọc thư người thân. Về thơ, bà con miền Bắc khi ấy mới biết Giang Nam, Thanh Hải, Văn Công. Bấy giờ biết thêm Thu Bồn, và sau đó nữa là Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Dương Hương Ly... “Bài ca chim Chơ Rao”, ngót một ngàn câu thơ, được xếp trang khá đặc biệt trên mặt báo Văn Nghệ để bạn đọc có thể tách ra, gấp lại, đóng thành tập thơ 32 trang khổ 13x19, lưu hành độc lập với tờ báo. Bạn đọc, bạn viết miền Bắc nồng nhiệt đón nhận tác phẩm và Thu Bồn nhanh chóng thành một tên tuổi tiêu biểu của thơ ca cách mạng miền Nam. Ưu điểm trước tiên của Thu Bồn thuộc về bút lực. Sức cảm xúc mạnh, hơi thơ liền mạch. Câu chuyện đấu tranh phi thường của hai chiến sỹ Kinh và Thượng trong nhà tù Mỹ Diệm được kể bằng bút pháp biểu tượng, thấm đẫm cảm hứng lãng mạn, siêu thực. Vũ khí của nhân vật chính diện là tiếng hát. Các anh chiến thắng cực hình bằng tiếng hát. Làm rã hàng ngũ nghìn quân địch cũng bằng tiếng hát. Thu Bồn tạo được không gian thơ kỳ ảo cho tiếng hát cất cánh. Câu thơ chắc gọn và biến hóa, đặc biệt chất thơ rất nhiều hư ảo. Có thể thấy trong cách làm câu cho “Bài ca chim Chơ Rao”, Thu Bồn đã tiếp nhận được thành tựu của “Bài thơ Hắc Hải” của Nguyễn Đình Thi, xuất bản năm 1959 ở Hà Nội. Thu Bồn năm ấy chưa đầy ba mươi tuổi. Bút pháp mới mẻ và đang hăm hở đi tới. Ông vận dụng những sáng tạo của cổ tích, của anh hùng ca cổ xưa. Hình ảnh hai vòng tay lửa ôm nhau của hai chiến sỹ phút hy sinh phi thực, phi thường, đầy bi tráng, như trong bi kịch Hy Lạp cổ xưa. Khi hai sợi dây trói đã cháy, hai người con Kinh - Thượng ấy: “Hai ngọn lửa đuốc rùng rùng tiến lại/ Hai vòng tay lửa gán vào nhau”.
Thu Bồn có sức bút mạnh mẽ. Ông viết nhanh, viết nhiều và chất lượng khá đều. Ông hay trở lại với đề tài Tây Nguyên, vùng đất đánh thức trí tưởng tượng ông từ tuổi bé thơ, khi bỏ cả ngày xuống chợ Thanh Quýt để xem người Thượng cưỡi voi về mua bán. Trong kháng chiến chống Pháp, ông sống với đồng bào Tây Nguyên, xúc động trước bao tấm gương hy sinh cao cả thầm lặng của đồng bào. Ông sử dụng nhuần nhuyễn các chất liệu Tây Nguyên. Hơn thế, ông biết cách kỳ ảo hóa, tạo thêm sức mê đắm hoang dại và thần kỳ. Những cuộc săn thú, săn người trong “Ba dan khát” kỳ lạ và lôi cuốn. Đất nước Campuchia hiền hòa tương phản gay gắt với hành động diệt chủng man rợ, quái đản của bọn Pôn-pốt. Chỗ xung đột gay gắt là chỗ Thu Bồn thường cất lên những cảm xúc mạnh mẽ, xây dựng các hình tượng có tầm vóc. Ông lựa chi tiết đặc tả rất có thần. Thủ đô Phnôm Pênh trong nạn diệt chủng (Campuchia hy vọng): “Những con chuột ăn gót chân người sống/ Những con mèo hoang bị chuột tha đi”.
Nét hùng vĩ của cảnh và người Tây Nguyên được hình tượng hóa: “Quê hương lạnh đắp chăn bàng lửa/ Con đại bàng nhám mát ngủ trong mây”.
Cảnh chủ làng săn đuổi đôi trai gái (Ba dan khát): “dòng sông quặn lại/ Mặt trời đau mờ mịt dưới lòng sâu”. Cảnh bà mẹ Chàm có đứa con bị giết đi tìm mẹ tên giết người. Những hành động bất ngờ của những tính cách mạnh mẽ giàu chất lãng mạn và giàu chất thơ mang tính nhân đạo nhân dân sâu sắc.
Thơ Thu Bồn mạnh ở những mảng cảm hứng lớn, ôm trùm hiện thực rộng, chất liệu đời sống lạ, cho phép một ngôn ngữ phóng khoáng, một cảm xúc tung hoành, đắm vào lãng mạn, lấy bút pháp khoa trương làm rường cột cho cốt truyện và tạo nên không khí trữ tình cho không gian tự sự. Cái ấn tượng lực lưỡng trong hồn thơ Thu Bồn phát sinh từ đặc điểm đó. Đặc điểm làm nảy sinh một loạt trường ca đề tài phong phú, phong vị rất Thu Bồn (“Bài ca chim Chơ rao” - 1963, “Vách đá Hồ Chí Minh” - 1970,”Quê hương mặt trời vàng” - 1975, “Chim vàng chốt lửa” - 1975, “Ba dan khát” - 1976, “Campuchia hy vọng” 1978, “Người vắt sữa bầu trời” - 1985, “Thông điệp mùa xuân” - 1985...). Và chính nó, cái đặc điểm ấy, cũng làm mờ một khía cạnh khác trong cảm hứng thơ của Thu Bồn. Ấy là cái chất lặng và thấm, giàu phong vị truyền thống và nảy sinh từ hiện thực của đời. Nó là cái chất đã kéo con người Thu Bồn, vốn phóng túng như ngọn gió rừng hoang dại, ngồi lặng trầm tư bên mộ con gần trọn một đêm trăng Trung thu năm ấy.
Ở những bài thơ ngắn, Thu Bồn cũng viết bằng hơi trường ca nên thường dài và ít quan tâm đến việc chăm sóc ngôn ngữ. Ông chú trọng nhiều đến hơi thơ, giọng thơ “đại tự sự” hơn là mạch nội tâm cá thể hóa trầm lặng. Phải đến những năm ngót bảy mươi, cái con người tráng kiện của sử thi ấy, mới có dịp quay về chiêm nghiệm lại tháng ngày ông đã sống. Ông nhớ một miền quê thơ ấu - làng Phú Thạch, thị xã Tuy Hòa, với những lam lũ vất vả một thời xưa. Ông nhớ Hà Nội, “Nơi không xa cách được mà mình xa cách rồi”. Ông nhớ mùa đông xứ Bắc những năm tập kết áo bông rộng thênh thang. Ông nhớ “Những con người đi qua đời tôi chẳng bao giờ gặp lại”. Ông phát hiện những lẽ đời sâu nặng trong những việc thường ngày. Đôi lúc thoáng qua cảm giác chua chát trước biến động của cuộc sống. Ông chia sẻ và cảm thông sâu sắc với người nông dân sương nắng tự bao đời mà hôm nay vẫn còn sương nắng: “Ngày úp mặt xuống cánh đồng/ Đêm úp mặt lên hai cánh tay”. Thơ ông thâm trầm hơn nhưng thời gian của riêng ông không còn đủ cho ông khai thác cái vỉa ngầm tiềm lực đặc sắc ấy. Đặc sắc trong sự tinh tế và thấm đượm. Xin lọc ra từ một số bài thơ ngắn và từ những đoạn trữ tình xen trong trường ca: “Chim vàng vẫn kêu trong một vùng dĩ vãng của rừng cây”. Vùng dĩ vãng của rừng cây. Đang đọc trôi chữ, tôi bỗng sững lại trước khóm từ này. Nó là một hình tượng. Con chim hôm nay thì hót trong rừng hôm nay, vùng dĩ vãng của rừng nằm ở hoài niệm của người: con chim hôm nay bỗng về hót trong thời gian cũ. Trên phương nằm ngang của trục thời gian quá khứ - hiện tại - tương lai, bỗng nhiên võng xuống một chiều sâu của hoài niệm, của trải nghiệm, của nông nỗi đời người. Phía trên tôi nói lọc ra vì câu thơ ông thích bay trên đầu sự kiện - cao, đẹp, phóng khoáng - hơn là chìm sâu vào lòng nó - thâm trầm, sâu lặng. Chỉ đôi khi, như tình thế tạo nên, một lần trú trong hầm bí mật dưới đất sâu: “Đầu cành cây có ra hoa/ Chắc là nở với lòng ta dưới này/ Ta nghe trâu giục luống cày/ Có con chim sẻ đang bay ngang trời”.
Một lần khác, trong bài thơ “Cho tôi về lại”: “Cho tôi về lại với hàng tre râm mát/ Nằm trên cỏ xanh trâu gặm ướt chiều hôm/ Cho tôi về với cánh đồng vàng gốc rạ/ Những người thợ gặt đi rồi… Còn nỗi nhớ mênh mông”.
Trâu gặm ướt chiều hôm, gợi cảm nhưng cũng là câu dễ viết. Cái chất thơ nhìn gốc rạ sau vụ gặt mà nhớ mênh mông đáng quý hơn. Nó có nhiều nỗi niềm từng trải lặn chìm trong đó.
Vào chặng cuối của đời, Thu Bồn, như mọi nhà văn vào tuổi ấy, thường hướng về hoài niệm nên dễ đụng vào những vùng cảm xúc ấy. Câu thơ ông vẫn bước đều chân nhưng người đọc thì sửng sốt và âm thầm dừng lại. Dừng lại với câu thơ để gặp chính hồn ông, để lắng nghe trong ấp úng ngôn từ cái phần đời mà ông chưa nói hết.
Khoảng thập niên cuối thế kỷ trước, một trưa, ông hẹn mươi người bạn đến căn nhà nhỏ dưới chân đê Hoàng Hoa Thám gần Chợ Bưởi, mừng cuộc sống gia đình mới của ông. Ông kể rằng hôm trước ông thuê xích lô dọn nhà cho cô dâu từ nam chợ Mơ về đây. Lúc xe rẽ từ đê Hoàng Hoa Thám xuống xóm thì lại lao xuống ao. Đường dốc, lúc ấy mới biết ông xích lô lại là thương binh, có một bàn chân gỗ, không ghì được xe. Rõ khổ, đồ đạc rổ rá đã cạp lại cứ trôi lềnh bềnh dưới ao. Ông đương kim chú rể phải lội xuống vớt lên. Vớt của hồi môn, vớt cả ông lái xe, rồi mời ông ấy uống rượu với mình. Chuyện vậy nhưng Thu Bồn kể vui lắm, giọng hồn nhiên như nói chuyện người ta. Mọi người cười, cô dâu cười hăng hái nhất. Bữa ấy vui mà cũng thoáng ngậm ngùi.
Không biết có gì liên quan giữa cách kể chuyện mình thản nhiên như thế với những câu thơ lấp lánh nội tâm mà thơ ông cứ lướt qua?
Phải chăng ông muốn ghi cho nhanh những nét thời cuộc hay muốn đáp ứng một chức năng xã hội khẩn thiết của thơ ca mà chưa có lúc mình chuyện với mình về chính cuộc đời mình? “Bài ca chim Chơ Rao” thành công đầu đời chói lọi, làm nên tên tuổi ông, ở đấy cái Đẹp, cái Cao cả như chất men thúc đẩy con người nhập cơn say lý tưởng, cơn say chiến đấu. Thành tựu ấy là rất quý, Nhưng say gì rồi cũng có lúc tỉnh. Chính “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” là lúc con người cần tìm vào sự sâu sắc của nội tâm. Tìm vào sâu sắc mà nhận ra “Đường trên mặt đất” và “Sức đi của lòng mình”. Thu Bồn ở chặng “Tay cầm nước mắt bao giờ sang sông” là lúc ông đang nhập vào cõi sâu sắc của lòng mình mà chiêm nghiệm nhân gian./.