Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương: Một thẳm sâu ký ức chảy trong tĩnh mạch mình

Hồ Nghiêm| 06/05/2021 14:56

Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương là thế hệ nhà thơ xuất hiện vào thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Là thế hệ chứng kiến giao thời giữa hai thiên niên kỷ đầy cảm xúc giữa cũ và mới, giữa chiêm nghiệm và dự nghiệm. Nóng và lạnh của dòng chảy thời gian đã làm nên những trải nghiệm đủ để cất lên độ nhuyễn, độ chín, độ cảm của nhà thơ trong mỗi thi phẩm của mình.

Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương: Một thẳm sâu ký ức chảy trong tĩnh mạch mình

Sau ba tập thơ: Mắt đêm, Câu thơ mặt người, Ngày rất dài... mới đây nhà thơ tiếp tục ra mắt bạn đọc tập thơ thứ tư của mình: Tập thơ Mưa ký ức và cũng tiếp tục khẳng định một chân dung thơ, một giọng điệu thơ không lẫn, hòa quyện giữa cách tân và truyền thống, đi từ cảm xúc tới cấu tứ, từ chữ tới nghĩa, đầy chắt lọc... để cho thấy với anh thơ ca không phải là một cuộc rong chơi nhàn hạ mà là một lao động sáng tạo nghệ thuật thực thụ. Mưa ký ức gồm 56 thi phẩm chia làm 2 phần. Phần đầu là những bài thơ chất đầy những nỗi niềm thế sự và thời cuộc, ngổn ngang tâm trạng được chắt lọc qua trí óc và trái tim của thi sĩ: "Giẫy đạp khỏi mọi lo toan mà lo toan luôn mới...”, "...Cuộc sống mỗi ngày một vị cay/ Lớn khôn bằng cái lưỡi triết học...".

Tuy nhiên không phải vì thế mà mất đi những cảm xúc rất con người: "Sự chảy xiết mềm mại/ Nhắc ta một ký ức/ Chảy trong tĩnh mạch mình...", "Nghe ngực chữ thở trên từng phím nhớ"... Và đôi lúc nhà thơ giữa thế sự và thời cuộc cũng đã cất lên tiếng nói của trái tim đầy trăn trở: "Những câu thơ nhập thế/ giữa một bầy người dửng dưng..." để mà không phải rơi vào nghịch cảnh: "Hơn một lần mất tích/ trong chính trái tim mình...". Thơ Đoàn Mạnh Phương trong Mưa ký ức dọc ngang những cảm thức. Đó là sự trăn trở gửi gắm sâu nặng vào câu chữ, vào từng tứ thơ với bố cục chặt chẽ nhưng vẫn tạo ra độ mở cho người đọc cảm nhận: "Sớm mai này, phủ váng từng mơ tưởng/ Sớm mai này kết tủa mọi tưởng tượng/ Mặc cho sự ham hố của ếch xanh/ Giữa ao chuôm thời cuộc"; "Khi mắt mỏi mưa/ khi môi mỏi nắng/ sau lặng im vẫn lại là im lặng/ trong buông bỏ thì khôn ngoan ló rạng/ còn ai lạc đường không đi về phía ấy/ chậm chân đừng bước sang..."; "Giải thích làm sao về sự vắng mặt của nụ cười/ Nấp sau lặng im là hiếu động của lời...".

Trong Mưa ký ức là nỗi niềm cảm thông và chia sẻ, vượt lên nghệ thuật của ngôn từ, của cấu tứ vẫn thấy một ấm áp lan tỏa: "Câu thơ chiều giông nấc ra nước mắt/ nghe hồn lửa thở dài trên củi ướt", "Cộng hưởng từng con chữ/ ngồi canh ý tưởng cho mình" để "Xuân thở nhiều trang đi từ xanh tới chín" với lao động sáng tạo thơ, nhà thơ Đoàn Mạnh Phương là nhà thơ nghiêm cẩn trước thơ. Đọc thơ anh, người đọc cảm nhận rõ một lao động nghệ thuật nghiêm túc được chưng cất bằng độ chín của cảm xúc và trải nghiệm. Chính vì thế thơ anh luôn mới, luôn hướng về tìm tòi để biểu đạt những cảm xúc riêng có: "Tích tụ những hợp tố tư duy/ để thêm những phép cộng, đối diện những phép trừ/ thế sự không ngừng gạch xóa/ ký nợ vào cương nhu..." để rồi anh tự dung dưỡng tâm thế của mình: "Ngày chăn thả những hưng phấn mới/ giấc mơ nào rụng rốn trong đêm."

Trong Mưa ký ức là những tứ thơ, những câu thơ, những khám phá mới lạ và thú vị. Bắt gặp nhiều câu thơ hay, thi ảnh lạ, sự kết nối những trạng thái cảm xúc để tạo ra cho người đọc bao cảm nhận mới mẻ: "Buổi chiều mọc hoang trong ý nghĩ/ hình dung một hoàng hôn thực đơn...". Tập thơ được đặt tên là Mưa ký ức nhưng không chỉ là ký ức. Nhà thơ mượn ký ức để hồi tưởng những gì đã qua, chiêm nghiệm thực tại và dự báo cả ngày mai: "Những cơn mưa không phủ kín được ký ức/ tôi cũ trong thành phố cũ/ cơn mưa còn mới nguyên...". Và lúc ấy "Một ký ức Hà Nội/ đổ mưa trong ngực mình". Với ký ức, nhà thơ đã khẳng định với chính tâm thức của mình: "Nhớ để về, về để nhớ đầy hơn... Dọc ngang nắng mưa/ sông dài nước rộng/ ký ức nặng tâm/ con đường chịu đựng".

Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương: Một thẳm sâu ký ức chảy trong tĩnh mạch mình
Nhà thơ luôn cảm thấy mắc nợ với ký ức thời gian: "Cuộc bày biện dọc ngang của ký ức/ chuyện cũ thở ra sương..." để ký ức ấy là Tổ quốc, là quê hương, là cha, là mẹ, là gia đình bé nhỏ mà hạnh phúc của nhà thơ đã hiển hiện trong tập thơ này bằng những cảm xúc hết sức chân thực vượt lên sự dụng công về câu chữ. Bạn đọc đều cảm nhận thấy bóng dáng mình trong đó mà nhà thơ đã nói hộ bao điều: "Cư trú trong từng kẽ nhớ/ kỷ niệm lớn khôn thở dài ngọt ngào/ Có một ngày xưa khóc cười thành thật/ có một ngày xưa hót như ngậm lửa/ có nhiều ngày xưa đã từng tiếp sức...".

Những ký ức ấy, những ngày xưa ấy đã lay động trong từng tứ thơ, từng câu chữ trong Mưa ký ức để nhà thơ chắt lọc nên một trải nghiệm: "Ngày trôi không nhan sắc/ hơi ấm còn tinh khôi". Trong Mưa ký ức của nhà thơ có Hà Nội, có Huế, có Sài Gòn cùng biết bao những nơi mà nhà thơ đã đặt chân tới... và với mỗi địa danh ấy chứa đựng những cảm nhận, gắn bó của nhà thơ để đem tới cho bạn đọc những câu thơ đầy cảm xúc.

Nhà thơ đã từng khao khát sống chậm trong thành phố của mình: "Thèm khát một lắng sâu để duỗi thẳng mọi cảm giác/ để lắng nghe/ để cảm nhận/để như thấm vào mình/ cái cọ má vào hơi thở của Hà Nội từng ngày". Với Hà Nội, nhà thơ từng trăn trở:"Thật chậm rãi/ để nghe được tiếng bước chân của ngàn năm in/ trên từng centimet phố/ để nghe được lời của nước mắt được chắt ra từ sự/ mất ngủ của nỗi nhớ/ Rằng: Trong mênh mang Hà Nội mới/ Có nhòa một Hà Nội xưa?".

Với Huế, nhà thơ đã chạm khắc: "Tạc Huế vào giấc mơ/ Đêm hay là Huế đi trong từng thớ não". "Bên kỷ niệm mấp mô của bè bạn và tôi/ Dẫu có hay không cốc bia sủi bọt/ Và Huế/ vẫn bay bổng ngày ngày/ thở những câu thơ/ rát ngực…".

Với Sài Gòn, nhà thơ đã cảm nhận độ nóng ấm của đất và người phương Nam "Sài Gòn rộng, mà hóa thành quá hẹp/ Không đủ mang những mảnh ghép cuộc đời/ Bao ký ức gửi Sài Gòn cất giữ/ Chỉ mang về Hà Nội một riêng thôi...".

Trong Mưa ký ức còn là những dòng nỗi niềm thế sự trăn trở của nhà thơ trước thời cuộc thể hiện trách nhiệm của người cầm bút trước hiện thực cuộc sống... từ cơn bão lũ đến đại dịch Covid-19. Và để rồi trong sâu thẳm tâm thức của nhà thơ đã thốt lên "Nghĩ mà thương mình thương chữ/ Tình nhạt đi/ sao nước mắt mặn hơn/ Tận cùng trầm tư/ cầm tay trí nhớ/ Trí nhớ dắt người đi/tìm câu hỏi vì đâu/ Dỗ lòng người ra sao/ Dỗ lòng ta thế nào?". Từng đoạt giải cao về thơ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tuần báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội, với Mưa ký ức thêm một lần khẳng định một nhà thơ sống và lao động sáng tạo đúng nghĩa trước thơ. 

Đoàn Mạnh Phương đã được bạn đọc và các nhà thơ cùng thời với anh đánh giá và cảm nhận trân trọng. Với nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch: "Thơ Đoàn Mạnh Phương nếu định danh theo phương pháp "phê bình văn bản" thì đó là thơ hiện đại. Song, nhờ sự phong phú về dạng thức, về tính biểu đạt nên có trang trập trùng ấn tượng "thơ ngôn ngữ", lại có trang kết nối gập ghềnh tựa hồ "tân hình thức". Hệ thống ngôn ngữ ý tưởng làm giàu tính hàm ẩn kết hợp hệ thống ngôn ngữ suy luận gia tăng sự liên tưởng làm cho thơ Phương "đa mang" mà "đơn phương" một cõi". Với nhà thơ Hữu Việt: "Tạng" thơ Đoàn Mạnh Phương là luôn tìm tòi cách biểu cảm và diễn đạt mới từ những điều vốn quen thuộc. Thơ anh đòi hỏi người đọc kỹ tính, kiên nhẫn dõi theo những thi ảnh lạ, lắng nghe nhịp điệu gập ghềnh của câu để khám phá thế giới nội tâm nhiều trắc ẩn, đôi khi khó nắm bắt". Với nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: "Đoàn Mạnh Phương là một trong những nhà thơ luôn đi tìm cái mới, người đọc khó tìm thấy sự mượt mà, đèm đẹp, điệu đàng trong thơ anh, bởi tác giả luôn khát khao gửi gắm tri âm với người đọc bằng chính sự chiêm nghiệm ở một góc nhìn mới, cách tân qua trái tim thi sĩ". Với nhà thơ Lê Anh Hoài: "Thơ của Phương phồn tạp với những phức tạp trong chính con người anh, giao thoa giữa đạo và đời, giữa mơ và thực, đầy những thi ảnh khác lạ...". Với bạn đọc Lãng tử Đạt Ma (lucbat.com): "Đoàn Mạnh Phương cho thấy mình vẫn sung sức như ngày nào, con chữ trưởng thành biết mai phục, âm thầm tỏa khí, công thủ toàn diện... sẽ còn mệt khởi giác được vỉa phố thơ anh". Với nhà thơ Đinh Ngọc Diệp: "Thơ Đoàn Mạnh Phương ngồn ngộn những phức cảm. Thơ vừa trôi vừa tạo nghĩa. Như đó là quán tính nhưng không ngẫu nhiên mà cho người đọc một xúc cảm chân thực về cõi sống để con người chủ động hoàn thiện mình sống đẹp hơn mỗi ngày".

Hy vọng, với tuổi 50 của độ chín, của chiêm nghiệm và từng trải, nhà thơ sẽ tiếp tục sáng tạo và bền lòng với thơ đúng như câu thơ anh đã viết:

"Những chữ cái cảm thông và chia sẻ/ Cầm tay tôi hướng về bếp lửa hồng/ Quàng vai tôi rủ rê về thương nhớ"... "Sớm nay, tôi bí từ/ chữ cái giúp tôi/ bấm vào huyệt tứ...". 
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn Bùi Tiểu Quyên ra mắt sách mới viết cho thiếu nhi - "Xám Ngố đi thành phố"
    Sau thành công của “Cà Nóng chu du Trường Sa” và “Hùm Xám qua sông”, nhà văn Bùi Tiểu Quyên tiếp tục ghi dấu trong lòng độc giả với “Xám Ngố đi thành phố” - phần hai tiếp nối hành trình của chú chó đặc biệt mang sứ mệnh lưu giữ ký ức và sẻ chia tình yêu thương. Tác phẩm do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, ra mắt đúng dịp Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, cũng là dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
  • "Thành phố Hồ Chí Minh – Giờ khắc số 0": Lịch sử Việt Nam qua góc nhìn báo chí quốc tế
    Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt bạn đọc cuốn sách “Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”. Đây là một ấn phẩm đặc biệt không chỉ tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam qua góc nhìn của các nhà báo quốc tế mà còn là minh chứng sống động cho giá trị của sự thật, của ký ức và của niềm tin vào một tương lai hòa bình sau những năm tháng chiế
  • Nhiều bộ phim cách mạng được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông
    “Biệt động Sài Gòn”, “Cánh đồng hoang”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Mùa xuân toàn thắng”… những bộ phim sống cùng lịch sử sẽ được công chiếu cho khán giả Thủ đô trong chương trình Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tại Rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
  • Phát động phong trào thi đua triển khai công tác tuyên truyền, vận động GPMB dự án trọng điểm
    Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 28/11/2024 của Thành ủy “Về đẩy mạnh công tác dân vận trong công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
  • “Yêu lắm Việt Nam” – Khi công nghệ thắp sáng tình yêu đất nước
    Chiều 17/4, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân chính thức công bố triển khai dự án “Yêu lắm Việt Nam” – một sáng kiến ứng dụng công nghệ số kết hợp chip NFC (kết nối không dây tầm ngắn) để lan tỏa tình yêu quê hương, quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa và du lịch khắp mọi miền Tổ quốc. Đây là món quà đầy ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương: Một thẳm sâu ký ức chảy trong tĩnh mạch mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO