Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thiêm: Một đời cần mẫn “hút nhụy hoa xây mật”
Tôi biết nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thiêm từ cuối năm 2008, sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Theo đó, một số hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây (chuyên sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian) cũng nhập vào mái nhà chung là Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội, trong đó có Đặng Thiêm. Dần dà qua công việc, chúng tôi thân thiết và quý mến nhau. Mỗi lần trò chuyện với ông lão quắc thước, thông tuệ nhiều mặt, tôi lại nhớ tới lời của GS.TS Mai Quốc Liên: “Vẫn biết là trời cho tuổi thọ, nhưng chủ yếu là người hiền đức thế nào thì mới được đặc ân như thế!”.
Ông Đặng Thiêm sinh năm 1936 tại thôn Hoàng Xá, tổng Phương Đình, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) trong một gia đình nhà nho nghèo, thân phụ là thầy đồ. Cụ đồ sinh được ba người con trai: Đặng Đình Phân, Đặng Đình Giới và Đặng Đình Thiêm.
Nhân một lần vui chuyện, tôi ướm hỏi về gốc gác sinh thành, ông Thiêm chia sẻ: “Tổ tiên của tôi gốc dòng dõi Trần Hưng Đạo, sau sự biến Trần Tuân, để tránh phiền lụy, con cháu họ Trần đã đổi sang họ Đặng. Viễn tổ của ông là Đặng Hiên tiên sinh Trần Văn Trừng, sinh Đặng Huấn, sau sinh Đặng Đình Tướng, gốc ở làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ là người tài đức thời cuối Lê. Khi con cháu đông đúc, một chi họ Đặng ở Lương Xá di xuống xã Hoa Đình (tên làng Hoàng Xá thời Lê), lập ra họ Đặng Đình và phát triển đến ngày nay...”.
Năm 1948, đang học lớp nhì, cậu bé Đặng Thiêm được cô giáo cho đi thi cùng các anh ở lớp nhất (lớp ghép). Dù thi đỗ, nhưng sau đó cậu lại phải đi học nghề may để kiếm cơm. Ông chủ tiệm may là người thích đọc sách, thường sai Thiêm đi thuê sách. Sách ông đọc đủ loại, kiếm hiệp, truyện Tàu, Tự lực văn đoàn, truyện trinh thám… nhờ vậy cậu Thiêm được đọc ké, sinh ra mê văn. Bấy giờ, sau nhà lại có người bạn cùng tuổi là Nguyễn Đình Chiểu trọ học, đang theo lớp nhất rồi đệ thất. Chiểu hay khoe với Thiêm về các bài học vào những buổi tối khiến anh thèm thuồng và nhẩm theo.
“Đến năm 1952, đã thành thợ may, đã có lương tháng, tôi xin với ông chủ cho nghỉ buổi sáng để học với Chiểu. Lúc ấy, vì cửa hàng đã có vài người học việc nên ông chủ đồng ý, vẫn nuôi cơm mà còn cho tiền đóng học. Tôi phấn khởi quá, bỏ qua lớp đệ thất vào ngay đệ lục để cùng lớp với Chiểu. Sau đệ nhất lục cá nguyệt (học kỳ 1) do kết quả xuất sắc, cha sứ hiệu trưởng cho miễn học phí. Thế là tôi có tiền mua thêm sách tự học. Sang năm đệ ngũ, tôi lại cố học nốt chương trình đệ tứ để thi Diplome. May quá, lại đỗ nhưng chưa lấy bằng thì quê hương được giải phóng (tháng 7/1954)”, nhà giáo Đặng Thiêm chia sẻ.
Thời điểm ấy, Chính phủ kêu gọi những người có chữ đi dạy học. Thế là chàng trai Đặng Thiêm thi vào Trường sư phạm sơ cấp Liên khu 3 (từ tháng 3/1955 đến 5/1956). Tốt nghiệp, anh xung phong đi Việt Bắc với ý nghĩ trả nghĩa cho đồng bào ở cái nôi của cách mạng. Anh được điều về xã Việt Long, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, một vùng quê nghèo khó.
Sau 5 năm dạy cấp I, thầy giáo Thiêm được cử đi học sư phạm trung cấp ở Bắc Giang, ra trường được điều về dạy ở Trường Sư phạm sơ cấp Vĩnh Phúc. Trường chỉ mở được một khóa (năm 1962 - 1963) rồi giải tán, thầy được điều về trường cấp II Lạc Long, huyện Đa Phúc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Từ năm 1965, thầy về dạy ở quê - huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.
Không chỉ dạy học, thầy Thiêm còn tham gia viết báo, viết văn. Kể lại ngày đầu vào nghề viết, ông cho biết: Năm 1952, khi Đặng Thiêm đang học lớp đệ ngũ (tương đương lớp 8 bây giờ) tại trường Nguyễn Trường Tộ ở phố Vân Đình, thầy Phùng Quốc Thụy (nhà thơ trào phúng Tú Sụn) ra đề: “Anh hay chị đã từng làm phúc, hãy kể lại chuyện đó”. Thấy bài của học trò Thiêm viết hay, thầy gửi đi đăng báo, nào ngờ, ít ngày sau bài văn đó đã được đăng trên tuần báo Quê hương với tên tác giả là Đặng Thiêm. Tên gọi Đặng Thiêm vô tình đã trở thành bút danh. Ngày đó, bài được in không có báo biếu, không có nhuận bút. Bản báo chỉ trả nhuận bút cho cộng tác viên. Thầy Phùng Quốc Thụy cắt bài bài đó đưa cho trò Thiêm làm kỷ niệm.
Gắn bó với người dân quê lam lũ ở nơi dạy học huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, với khiếu quan sát và trí tưởng tượng phong phú, năm 1956, nhà giáo Đặng Thiêm viết truyện ngắn “Làm mưa” chống hạn gửi tuần báo Văn nghệ. Ít ngày sau, ông nhận được thư của nhà văn Vũ Tú Nam góp nhiều ý kiến và hẹn một năm sau sẽ in. Quả nhiên, đúng 12 tháng sau, truyện ngắn “Rồng phun nước” được in trên tuần báo này. Dẫu đầu đề bị đổi và nội dung cũng cắt mất ba phần tư nhưng truyện ngắn đầu tay đó đã làm cho thầy giáo trẻ Đặng Thiêm phấn chấn vô cùng.
Vài năm sau, qua một số bài khác được in, biết Đặng Thiêm là người viết có triển vọng, báo Văn nghệ rồi báo Giáo viên nhân dân có thư mời về làm phóng viên một trong hai tờ báo này. Được tin, thầy Thiêm rất vui nhưng không thể làm theo gợi ý đó, vì ông yêu nghề dạy học là nghề của cha mình và không thể dễ dàng từ bỏ. Với ông, làm báo chuyên nghiệp thì không thể dạy học, còn dạy học thì vẫn có thể viết văn, viết báo. Ông quan niệm, làm báo cũng là một hình thức dạy người, đặc biệt là làm báo bảng để động viên học trò học hành và rèn luyện đạo đức, tác phong nên các em rất thích và tiến bộ trông thấy. Có thể vì lẽ đó mà báo Thiếu niên tiền phong mời ông làm Chị Hiền của chuyên mục “Chuyện của chúng mình” từ năm 1980 đến năm 2000, chuyên giải đáp thắc mắc cho lứa tuổi mới lớn; báo Văn học và tuổi trẻ, báo Tri thức tuổi hồng mời cộng tác trong mục “Giao lưu - chia sẻ”, giải đáp những thắc mắc về văn cho học sinh cấp I, cấp II, cấp III trong cả nước. Đến nay, ông đã có hàng ngàn bài báo với nhiều bút danh viết về đề tài giáo dục, thiếu nhi, văn hóa xã hội in trên 50 tờ báo ở trung ương và địa phương. Về sách đã có 10 tập in riêng và khoảng 30 tập viết chung về các đề tài trên.
Suốt đời gắn bó và tận tụy với nghề dạy học, thầy Thiêm cùng đồng nghiệp đã chở 42 chuyến đò sang sông. Năm 1998, ông về hưu. Từ đây, ông chính thức bước vào một công việc mang rõ tính chuyên nghiệp mà cả đời ông say mê, yêu thích: viết văn, viết báo, sưu tầm, khảo cứu văn hóa văn nghệ dân gian.
Dẫu sắp bước vào tuổi 90, hằng ngày ông vẫn miệt mài suy ngẫm và viết. Ông viết trên mặt sau tờ lịch treo tường khổ A4. Đó là những hàng chữ đều tăm tắp, chấm phẩy rõ ràng, thể hiện ý tứ mạch lạc trong từng câu chữ. Nhớ độ này năm trước, khi bản thảo tập “Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội” hoàn thành việc biên soạn, kính trọng một bậc lão thành có hiểu biết sâu sắc về phong tục Hà Nội, tôi mời ông viết bài Lễ phẩm dâng thành hoàng làng để in ở đầu sách. Tập sách in xong, tác giả rất vui. Chính niềm vui đó đã tạo cảm xúc để các tác giả viết tiếp một cuốn sách mới có tên “Chuyện người Hà Nội” (NXB. Văn học, 2024). Sách in 79 chuyện của 17 tác giả, ông góp 21 chuyện với gần 30.000 chữ, chiếm một phần ba dung lượng tập sách...
Những đóng góp của nhà giáo Đặng Thiêm không chỉ có vậy. Hiện nay, ông có khối lượng bản thảo khá dày dặn về ăn, mặc, ở của người dân Ứng Hòa và các nơi ông đã từng dạy học. Chắc chắn những ghi chép đó sẽ giúp ích cho việc giữ gìn, bảo tồn nét riêng của mỗi làng cho hôm nay và mai sau. Cảm thông với nỗi khó của người viết, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đã tập hợp các bài viết về ẩm thực Kẻ Đình của ông, đồng thời “kêu gọi” các nhà hảo tâm ủng hộ tiền để in thành sách, NXB Hà Nội sắp ấn hành.
Điều thú vị nhất là hiện nay ông Thiêm vẫn say sưa tìm tòi, học hỏi. Ngày nào có thêm điều gì mới, tư liệu mới tìm được trong dân ông hết sức vui mừng. Có lần, tình cờ gặp một cụ trên đường, vui chuyện, hai người vừa đi vừa nói chuyện về cái hay cái đẹp của tiếng ta, cụ đó bảo tiếng Việt của ta nó gánh nhiều nghĩa lắm. Theo ông Thiêm, chữ gánh nói ra từ miệng một “lão nông” thật tuyệt vời, nó mang tính biểu tượng và hàm súc. Dẫu cả đời cần mẫn tìm ngọc trong cát nhưng với ông Thiêm, biển học là vô bờ, ông luôn khiêm tốn và không giấu những điều mình chưa biết, ông nhờ tôi tìm người “hiểu rộng” giải thích giùm, sao lâu nay người ta hay nói là “trả đũa” mà không nói “trả đấm” nhỉ? Tôi vui vì câu hỏi dí dỏm của ông, hứa sẽ tìm các chuyên gia về ngôn ngữ để hỏi cho rõ ý của “từ nguyên” này. Lại nữa, gần đây trên một tờ báo, có người viết “phiêu dạt kỳ hồ”. Ông nói, trong chữ Hán không có “phiêu dạt” mà chỉ có “lang bạt kỳ hồ”. Góp phần hiểu đúng thành ngữ, tục ngữ sau bao biến đổi của thời gian, ông dùng kiến thức trong sách và vốn hiểu biết trong dân gian để viết “Về một số thành ngữ - tục ngữ còn có ý kiến khác nhau”. Tôi may mắn là người đọc đầu tiên của tập bản thảo đó.
Do có kiến thức sâu rộng cả đời tích cóp, ở lĩnh vực nào, nhà giáo, nhà nghiên cứu Đặng Thiêm cũng đạt những thành tựu. Giờ đây, các bạn thơ văn đến thăm tư gia của ông ở thôn Hoàng Xá, thị trấn Vân Đình, thấy trước nhà là hồ nước; xa xa là núi Hương Sơn. Từ cảnh non nước hữu tình đó đã gợi cảm xúc để ông viết 4 chữ Hán Tri chi nhi lạc (lấy/ biết mọi thứ trên đời để làm vui). Bốn chữ này ông khắc trên 4 tấm đá và treo ở gian giữa, phía trên ban thờ, thể hiện niềm vui và cái chí của mình. Bổ sung nghĩa cho 4 chữ này là đôi câu đối:
Minh đường tọa lạc
sơn sơn chí,
Thiên lộ tầm chân tự tự khai.
Dịch nghĩa:
Nhà sáng ngồi vui bè bạn tới,
Đường lương tìm thiện
chữ đơm hoa./.