Nguyễn Viết Lãm: “Đất nằm đây thương nhớ đất trong kia”

Vũ Quần Phương| 13/12/2019 09:46

Thơ Nguyễn Viết Lãm trước cách mạng 1945 nằm trong dòng chung của thơ ca lãng mạn khởi thủy từ phong trào Thơ mới và có những nét riêng của nhóm thơ Quy Nhơn Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Thời kỳ ấy, Nguyễn Viết Lãm viết chưa nhiều, ảnh hưởng của ông đối với thi đàn chưa rõ. Nhưng hôm nay đọc lại trong số bài ít ỏi đó vẫn thấy vút lên những nét riêng của hồn thơ đầy cảm giác

Nguyễn Viết Lãm: “Đất nằm đây thương nhớ đất trong kia”

Thơ Nguyễn Viết Lãm trước cách mạng 1945 nằm trong dòng chung của thơ ca lãng mạn khởi thủy từ phong trào Thơ mới và có những nét riêng của nhóm thơ Quy Nhơn Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Thời kỳ ấy, Nguyễn Viết Lãm viết chưa nhiều, ảnh hưởng của ông đối với thi đàn chưa rõ. Nhưng hôm nay đọc lại trong số bài ít ỏi đó vẫn thấy vút lên những nét riêng của hồn thơ đầy cảm giác.

Áo sương mỏng dính vào da thịt

Áo mỏng - vì mỏng nên có cảm giác nhẹ và mờ ảo như làn sương, vì mỏng nên tưởng như dính vào da thịt. Đấy là cảm giác khi đến với Tháp Chàm, cái bí ẩn của Tháp Chàm làm màu xanh có cảm giác lạnh, làm vầng trăng đỉnh tháp hoá huyền hồ, bờ lau có gì xao xác hoang dại và nghe u thẳm từ quá khứ tiếng ru con đứt đoạn bên vành nôi. Những câu ông viết năm 18 tuổi ấy cho thấy một tiềm lực lắng nghe cái hư ảo của hồn thơ Nguyễn Viết Lãm. Ấy cũng là cái chất u ẩn ma quái, một tính trội của thơ Quy Nhơn hồi ấy. Sau này, nhập vào trường thơ hiện thực của những năm 60, ta còn gặp lại cái hư ảo tài hoa ấy trong một số câu thơ hay của ông:

Bệnh viện trưa. Một tiếng chim
Rơi giữa phòng im nói những gì
Có lẽ ngoài kia trời đổi biếc
Đã nhiều mây trắng rủ nhau đi

Một tiếng chim vọng tới trưa buồng bệnh gợi tới những không gian xa, cái tĩnh lặng của buồng bệnh làm người thơ lắng nghe, cảm nhận những vận động bát ngát xa vời (trời đổi biếc) và rồi trong cõi liên tưởng được đánh thức là bóng dáng một con sông bên kia giới tuyến Trà khúc vẫn nguyên lòng sỏi trắng/ Mưa chiều nắng quái xế ngang sông (Trưa bệnh viện 3/1959). Bài thơ đầy nội tâm, khơi gợi từ một tiếng chim. Trong chùm 10 bài viết trước 1945 được lấy lại trong Tuyển tập Nguyễn Viết Lãm (Sở Văn hoá Quảng Ngãi xuất bản 1992) có nhiều bài có ưu điểm ấy.

Gió nói gì trên những ngọn dừa
Lời yêu huyền bí tự muôn xưa
Hoàng hôn đã bước qua song lạnh
Phòng vắng run run những ánh thừa
(Trăng thanh tân 1939)

hay:
- Người kia áo bạc màu xa xứ
Vai trĩu phong sương, nhẹ cảm hoài
- Hành nhân là kẻ xưa quen biết
Bước lộng sông hồ quên nhớ thương
- Chân say dặm mới chân mây lạ
Mộng hướng đời theo bước lạc đà
(Sông Hồ 1940)

Sáu câu thơ ấy trích trong bài thơ tặng Nguyễn Tuân, câu nào cũng đầy khí vị giang hồ với những liên tưởng rộng, xa rất lãng mạn.

Vào kháng chiến chống Pháp, thơ thành vũ khí, các bài thơ có sứ mệnh chính trị, đền đáp và hướng dẫn tình cảm cho nhân dân đánh giặc. Sứ mệnh ấy thật khó. Thơ của thời kỳ ấy, ý dễ vượt quá tình, nhà thơ dễ thành người nói lấy được. Nhưng Nguyễn Viết Lãm vẫn giữ được cảm xúc. Ông nói trong ảnh hưởng của cảm xúc. Năm 1947, thực dân Pháp chủ trương chia cắt, thành lập Nam kỳ tự trị, ông viết Nhớ đất. Đấu tranh chính trị đã thành một nỗi niềm của tình cảm.

Có ai đành nghĩ tới cảnh phân chia
Đất nằm đây thương nhớ đất trong kia

Đất trong kia ấy là Nam Bộ, là tình chị duyên em, là thương sông nhớ núi, là chim bay mỏi cánh Tháp Mười/ Ngó về quê chị xanh trời là xanh. Tình thơ Nguyễn Viết Lãm rộng mở vào cảm xúc Dân Nước và giọng thơ ông gần gũi với lời ăn tiếng nói của đồng nội, của ca dao. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, đời sống ngày càng gian khổ. Để trụ lại được, tiến lên được, mọi người dân kháng chiến, trong đó có các nhà thơ phải rắn lòng lại. Mọi gió mây sương khói của cảm xúc, Nguyễn Viết Lãm dần dần để lại trong quá khứ. Trận giặc ném bom trường trung học Lê Khiết ở Quảng Ngãi chiều ngày 21.3.1949 ghi lại một bước chuyển trong bút pháp thơ Nguyễn Viết Lãm: hiện thực hơn, chiến đấu quyết liệt hơn. Câu chữ nén lại sắc nhọn, nặng chắc những tố cáo, những căm thù. Diễn biến đó là hợp với quy luật của mọi nền văn nghệ kháng chiến. Khi:

Máu oan cừu bầm đỏ một bên sông
Trời biển ngàn năm nhớ đến cùng

thì thơ không có con đường khác. Nhưng đây là con đường gian khổ của thơ. Từ lời than của một nỗi lòng, thơ trở thành tiếng thét của toàn dân tộc. Không dễ đâu, nếu phẩm chất trữ tình của thơ chưa đủ lớn. Nguyễn Viết Lãm cũng đã nhiều phen đến được bài mà chưa đến được thơ, chuyển tải được hiện thực nhưng như vẫn thiếu một chút gì của lòng người. Ông tự biết và tự hiểu cái giá phải trả cho chiến thắng. Có giá của xương máu và giá của thơ. Bài thơ sau ngày dứt tiếng súng chống Pháp của Nguyễn Viết Lãm là một bài thơ về hoa: Dạ lan, tặng một người tri kỷ gặp lại sau chiến tranh, bài thơ ngắn nhưng có sự nhìn lại:

Chín năm chừng úa màu vương giả
Ta khép bàn tay giữ sợi hương
Hoa lan vương giả tạm bị quên trong khói bom, trong máu chảy, trong lửa giặc đốt nhà. Người yêu hoa phải xiết bàn tay lại, cầm lấy khí giới nhưng đâu có quên hoa.
***

1955 - 1975, hai mươi năm đất nước cắt chia là một giai đoạn khá đặc biệt thể hiện trong thơ những nhà thơ miền Nam tập kết ra Bắc. Thống nhất đất nước là nhiệm vụ chiến lược của toàn dân, nhưng với họ thống nhất còn là nhu cầu của nỗi thương cha nhớ mẹ, của nỗi hoài niệm đất đai, tuổi trẻ. Nỗi nhớ thương thường trực quê nhà bên kia vĩ tuyến thành một vệt cảm xúc chủ đạo của thơ Việt Nam những năm ấy. Trong vệt cảm xúc ấy có lấp lánh hồn thơ Nguyễn Viết Lãm.
Hồi ấy những lá thư từ miền Nam gửi ra, dù gửi cho ai cũng đã thành thư của những trái tim thương đất nước phải cắt chia. Nguyễn Viết Lãm vừa có cái tình chung ấy vừa có tình riêng:

Ta lại về trên bãi mía nương dâu
Nắm lại bàn tay đã viết bức thư đầu
  (Thư miền Nam đến - 1956)

Trong bài thơ Những dòng sông (1960) ông nói yêu quý của lòng mình đối với mỗi con sông phía Nam phía Bắc: Sông Hồng, sông Thương, sông Cầu, sông Bạch Đằng trong những câu thơ đẹp. Nhưng đối với sông Vệ, sông Trà của quê ông, câu thơ không chỉ đẹp mà nhói lên bao khao khát đòi đoạn vì đấy là những con sông thường đi về trong giấc ngủ của ông và Nguyễn Viết Lãm ganh tỵ với những con sông được đoàn tụ cùng nhau ngoài biển:

Những dòng sông cách nhau ngàn vạn dặm
Vẫn tìm nhau tâm sự giữa trùng khơi
Riêng lòng ta nhớ thương sông đăm đắm
Nhìn sông xưa khói sóng phủ lưng trời

Thời kỳ này, Nguyễn Viết Lãm viết khá đều tay, đề tài hợp với tâm trạng cảm xúc, ông có nhiều bài nhuyễn, cảm động về tình và sâu sắc về ý. Có đề tài thời sự đã nhiều người khai thác Nguyễn Viết Lãm vẫn tìm ra nét riêng: Liên Xô phóng tàu vũ trụ: người thơ vốn lãng mạn nói nhiều về chuyện lên trăng (Huy Cận, Chế Lan Viên...) thì ông lại trở về trái đất:

Gặp nhau không chỉ riêng trăng ấm
Băng giá rồi tan ở địa cầu

Thơ viết năm 1960. Đến nay băng giá chiến tranh lạnh đã tan và hai nước lớn ở hai đối cực đã hợp tác khám phá vũ trụ. Thơ, càng thời sự càng cần cái nhìn rộng xa, đạt tới chân lý vĩnh cửu. Thiển cận, thực dụng quá, thơ sẽ không thể sống lâu hơn sự kiện. Nguyễn Viết Lãm khi sống ở Hải Phòng sự kiện cũng bao vây thơ. Đọc thơ, thấy không khí một thời và biết thơ ấy đã một thời có ích. Nhưng hôm nay đọc lại các bài thơ tả việc, đơn thuần việc, chỉ còn lại cái khéo về bút pháp ở một số câu. Sở trường của ông là ở tâm tình, ở nỗi lòng thương nhớ Đất nằm đây thương nhớ đất trong kia. Thơ hình thành từ các chuyến đi thực tế của Nguyễn Viết Lãm, những bài hôm nay đọc lên còn xao xuyến đều do tác động của tâm tình. Tâm tình trong giọng kể,  tâm tình ở chi tiết khơi gợi và có sức ám ảnh. Đây, một sự chia tay: hình ảnh sóng biển sao cứ triền miên khúc dạo đầu, vô tâm như lúc ta mới gặp nhau, làm nhói đau cả kẻ đi lẫn người ở:

Ngoài kia sóng biển vô tâm thế
Sao cứ triền miên khúc dạo đầu
(Hoa - 1990)

Một hòn cuội nhỏ của Biển Đen gợi một cảm thông xa, rất xa:
Ta đặt bên giường viên đá nhỏ
Triệu năm mãi nhẵn nắng mưa bày
Đêm đêm ta lắng nghe tiếng sóng
Như lời thầm thì của ai đây
(Giã từ - 1990)

Ở các bài tứ tuyệt, hồn thơ Nguyễn Viết Lãm thường chứa một hơi hướng Đường thi. Bài thơ hàm xúc và rất dư ba. Từ sự việc ngoài đời mở ra những vấn đề của tâm hồn con người nhuyễn và thoáng:

Lòng như mây nổi lúc xa quê
Nắng cũng tương tư xế trước hè
Là lúc chim chiều về cuối ngõ
Tiếng bà gọi cháu vọng sau đê
(Nhớ nhà)

Đây là những bài thơ viết năm 1990 - Phẩm chất trữ tình này như gợi lại nét u ẩn trước 1945, nét nhớ thương hồi các năm 50 - 60. Hay, ở sự kín đáo, ở cái tứ thâm trầm, ở biểu tượng hàm chứa. Thơ nhớ bạn văn chương Chế Lan Viên có gì rộng xa đến chạnh lòng cả cõi người mà vẫn rất thân thiết tình yêu bạn, phục bạn:

Cánh chim hồng bay đi
Dấu còn in trên tuyết
Vườn xưa hoa nở hết
Tự nhiên hương thoáng về.

Có bạn sẽ trách cách lập ý cổ điển quá, lẫn vào thơ xưa, mất đi cái không khí bây giờ, và cả hơi hướng của triết lý sống hiện đại. Lời trách có lý. Tuy nhiên xin bạn lắng nghe vào khía cạnh tâm tình của ý thơ (dấu chân chim và chút hương hoa cũ). Đúng là tâm tình của thi sĩ trước đời người. Bây giờ nhiều bài thơ có ý sâu, có tính triết học nữa nhưng nó hay bị bong ra khỏi bài thơ vì thiếu cái khí quyển tâm tình, tâm trạng bao chúng lại. Thấy hoa cúc vàng trên mồ liệt sĩ mà viết:

Nắng thương liệt sĩ không đành tắt
Nán lại bên mồ sáng suốt đêm

Có cái hay của thi pháp (cách nhìn) và có cái hàm súc của tâm tình - Hàm súc ở khía cạnh bù đắp trời không nỡ phủ đêm lên đời người đã khuất (người sống sao nỡ phủ quên lãng lên những mặt người không gặp lại).

Có những giai đoạn nhất là ở thập niên 70, Nguyễn Viết Lãm tập trung vào các đề tài lao động và chiến đấu. Trong đó không ít bài được đánh giá cao ở thời điểm nó ra đời. Nhưng hôm nay đọc lại chất thơ không còn được cuộc đời cộng hưởng như xưa. Có thể coi đó là nhược điểm của một giai đoạn thơ. Cũng không nên nói rằng thơ "hướng ngoại" (chỉ những đề tài ngoài mình) thì khô khan, hơn thơ hướng nội (chỉ các vấn đề nội tâm). Nguyễn Du viết về một cô gái chìm nổi như Kiều, về bao nhiêu số phận thua thiệt như Văn chiêu hồn là hướng ngoại chứ sao.

Nhưng vì ông sâu sắc vị tha nên mọi nông nỗi của người ta, của trăm năm trong cõi người ta, đã thành ra những vấn đề của nội tâm ông. Chỗ chưa đạt ở một số bài trong giai đoạn này của Nguyễn Viết Lãm có lẽ do tâm hồn ông chưa chín với đề tài, cũng có thể do quan niệm thơ hồi ấy. Bài thơ thấy công việc, thấy thành tích nhưng chưa thấy rõ lắm những nỗi niềm con người. Cho đến hôm nay cùng với sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, Nguyễn Viết Lãm đã bổ sung nhiều quan niệm mới về thơ, nhiều nhận định mới về đời. Đọc những tiểu luận và thơ những năm 90 của ông chúng ta thấy ông đa cảm hơn, mới hơn mà lại phát huy được những tinh hoa của mình từ những chặng đã đi qua, kể cả chặng đầu đời, trước 1945. 
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Trưng bày "Non sông liền một dải": Tái hiện hành trình thống nhất thiêng liêng của dân tộc
    Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Non sông liền một dải” nhằm tái hiện hành trình đấu tranh kiên cường, bất khuất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
  • “Di sản công nghiệp” - nguồn lực để Hà Nội tạo ra các trung tâm công nghiệp văn hóa
    Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) được Thành phố Hà Nội xác định là một trong những chủ trương quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, Hà Nội có nhiều lợi thế để xây dựng, phát triển trung tâm CNVH, trong đó Thành phố có thể tái sử dụng và hồi sinh các “di sản công nghiệp” để mở ra các không gian sáng tạo.
  • Hồi sinh nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại
    Nghệ thuật truyền thống là một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa Việt Nam, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc qua bao thế hệ. Từ những câu hò, điệu lý, làn điệu chèo, tuồng, cải lương, đến tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống hay nghệ thuật múa rối nước… tất cả đều mang trong mình hơi thở của lịch sử và tâm hồn Việt. Tuy nhiên, trong guồng quay của nền kinh tế thị trường và sự lên ngôi của các loại hình giải trí hiện đại, nghệ thuật truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức. Làm thế nào để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại - đó là yêu cầu, nhiệm vụ cần thiết, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.
  • Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Lan tỏa thông điệp hòa bình từ trái tim văn hóa Phật giáo
    Từ ngày 6 - 8/5/2025, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc – Vesak 2025 tại TP.Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là sự kiện tâm linh quan trọng của Phật giáo toàn cầu, mà còn là minh chứng sống động cho hình ảnh Việt Nam - một quốc gia yêu chuộng hòa bình, gìn giữ bản sắc văn hóa và tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
  • Hà Nội yêu cầu đảm trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
    UBND TP Hà Nội vừa có Công văn số 1541/UBND-ĐT chỉ đạo các đơn vị bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè 2025.
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Viết Lãm: “Đất nằm đây thương nhớ đất trong kia”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO