Nguyễn Khuyến thái độ trí thức trước thời cuộc và tình cảm quê hương làng cảnh

Vũ Quần Phương| 08/07/2019 07:35

Nguyễn Khuyến, tên hồi nhỏ là Thắng, sinh ngày 15/2/1835, mất ngày 5/2/1909. Nhiều năm long đong về thi cử: trượt liền bốn khoa thi Hương 1852, 1855, 1858, 1861 và ba khoa thi Hội 1865, 1868, 1869 (ân khoa). Nhưng đã đỗ là đỗ đầu: 1864 giải nguyên, 1871 hội nguyên và đình nguyên

Nguyễn Khuyến thái độ trí thức trước thời cuộc và tình cảm quê hương làng cảnh

Nguyễn Khuyến, tên hồi nhỏ là Thắng, sinh ngày 15/2/1835, mất ngày 5/2/1909. Nhiều năm long đong về thi cử: trượt liền bốn khoa thi Hương 1852, 1855, 1858, 1861 và ba khoa thi Hội 1865, 1868, 1869 (ân khoa). Nhưng đã đỗ là đỗ đầu: 1864 giải nguyên, 1871 hội nguyên và đình nguyên. Tự Đức ban cho hai chữ Tam nguyên. Người đời ghép tên làng vào thành danh xưng Tam nguyên Yên Đổ (Yên Đổ thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Nguyễn Khuyến lập thân trong thời loạn. Khi ông đang lận đận học hành thi cử thì Pháp xâm lược nước ta: 1858 đánh Đà Nẵng, 1862 chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kì, 1867 chiếm nốt ba tỉnh miền Tây. Năm 1873, khi Nguyễn Khuyến ra làm đốc học rồi án sát Thanh Hóa thì Pháp chiếm Hà Nội lần thứ nhất. Năm 1882, Pháp đánh chiếm Hà Nội và Bắc kì lần thứ hai. Tháng 8 năm 1884, triều đình Huế kí hiệp ước Hác măng đầu hàng Pháp trên toàn đất nước. Năm 1885, ông cáo quan về sống tại quê nhà. Như vậy từ khi nhậm chức (1871) đến lúc cáo quan là 14 năm, trừ 3 năm tang mẹ, ông làm quan có hơn 10 năm mà già nửa thời gian đó ông làm học quan và sử quan. Điều đó tạo nên diện mạo tác phẩm của ông. 

Tác phẩm  Nguyễn  Khuyến hiện nay sưu tầm được khoảng 800 bài, gồm thơ, câu đối, hát nói. Chủ yếu là thơ. Cả Nôm cả Hán. Hán nhiều hơn Nôm. Có những bài  thơ chữ Hán Nguyễn Khuyến tự dịch ra Nôm, coi như một tác phẩm sinh đôi rất lý thú.

Thái độ trí thức trước thời cuộc

Là bậc khoa bảng cao, nhưng Nguyễn Khuyến thật sự sống gần dân. Gần dân trong thời học hành. Năm 50 tuổi đã cáo quan, lại thành dân, Nguyễn Khuyến có điều kiện thông hiểu và chia sẻ mọi gian lao của đời dân trong thời đất nước có ngoại xâm, triều đình hèn nhát, đầu hàng giặc và đàn áp các cuộc kháng chiến của dân. Nguyễn Khuyến, khi nhậm chức ở Thanh Hóa, cũng đã phải làm việc ấy ở hai huyện Tĩnh Gia và Nông Cống. Bình sinh dùi mài kinh sử mong học giỏi đỗ cao, làm quan giúp dân giúp nước nhưng lúc được làm quan thì nước mất dân đau mà ông bất lực:

Sách vở ích chi cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già

Thời thế nào thì vai trò người trí thức cũng rất quan trọng trước sự tồn vong của đất nước. Nguyễn Khuyến là một trí thức lớn lúc đó nhưng hơn ai hết ông nhận ra sự bế tắc của thứ trí tuệ cửa Khổng sân Trình Cờ đang dở cuộc không còn nước/ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng. Nguyễn Khuyến đã không có được cái trí tuệ hành động như của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám... đứng dạy dựng cờ đánh Pháp.  Lòng yêu nước của ông vướng mắc trong tư tưởng trung quân. Nhưng vua đâu còn ra vua thì trông cậy gì được ở quan: Vua chèo còn chẳng ra chi/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề. Ông thất vọng hoàn toàn với bộ máy lo việc nước. Họ bất tài và hèn nhát. Ông cũng thấy, thấy rõ lắm trong tầng lớp gọi là trí thức của chính mình: Cũng cờ cũng biển cũng cân đai/ Cũng gọi ông nghè có kém ai nhưng thực chất: tưởng rằng đồ thực hóa đồ chơi, đồ chơi con trẻ rằm trung thu. Vận nước suy, những thứ  đỗ lạy quan xin này mọc ra nhiều lắm, Tú Xương cùng thời cũng đã kêu lên như Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến chỉ còn một cách là li khai khỏi cái guồng máy chính sự ấy. Chín khoa lều chõng để thành tài, nay đã có tài, có sắc phong Tổng đốc Sơn Tây nhưng lại quyết lui về ở ẩn là một quyết định đau đớn lắm của bậc đại khoa này. Không dễ đâu khi tự nguyện rời bỏ quyền lực, danh lợi. Trong nhiều bài thơ thấy ông tự đấu tranh quyết liệt lắm và cũng thương tâm lắm. Cuối cùng phẩm chất trí thức chân chính đã thắng. Ông tự hào với thắng lợi đó. Trong bài thơ Di chúc, ông dặn con:

Đề vào mấy chữ trong bia 
Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu. 

Đó là điều ông muốn rõ ràng trước tiên cùng hậu thế.

Thơ Nôm trong chủ đề này ông thường hài hước nhưng trong thơ chữ Hán, phần này, ông lại đụng nhiều vào nước mắt:

Xuân phong, xuân vũ, nhất sơn cô
Trù trướng kim ngô phi cố ngô
(Gió xuân, mưa xuân, ngọn núi 
đứng chơ vơ 
Ngao ngán ta ngày nay không còn 
như ta ngày trước)

Tình quê hương làng xóm

Ngoài mươi năm làm quan, ông già Nguyễn Khuyến thọ 75 tuổi, đã gần trọn đời sống với dân làng Vị Hạ. Ông không chỉ thuộc lời ăn tiếng nói của dân mà thuộc cả cách lo nghĩ tính liệu việc đời:

Quanh năm làm ruộng vẫn chân thua
Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa
Phần thuế quan thu phần trả nợ
Nửa công đứa ở nửa thuê bò

Người đọc nhận thấy: 25 năm cuối đời, tính từ khi về ở ẩn, cụ Tam Nguyên làm nhiều thơ và thơ cũng hay hơn, thâm trầm hơn giai đoạn trước. Dõi theo những bài tự trào thấy cụ tự diễu thân thế mình, làm vui và cũng là làm thân với bà con cày cuốc. Cụ sống như tự mài mòn bớt đi những giác quan vốn tinh tế của một nhà thơ nhạy cảm. Mắt thì lòa đi, xem hoa trà chỉ xem bằng mũi (đếch thấy hương thơm một tiếng khà). Tai thành ngễnh ngãng (Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây). Tâm trí cũng hóa lơ mơ (Câu thơ được chửa, thưa rằng được/ Rượu uống say rồi nói chửa say) ba phải (Rằng lão rằng quan tớ cũng ừ). Cụ Tam Nguyên muốn xóa hình hài như mẹ Mốc, để trốn vào dân quê lam lũ, để sống thực cái đời dân: lo lụt, lo bão, nhớ phiên chợ Đồng ngày Tết, nghe tiếng trống giao thừa ẩm hơi mưa trong xóm và cùng dân đứng xa mà chỉ trỏ cái ngày hội Tây (Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo). Và hạ một câu kết như kiểu nói giữa giời của bà con áo ngắn: Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu. Có dịp là ông đả bọn xâm lược, đả bằng tâm lí người dân quê, mai mỉa, xỉ vả, hả hê kín đáo: Ba vuông phấp phới cờ bay dọc/ Một bức tung hoành váy sắn ngang. Thuộc tính của thơ Nguyễn Khuyến là một tâm hồn quê bàng bạc trong tâm tình, trong ngôn ngữ, trong giọng điệu. Xuân Diệu phong Nguyễn Khuyến là nhà thơ làng cảnh. Một cảnh chùa trong vùng quê ông, tả thật mà vẽ nên cảnh ảo, chùa lẫn với thiên nhiên, sư lẫn vào sương khói: Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/ Sư cụ nằm chung với khói mây. Tiếng cuốc kêu ngoài cánh đồng nơi quán trọ mà như đụng tới miền xa thẳm của tâm tư nặng lòng dân nước:

Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có những câu thơ Vịnh lụt, thật như phóng sự, mà rất thơ, rất ám ảnh:

Bóng thuyền thấp thoáng giờn 
trên vách
Tiếng sóng long bong vỗ trước nhà.
Nhiều người đã khen ba bài thơ thu Mùa thu câu cá, Mùa thu uống rượuVịnh cảnh thu: phong cảnh rất điển hình nét thu Bắc Bộ, phong vị rất tiêu tao gợi cảm vang xa:

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào.

Nguyễn Khuyến sử dụng tiếng Việt rất tài tình. Ông đưa ngôn từ dân dã thường ngày vào thơ bác học rất nhuyễn. Làm sang trọng cho tiếng và làm giản dị cho thơ. Năng lực ấy ngày nay ở các nhà thơ hiện đại cũng không nhiều. Câu đối của Nguyễn Khuyến là một thú chơi ngôn ngữ rất đặc sắc. 
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
  • Chợ Bến Thành được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố
    Chợ Bến Thành là một trong những địa danh tiêu biểu của TP HCM, lịch sử hình thành chợ gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Khuyến thái độ trí thức trước thời cuộc và tình cảm quê hương làng cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO