Người phục vụ già nhớ mãi những lời dạy của Bác Hồ
Ông Lê Bá Cải (sinh năm 1933, quê tại Đông Sơn, Thanh Hóa) từng là một trong những thanh niên trẻ tuổi được tuyển chọn điều lên chiến khu Việt Bắc, bổ sung vào Đội Xây dựng thuộc Ban kiểm tra 12 – Bí danh của Chủ tịch Phủ - Thủ tướng Phủ tại An toàn khu (ATK) Sơn Dương, Tuyên Quang. Sau quá trình dài được phục vụ Bác Hồ, cho đến nay, mặc dù đã ngoài 90 tuổi, người phục vụ già vẫn nhớ rất rõ những tháng ngày khó khăn bên Bác và những bài học mà Người đã dạy.
Nhớ mãi những ngày được phục vụ Bác
Đầu năm 1953, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Lê Bá Cải được vinh dự cùng nhiều thanh niên quê Thanh Hóa theo đoàn tuyển chọn lên chiến khu Việt Bắc. Thời gian ở ATK, ông Cải được trực tiếp phục vụ Bác Hồ, cùng với đội lễ tân được phân công đón tiếp những đoàn khách quan trọng.
Ông Cải nhớ mãi, tác phong làm việc của Bác Hồ rất sâu sắc và đặc biệt, Bác hướng dẫn cho mọi người làm việc tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất.
“Bác còn dạy chúng tôi là, khi mình là người phục vụ rót nước, mình không bao giờ được đứng trước mặt khách để rót đâu, mình phải đứng ra sau lưng và vòng tay ra phía trước để phục vụ.
Hoặc khi bắt tay với khách, mình phải bắt tay khi hai người đứng ngang hàng, không bắt tay khi một người đứng trên và một người đứng dưới... Từng tác phong nhỏ đó, Bác Hồ cũng dạy chúng tôi rất kĩ lưỡng.” – Người phục vụ Lê Bá Cải nhớ lại.
“Ngay cả chuyện ăn uống, Bác Hồ cũng hết sức bình dị. Bác Hồ đã từng dặn đồng chí Cẩn – một người phục vụ Bác rằng: Chú Cẩn ạ, Bác ăn gì thì nhân dân không tiếc Bác, nhưng nhân dân ta còn nghèo. Thế mà nấu cho Bác mà nấu nhiều, Bác ăn không hết, phải đổ đi thì các chú tiếc, mà để các chú ăn thì Bác lại có lỗi. Tôi là một người được phục vụ Bác, nhưng từ ấy tới nay, có lẽ tôi cũng chưa gặp được ai mà có phong cách sống bình dị đến thế!” – ông Cải xúc động kể lại.
Nhớ lại những ngày được bên Bác và phục vụ Bác, nhưng theo ông Cải, ông và đồng đội chưa lần nào được chuẩn bị một buổi sinh nhật hoành tráng cho Bác. Bác luôn nghĩ về non sông, đất nước, nhân dân và không nghĩ đến ngày sinh nhật đặc biệt của mình.
“Có một năm đó, Bác Hồ đi Trung Quốc và nói với mọi người là Bác đi chữa bệnh, vào đúng ngày gần sinh nhật Bác. Sang tới Trung Quốc, mọi người bên đó đón Bác và ngỏ ý tổ chức sinh nhật cho Bác. Bác từ chối và bảo, Bác sang đây để trốn mọi người, chứ ở Việt Nam là mọi người sẽ tìm cách để tổ chức sinh nhật cho Bác, chứ không phải Bác sang để chữa bệnh đâu.”
Những bài học vẫn còn đó
Gần đến ngày sinh nhật của Bác, ông Cải lại càng thêm nhớ Bác. Ở không gian phòng khách trong căn nhà nhỏ nhắn của mình, ông Cải dành ra một vị trí đặc biệt nhất cho chiếc tủ sách cùng những cuốn sách viết về Bác, về Đảng... Những cuốn sách được xếp ngay ngắn, người phục vụ già coi như báu vật để mà nâng niu.
Kể lại những mẩu chuyện về Bác cho chúng tôi nghe, nhiều lúc ông Cải không kìm nổi xúc động mà nghẹn ngào, nước mắt trực trào trên khuôn mặt của người phục vụ già.
Trong quá trình được phục vụ Bác, ông Cải luôn lưu tâm những lời dạy của Người. Và đặc biệt, ông luôn cố gắng để học hỏi, noi gương từ tác phong làm việc của Bác để áp dụng cho công việc và cuộc sống đến tận mãi sau này.
Đầu tiên, đó là phong cách sống gần gũi với đồng chí, đồng đội. Khi ở ATK, trong lúc làm việc, Bác rất nghiêm túc. Nhưng ngoài giờ làm việc, Bác lại rất gần gũi với anh em, những người phục vụ Bác, không phân biệt trên dưới, vị trí công việc. Sáng sớm trước giờ làm việc, Bác cùng anh em đi tập thể dục, giờ giải lao cùng mọi người xem phim rất vui vẻ.
Đến khi được phân công công tác tại Văn phòng Chính Phủ, ông Cải vẫn luôn nhớ và làm theo phong cách làm việc của Bác, luôn giữ được tình nghĩa với đồng nghiệp, sống chan hòa vui vẻ với mọi người.
Trong vô vàn những điều học được từ Bác Hồ, ông Cải luôn nhớ 14 chữ đặc biệt nhất, mà theo ông, để làm được thì phải dành cả cuộc đời:
“Nhẫn nại ôn hòa khi tức giận
Bình tĩnh sáng suốt lúc gian nan”