Thế giới điện ảnh

Vầng trăng thơ ấu - Phim về thời niên thiếu của Bác Hồ sắp ra rạp

Việt Thương 03/05/2024 19:51

Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2024) và 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2024), bộ phim Vầng trăng thơ ấu do Công ty Cổ phần phim Giải Phóng sản xuất sẽ ra mắt khán giả từ ngày 17/5/2024 tại các cụm rạp trên toàn quốc.

poster.jpg_871714561427.jpg

Bộ phim Vầng trăng thơ ấu kể về thời niên thiếu của Bác Hồ và những năm Bác sống ở kinh thành Huế. Trên poster mới hé lộ hình ảnh Ngọ Môn – di tích kiến trúc thời Nguyễn, cổng chính phía Nam của Hoàng thành ở Huế và chân dung của những diễn viên trong tạo hình nhân vật trong phim.

Phim lấy bối cảnh từ năm 1895 đến 1901 khi Bác Hồ (tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung) cùng cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm vào Huế lần đầu tiên.

Đặc biệt, phía dưới cùng của tấm poster này là hình ảnh gia đình 4 người trong gia đình cậu bé Nguyễn Sinh Cung khi ấy đang vất vả gánh gồng băng băng vượt qua những đồi cát mênh mông.

cc.jpg
Một cảnh trong phim Vầng trăng thơ ấu

Trong giai đoạn hơn 5 năm sống ở kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Cung thấy được nhiều điều mới lạ so với quê hương xứ Nghệ. Những người Pháp thống trị nghênh ngang, hách dịch và tàn ác. Những vị quan Nam triều bệ vệ trong những chiếc áo gấm, hài nhung, mũ cánh chuồn, nhưng khúm núm rụt rè trước vua và trước cả người Pháp.

Còn lại phần đông người lao động chịu chung số phận đau khổ và tủi nhục. Đó là những người nông dân rách rưới mà người Pháp gọi là bọn nhà quê, những phu khuân vác, những người cu li kéo xe tay, những trẻ em nghèo khổ, lang thang trên đường phố... Những hình ảnh đó đã in sâu vào ký ức của Nguyễn Sinh Cung.

Ở Huế, Nguyễn Sinh Cung cũng có cơ hội biết đến quan Thượng thư Bộ hình Nguyễn Tuấn là người rất quý mến ông Cử Sắc (Ông Nguyễn Sinh Sắc, cha của Bác Hồ). Nguyễn Sinh Cung kết giao với Anh Thư (dòng dõi trâm anh thế phiệt), Kiệt (con quan Thông ngôn), Hào (con nghệ nhân làm diều Tiến Vua).

Cũng trong thời gian ở Huế, Nguyễn Sinh Cung trải qua một biến cố rất lớn khi bà Hoàng Thị Loan sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận cộng với sự vất vả khó nhọc trước đó đã qua đời vào ngày 10-2-1901.

Lúc này, ông Nguyễn Sinh Sắc và con trai Nguyễn Sinh Khiêm đang ở Thanh Hóa, chỉ có Nguyễn Sinh Cung - 11 tuổi, đứng ra làm chủ tang cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày Tết đến gần.

Kịch bản Vầng trăng thơ ấu của tác giả Đặng Thị Thanh Bình đoạt giải Ba cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020 do Cục Điện ảnh tổ chức. Cuộc thi không có giải Nhất mà chỉ có 2 giải Nhì cho kịch bản Cu li không bao giờ khóc, Thiên mạc anh hùng ca và 3 giải Ba cho Vầng trăng thơ ấu, Anh hùng tình báo Phạm Xuân ẨnNổi loạn.

Ngoài việc bám sát lịch sử với phần cố vấn của các chuyên gia, phim Vầng trăng thơ ấu cũng sẽ có những chi tiết hư cấu, song đều dựa trên những tư liệu truyền miệng.

Phim có sự tham gia của dàn diễn viên: Trần Việt Bắc, Ngô Lệ Quyên, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Bạch Công Khanh, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Ali Quang Khải, Bùi Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Hồ Nhật Minh, Trần Đức Tuấn Hùng... Các diễn viên được chọn đa số nói được giọng Nghệ An và Huế theo yêu cầu của nhân vật.

Phim dự kiến ra rạp vào ngày 17/5 nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2024), 134 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2024) và 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2024)./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Vầng trăng thơ ấu - Phim về thời niên thiếu của Bác Hồ sắp ra rạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO