Nghệ thuật bìa sách Việt Nam: Khoảng trống & mong đợi

Thụy Phương| 03/07/2022 18:34

Đâu là những khoảng trống trên con đường chuyên nghiệp hóa thiết kế và sáng tạo bìa sách; làm thế nào để có được một tác phẩm bìa sách đẹp, gợi mở, lan tỏa tới độc giả; và mỗi nhà xuất bản phải tạo dựng diện mạo, bản sắc, phong cách riêng thông qua thiết kế bìa sách ra sao… Đó cũng là những câu chuyện đã được gợi mở bên lề cuộc triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022” do Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây.

Nghệ thuật bìa sách Việt Nam: Khoảng trống & mong đợi

Chiếc cầu nối bằng ngôn ngữ thị giác
Lịch sử bìa sách bắt đầu với sự phát triển của chữ viết cùng với phát minh giấy và công nghệ in ấn. Từ cổ xưa, người Trung Quốc đã dùng thẻ tre làm bìa sách, còn ở châu Âu thời trung cổ bìa sách cũng là một tác phẩm mỹ nghệ cao cấp. Dưới góc nhìn mỹ thuật, họa sĩ Hồ Trọng Minh cho rằng nghệ thuật thiết kế bìa sách gắn liền với nghệ thuật thiết kế đồ họa - ngành mỹ thuật ứng dụng thuộc lĩnh vực xuất bản phẩm. Nghệ thuật bìa sách được tổng hòa từ nghệ thuật dùng chữ, nghệ thuật dùng hình ảnh, màu sắc hay bố cục. Các bìa sách còn đặc sắc hơn với các kỹ thuật như in UV, dập nổi, ép kim loại, trổ thủng…
Theo nhà giáo, họa sĩ Lê Huy Văn, nghệ thuật vẽ bìa sách gắn liền giữa sản xuất - in ấn và tiêu thụ, nó phản ánh trình độ văn hóa của một dân tộc. Còn họa sĩ Lê Tiến Vượng thì ví von, bìa sách chính là cầu nối bằng ngôn ngữ thị giác chuyển tải những điều “thầm kín” bên trong cuốn sách tới độc giả. “Một tác phẩm bìa sách vừa là một sự diễn giải, diễn ngôn, vừa là một bản ngôn ngữ viết chuyển sang ngôn ngữ hình ảnh, hoặc tưởng tượng... Họa sĩ thiết kế bìa bằng khả năng sáng tạo của mình luôn truyền tải những điều mới mẻ, độc đáo, khác biệt của tác phẩm để người đọc qua đó nhận ra cuốn sách mình cần” - họa sĩ Lê Tiến Vượng nhận định.
Từ khi bước sang nền kinh tế thị trường, nghệ thuật trình bày bìa sách ở nước ta đã phát triển hơn. Đặc biệt với cuộc cách mạng chuyển đổi số, nghệ thuật trình bày bìa sách “như được chắp cánh, mở ra những chân trời mới, đa dạng không giới hạn Các nghệ sĩ vẽ bìa thả sức thi tài sáng tạo theo đề tài và các nhà xuất bản đã dần định hình phong cách mỹ thuật riêng cho mình theo chức năng, nhiệm vụ” (họa sĩ Lê Huy Văn). Vai trò của bìa sách theo thời gian cũng có một sự chuyển đổi rõ nét, từ đơn thuần chỉ là “tấm áo bảo vệ” các trang sách bên trong, giờ “đảm nhiệm” thêm vai trò giới thiệu, khơi mở nội dung bên trong của cuốn sách. 
Chập chững trên con đườngchuyên nghiệp hóa 
Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020 toàn ngành xuất bản trên 33.000 đầu sách với 410 triệu bản, doanh thu ước tính 2.700 tỷ đồng. Dẫu có một thị trường sách rộng lớn trải dài từ Nam ra Bắc tuy nhiên theo nhìn nhận của giới chuyên môn lực lượng thiết kế bìa sách ở nước ta đang trong tình trạng thiếu trầm trọng. Hiện nay, mới chỉ có một số họa sĩ thành công trong sáng tạo bìa sách chứ chưa có một đội ngũ sáng tạo bìa sách. Nhiều họa sĩ thiết kế coi bìa sách chỉ là “tay ngang” chứ chưa thực sự sống được bằng nghề. Và dù thiết kế bìa sách được coi là một nghề và các họa sĩ cũng đều có ý thức làm nghề tuy nhiên chưa có một hội nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu. Ngay cả trong các giải thưởng sách được trao hằng năm thì cũng chưa có hạng mục nào ghi nhận, tôn vinh dành cho những người thiết kế bìa sách…
 “Hiện nay, việc thiết kế và sáng tạo bìa sách ở nước ta vẫn đang chập chững trên con đường chuyên nghiệp hóa”- họa sĩ Lê Tiến Vượng nhận định. Anh minh chứng điều này từ thực tế: “Nhiều nhà xuất bản có rất ít họa sĩ chuyên làm bìa nên phải trông chờ vào đội ngũ họa sĩ là cộng tác viên. Nhiều biên tập viên của nhà xuất bản cũng tự đặt họa sĩ, người quen để làm bìa mà không rõ sở trường, đặc tính sáng tạo của người họa sĩ ấy có phù hợp với việc thiết kế bìa sách của mình hay không. Cũng có tình trạng người làm biên tập hoặc đơn vị xuất bản còn “đơn giản hóa”, coi bìa sách “chỉ là một cái bìa” nên dễ dãi, chấp nhận cả những bìa sách qua loa, thiếu sáng tạo”.
Nghệ thuật bìa sách Việt Nam: Khoảng trống & mong đợi
Một số bìa sách tiêu biểu trong triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022”.
Là một “lão làng” trong giới thiết kế bìa sách, họa sĩ Ngô Xuân Khôi cũng ngậm ngùi khi nhắc tới thực trạng các cơ sở đào tạo họa sĩ đồ họa ở nước ta hiện nay có nhiều nhưng chuyên sâu về thiết kế bìa sách hầu như chưa có; thậm chí ngay cả các nơi đào tạo này thì giáo trình, giáo án cũng không có, hoặc có cũng khá sơ sài; và một thực tế đáng buồn nữa đó là thực trạng nhuận bút và thù lao cho họa sĩ thiết kế bìa vẫn ở mức quá thấp.
Trước đây khi chưa có công nghệ hỗ trợ, họa sĩ làm bìa sách rất vất vả, mất nhiều công sức. Nhiều họa sĩ đã trải qua thời kỳ này chia sẻ, vì chủ yếu thiết kế bằng tay, nên họ không chỉ cần có ý tưởng tốt mà còn phải luyện “đôi tay khéo”, phải cân nhắc, phác thảo rất nhiều phương án mới có thể chọn được một bìa ưng ý. Giờ, trong thời đại công nghệ số, có nhiều phần mềm hỗ trợ thiết kế bìa nên  họa sĩ cũng nhàn hơn, chuyên nghiệp hơn… Họ có thể thoải mái lựa chọn hình ảnh, phông chữ, màu sắc, thông tin chỉ bằng một cú nhấp chuột. Nhưng cũng vì ỷ lại, nhặt sẵn trong kho dữ liệu mà nhiều họa sĩ không chịu sáng tạo, tìm tòi. Có người còn không tìm hiểu cặn kẽ nội dung, bối cảnh tác phẩm. Vậy nên mới có những sản phẩm bìa sách trùng lặp, thậm chí không ăn nhập gì với nội dung.  

Mong đợi từ những “tác phẩm nghệ thuật” bìa sách
Đi tìm lời đáp cho câu hỏi “thế nào là một bìa sách đẹp”, nhiều họa sĩ thiết kế bìa sách đã ví von, bìa sách như một tác phẩm nghệ thuật, một bức tranh thu nhỏ, một poster, một bộ thời trang để dẫn dụ người đọc bước vào cuốn sách, thậm chí còn như một “tiếng sét ái tình”…
Kim Duẩn -  một họa sĩ trẻ đã gặt hái được nhiều thành công trong thiết kế bìa sách cho rằng bìa sách đẹp phải là một bìa sách hấp dẫn, ấn tượng về mặt hình thức, tương đồng về mặt nội dung. “Nhưng để hài hòa được 2 yếu tố đó là cả một quá trình. Những năm gần đây cảm thụ nghệ thuật của người đọc ngày một cao hơn, vì thế những người làm thiết kế bìa sách phải vận động tư duy, phải chuyển mình để đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của độc giả” - họa sĩ Kim Duẩn bày tỏ. 
Nghệ thuật bìa sách Việt Nam: Khoảng trống & mong đợi
Triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022” thu hút công chúng tới thưởng lãm.

Đến với thiết kế bìa sách một cách tình cờ, họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa cũng từng có 5 năm gắn bó với công việc này khi anh phụ trách việc thiết kế bìa sách cho Công ty Nhã Nam. Anh thường mất từ 3 đến 5 ngày mới có thể hoàn thiện một bìa sách, thậm chí nhiều bìa sách anh vẫn thiết kế theo lối vẽ tay như các bậc tiền bối. “Mỗi bìa sách thể hiện một phong cách khác nhau, một gương mặt khác mà ở đó người thiết kế bìa sách phải “biến ảo” với từng con chữ, hình ảnh, từng màu sắc. Nhất là với sách văn học, người thiết kế bìa phải đọc, phải hiểu, phải nghiên cứu không gian, thời điểm tác giả đề cập trong sách thì mới thiết kế được một bìa sách hấp dẫn về thẩm mỹ, phù hợp về nội dung” - họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa chia sẻ. 
Là một hoạ sĩ có hơn 20 năm công tác tại NXB Giáo dục Việt Nam, hoạ sĩ Bùi Quang Tuấn cho rằng một bìa sách đẹp, trước hết phải là bìa sách đáp ứng tất cả tiêu chí vốn có của nó từ chức năng bảo vệ ruột sách đến tính thẩm mỹ, cách dùng chữ, biểu đạt, tính độc đáo đồng thời phải chuyển tải thông điệp giản đơn, sắc sảo, màu sắc ấn tượng. Sách giáo dục có tiêu chí khác nên yếu tố nghệ thuật trong thiết kế bìa sách đặt ra cũng khác. Dẫu có “bay bổng” cũng phải ở trong khuôn khổ, đảm bảo quy chuẩn về thiết kế bìa sách giáo dục.
Có thể nói, với mỗi họa sĩ, thiết kế bìa sách chính là cơ hội để họ thể hiện phong cách riêng của mình và mỗi nhà xuất bản cũng thể hiện một phong cách thời trang bìa sách khác nhau. Việc tạo dựng diện mạo, bản sắc, phong cách riêng giữa các nhà xuất bản, các nhà sách thông qua qua thiết kế bìa sách cũng đang được các nhà xuất bản hết sức quan tâm. Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Bìa sách rất quan trọng, bởi thế khi làm sách chúng tôi luôn đặt câu hỏi đối tượng làm sách của mình là ai, mình phải thể hiện bìa sách thế nào cho phù hợp”. Với NXB Kim Đồng, song hành với việc đảm bảo nội dung hấp dẫn bạn đọc, đơn vị này luôn quan tâm, chú trọng, đầu tư kỹ lưỡng cho mảng mỹ thuật với hi vọng những cuốn sách đẹp sẽ nuôi dưỡng “người họa sĩ” trong mỗi đứa trẻ, đồng thời góp phần quan trọng tạo nên thương hiệu sách của mình…
(0) Bình luận
  • Lý luận, phê bình sân khấu: Thực trạng và giải pháp
    Lý luận, phê bình sân khấu là một chuyên ngành khoa học mang trong mình cả lý luận lẫn phê bình. Tức là, phê bình bằng lý luận và lý luận để phê bình. Lý luận là kết quả của quá trình mà con người đúc kết ra kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật sân khấu, mang tri thức khách quan về những quy luật vận động, phát triển của hiện thực nghệ thuật sân khấu.
  • Công tác lãnh đạo, quản lý, hoạt động văn nghệ: Nhìn từ thực tiễn văn học, nghệ thuật sau 50 năm đất nước thống nhất
    Sáng ngày 20/8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức khai mạc Hội nghị tập huấn với chủ đề “Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển – Thực tiễn và những vấn đề cần quan tâm” dành cho các địa phương, đơn vị khu vực phía Bắc.
  • Thi sĩ Hoàng Cát: Quê hương Hà Nội là một phần rạng rỡ nhất của đời tôi
    Thi sĩ thương binh Hoàng Cát đã vĩnh biệt “cõi người” vào ngày 1/7/2024, tại nhà riêng, hưởng thọ 83 tuổi. Sự mất mát này đã để lại biết bao thương tiếc đối với những người yêu kính, ngưỡng mộ thi sĩ về đời, thơ và nhân cách của ông.
  • Triển vọng tiểu thuyết ngắn
    Ngày nay rất khó nhìn thấy hình ảnh một người say mê đọc những bộ tiểu thuyết trường thiên như “Chiến tranh và hòa bình” của L.Tolstoy, “Sông Đông êm đềm” của M.Solokhov, “Những người khốn khổ” của V. Hugo… mặc dù đó là những kiệt tác văn chương thế giới.
  • Để lý luận phê bình sân khấu không còn thiếu và yếu
    Dù đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu, thế nhưng đội ngũ lý luận phê bình (LLPB) sân khấu nước ta hiện nay vừa thiếu và yếu, vừa có dấu hiệu lệch hướng dẫn đến những hạn chế trong việc thúc đẩy sự phát triển đời sống sân khấu. Làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ LLPB sân khấu, qua đó cổ vũ sáng tác, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, góp phần xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, đó cũng chính là những băn khoăn, trăn trở của không ít người trong giới nghề. Dưới đây là một số những chia sẻ của các văn nghệ sĩ xoay quanh vấn đề này.
  • Tiếp nối mạch nguồn cảm hứng tri ân
    Uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với đất nước và các liệt sĩ đã hy sinh là nét đẹp trong đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bài thơ “Khúc hát ru huyền thoại” của Quang Thiên Phú (bút danh của thầy giáo Lê Khắc Dinh, Nghệ An) tiếp nối mạch nguồn cảm hứng tri ân người có công với dân, với nước, mang sắc thái biểu đạt rất riêng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật bìa sách Việt Nam: Khoảng trống & mong đợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO