Ngành Giáo dục Thủ đô bước vào năm học 2022-2023: Kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng

Hanoimoi| 05/09/2022 07:57

Hôm nay (5-9), cùng với học sinh cả nước, hơn 2,2 triệu học sinh mầm non, phổ thông của thành phố Hà Nội bước vào năm học 2022-2023 - năm học dự báo tiếp tục có nhiều thử thách. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thẳng thắn nhận diện những bất cập, khó khăn và đề ra giải pháp khắc phục, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học, bảo đảm an toàn cho học sinh và kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng.

Ngành Giáo dục Thủ đô bước vào năm học 2022-2023: Kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng
Thầy và trò Trường Trung học cơ sở Phú Diễn A (quận Bắc Từ Liêm) đã chuẩn bị sẵn sàng bước vào năm học mới 2022-2023.

Đối diện với nhiều thách thức 

Hiện, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 2.800 trường mầm non và phổ thông với hơn 2,2 triệu học sinh. Thách thức không nhỏ của ngành Giáo dục Thủ đô là tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh, dẫn đến nguy cơ quá tải ở một số trường học.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, 100% học sinh trên địa bàn đều được đi học theo đúng tuổi, song tình trạng quá tải sĩ số vẫn chưa được giải quyết triệt để, do tốc độ gia tăng dân số nhanh. Đơn cử như phường Dương Nội (quận Hà Đông), dù đã xây dựng 19 trường học (gồm 15 trường công lập, 4 trường tư thục), song mới cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Còn nhiều trường có sĩ số học sinh/lớp cao hơn so với Điều lệ trường học. Số lượng học sinh đông, sĩ số học sinh/lớp cao đã ảnh hưởng đến công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Trước quy mô học sinh tăng nhanh, trong khi hệ thống trường, lớp chưa kịp đáp ứng, ngày 27-8 vừa qua, UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đã phải tổ chức bốc thăm suất học cho trẻ 3 tuổi vào Trường Mầm non Hoàng Liệt. Bà Trần Thị Mai Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) cho rằng, đây là trường hợp cá biệt, song cũng khiến nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi đi học lo lắng.

Nhiều năm liền, Hà Nội giữ vững vị thế là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, nhưng chất lượng giáo dục giữa các trường học còn có sự chênh lệch. Theo bảng điểm chuẩn lớp 10 năm học 2022-2023, trong số 116 trường công lập, chỉ có 14 trường có điểm chuẩn từ 40,0 trở lên (cho ba môn thi, trong đó có hai môn hệ số 2), chiếm 12%. Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) có điểm chuẩn cao nhất là 43,25 điểm; trong khi đó, mức điểm chuẩn vào Trường Trung học phổ thông Bắc Lương Sơn (huyện Thạch Thất) là 15,0 điểm; Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức C (huyện Mỹ Đức) là 15,75 điểm…

Ngành Giáo dục Thủ đô bước vào năm học 2022-2023: Kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng
Chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, Trường Trung học cơ sở Dương Xá (huyện Gia Lâm) đã xây dựng mới 19 phòng học, 8 nhà vệ sinh, sân tập đa năng giúp các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Ảnh: Thanh Tùng

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Trong những năm gần đây, quy mô giáo dục Hà Nội tăng trung bình 60.000 học sinh/năm. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã tham mưu thành phố đẩy mạnh việc xây dựng trường học và riêng năm học 2021-2022 đã có 51 trường học được xây dựng, thành lập mới. Với tốc độ gia tăng dân số nhanh như hiện nay, việc xây dựng bổ sung trường học vẫn là giải pháp được Hà Nội kiên trì triển khai.

Là quận nội thành, việc dành đất xây dựng, mở rộng trường học được quận Hoàn Kiếm xác định là nhiệm vụ quan trọng, quyết tâm không để xảy ra quá tải. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm Vương Hương Giang cho biết, một trong những giải pháp của quận là tập trung làm tốt công tác chuẩn hóa sĩ số học sinh/lớp, tạo thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện tại, trên địa bàn quận có 3 trường đang được xây dựng mới, là: Trường Mầm non Bà Triệu, Trường Mầm non 1-6 và Trường Tiểu học Quang Trung.

Ngày 31-8 vừa qua, UBND huyện Mỹ Đức tổ chức khánh thành Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mỹ Đức, kinh phí đầu tư 170 tỷ đồng. Đây là mô hình trường liên cấp chất lượng cao đầu tiên được xây dựng ở huyện. “Sự ra đời của ngôi trường này đã đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân, giúp học sinh huyện Mỹ Đức được tiếp cận với môi trường giáo dục tiên tiến, từng bước rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Lê Văn Hiến chia sẻ.

Cùng với việc đáp ứng đủ chỗ học, việc bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là trẻ mầm non được ngành Giáo dục Thủ đô xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, năm học 2022-2023, quận duy trì tổ chức giao ban định kỳ 1 lần/quý giữa lãnh đạo UBND quận với các trường học, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, nhằm tăng cường công tác quản lý an ninh, an toàn trường học, nâng cao đạo đức nhà giáo và chất lượng chăm sóc, giáo dục. Quận kiên quyết đình chỉ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không bảo đảm điều kiện chăm sóc trẻ…

Năm học 2022-2023, cùng với nhiều trường học mới thuộc các quận, huyện, thị xã được xây dựng, khối trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có Trường Trung học phổ thông Minh Hà (huyện Thạch Thất) vừa đi vào hoạt động; Trường Trung học phổ thông Thường Tín vừa hoàn thành xây dựng ở địa điểm mới… Giai đoạn 2022-2025, thành phố tập trung đầu tư xây dựng mới các trường trung học phổ thông ở Thọ Xuân (huyện Đan Phượng); Uy Nỗ, Nguyên Khê, Việt Hùng (huyện Đông Anh); các trường tại Khu đô thị Thanh Hà, Khu đô thị vệ tinh huyện Sóc Sơn.

“Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Thủ đô sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp để các trường được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo..., qua đó giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục đại trà giữa các địa phương”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ấn tượng sinh viên trường múa biểu diễn trong kỳ thi tốt nghiệp
    Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức Chương trình thi Tốt nghiệp trình độ Trung cấp vào 3 ngày 14/5 đến 16/5 vừa qua với những nội dung thi như: múa cổ điển Châu Âu, múa dân gian dân tộc Việt Nam, múa đương đại,…
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Ươm mầm” đảng viên trẻ góp phần tạo những tấm gương sáng cổ vũ phong trào thanh niên
    Nhân dịp kỉ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Trường THPT Đông Đô (quận Tây Hồ) đã long trọng tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới cho 02 học sinh ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
  • Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân cầu Vĩnh Tuy 2 bị ngập nước
    Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản số 2795/SGTVT-KHTC yêu cầu các đơn vị kiểm tra xác định nguyên nhân và có xử lý kịp thời các tồn tại liên quan đến việc thoát nước mặt cầu Vĩnh Tuy 2 thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2.
Đừng bỏ lỡ
Ngành Giáo dục Thủ đô bước vào năm học 2022-2023: Kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO