Ngành du lịch đẩy mạnh truyền thông, định vị Huế là điểm đến xanh, sạch và phát triển bền vững
Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để thu hút thị trường khách quốc tế và dự đoán tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm 2024.
Khách du lịch đến Huế đạt 3.066.343 (tăng 26,7%)
Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang có sự phát triển phục hồi quan trọng và tăng trưởng trên tất cả các chỉ tiêu về lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa, doanh thu từ du lịch... Sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng, phong phú. Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để định vị Huế là một điểm đến xanh, sạch và phát triển bền vững, góp phần truyền thông, quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế trong khu vực và toàn cầu, thu hút các thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống và tiềm năng.
Khu vực dịch vụ, du lịch đang trở thành điểm sáng của nền kinh tế khi đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam, nhờ nhu cầu nội địa tăng và khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện các công việc theo lĩnh vực công tác được giao và xây dựng hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực du lịch, quy hoạch, phát triển... Cụ thể, lượng khách đến Huế ước đạt 3.066.343 lượt (khách quốc tế ước đạt 996.289 lượt và khách nội địa ước đạt 2.070.054 lượt) và tăng 26,7% so với cùng kì. Khách lưu trú ước đạt 1.581.871 lượt (khách quốc tế lưu trú ước đạt 496.528 lượt và khách nội địa lưu trú ước đạt 1.085.343 lượt) và doanh thu du lịch ước đạt gần 6.243,8 tỷ đồng (tăng 15,3% so với cùng kì năm trước).
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, từ số liệu thấy rõ những đóng góp của khu vực dịch vụ, du lịch với lượng khách lưu trú đã đạt hơn 75% so với chỉ tiêu đề ra và doanh thu từ du lịch đạt hơn 77% so với chỉ tiêu. Bên cạnh đó, thị trường khách Tây Âu phục hồi tốt hơn so với năm ngoái và thị trường khách nội địa phục hồi rất tốt, thậm chí bùng nổ vào những kỳ nghỉ lễ, đóng góp rất lớn cho ngành du lịch trong 9 tháng năm 2024.
Hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế có 95 đơn vị lữ hành và văn phòng, đại lý du lịch, trong đó có 69 đơn vị có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế, 19 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa, 7 văn phòng và đại lý du lịch. Thừa Thiên Huế có 893 cơ sở lưu trú với 14.229 phòng và 22.918 giường, trong đó có 205 khách sạn (chiếm 22,9% trên tổng cơ sở lưu trú) với 8.672 phòng (chiếm 60,9% trên tổng số phòng) và 14.350 giường (chiếm 62,6% trên tổng số giường). Trong đó, số khách sạn từ 3-5 sao có 22 cơ sở với 3.115 phòng (chiếm 89.2%) và 4.974 giường (chiếm 88,2%) trên tổng số 33 khách sạn có sao với 3.489 phòng và 5.638 giường…
Truyền thông và đầu tư hạ tầng du lịch
Ngoài ra, công tác thông tin xúc tiến du lịch đã tập trung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch, ẩm thực, sản phẩm, dịch vụ du lịch Thừa Thiên Huế đến với thị trường khách trong nước và nước ngoài thông qua các trang mạng xã hội. Đồng thời, tổ chức các chương trình chào đón những du khách trên chuyến bay quốc tế đầu tiên trong năm 2024 bằng đường hàng không và đường hàng hải, phối hợp thực hiện truyền thông, quảng bá các sản phẩm du lịch Huế thông qua cuộc đề cử “Top 9 sản phẩm du lịch Huế ấn tượng”. Cung cấp, trưng bày ấn phẩm Du lịch để truyền thông, quảng bá về du lịch Thừa Thiên Huế tại Diễn đàn Du lịch xanh ASEAN trong khuôn khổ Hội chợ Travex 2024, Hội báo Xuân diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội thảo Quốc tế Chuyển đổi số trong đào tạo nghề Du lịch tại Trường Cao đẳng Du lịch Huế, Hội Báo toàn quốc 2024 và Festival sinh viên Kyoto (Nhật Bản)…
Cơ sở hạ tầng du lịch được chú trọng đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối và tiếp cận điểm đến tạo điều kiện thuận lợi cho việc du khách di chuyển đến các điểm tham quan du lịch, di tích ở TP Huế như đường tiếp cận hệ thống lăng tẩm, hệ thống hạ tầng du lịch khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Cảng du lịch Chân Mây), tuyến đường vào điểm du lịch Thiền viện Trúc Lâm – Bạch Mã, đường tránh phía Tây TP Huế đi điện Hòn Chén, triển khai đầu tư xây mới, nâng cấp 7 bến thuyền kết nối với các điểm du lịch cộng đồng để mở rộng phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch trên sông Hương và vùng đầm phá Tam Giang.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, khách đi du lịch không chỉ trải nghiệm thuần túy hoạt động tham quan mà còn mua sắm, lưu trú và chi tiêu cho nhiều dịch vụ khác. Trong những tháng cuối năm 2024, theo dự đoán lượng khách quốc tế sẽ tăng mạnh và khả năng ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đạt chỉ tiêu về lượt khách và tổng doanh thu theo kế hoạch đã đề ra (kế hoạch đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách và thu từ du lịch khoảng 7.500 – 8.000 tỷ đồng).