Chính sách & Quản lý

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống ở A Lưới

Hương Giang 27/09/2024 17:54

Phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc của huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.

Ngày 27/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình làm việc với UBND huyện A Lưới về công tác phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở huyện A Lưới. Dự buổi làm việc có đại diện các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện A Lưới và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.

Bảo tồn, khai thác hiệu quả các điểm di tích lịch sử

A Lưới là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề đa dạng, vùng đất lưu giữ nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hệ thống làng nghề đa dạng. Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư xây dựng đô thị, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và xây mới, nâng cấp mạng lưới giao thông, chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch… nên diện mạo A Lưới có nhiều khởi sắc.

461546733_832737122363209_1047572440338952781_n.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với UBND huyện A Lưới về công tác phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng.

Trong những năm qua, huyện A Lưới đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển văn hóa và du lịch nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ Nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện A Lưới đã cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch, đề án… để triển khai thực hiện, bên cạnh đó huyện A Lưới cũng đã chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Huyện A Lưới hiện có 24 điểm du lịch và 33 cơ sở lưu trú (9 nhà nghỉ, 24 homestay) công suất tối đa trên 880 khách/thời điểm, 6 làng văn hóa du lịch cộng đồng và hệ thống các nhà hàng đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch... Các điểm du lịch sinh thái Pâr Le, A Nôr, A Lin, làng du lịch cộng đồng tại xã A Roàng, Hồng Hạ, Hồng Kim... ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo của khách du lịch.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, công tác phát triển du lịch đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Huyện ủy, HĐND đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch để triển khai thực hiện, trên cơ sở đó UBND huyện A Lưới đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện A Lưới để phối hợp, triển khai thực hiện. Chú trọng đầu tư tại các điểm du lịch như nhà tiếp đón, nhà trưng bày, nhà xe… những sản vật nông sản, thủ công truyền thống từ các làng nghề dệt Zèng thổ cẩm, đan lát mây tre, làm chổi đót… ngày càng được du khách ưa chuộng. Việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực như chuối, hoa tulip, hoa ly, rau sạch, cá tầm, sâm bố chính …đã tạo ra nguồn thu nhập cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới, thời gian tới huyện chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Khuyến khích tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có vốn vào đầu tư xây dựng và phát triển các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ. Xây dựng cơ sở lưu trú đạt chuẩn và phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch cộng đồng. Tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp thành lập công ty du lịch làm đầu mối để liên kết các tour, tuyến du lịch và quảng bá để thu hút khách du lịch đến với huyện A Lưới. Đẩy mạnh việc bảo tồn, khai thác có hiệu quả các điểm di tích lịch sử, du lịch sinh thái và phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, có sức cạnh tranh để thu hút du khách, đa dạng hóa các loại hình du lịch… Phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch như lưu trú, ăn uống, mua sắm, trải nghiệm.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để du lịch A Lưới phát triển hơn nữa trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư, huy động mọi nguồn lực phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh và bền vững. Xúc tiến, kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện A Lưới. Xây dựng chiến lược, quy hoạch định hướng các điểm đến, sản phẩm du lịch phù hợp đặc biệt là các mô hình du lịch homestay, sản phẩm du lịch ban đêm và các sản phẩm du lịch đặc trưng để nâng cao chất lượng du lịch và sản phẩm thu hút khách du lịch.

461331922_832737229029865_4792328802758439280_n.jpg
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi làm việc.

Xây dựng các cơ chế chính sách cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến, quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho công tác du lịch, tập huấn nghiệp vụ du lịch cho cộng đồng, hướng dẫn viên, cộng đồng làm du lịch. Huy động, khuyến khích, tạo cơ chế để các nhà đầu tư, các đơn vị lữ hành đầu tư cơ sở dịch vụ du lịch kết hợp với các hộ dân để tạo ra các dịch vụ, sản phẩm hấp dẫn, chuyên nghiệp, phù hợp thị trường, thị hiếu - ông Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, du lịch sinh thái và cộng đồng đã, đang nhận được sự quan tâm trong những năm gần đây và góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, việc phát triển mô hình du lịch sinh thái và cộng đồng sẽ giúp du khách có cơ hội hiểu rõ hơn về đời sống văn hóa – xã hội và hệ sinh thái cảnh quan của địa phương. Xu hướng du lịch hiện nay là du khách mong đợi được trải nghiệm một cách chân thật và sâu sắc để hòa mình vào các không gian sinh thái tự nhiên và trải nghiệm các sản phẩm đặc sắc của địa phương, vì vậy việc triển khai các mô hình du lịch sinh thái - cộng đồng cũng là cách thức đáp ứng các nhu cầu đa dạng của du khách và phù hợp với xu thế chung của việc phát triển ngành kinh tế du lịch trong bối cảnh hiện nay.

461317624_832737265696528_3348223195276165432_n.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tạo ra những giá trị sản phẩm đặc trưng, phát huy nét truyền thống văn hóa dân tộc, tạo thu nhập cho người dân. A Lưới cần khai thác các dịch vụ du lịch sinh thái gắn với các hoạt động văn hóa truyền thống dân tộc của địa phương và khai thác các tài nguyên du lịch một cách sáng tạo, linh hoạt và bền vững. Tạo không gian mở, để du khách trải nghiệm được các giá trị cộng đồng, phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc của địa phương./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...
    "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Đó là những lời tâm huyết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn gửi tới đồng bào Hà Nội trong ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. Lời dặn của Người mùa thu năm ấy cho đến nay vẫn còn vang vọng, như động lực để Thủ đô Hà Nội không ngừng nỗ lực vươn xa.
  • Điều chỉnh thời gian hoạt động phố đi bộ quanh hồ Gươm phục vụ “Ngày hội Văn hóa Vì hòa bình”
    Thông tin từ Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn, cho biết, ngày 2/10, UBND quận đã ban hành văn bản Thông báo điều chỉnh thời gian hoạt động của các Không gian đi bộ trên địa bàn từ ngày 4 - 6/10/2024 để phục vụ “Ngày hội Văn hóa Vì hòa bình” - sự kiện đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
  • [Podcast] Quy định đặc thù về nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền Hà Nội
    Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều nội dung, quy định mới mang tính đặc thù về nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền Thành phố Hà Nội, qua đó sẽ tạo thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Với những quy định cụ thể, chi tiết, đặc thù, chắc chắn sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, sẽ tạo thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước.
  • Khai mạc Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024
    Tối 2/10, tại Công viên Văn hóa Đống Đa (Hà Nội), Sở Công Thương Hà Nội tổ chức lễ khai mạc Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024.
  • Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam
    Đây là chủ đề của Hội thảo được diễn ra ngày 02/10/2024 tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện chính nhân Kỷ niệm 5 năm thành lập NIC và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống ở A Lưới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO