Du lịch bốn phương

Xúc tiến, quảng bá và cần định hướng xây dựng thương hiệu du lịch “Huế - Kinh đô văn hóa, di sản”

Hương Giang 20/09/2024 08:35

Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với thế mạnh về bản sắc văn hóa, di sản vật thể và phi vật thể của địa phương để xúc tiến, quảng bá và kết nối du lịch.

460567559_1064030232393788_260213257713418130_n.jpg
Các đại biểu và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch tham dự Hội nghị “Xúc tiến, quảng bá và kết nối du lịch Huế 2024” (ảnh: Di tích Huế).

Ngày 19/9, tại TP Huế Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp Hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị “Xúc tiến, quảng bá và kết nối du lịch Huế 2024”. Đến dự có ông Hà Văn Siêu – Phó Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, bà Cao Thị Ngọc Lan – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và đại diện hơn 70 công ty du lịch, lữ hành trên cả nước.

Năm 2024 là năm thứ 8 ngành du lịch Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện Nghị quyết 04 ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

460803463_1064029332393878_2552809897302650836_n.jpg
Hội nghị “Xúc tiến, quảng bá và kết nối du lịch Huế 2024” (ảnh: Di tích Huế).

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chính quyền địa phương và ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực để hoàn thiện các sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến Huế ước đạt gần 2,74 triệu lượt và khách lưu trú khoảng gần 1,4 triệu lượt, doanh thu từ du lịch ước đạt gần 6.000 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thừa nhận rằng, Thừa Thiên Huế có nhiều tài nguyên cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hệ thống thiết chế văn hóa phong phú nhưng chưa có thiết chế văn hóa xứng tầm, đẳng cấp do chưa thu hút được nhà đầu tư lớn… và mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch, các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và những đề xuất, hiến kế nhằm đưa ra các giải pháp ổn định, phát triển cũng như cơ hội kết nối, xúc tiến quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế với các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ của địa phương phát triển trong thời gian tới.

460666236_1064029689060509_4857314405339541143_n.jpg
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị (ảnh: Di tích Huế).

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, với những tiềm năng du lịch vốn có, Huế cần triển khai nhiều giải pháp để khẳng định vị thế du lịch. Ngành du lịch Thừa Thiên Huế cũng cần phải có những ưu tiên mạnh mẽ hơn trong công tác xúc tiến quảng bá, khẳng định được ưu thế du lịch của Huế, tập trung xúc tiến quảng bá gắn với chuỗi các sự kiện của năm du lịch quốc gia 2025, xây dựng các nội dung xúc tiến, quảng bá sát với thị trường, phản ánh được những sản phẩm đặc sắc của Huế.

Theo đó, Hiệp hội du lịch Thừa Thiên Huế, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với thế mạnh về bản sắc văn hóa, di sản vật thể và phi vật thể của địa phương để tạo tiền đề cho công tác xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm, chương trình du lịch. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cần định hướng cho các doanh nghiệp tăng cường phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch “Huế - Kinh đô văn hóa, di sản”…

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần tăng cường quản lý điểm đến du lịch, hoàn thiện và phát huy hiệu quả các chính sách phát triển du lịch, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thông minh trong lĩnh vực du lịch để khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển du lịch. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, khám phá, trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe...

460201433_1064030249060453_1078311220472639967_n.jpg
Phó Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị (ảnh: Di tích Huế).

Theo các đại biểu và chuyên gia du lịch tại hội nghị, để phát triển du lịch Huế cần tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với văn hóa truyền thống Cố đô song song với việc nghiên cứu, làm mới, phát triển các sản phẩm du lịch đã có để phục vụ nhu cầu của khách du lịch cả trong nước và quốc tế. Trên cơ sở phát huy giá trị to lớn của Festival Huế, ngành du lịch Thừa Thiên Huế cần tạo ra các hoạt động văn hóa - lễ hội khác nhau, tổ chức vào các thời gian khác nhau trong năm để góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trung ương, định hình chuyên sâu và đặc sắc về du lịch, văn hóa và lễ hội.

Tại hội nghị, nhiều giải pháp cụ thể đã được đề xuất để lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo ngành du lịch nghiên cứu, định hướng cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn hoạt động một cách có hiệu quả trong thời gian tới. Bên lề hội nghị, trong hai ngày từ 18 - 19/9 hơn 70 doanh nghiệp lữ hành trong cả nước đã có chương trình famtrip tham quan, khảo sát, đánh giá các tour tuyến, điểm du lịch tại Thừa Thiên Huế như Điện Kiến Trung, trải nghiệm thực tế ảo IV COM, trải nghiệm phi thuyền VR, trải nghiệm ẩm thực Huế, trải nghiệm văn hóa - con người đồng bào A Lưới…

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Xúc tiến, quảng bá và cần định hướng xây dựng thương hiệu du lịch “Huế - Kinh đô văn hóa, di sản”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO