Ngày 20/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Hội Nữ trí thức Hà Nội tổ chức hội thảo “Bàn về văn hóa ứng xử gia đình, làng xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới Thủ đô”. Hội thảo tập trung trao đổi về tác động tích cực của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; những giá trị của văn hóa ứng xử gia đình, làng xã trong xây dựng nông thôn mới.
Văn hoá ứng xử ở gia đình, làng quê biến đổi
Tại Hội thảo, theo đánh giá của những nhà nghiên cứu văn hoá, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều mô hình đã khẳng định sự phát triển bền vững khi chọn nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, an toàn, theo chuỗi, khép kín vừa cho năng suất tốt, giữ gìn môi trường vừa cho sản phẩm sạch, chất lượng. Đồng thời, theo TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội: “Việc khai thác các thương hiệu như cốm làng Vòng, đậu kẻ Mơ, vịt cỏ Vân Đình, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc và hàng trăm nghề truyền thống khác đã thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới có bản sắc riêng của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên không phải nơi nào cũng vừa khai thác đúng yếu tố văn hoá truyền thống vừa phát huy được hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế - xã hội”.
Các chuyên gia văn hoá đã chỉ ra rằng, những nơi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đạt được kết của như mong muốn là do chưa tìm được tiếng nói chung trong cộng đồng, tư duy manh mún, nhỏ lẻ. Người già bảo thủ, người trẻ xem thường nông nghiệp, có xu hướng ly hương tìm miền đất hứa đã làm cho nông nghiệp, nông thôn không phát triển. “Những địa phương này tuy vẫn hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nhưng không khí đổi mới thực sự chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô” – TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là mỗi cá nhân trong gia đình, làng xã đã có những thay đổi trong lối sống, suy nghĩ và văn hoá ứng xử. Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy: Những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng cao hơn, nhưng đạo đức gia đình có biểu hiện xuống cấp, nếp sống gia đình truyền thống đối diện nguy cơ mai một, sự gắn kết các thành viên trong gia đình giảm sút. Các gia đình trẻ có xu hướng sống độc lập, đề cao hạnh phúc cá nhân, quan hệ khép kín dẫn đến mối quan hệ tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình lỏng lẻo. Thời gian dành cho nhau của các thành viên trong gia đình ngày càng ít đi; tình trạng bạo hành trong gia đình, ly hôn có chiều hướng tăng. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện có khoảng 350 – 400 cặp vợ chồng ly hôn, tỷ lệ ly hôn ở độ tuổi 30 – 40 tăng.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu văn hoá chỉ ra rằng, trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vẫn còn những tiêu chí cứng như phải có nhà văn hoá, đạt bao nhiêu % về gia đình văn hoá. Trên thực tế, có nhà văn hoá chưa hẳn đã có hoạt động văn hóa đúng nghĩa. Đôi khi thực tiễn với lý thuyết có khoảng cách khá xa vời.
Cần xây dựng Quy tắc ứng xử trong gia đình
Trao đổi các giải pháp nhằm phát huy giá trị của văn hóa ứng xử trong gia đình, làng xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ VHTT&DL đề xuất lồng ghép Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình khi sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước góp phần thực hiện có chất lượng Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới của Thủ đô những năm tiếp theo.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị bảy đề xuất, TP cần có những chính sách chuyên biệt, cụ thể theo từng nhóm đối tượng (trẻ em, thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi) về công tác gia đình; cần xác định rõ xây dựng văn hóa ứng xử gia đình là một nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác nhiệm kỳ và hằng năm của các cấp ủy Đảng, chính quyền; cần đưa nội dung tiêu chí đánh giá về văn hóa ứng xử trong gia đình là một tiêu chí trọng tâm trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới Thủ đô. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu văn hoá cũng đề nghị, ngành Văn hóa, thông tin TP cần có những nghiên cứu để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong gia đình cụ thể hơn so với tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa hiện nay để làm tài liệu tuyên truyền và để đánh giá kết quả thực hiện công tác gia đình.