Tuổi Kỷ Mão (1939), nhập ngũ ngày 15 tháng 4 năm 1965, chính thức ra quân ngày 30 tháng 9 năm 1987, mãi đến 2002 “ngài” sĩ quan mang quân hàm Đại úy mới đặt bút lên trang giấy, và sau bốn năm (2006) miệt mài ghi chép thì hoàn thành tự truyện của đời mình, để mười năm sau (2016) ra mắt cuốn sách mang tên “Nẻo đường”, dày hơn 500 trang khổ 16 x 24 cm, do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành.
Ông Lại Văn Hay – tác giả cuốn tự truyện “Nẻo đường”, quê ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, trước khi nhập ngũ đã tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Sư phạm. Ông Hay có một trí nhớ rất “siêu”, không những giỏi toán, tiếng Trung, mà còn đọc và nhớ nhiều các tác phẩm văn học, cuộc đời các danh nhân họa sĩ, âm nhạc trong nước và nước ngoài. Bây giờ, khi đã ngoài 77 tuổi, với tính tình thẳng thắn và cởi mở, pha sự khôi hài, ông Hay nói say sưa, chuyện của ông, trong quá khứ hoặc hiện tại, lôi cuốn người nghe bởi có nhiều tình tiết thú vị, chi tiết chính xác về nhân vật, địa danh…. Điều này người đọc dễ dàng nhận thấy qua hàng trăm câu chuyện trong cuốn tự truyện của ông.
Dưới dạng tự truyện, tác giả kể chân thực “nẻo đường” của đời mình trong hai mươi hai năm phục vụ quân đội với những người và việc thật, từ ngày “Nhập ngũ”, những tháng năm trong “Trung đoàn Thủ đô”, ở “Trường sĩ quan Thông tin”, giai đoạn “Đoàn 239 đi B”, thời kỳ ở “Chiến trường Đông Nam Bộ”, đến “Năm hòa bình đầu tiên” và ngày “Trở về”. Chia thành các “phần” mạch lạc như vậy, song giữa những câu chuyện thực tại ấy luôn pha trộn những mảng hồi ức (trước đó, của tác giả hay của các nhân vật), khiến người đọc hình dung thấy bối cảnh của từng giai đoạn trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc đầy gian khổ. Không hề mô tả các chiến dịch, các trận đánh, hãn hữu mới có tiếng bom rơi đạn nổ, tác giả tập trung kể những điều tai nghe mắt thấy, những việc mình trực tiếp tham gia, mà vẫn thấy khẩn trương, quyết liệt trong hành động, vẫn thấy cân não trong những quyết định nhằm bảo toàn lực lượng, nhằm hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất của những người lính bám sát sau lưng các đơn vị trực tiếp giáp mặt quân thù. Một đoạn trong “Phần 5 - Chiến trường Đông Nam Bộ”, tác giả viết: “Họp chi ủy mở rộng, chủ trương đơn vị rút ra khỏi khu rừng 181. Chi ủy có 5, vắng 1… ba phần tư nhất trí… Anh Tạo phản đối… song xuống nước: “Nếu phải rút để một bộ phận ở lại bảo vệ căn cứ, chứ bốn tấn máy móc khí tài huấn luyện, những bốn tấn gạo vừa lĩnh xong. Không có người bảo vệ à? Tôi ở lại phụ trách tốp đó” (tr. 330), và “Tôi hiểu anh (Tạo) hơn ai hết. Người nông dân đặc sệt đất Phố Hiến, đã từng cầm phấn đứng trên bục giảng chương trình bán trung học. Rồi một tay súng, một tay phấn giảng dạy kỹ thuật vô tuyến điện. Anh chắt chiu từng hạt gạo, hạt cơm rơi vãi đưa xuống nhà bếp nuôi lợn, giữ gìn quân trang cẩn thận… Nên bấy giờ (đơn vị) rút ra bỏ lại bốn tấn gạo là anh tiếc lắm” (tr. 331). Với “giọng điệu” như vậy, ông Lại Văn Hay kể hết chuyện này sang chuyện khác, xoắn xuýt nhau, gọi nhau xuất hiện trên trang giấy, dày đặc sự kiện và con người.
Là chiến sĩ của “thủ trưởng” Lại Văn Hay thời học trường Sĩ quan Thông tin ở Hà Bắc và là người đọc bản thảo “Nẻo đường” đầu tiên, ông Nguyễn Duy Quý viết trong Lời tựa: “Thỉnh thoảng đang kể chuyện bây giờ, bác (Lại Văn Hay) lại chuyển sang thời chống Pháp ở quê mình mà hồi nhỏ được chứng kiến. Tôi chú ý những nét văn hóa và ngôn ngữ ngày xưa hiện đang phai mờ trong hoàn cảnh mới của lớp người sinh sau năm 1975 (…) “Nẻo đường” có nhiều đoạn mang chất A-mua, viết theo kiểu tiểu thuyết “Dòng ý thức, có hơi hướng văn chương Hậu hiện đại”.
Đọc tự truyện “Nẻo đường”, tôi nghĩ rằng, người lính – tác giả Lại Văn Hay không nệ bất cứ xu hướng, khuynh hướng nào. Ngòi bút của ông thả theo dòng ký ức đầy ắp của một người trai trí thức đầy nhiệt huyết, ghi lại một cách chân xác, tỉ mỉ, không chỉ chuyện đang và đã xảy ra mà rất khéo “lồng” vào trong tác phẩm những tâm tư, tình cảm đặc trưng của một thế hệ, không phân biệt tuổi tác, hoàn cảnh xuất thân, học thức, đều mang trong mình tình yêu đất nước quê hương nồng nàn, sẵn sàng hy sinh thân mình vì nghĩa cả, vì mục tiêu “thu non sông về một mối”. Cuốn sách có thể chưa đạt những tiêu chí nghệ thuật văn chương, nhưng trong đó chan chứa một tình cảm da diết, lung linh, hướng trọn niềm tin sắt đá của một người lính Cụ Hồ vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Mở đầu tự truyện, tác giả viết: “Ta vinh dự, giờ đây được đi trên nẻo đường binh nghiệp” (tr.11), kết thúc ông tâm sự: “Bốn mùa, đi đôi guốc mộc tự đẽo lấy. Khoan thai dạo bước trên các con đường làng quê ngõ xóm và suy ngẫm. Thì ra, nó là thu nhỏ những nẻo đường đất nước ở mọi lĩnh vực của CUỘC SỐNG” (tr. 504).
Sẽ không tìm thấy trong tự truyện “Nẻo đường” những tình huống gay cấn, những thắt nút cao trào, những tình tiết mùi mẫn, những chải chuốt câu văn, nhưng, trái tim người đọc sẽ rung động trước cái thật từ suy nghĩ, hồi tưởng chân chất của người viết, soi thấy mình và người thân của mình trong quá khứ chưa xa.