Những bờ tường gạch ong đượm màu mưa nắng được xây cao vút khiến thời gian như ngừng lại. Bởi lẽ dù buổi chiều hay buổi sáng, ngước lên bao giờ cũng chỉ thấy trời xanh vời vợi và những đám mây luôn trôi lờ lững. Tôi ít khi dám dừng lại ở đấy lâu vì lũ muỗi đói nhiều vô kể, chúng vo ve bay lượn và nhanh chóng để lại những vết đốt sưng phồng trên da dẻ. Bà ngoại tôi sống trong ngôi nhà ấy chỉ có một mình
Ngôi nhà ngói ba gian của bà khá khang trang nhưng thiếu vắng hơi người nên đượm vẻ u buồn, tĩnh mịch. Những gian nhà rộng và căn buồng tối khiến tôi luôn cảm thấy sờ sợ. Bà đi chợ bán hàng khô cả ngày nên cửa đóng then cài suốt, khi về nhà thì cũng đóng cổng vì nhà rộng, cổng xa. Tôi đi học ở đình làng, giờ ra chơi muốn uống nước mưa, chỉ cần vòng qua bờ ao sau đình là chạy tới ngay nhà bà ngoại. Bể nước mưa to có mái vòm che kín nằm dưới bóng mát của một cây bưởi chua to tướng, trĩu quả. Thân cây sần sùi và mốc meo bởi những đám địa y, chỗ thân cây bị mục, thỉnh thoảng một chùm mộc nhĩ lại mọc ra sau đợt mưa dài. Trên cành cao, tầm gửi mọc thành bụi lớn, ở đấy có đám quả tí hon màu đỏ hồng xinh xắn khi chín ăn cũng ngòn ngọt. Cây bưởi nhà bà tôi ngon nổi tiếng trong làng.
Mùa thu, cây bưởi sắp đến kỳ thu hái nên bà hay bảo chúng tôi ra ngủ cùng buổi tối kẻo trẻ con, thanh niên hàng xóm trèo qua vặt trộm. Sự có mặt của mấy đứa trẻ như tôi đôi khi không ngăn được cánh thanh niên nghịch ngợm. Họ buộc vào cây sào dài một que sắt nhọn, dùng cây sào nhọn ấy đâm ngập vào quả bưởi trên cành cao rồi nhẹ nhàng hạ xuống. Chẳng có tiếng rụng lịch bịch nào để bà cháu tôi nghe thấy trong đêm khuya mà sáng ra cây bưởi vẫn trống hết cả cành. Bà tôi bực tức ra sân mắng đổng nhưng “gió bay lên trời” mà thôi.
Trung thu, chúng tôi chỉ có bưởi nhà bà để bày cỗ trông trăng. Từ đầu tháng Tám, bà vặt những quả bưởi còi cho chúng tôi ăn thử xem đã hết “he” chưa, sắp đến ngày rằm bà sẽ trẩy bán, toàn những khách ăn quen dặn bà để dành cho họ. Dịp ấy chúng tôi được ăn thỏa thích vì những quả bị dập, sâu hoặc còi cọc sẽ bị khách bỏ lại. Ăn bưởi xong, vỏ xanh đem phơi dành gội đầu hoặc đốt sưởi ngày mưa rét, hạt để bóc ra rồi đem xâu vào que tre. Sau khi bóc bỏ lớp vỏ cứng và lột bỏ lớp vỏ lụa, hạt bưởi lộ ra cái nhân trắng được tách làm hai mảnh, đem chúng xâu lại và phơi khô là có một que nến hạt bưởi đốt cháy vô cùng đượm và thơm ngây ngất. Có năm, đến Tết Trung thu, tôi đã để dành được tới vài chục xâu nến như vậy.
Đêm rằm tháng Tám, cũng giống như bạn bè trong xóm, chúng tôi có trống ếch, nến hạt bưởi, đèn ông sao dán bằng giấy màu sặc sỡ, một mâm cỗ trông trăng gồm na, hồng, chuối và phần lớn là bưởi. Những chiếc bánh dẻo trắng tinh và bánh nướng vàng ươm tươm mỡ được gói trong tấm giấy nâu thì không phải năm nào cũng có, đấy là một món quà xa xỉ. Thế nhưng mâm cỗ trông trăng với đèn ông sao và ánh sáng của của những ngọn nến hạt bưởi thì chưa bao giờ thiếu. Chúng tôi hạnh phúc trong thứ ánh sáng thơm nồng nàn biết cười reo tí tách ấy, rước nến đi quanh làng và hát vang với niềm vui bất tận: "Rồng rắn lên mây/ Có cây núc nác...".