Mùa ổi trên cao nguyên

Bùi Việt Phương| 30/10/2017 10:12

Tôi còn nhớ, ngày nhỏ, trên cao nguyên toàn đất cằn và đá, mỗi mùa thật riêng. Nhất là những ngày giáp hạt, mỗi thứ quả như một món quà của thiên nhiên, sâu lắng một thứ tình đất đai với những gì ta đã gửi vào lòng đất mẹ.

Mùa ổi trên cao nguyên

Khi mà tất cả các thứ trái chín khác, dường như đã biến mất, hương thơm chỉ còn phảng phất như một ký ức. Bỗng dưng, tán ổi già khẳng khiu suốt bốn mùa như cành sừng hương gắn lên nền trời xanh thẫm dậy lên một mùi hương đến lạ. Thứ quả sinh ra đúng thời khí trời chẳng thuận hòa, bao cuộc li hương, giã biệt chẳng có thức gì đặt vào tay nải làm món quà quê cho người đường xa để khỏi quên lối về. Từ trái ổi bo như chén mắm, cùi dày, dòn, ngọt đến ổi cóc đầy hạt, nhỏ thó tròm trèm như trứng gà nhưng thơm lạ. Nhưng trái chín không may đến được tay người rơi xuống đất vẫn dậy hương thơm ngát suốt một tuần lễ. 

Nhà tôi xưa ở bên xóm núi. Địa tầng đá vôi gợi lên những mỏm núi cao và đứt gẫy bao nhiêu đèo đá, dốc đá. Đến cả bát cơm lúa nương giữa trưa tháng sáu với bát canh cua núi cũng lẫn vào đó những hạt sạn đá nhỏ. Những đứa trẻ lớn lên từ xóm núi dường như không có trong đầu một ý niệm về những chiếc bánh sinh nhật, món quà gói trong giấy kim tuyến ở phố phường hoa lệ. Ngay cả đến bánh đa, bánh nếp đậm đà chợ quê cũng năm thì mười họa. Với chúng, quà đơn giản chỉ là những thức mà người mẹ thiên nhiên ban tặng. Như những trái ổi của quê hương mỗi khi chín ửng cũng gợi bao nô nức, xốn xang.

Khác với sự đỏng đảnh theo mưa nắng của mùa xoài, tấp nập của mùa nhãn hay chớp nhoáng như mùa hồng, mùa ổi bất ngờ và thú vị đến ngay cả những phút cuối. Chẳng bao giờ chúng tôi bói được trái chín đầu tiên mà phải là chú chào mào tốt mã. Chiếc mỏ thanh tao cất tiếng lảnh lót trưa hè, chạm vào trái chín tự lúc nào rồi vội vã bay đi. Khi leo tới nơi thấy vết mổ còn mới, trái đổi đỏ ửng một góc, nóng hổi dưới nắng chiều xiên góc núi. 

Nhớ mùa ổi trên cao nguyên là nhớ đến những buổi chiều vắt vẻo trên chạc cao, thưởng thức những trái ổi chín cây thơm nức. Khi hoàng hôn buông xuống, từ trên cành cao chợt thấy ấm áp biết bao khi nhìn những làn khói bếp lam chiều. Khói bay như dải lụa mong manh len lỏi từ góc bếp, qua kẽ rạ gầy, lên cành ổi…

Có một năm mọi thứ hoa màu gần như đều mất mùa. Hết sương muối đến nắng hạn, mưa rào, bồ thóc nương, gậm giường để khoai vẫn thưa thớt. Cành ổi ngày nào sai quả, hậu hĩnh là vậy lúc ấy chỉ xanh tươi cành lá, khô ráp thân, cành. Bà cụ hàng xóm sang xin bảy búp xanh làm thuốc cho đứa cháu gái bị tháo ruột đêm qua, nhìn cành lá mà lắc đầu về sự trêu ngươi của ông trời. Dưới vòm ổi xanh kia, từng có người con trai nắm bàn tay cô hàng xóm trong chiều nắng đẹp, giọt nắng lọt xuống in những chấm sáng li ti nơi vai áo người thiếu nữ. Nhưng, có một ngày từ khung cửa sổ nhìn ra vòm ổi, người vợ trẻ lặng lẽ giấu đi giọt nước mắt lăn dài trên má trước sự ra đi mãi mãi của người chồng. Bất chợt, nhìn thân ổi cứng cỏi kiên gan suốt bốn mùa lại thấy thêm vững lòng hơn. 
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mùa ổi trên cao nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO