''Mưa ký ức'' đẫm nỗi niềm thế sự

Đặng Đình Chấn| 15/02/2021 10:58

Đọc tập thơ “Mưa ký ức” của nhà thơ Đoàn Mạnh Phương - NXB Hội Nhà văn 2021

''Mưa ký ức''  đẫm nỗi niềm thế sự

Đọc tập thơ Mưa ký ức (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2021) của Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương với tâm trạng của sự đợi chờ một chuỗi chiêm nghiệm mới, phát hiện mới, sau ba tập thơ (Mắt đêm, Câu thơ mặt người, Ngày rất dài) của anh đã xuất bản.

Cảm nhận bao trùm của tôi sau khi đọc Mưa ký ức là những vần thơ ấy, dù từ nhiều góc nhìn, nhiều “ký ức” khác nhau của tác giả chính là những nỗi niềm thế sự; đi từ xa tới gần, từ trong ra ngoài, đi từ chữ tới nghĩa. Và, mỗi bài thơ trong Mưa ký ức thực sự là một nỗi niềm thế sự để qua đó người đọc không thấy có một sự “dễ dãi” nào trong thơ Đoàn Mạnh Phương. Đời thực làm nên thơ Đoàn Mạnh Phương, nhưng một trong những thành công của thơ Đoàn Mạnh Phương chính là thơ anh góp phần nâng giá trị cuộc đời, thông qua tính độc đáo về ngôn từ và đôi khi là về sự cách tân mới lạ, thông qua sự chắt lọc kỹ càng trong trải nghiệm và chiêm nghiệm, thông qua những sáng tạo ý tưởng trong thơ… 

Câu chữ là một thế mạnh, một chắt lọc của thơ Đoàn Mạnh Phương. Một sự việc, một nghịch cảnh hay một suy tư đời thường khi đã vào thơ của anh tự nhiên mang một một ý nghĩa sâu sắc hơn và được nâng tầm cả về giá trị và về cái “đắt” của ngôn từ; nhưng không hề làm mất đi bản chất vốn có của những chất liệu cuộc đời được đưa vào trong từng tứ thơ. 

Một trong những bài thơ được sáng tác mới nhất trong tập Mưa ký ức là bài Ăn sáng vỉa hè - Một cảm hứng tự nhiên, không định trước, nhưng đã đi vào đời sống của thơ như một ý niệm ấp ủ từ lâu:

…Dòng suy tưởng trôi về quá khứ
Hỏi làm sao không nuốt nổi 
chính mình…

Để rồi ở: 
quán vỉa hè mỗi sáng 
cứ cộng dồn tích nợ một tôi xưa
để một tôi của bây giờ gặp lại
thành nhiều tôi trong ngách phố 
chuyển mùa…

Cái “tôi” ở đây vừa là cái “tôi” của nhà thơ  (với tư cách là tác giả), lại cũng là cái “tôi” của bất kỳ ai có cùng tâm trạng, có cùng quá khứ của những “dòng suy tưởng”. Và, bao dòng suy tưởng của cái “tôi” được “cộng dồn” ấy đã làm thành nhiều cái “tôi” trong một con người thời cuộc - Phải sống thế nào đây để thích ứng, để hài hòa, phát triển và để “ta vẫn là ta” lúc này, đó là câu hỏi mỗi người phải nỗ lực trả lời. 

Đi với câu chữ trong thơ Đoàn Mạnh Phương còn là việc Hình tượng hóa những ý niệm. Về mặt này, tôi nghĩ thơ anh đã và đang gìn giữ được những tìm tòi rất riêng của thi sĩ và cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính sáng tạo của Mưa ký ức nói riêng và thơ Đoàn Mạnh Phương nói chung. Bài: “Cuộc trò chuyện của những chữ cái” là một ví dụ: Khi “những chữ cái trò chuyện” với nhà thơ “như người bạn bất kể ngày, đêm, sáng, tối”, và còn “đi vào lồng ngực” nhà thơ, “vào trong từng thớ não như vào nhà người thân quen đang đợi”… để mỗi lúc “bí từ”, chữ cái giúp nhà thơ “bấm vào huyệt tứ”...

Câu chữ cộng với ý tưởng thể hiện mới lạ làm nên sự mới mẻ trong thơ. Rất nhiều bài thơ trong Mưa ký ức đã đạt được sự mới mẻ vừa bình dị, vừa chắt lọc ấy. Bài thơ “Khởi giác” cho người đọc nhiều suy ngẫm và cũng “bắt” người đọc phải suy nghĩ, tìm hiểu nhiều hơn: 

May sao, 
hồn vía của Tết xưa 
thở trong từng lõi chữ
Mùa xuân mọc thêm chùm rễ mới
Đón những cơn mưa từng cười 
ngập cỏ

Ngày thản nhiên xanh
Giữa những mở phơi và khai lộ… 

Còn nữa: 
Lại bắt đầu một khởi động mới
Bằng những giấc mơ đã từng làm 
cháy bóng tối
để mọc lên một ánh sáng
vừa an yên, bình dị, sớm nay… 

Những câu từ như: hồn vía của Tết, thở trong lõi chữ, mùa xuân mọc chùm rễ mới, mở phơi và khai lộ, giấc mơ làm cháy bóng tối, mọc lên một ánh sáng… không dễ gì có vị trí trong thơ, nhưng ở đây đã có và nâng tầm ý tưởng của thơ. Cho nên, cũng rất đúng khi cho rằng, thơ Đoàn Mạnh Phương đọc thì nhanh (nếu đọc chỉ để mà đọc), nhưng nghĩ thì lâu (nghĩ để mà hiểu và chiêm nghiệm). Phải suy ngẫm nhiều để tìm tòi, để hiểu được ý nghĩa của bài thơ khi đọc, đó cũng là một biểu hiện cái tầm của thơ mà không phải tác giả nào cũng có được. Bởi lẽ, thơ hay là phải có chiều sâu của đời sống và của tư duy trong đó. 

Tôi muốn nhắc đến một bài thơ khác nữa khi nói về tính đặc sắc trong thơ Đoàn Mạnh Phương: Bài thơ “Không đề” - Không đề mà lại rất có “đề”, thậm chí là rất nhiều “đề”: 

Có sự thật nào trốn thoát được ban mai (dẫu rằng sự thật ấy có thể được giấu kín trong đêm…) 
Mỗi ban mai chứa được rất nhiều 
cuộc chuyện trò của những đám mây
Mỗi đám mây thăng hoa từ rất nhiều 
mồ hôi và nước mắt

Và trong mỗi câu chuyện trò
có rất nhiều vị mặn…

Vị mặn đã nuôi ta lớn lên sau những 
cái chớp mắt hàng ngày…

Ban mai đồng nghĩa với ánh sáng (chứ không phải bóng tối). Mà khi đã có ánh sáng thì tất cả được phơi bày, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cho nên mới có câu thơ “Có sự thật nào thoát trốn được ban mai”. Những đám mây biết trò chuyện ấy chính là những hoạt động, những câu chuyện, những con người ngày ngày làm nên cuộc sống đa dạng. Mà đã là con người, câu chuyện, công việc hàng ngày thì buồn - vui, nước mắt-nụ cười đủ cả. Xã hội phát triển, con người lớn khôn lên cũng từ bao điều vui-buồn đó cả. 

Thơ Đoàn Mạnh Phương là thơ của nỗi niềm thế sự, cho nên không thể lướt qua mà cần cảm nhận hết từ chữ tới nghĩa. Trong thơ ấy, có những điều là vốn dĩ (từ xưa), nhưng sự đổi thay vẫn không diễn ra mặc cho bao người thấy thổn thức, thấy lạ kỳ; ví như sao phải hỏi: “Bàn chân làm nên những con đường/ Hay con đường làm nên những bàn chân?”, để cho “Bao tâm thế xoay ngược xoay xuôi/ Và chỉ thấy bốn bề im lặng…” (Dấu hỏi). Có lẽ đó là câu hỏi mà chỉ sự “im lặng” là hợp lý nhất chăng? 

Lại có bài thơ và những câu thơ đọc thấy đắng lòng. Bài “Nói thầm” cho ta cảm nhận đó và chính là nhắn nhủ rằng: Hãy sống thật với mình và với thời cuộc.

Người nhạt
thì cộng thêm bằng gì để mặn?
Vì khi người nhạt thì: 
nước nhạt theo, ngày nhạt theo, 

thơ cũng nhạt theo
Vô nghĩa những muối, những đường, 
những ngọn lửa và nước mắt
những ban mai và những chiều 
nắng tắt. 

Nên đành phải: 
Tâm thế nhọn như kim
Đâm qua biểu bì sự thật: Người nhạt 
thì chia vào đất cát! 

“Người nhạt” là muốn nói đến người sống nhạt nhẽo, không thật lòng, ích kỷ… Mà như vậy thì thật… vô nghĩa… 

***

Mưa ký ức là tên tập thơ, cũng là tên một bài thơ trong tập - bài Những cơn mưa ký ức.  Những cơn mưa thì hàng năm, hàng tháng vẫn xảy ra, nghe thì cũ…, nhưng cơn mưa nào cũng “còn mới nguyên”. Chỉ có điều những cơn mưa ấy đem về ký ức cuộc đời - những cuộc đời vốn nhiều ký ức và không quên ký ức, gắn với những cơn mưa: “Những cơn mưa Hà Nội chiều chiều cho tôi nhớ về quên” - Cơn mưa mới mà ở đó vẫn “ướt dáng hình ông bà, ướt dáng hình lam lũ mẹ, cha”; có cả những “giọt mưa cùng kể chuyện tuổi thơ xưa” - Những cơn mưa chiều thật lạ, làm cho “bao ký ức lại ùa về”. Và, đặc biệt hơn, từ bao cơn mưa ký ức ấy, đã làm nên “Một ký ức Hà Nội/ đổ mưa trong ngực mình” - Một sự trào dâng trong lòng tác giả một tình yêu và kỷ niệm với Thành phố thân yêu…
NHỮNG CƠN MƯA KÝ ỨC là những kỷ niệm, những nỗi niềm từng trải, những việc đời từng qua, những trân trọng quá khứ… để làm nên một đời sống thực tại hôm nay không phải riêng với nhà thơ mà với mỗi người trong dòng chảy cuộc sống này.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • "Thành phố Hồ Chí Minh – Giờ khắc số 0": Lịch sử Việt Nam qua góc nhìn báo chí quốc tế
    Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt bạn đọc cuốn sách “Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”. Đây là một ấn phẩm đặc biệt không chỉ tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam qua góc nhìn của các nhà báo quốc tế mà còn là minh chứng sống động cho giá trị của sự thật, của ký ức và của niềm tin vào một tương lai hòa bình sau những năm tháng chiế
  • Nhiều bộ phim cách mạng được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông
    “Biệt động Sài Gòn”, “Cánh đồng hoang”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Mùa xuân toàn thắng”… những bộ phim sống cùng lịch sử sẽ được công chiếu cho khán giả Thủ đô trong chương trình Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tại Rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
  • Sáng tỏ diện mạo văn học nghệ thuật Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất
    Sáng ngày 16/4/2025, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất" nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội thảo quy tụ đông đảo các các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ của 9 hội chuyên ngành với nhiều tham luận và ý kiến quý báu.
  • Bằng chất lượng ổn định Xi măng Long Sơn vươn tầm quốc tế
    Từ nguồn nguyên liệu tốt nhất Việt Nam để sản xuất xi măng kết hợp với 4 dây chuyền đồng bộ, hiện đại có tổng công suất hơn 10,5 triệu tấn/năm. Công ty Xi măng Long Sơn luôn cung cấp các dòng sản phẩm chất lượng cao và ổn định đáp ứng yêu cầu và làm hài lòng khách hàng trong nước cũng như quốc tế.
  • Bà Mai Kiều Liên lần đầu chia sẻ về chiến lược đằng sau quyết định đổi mới toàn diện của Vinamilk
    Hai năm kể từ khi Vinamilk chính thức tái định vị thương hiệu vào năm 2023, CEO Mai Kiều Liên lần đầu tiên chia sẻ về những chiến lược đằng sau quyết định đổi mới toàn diện của thương hiệu tỷ đô. Nữ lãnh đạo nhấn mạnh, nguyên tắc không thỏa hiệp về chất lượng sản phẩm là yếu tố được duy trì để giữ “chất Vinamilk”.
Đừng bỏ lỡ
''Mưa ký ức'' đẫm nỗi niềm thế sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO