Văn hóa – Di sản

Lễ hội làng Bát Tràng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Văn Thiện 11:21 13/03/2025

Tối 12/3, tại Đình làng Bát Tràng, UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) long trọng tổ chức lễ công bố lễ hội làng Bát Tràng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc lễ hội truyền thống làng Bát Tràng năm 2025.

483944057_1044625381040589_931233369692758750_n.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức dâng hương tại đình làng Bát Tràng

Dự buổi lễ có: Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nông Quốc Thành; Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân Vận Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành thành phố và đông đảo cán bộ, Nhân dân huyện Gia Lâm, xã Bát Tràng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết: Huyện Gia Lâm là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử; tự hào là quê hương của Đức Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương và Đức Thánh Chử Đồng Tử - hai trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Trên địa bàn Huyện hiện lưu giữ 320 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và các công trình địa điểm có dấu hiệu di tích, trong đó, 163 di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia và thành phố…

484559103_1044625364373924_4618727348639664566_n.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội làng Bát Tràng cho lãnh đạo huyện Gia Lâm

Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, làng gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, có lịch sử hình thành và phát triển gắn với Thăng Long - Hà Nội. Sau khi dời thiên đô từ Hoa Lư ra Đại La và đổi tên thành Thăng Long, được phép vua, thợ thủ công có nghề làm gốm, từ bảy làng Bồ, ba làng Bát dời Yên Mô (tỉnh Ninh Bình ngày nay), đến vùng đất này mở lò, lập làng, sản xuất gạch gốm phục vụ nhà nước, với tên gọi Bạch Thổ Phường, nay là Bát Tràng. Gốm Bát Tràng phát triển liên tục, chưa bao giờ thiếu vắng trong cung vua, phủ chúa và đời sống dân sinh.

Gạch Bát Tràng cũng là thương hiệu nổi tiếng trước gốm, trường tồn trong các công trình kiến trúc tâm linh và thành quách trên cả nước, đã thành ca dao đi cùng năm tháng của người Việt: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng”.

483878433_1044625414373919_6478419860098113627_n.jpg
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa và thành phố Hà Nội trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội làng Bát Tràng và tặng hoa chúc mừng lãnh đạo huyện Gia Lâm, xã Bát Tràng

Gốm Bát Tràng nổi tiếng trong nước và quốc tế với nhiều kiểu dáng, chủng loại, kích thước, phân loại theo chức năng: Đồ gia dụng, đồ thờ cúng, gốm mĩ thuật trang trí và gốm xây dựng… Kinh tế phát triển, với ý thức cộng đồng, 23 dòng họ cùng nghề, cùng quê xưa Bạch, Bát đã chung tay xây dựng một cộng đồng làng đoàn kết: Làng gốm Bát Tràng.

Mỗi dòng họ có nhà thờ riêng, duy trì ngày giỗ tổ hằng năm. Từ các dòng họ, các cơ sở tâm linh của làng như chùa Kim Trúc, đền Mẫu Bản Hương, đình làng - ngôi nhà chung thờ Thành hoàng; Văn Chỉ phụng thờ Khổng Tử, Chu Văn An được xây dựng kiên cố, to đẹp.

Hiện làng Bát Tràng có 2 nghệ nhân nhân dân, 6 nghệ nhân ưu tú, 34 nghệ nhân Hà Nội, 80 nghệ nhân làng nghề và có 22 sản phẩm gốm sứ đạt tiêu chuẩn OCOP 3-5 sao. Với những giá trị văn hóa độc đáo, tiêu biểu và sự cố gắng của cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề truyền thống, Bát Tràng được UBND thành phố công nhận điểm du lịch năm 2019. Nghề gốm Bát Tràng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023.

483893950_1044625454373915_3166089622033281478_n.jpg
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học đánh trống khai mạc lễ hội làng nghề truyền thống Bát Tràng.

Hằng năm, làng gốm Bát Tràng có nhiều ngày hội lớn, đó là ngày hội xuân tế, xưa gọi là hội “tế xuân cầu phúc” diễn ra vào tháng 2; hội văn chỉ mở vào ngày thượng đinh trong tháng 8 và hội đền Mẫu Bản Hương vào ngày 23-9.

Ngày 10/12/2024, Di sản Hội làng Bát Tràng đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định và chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước đó, tối 14/2, tại Hoàng thành Thăng Long, làng nghề gốm sứ Bát Tràng được Hội đồng thủ công Thế giới trao chứng nhận là thành viên thứ 67 Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo Thế giới”.

Thay mặt lãnh đạo huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học khai mạc lễ hội làng nghề truyền thống Bát Tràng năm 2025. Lễ hội diễn ra từ ngày 12/3 đến ngày 15/3, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thưởng thức ẩm thực Bát Tràng và nhiều hoạt động văn hóa dân gian được phục dựng…

483755286_1044625451040582_8787731680717434653_n.jpg
Tiết mục văn nghệ biểu diễn trống hội tại buổi lễ.

Hội làng gốm Bát Tràng xưa kia diễn ra trong 9 ngày, kéo dài từ ngày 11 đến ngày 19-2, với tên gọi làng vào đám, hay “tế xuân cầu phúc”, chính hội là ngày rằm. Kế tục xưa, trong điều kiện và hoàn cảnh mới, Hội Bát Tràng ngày nay tổ chức trong 3 ngày, gồm các nghi lễ: Nghinh Thần- là lễ rước Thành Hoàng từ Miếu Ngũ Linh (tức nhà riêng) ra đình làng (công đường) trước hội và Rước nước.

Hội làng là dịp để những người con dân Bát Tràng tưởng nhớ và tri ân công đức Tổ nghề, Thành hoàng Làng và các bậc tiền nhân tiên tổ. Đồng thời, giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc. Lễ hội cũng là dịp để nhân dân, cộng đồng đoàn kết, chung tay gìn giữ di sản, bảo tồn nét đẹp quê hương, góp phần xây dựng quê gốm Bát Tràng ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Hỏa dược khố, Quan Tượng Đài triều Nguyễn như bị “lãng quên” ở phía Tây Nam Kinh thành Huế
    Hỏa dược khố và Quan Tượng Đài của triều Nguyễn ít khách đến tham quan, chiêm ngưỡng do bị khóa cổng khiến 2 di tích như bị “lãng quên” ở phía Tây Nam Kinh thành Huế.
  • Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia dệt Dèng A Lưới
    Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề dệt Dèng của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới (TP Huế) đang được bảo tồn và phát huy giá trị với các sản phẩm văn hóa kết hợp hiện đại phục vụ du lịch, trải nghiệm, trình diễn thời trang.
  • Đình, chùa Tây Vị được công nhận là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp thành phố
    Chùa Tây Vị không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, một biểu tượng cố kết cộng đồng từ xưa đến nay. Sự tồn tại của ngôi chùa là minh chứng cho thấy sự hưng thịnh và tầm ảnh hưởng của Phật giáo đối với người dân nơi đây.
  • Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm: Kể chuyện di sản bằng đường thêu nét nhuộm
    Giữa nhịp sống hiện đại, khi nhiều nghề thủ công truyền thống dần bị lãng quên, nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm lại chọn gắn bó với nghệ thuật thêu - một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và cả chiều sâu văn hóa. Không chỉ nghiên cứu, thực hành nghệ thuật, chị còn là người kết nối textile art (nghệ thuật tạo hình từ sợi vải) với di sản văn hóa Việt Nam, khám phá và tái hiện những giá trị thêu cổ bằng góc nhìn đương đại. Từ xưởng thêu ven sông Hội An đến các triển lãm, workshop, hành trình của Ngọc Trâm là sự kết hợp giữa nghiên cứu, sáng tạo và gìn giữ ký ức dân tộc, nơi mỗi mũi chỉ, đường kim đều kể một câu chuyện về truyền thống và bản sắc.
  • "Hội diều làng Bá Dương Nội" đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Chiều 12/4, huyện Đan Phượng (Hà Nội) tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Hội Diều làng Bá Dương Nội” và Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” đối với nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
  • Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
    Lễ hội Tổng Nam Phù được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là minh chứng cho những giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ, là biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng, nơi truyền thống được tôn vinh và giá trị văn hóa được thắp sáng hôm nay và mai sau.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội làng Bát Tràng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO