Xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội, trước đây thuộc xã Hạ Trì, Tổng Dày, phủ Hoài Đức, nằm ven sông Hồng. Từ xa xưa, nơi đây là một vùng quê trù phú tấp nập trên bến dưới thuyền. Ngoài cày cấy, tầm tang, Liên Hà còn thêm nghề làm đồ mộc dân dụng và nổi tiếng với hội cờ người.
Tục truyền rằng: Năm 40 đầu Công Nguyên có một nữ tướng tên là Sa Lãng còn gọi là Sa Nương về Hạ Trì tuyển mộ nghĩa binh theo Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán. Sau khi thắng trận, Sa Lãng tướng quân mang binh mã trở lại Hạ Trì tổ chức lễ khao quân rồi hóa tại đây. Để tưởng nhớ công lao đánh giặc cứu nước của bà, hằng năm từ ngày mồng 7 tháng ba đến hết ngày mồng 10 tháng ba (âm lịch), Liên Hà lại tổ chức lễ hội tưng bừng. Hội Liên Hà không chỉ của dân trong xã, trong vùng mà còn thu hút du khách thập phương… Ngoài thi thổi cơm, bơi chải, hội bao giờ cũng có cuộc thi cờ người. Tổng cờ hầu hết là phụ nữ đứng tuổi. Cho đến bây giờ dân làng vẫn còn ngưỡng mộ nhắc tới cụ Trùm Dực, một tổng cờ nổi tiếng cách đây hơn 200 năm và gần đây là bà Hoàng Thị Lạc.
Hội cờ được tổ chức làm hai đợt: đợt một tại đình Ngũ Giáp vào các ngày mồng 2, mồng 3 tháng hai; đợt hai tổ chức vào các ngày 7 tháng ba đến hết ngày mồng 10 tháng ba (âm lịch). Cứ thế đời này truyền đời khác, tổ chức phường cờ (đội cờ) gồm có trùm cờ (tổng cờ), tướng cờ (tướng ông, tướng bà), quân cờ (sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt) chia làm hai bên (16 nam, 16 nữ). Trang phục hội cờ như: mũ, áo, quần, bên nam màu đỏ, bên nữ màu xanh trông rất sặc sỡ. Ngoài ra, còn có 2 hỉ đồng chừng 12 - 13 tuổi và một hề cờ. Như vậy, đội cờ gồm 35 người chưa kể người phục vụ khác. Còn việc tổ chức phường cờ thì được tiến hành rất nghiêm ngặt khi tuyển chọn người.
Trùm cờ (tổng cờ) là người có uy tín cao trong bàn dân thiên hạ và là chủ một gia đình giàu có, khá giả, có vậy mới đủ lực khao quân trong lễ hội. Được chức tổng cờ là được “cái sang” nơi chốn đình trung. Mỗi khi làng xã có lễ hội, chức dịch đến mời trùm cờ ra dự. Cái sự oai nghiêm của trùm trong hội cờ giống như tế chủ trong cuộc lễ “nhất tế chủ, nhì thủ văn” vậy.
Việc tuyển chọn tướng cờ, quân cờ nhằm vào những nam thanh nữ tú từ 16 - 18 tuổi chưa vợ, chưa chồng, là con nhà gia giáo tử tế, uy tín đức hạnh. Luật chơi cờ phải tôn trọng theo trình thức nghiêm ngặt.
Hội cờ diễn ra cả ngoài sân và trong sân hội, bên ngoài bàn cờ dùng các quân bỏi bằng gỗ hoặc bằng sừng, bên trong quân cờ là người thật đi lại (di hình), giữa một bên là 16 con trai với bên kia là 16 con gái. Người vào dự hội thi trước hết phải đánh ba ván cờ bỏi, nếu thắng mới được vào đánh cờ người. Trước khi vào cuộc cờ, người chủ tế vào làm lễ khai cờ, sau đó chọn hai cụ đầu râu tóc bạc có chức sắc, uy tín trong làng xã vào khai trương cuộc cờ. Trong ván cờ khai trương, để tránh vận rủi cho bên thua cuộc, hai bên tính sao để cờ hòa không có thắng thua. Có như vậy, hội cờ năm đó mới thực sự vui vẻ. Sau ván khai cờ, tổng cờ dẫn quân đôi bên dàn trận. Sau khi tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt yên vị, người chơi tay cầm cờ lệnh phất chỉ hướng đi cho từng nước cờ. Bên ngoài chịch cờ dùng trống cái điều khiển còn người xem hội thì tha hồ bàn tán bình phẩm, tán thưởng những nước cờ hay hoặc nuối tiếc cho nước cờ thất thế.
Hằng năm, đội cờ người Liên Hà được mời biểu diễn ở Hội Chùa Vua (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) Ngoài ra, người dự hội còn được chứng kiến cái thú vui của hề cờ lăng xăng làm trò. Vai hề cờ rất am hiểu chơi cờ, ăn mặc như kiểu hề chèo, giỏi ứng diễn tán dương những nước cờ hay, gợi khéo gà nước cờ bí. Cũng nhờ nhân vật hề mà cuộc chơi trở nên thú vị. Chẳng hạn bước vào ván cờ, hai bên cùng xuất pháo đầu, hề cờ liền lém lỉnh cất giọng: Mở đầu một ván cờ hoa/ Hai bên xanh đỏ cùng ra pháo đầu. Rồi tiếp đó bên nữ trong trang phục xanh lộng lẫy xuất xe mà bên nam trong trang phục đỏ vẫn chần chừ kéo dài tính nước, thì lập tức hề cờ vịnh thơ: Bên xanh em xuất xe rồi/ Sao anh bên đỏ vẫn ngồi phờ râu. Sự nhắc nhở khéo léo ấy đôi khi còn hàm ý nhắn gửi như trong thơ Hồ Xuân Hương đã viết: Thoạt đầu vào chàng liền nhảy ngựa/ Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên/ Hai xe chàng gác hai bên/ Thiếp sợ bí thiếp liền ghểnh sĩ…
Và cứ như thế cuộc cờ trở nên sinh động hơn. Nếu như hết thời gian quy định, ván cờ vẫn chưa phân thắng bại thì hai tuyển thủ ra đánh tiếp ở bàn chịch. Trong sân cờ các đối thủ khác lại vào tỷ thí. Cuối cùng nếu bên nào thua thì người chịch cờ đánh vào tang trống và đổ hồi trống kết thúc ván cờ. Cứ thế, tùy theo cuộc chơi có thể hai, ba ngày, thậm chí kéo dài cho tới khi hết hội.
Kết thúc giải, chủ tế trịnh trọng trao giải cho người thắng cuộc chỉ bằng ít hiện vật, thậm chí chỉ là một cơi trầu (12 miếng) nhưng cái tiếng thì rất lớn, được dân làng tôn vinh quý trọng. Người được giải lại khao mọi người trầu thưởng và chỉ dành lại một miếng cho mình.
Thời gian trôi qua, bến quê thay đổi nhưng người Liên Hà đời nọ tiếp đời kia không chỉ duy trì mà còn phát triển cái thú chơi cờ người thành cơ ngũ, nề nếp. Lãnh đạo địa phương, dân làng chăm lo đóng góp từ may quần áo, mũ, hia đến lọng tre, cây cờ, hộp bỏi bằng gỗ vàng tâm sơn son thếp vàng và sân cờ lát gạch kẻ ô trước sân cửa đền. Vì vậy, ngoài phục vụ lễ hội ở xã, ở huyện, tháng Giêng hằng năm, đội cờ Liên Hà còn được mời biểu diễn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (mồng 3, 4); hội gò Đống Đa (mồng 5); hội chùa Vua (thờ vua cờ Đế Thích, tổ chức ngày mồng 9)…