Văn hóa – Di sản

Lê Công Hành – ông tổ nghề thêu

Quỳnh Chi 30/11/2023 10:40

Lê Công Hành sinh năm Bính Ngọ (1606), mất năm Nhâm Dần (1662), được tôn là ông tổ nghề thêu của Hà Nội và cả nước.

le-cong-hanh.jpg
Lễ dâng hương ông tổ nghề Thêu Lê Công Hành.

Theo một số truyền thuyết thì đến đời Lê mạt, khoảng thế kỷ XVI, nghề thêu đã xuất hiện ở làng Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội do quan Thượng thư triều Lê tên là Lê Công Hành dạy cho dân làng và các vùng xung quanh, đặc biệt là nghề thêu nổi. Vì thế người ta cho rằng Lê Công Hành là ông tổ của nghề thêu.

Truyền thuyết vùng Thường Tín và gia phả họ Bùi Trần ở làng Quất Động thì ghi Lê Công Hành chính tên là Trần Quốc Khái. Ông là người họ Mạc (tổ tiên xa của ông là Mạc Hiển Tích, đỗ đầu khoa thi năm 1086 và Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên đời Trần Anh Tông năm 1304). Ông có họ hàng gần với Mạc Đăng Dung. Khi nhà Mạc bị nhà Lê tiêu diệt, những người của họ Mạc vì sợ bị liên lụy và bị nhà Lê trả thù nên đã thay tên đổi họ. Vì thế gia đình ông Quốc Khái cũng đổi sang họ ngoại là họ Trần (Quốc Khái) và sau lại đổi sang họ Bùi.

Chẳng bao lâu gặp kỳ thi, Trần Quốc Khái lều chõng đi thi và đỗ Tiến sĩ, vào thời vua Lê Chân Tông (1643 - 1659).

Năm Bính Tuất (1646), ông được triều đình nhà Lê cử đi sứ nhà Minh.

Trên đường đi sứ, bọn quan lại nhà Minh không để cho đoàn sứ bộ đi đường chính, mà lại dẫn đi theo đường tắt, đến một vùng rừng núi và thung lũng thì hết lương ăn. Ông Trần Quốc Khái bèn cho chặt tre, đan thành những cái dậm, cái dủi, rồi cho quân lính xuống suối kiếm cá và lên rừng kiếm trái cây để ăn. Qua hết quãng đường rừng, đoàn sứ bộ của ta vẫn mạnh khỏe tiến thẳng về kinh đô nhà Minh.

Sau khi Trần Quốc Khái vào chầu vua Minh và hoàn thành công việc ngoại giao, vua nhà Minh muốn thử trí thông Minh của sứ thần Việt Nam, bèn sai dựng một cái lầu cao chót vót, rồi mời Quốc Khái lên chơi. Khi ông đã lên lầu, thì ở dưới đất quân Minh bèn cất thang đi. Không còn lối xuống nữa, ông đành ở trên lầu một mình, xung quanh trời mây bao la, gió thổi hun hút. Ông đưa mắt nhìn quanh lầu, chỉ thấy có hai pho tượng sơn son thiếp vàng và một chum nước cúng, cùng với hai cái lọng cắm trước bàn thờ. Ngoài cửa lầu treo một bức nghi môn thêu nổi ba chữ: Phật tại tâm. Trong góc lầu còn có hai cây tre tươi và một con dao. Một ngày, rồi hai ngày trôi qua, chỉ có một mình trên lầu vắng, bụng đói mà cơm không có ăn, chỉ có một chum nước, ông nghĩ bụng: Có nước uống, tất phải có cái ăn. Ông quay ra ngoài ngắm bức nghi môn rồi lẩm nhẩm: Phật tại tâm nghĩa là Phật ở trong lòng, ông gật đầu mỉn cười, rồi bẻ tay pho tượng ra ăn thử xem sao. Thì ra hai pho tượng được nặn bằng bột chè lam. Từ đó ngày hai bữa, ông cứ ung dung bẻ dần hai pho tượng Phật để ăn.

Vốn là một người hay làm, ngồi chơi buồn không chịu nổi, ông bèn chẻ tre vót nan lọng. Ông quan sát kỹ cách làm lọng và nhớ nhập tâm các chi tiết để ghép lọng. Ông lại dùng bọng tre để đun nước uống. Khi đã biết cách làm lọng rồi, ông lại đem bức nghi môn xuống tháo ra xem cách thêu. Với bàn tay khéo léo và lòng kiên trì, ông lại thêu vào, ngắm nghía thấy giống hệt như cũ.

Nhờ cách ấy, mà ông đã tự học được cách thêu nổi và cách làm lọng. Khi về nước, ông đem kinh nghiệm truyền dạy cho dân làng Quất Động và năm xã xung quanh. Về sau, dân các làng thêu ra Hà Nội hành nghề lập thành phường và tôn ông làm tổ nghề thêu. Ông tổ nghề thêu cũng truyền cả nghề làm lọng cho dân. Phố Hàng Lọng ở Hà Nội trước đây cũng có đền thờ ông, nhưng nay không còn nữa. Như vậy, nghề thêu ở Quất Động đã có khoảng ba bốn trăm năm nay. Xưa kia, thợ thêu ở Quất Động cũng như các làng thêu khác chủ yếu làm các loại nghi thức, nghi môn, câu đối; các loại khăn chầu, áo ngự, màn trướng của vua chúa. Nhìn chung, công cụ dùng trong nghề thêu khá đơn giản, bao gồm kim thêu, khung thêu (các cỡ to nhỏ, các khuôn tròn và chữ nhật, các hình trang trí long ly quy phượng, tùng cúc trúc mai, chim muông, mây nước...), vải thêu (vải trắng, sa tanh, lụa...), rồi có thêm các loại kéo, thước, bút lông, phấn mỡ, chỉ màu... Nghề thêu yêu cầu người thợ cần có đức tính sức cần cù, tỉ mỉ, có con mắt thẩm mỹ, chú ý sự tinh tế, hài hòa về màu sắc và hoa văn trên nền vải.

Tại phố Yên Thái ngày nay vẫn còn ngôi đình mang tên Tú Đình Thị (đình Chợ Thêu). Tương truyền, ngày xưa những thợ thêu ở làng Yên Thái, cứ đến phiên chợ là đem các hàng thêu ra bày bán và trao đổi với khách hàng tại ngôi đình này, cho nên mới có tên là “đình Chợ Thêu”. Vào ngày 12-6 âm lịch, tại đây thường tổ chức lễ giỗ tổ nghề thêu ở Việt Nam. Tại lễ tế tổ nghề thêu thường có đọc bài văn cúng thể hiện tấm lòng tôn kính của thợ đối với ngài: “Tiên sinh tài cao xuất chúng, trí vượt tiên tri, là vầng trăng sáng Nam triều, là ngôi sao lành đất Bắc. Lòng tựa gấm, miệng tựa thêu, đã lấy văn chương soi sáng đời thịnh trị, mũi kim, sợi chỉ, lại truyền tinh xảo đến phương Nam. Tài khéo sáng tỏ, ngắm sao Bắc Đẩu, Thái Sơn. Có công thì thờ tự, dù dâu biển cũng chẳng hề quên. Gặp lúc xuân tiết, kính dâng lễ mọn, nguyện soi xét lòng son, ban cho ơn phước lớn. Kính mong thượng hưởng”.../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Tô Hiến Thành – nhà chính trị tài năng
    Chính sử chép rằng Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng giêng và mất năm Kỷ Hợi 1179, đời vua Lý Cao Tông, nhưng không ghi rõ năm sinh. Lịch sử có điều khiếm khuyết như vậy (Tháng 7 năm 1997 tại cuộc hội thảo lớn về thân thế, sự nghiệp của Tô Hiến Thành, có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện các nơi thờ cúng cụ Tô, đại diện các chi hệ dòng họ cụ Tô tham dự. Hội nghị đã tham khảo nhiều bản thần tích, tộc phả và đã tìm ra ngày tháng năm sinh Tô Hiến Thành là ngày 22 tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1102, triều Lý Thần Tông)...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Huế trong thơ Lê Vĩnh Thái
    Thơ Lê Vĩnh Thái ở bất kỳ chặng nào, tập nào cũng khó đọc, khó hiểu, không thể nhớ. Tôi quen biết anh gần 20 chục năm nay, gần như tập thơ nào cũng đọc, song đều để riêng một góc… và suy ngẫm.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Hơn 3.000 người dân Thủ đô được thăm khám, sàng lọc sức khoẻ miễn phí
    Ngày 8/12, tại phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình Sống khỏe mỗi ngày - Vì một Việt Nam khỏe mạnh.
  • Triển lãm "Kinh Bắc art 3"- nơi gặp mặt của hội họa miền quan họ
    Triển lãm "Kinh Bắc art 3" khai mạc vào 17h ngày 7/12 và kéo dài đến ngày 13/12 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh - 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Lê Công Hành – ông tổ nghề thêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO