Văn hóa – Di sản

Thi hành Luật Di sản văn hóa 2024: Đảm bảo 5 nguyên tắc trong tu bổ di tích , đề cao vai trò của người dân

Quỳnh Chi 15:19 28/05/2025

Thông tư Quy định chi tiết một số nội dung về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, quy định từ ngày 1/7/2025, công tác thi công tu bổ di tích phải đảm bảo 5 nguyên tắc.

Cộng đồng dân cư nơi có quyền giám sát thi công tu bổ di tích, được tham vấn ý kiến

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đối tượng áp dụng Thông tư nêu trên đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tiến hành các hoạt động thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là thi công tu bổ di tích); xây dựng đơn giá, lập dự toán cho dự án, công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên lãnh thổ Việt Nam.

di-tich-tu-bo.jpg
Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đền Thịnh Thôn (xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) sau khi được tôn tạo, tu bổ.

Thông tư Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa 2024, bao gồm: Quy định chi tiết khoản 1 Điều 35 về định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là định mức kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích). Quy định chi tiết điểm đ khoản 2 Điều 35 về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Định mức kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích là các chỉ số quy định mức hao phí về vật liệu, lao động, máy thi công và thiết bị khác để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác tu bổ di tích từ khâu chuẩn bị đến khi kết thúc thi công tu bổ di tích của một dự án, công trình tu bổ di tích nhằm phục vụ sản xuất, thi công hoặc lập dự toán chi phí của dự án tu bổ di tích. Hạ giải di tích là hoạt động tháo rời toàn bộ hoặc một số cấu kiện, thành phần kiến trúc của một di tích nhằm mục đích bảo quản, tu bổ mà vẫn giữ gìn tối đa sự nguyên vẹn các cấu kiện, thành phần kiến trúc của di tích đó.

Thông tư cũng nhấn mạnh quy trình kỹ thuật thi công truyền thống là quy trình kỹ thuật đã được sử dụng để xây dựng công trình đó trong quá khứ. Quy phạm kỹ thuật về thiết kế, thi công tu bổ di tích là các nguyên tắc cơ bản, các tiêu chuẩn và các điều kiện kỹ thuật phải tôn trọng trong công tác thiết kế, thi công tu bổ di tích.

Đối với thi công tu bổ di tích, Thông tư Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quy định trong hoạt động thi công tu bổ di tích phải đảm bảo 5 nguyên tắc.

Thứ nhất, tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hoặc thiết kế bản vẽ thi công bảo quản di tích đã được phê duyệt, quy định về quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng thi công, an ninh, an toàn lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan. Thứ hai, ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, áp dụng quy trình kỹ thuật thi công truyền thống; giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích.

Thứ ba, được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích; thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư nơi có di tích. Thứ tư, trường hợp điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích, chủ đầu tư báo cáo nghiên cứu khả thi tu bổ di tích phải xem xét điều chỉnh thời gian thi công tu bổ di tích để đảm bảo chất lượng công trình. Thứ năm, ghi nhận đầy đủ mọi hoạt động đã thực hiện tại công trường trong Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công.

Siết chặt trách nhiệm của chủ dự án tu bổ di tích

Thông tư quy định về việc chuẩn bị thi công tu bổ di tích, đó là chủ đầu tư dự án tu bổ di tích phối hợp với tổ chức thi công tu bổ di tích thống nhất với Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có di tích về phương án bảo vệ di tích và kế hoạch thực hiện dự án tu bổ di tích; tổ chức tuyên truyền trong nhân dân địa phương nơi có di tích và đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề tham gia thi công tu bổ di tích về giá trị, mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi, nội dung dự án tu bổ di tích.

Chủ đầu tư dự án tu bổ di tích chủ trì, phối hợp với tổ chức thi công tu bổ di tích thực hiện nhận bàn giao mặt bằng thực hiện dự án tu bổ di tích; tổ chức công trường thi công tu bổ di tích đáp ứng yêu cầu an ninh, an toàn; xây dựng nhà bao che, nhà bảo quản cấu kiện (trong trường hợp phải hạ giải di tích); thực hiện phương án bảo vệ hiện vật. Đồng thời, chủ đầu tư dự án tu bổ di tích xác định nguyên tắc, quy trình và giải pháp kỹ thuật dự phòng tu bổ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong trường hợp phải hạ giải di tích; chuẩn bị vật liệu, nhân công, phương tiện, thiết bị phục vụ thi công và các công việc liên quan khác.

Khi thực hiện thi công tu bổ di tích, chủ đầu tư dự án tu bổ di tích thực hiện thành lập Hội đồng đánh giá di tích và ban hành quy chế làm việc của Hội đồng. Thành phần Hội đồng gồm chủ đầu tư dự án tu bổ di tích, đại diện các tổ chức lập dự án tu bổ di tích, lập thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích, thi công tu bổ di tích, giám sát thi công tu bổ di tích, đại diện Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, đại diện tổ chức, người đại diện được giao quản lý, sử dụng di tích và chuyên gia thuộc các lĩnh vực có liên quan.

di-tich-tu-bo-3.jpg
Di tích lịch sử và Kiến trúc - Nghệ thuật chùa Tình Quang, phường Giang Biên, quận Long Biên vừa hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo vào tháng 4/2025. Ngôi chùa này mang đậm giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và dấu ấn văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Điều chỉnh, bổ sung thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích (nếu có). Chủ đầu tư dự án tu bổ di tích phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện việc phân loại, lựa chọn cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng không được sử dụng lại để bảo quản, trưng bày tại di tích hoặc tại bảo tàng công lập nơi có di tích. Phối hợp với tổ chức thi công tu bổ di tích và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức nghiệm thu, bàn giao, đưa di tích vào sử dụng và thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng quy định việc tổ chức thi công tu bổ di tích đối với trường hợp không tháo rời hoặc tháo rời một số cấu kiện, thành phần kiến trúc phải bao che khu vực cấu kiện, thành phần kiến trúc cần tu bổ bảo đảm an toàn. Lập hệ thống ký hiệu các cấu kiện, thành phần kiến trúc trên bản vẽ và đánh dấu vào cấu kiện, thành phần kiến trúc tương ứng của di tích. Ký hiệu đánh dấu trên cấu kiện, thành phần kiến trúc không được làm ảnh hưởng đến đặc điểm, giá trị của cấu kiện, thành phần kiến trúc, được bảo vệ trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích và dễ loại bỏ sau khi hoàn thành thi công tu bổ di tích. Chụp ảnh, ghi hình sau khi đánh dấu ký hiệu vào cấu kiện, thành phần kiến trúc.

Phối hợp với Hội đồng đánh giá di tích kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của cấu kiện, thành phần kiến trúc và xác định giải pháp xử lý cụ thể đối với cấu kiện, thành phần kiến trúc. Thực hiện thi công tu bổ di tích theo nội dung thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được phê duyệt, biên bản của Hội đồng đánh giá di tích hoặc nội dung điều chỉnh, bổ sung thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được phê duyệt…/.

Bài liên quan
  • Sáng rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ sở hữu, phát triển di sản văn hóa
    Sở hữu di sản văn hóa và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan của tổ chức, cá nhân... là một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi). Đáng kể, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các hình thức sở hữu di sản văn hóa, gồm: sở hữu toàn dân; sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của theo các luật khác liên quan.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thi hành Luật Di sản văn hóa 2024: Đảm bảo 5 nguyên tắc trong tu bổ di tích , đề cao vai trò của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO