Văn hóa – Di sản

Làng Kim Lan và tục nuôi lợn thi

Trần Văn Mỹ 11:53 04/09/2024

Làng Kim Lan, tục gọi làng Sươn, nằm ở bờ Bắc sông Hồng, trước năm 1945 thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, xã Kim Lan thuộc huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.

lang-kim-lan.jpg

Làng Kim Lan có một đình, bốn miếu. Miếu Cả thờ Cao Biền, miếu Thượng thờ Chạc Linh, miếu Chiền thờ Chử Việt, cả hai đều là bề tôi của Cao Biền. Làng có miếu Bản thờ Nguyễn Thạch Việt, lúc trẻ tu ở chùa làng Kim Lan. Khi Lý Cao Tông mở khoa thi Tam giáo, ông đỗ và được bổ Trung vệ đại phu, có công đánh dẹp quân Man ở vùng núi Tản Viên, châu Quốc Oai, khi mất được dân Kim Lan thờ làm Thành hoàng làng. Hằng năm, vào ngày giỗ ông dân làng đều làm cỗ chay, trong đó có món giò đỗ.

Giò đỗ được làm từ đỗ xanh xay vỡ, ngâm rồi đãi sạch vỏ như thổi xôi, để thật ráo nước mới cho vào cối đá giã như giã ngô, đến khi bột đậu nhỏ mịn thì trộn dừa thái nhỏ cùng mộc nhĩ. Còn tại các gia đình thì bột đậu trộn với nước riềng hoặc củ riềng giã nhỏ, thêm mỡ phần thái chỉ, và cùi dừa, mộc nhĩ. Trộn thật đều các nguyên liệu, rồi đấu vào nhau và giã như giã giò nạc. Sau đó, xếp ba lớp lá chuối tây, gói như gói giò, luộc ba giờ là được.

Từ chất liệu của giò đỗ, người ta đem gói thành chả bằng cách rải hai lớp lá chuối tây, lá non thì rải ba lớp, rồi cho đậu vào gói. Sau đó dùng tay vê tròn, to bằng cái cán cuốc là được. Gói xong, buộc hai cái làm một rồi cho vào nồi luộc độ một giờ. Khi ăn, thái chả chéo hình bầu dục.

Lễ cầu mát tháng Tư và tục thi lợn còn gọi là kỳ an, lễ vào hè diễn ra vào ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Tư. Sáng mùng 9 các quan viên rước văn. Sau đó, các giáp rước lợn sống ra đình để thi. Để có những con lợn to, đẹp mã dự thi, trước đó một năm, người đăng cai ở 26 giáp đã nuôi lợn thi rất công phu. Lợn nuôi tế thần không gọi bằng cái tên thông thường mà phải gọi là ông Ỷ. Hằng ngày đến bữa, chủ nhà bưng cơm đến trước ông cung kính: “Mời ông Ỷ dậy ăn cơm ạ!”. Ngoài ra, ông còn được bồi dưỡng xôi, cơm nắm, chuối tiêu. Vào mùa hè, nơi ông tĩnh dưỡng có muỗi thì phải mắc màn, khi nóng bức người ta phải thay nhau quạt. Gần đến ngày dự thi, ông béo tròn, mắt híp lại. Lợn dự thi phải là lợn đen, đẹp mã và nặng cân. Trước ngày thi, ban giám khảo đến từng nhà xem xét, những ông Ỷ đủ tiêu chuẩn được làng cử phường bát âm đến rước ra đình. Những ông Ỷ to béo, người ta phải đào một cái hố để vừa cái cũi tre, cửa cũi đặt ngang chỗ ông nằm rồi nhẹ nhàng lùa ông sang để các trai đinh khiêng ra đình.

Trong 26 lợn thi, làng chọn 8 con đẹp nhất trao giải từ giải nhất đến giải tám. Giải thưởng là 1 bao thuốc lá, 5 đồng, 10 quả cau và 1 vuông vải đỏ.

Sáng mùng 10 tháng Tư, tất cả 26 lợn đều đem làm thịt. Lợn thịt xong đặt lên chõng tre. Thủ lợn lấy mỡ mạng trang trí cho đẹp mắt. Tám con lợn to, trình bày đẹp thì đoạt giải. Bốn con nhỏ thờ ở đình, bốn con tiếp theo thờ ở hai bên giải vũ, số còn lại đem lễ ở chùa Lựa, chùa Tân, chùa Âm Hồn, Cầu Vật và ở Đỗi Bệ thờ thần Thổ kỳ; riêng con nhỏ nhất chỉ được làm cỗ cúng chúng sinh. Sau một tuần tế ở đình, các giáp mới đem thịt về pha và chia đều cho các suất đinh. Những người phục dịch chỉ được ăn nội tâm và nước xuýt gọi là cỗ ghém./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Làng Kim Lan và tục nuôi lợn thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO