Lan tỏa trái tim hồng

Thu Hà| 14/01/2021 16:14

Thôn Gò Sỏi, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội có một hợp tác xã rất đặc biệt. Ở đó, người đứng đầu cũng là người truyền nguồn cảm hứng và năng lượng tích cực đến các “xã viên” đặc biệt của mình, cùng họ làm nên những điều kỳ diệu không chỉ hợp tác xã (HTX) Trái tim hồng mà còn lan tỏa những hành động tích cực, ý nghĩa tới cộng đồng.

Lan tỏa Trái tim hồng
Các xã viên đang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ
“Tôi ơi đừng khóc!”

10 học trò - 10 gương mặt ngác ngơ trong tiếng giảng bài của cô giáo. Lớp học nhỏ, cô giáo cũng nhỏ nhắn. Một bên chân không lành, bước đi khó nhọc, nhưng cả tiết học cô giáo ấy vẫn đến bên từng học trò, nắn từng nét bút, gỡ từng sợi tóc rối, rồi lại nhẹ nhàng động viên, khích lệ các em, bởi đơn giản các em là những học trò đặc biệt tại trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn…

Cô giáo ấy là Đinh Thị Quỳnh Nga - Giám đốc hợp tác xã Trái tim hồng, người mẹ hiền của bao trẻ khuyết tật ở trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật. “Tôi bắt đầu thành lập HTX Trái tim hồng bằng những tháng lương tích lũy từ nghề giáo của mình” - chị Nga giới thiệu với chúng tôi về câu chuyện “khởi nghiệp” của mình ở HTX Trái tim hồng.

6 tháng tuổi, sau một cơn sốt quái ác, chị Nga bị liệt mềm chân trái từ hông xuống, chân teo, bé và ngắn hơn chân phải nên đi lại rất khó khăn. Những ngày còn đi học, hiểu được sự thiệt thòi do khiếm khuyết của bản thân cô bé ấy luôn tự nhủ, mình có thể kém người ta cái chân nhưng không thể thua cái đầu. 

Lo bố mẹ không đủ điều kiện nuôi mình ăn học khi 8 tuổi, Nga đã biết tự kiếm tiền ngoài giờ đi học bằng cách xách nước chè bán rong ngoài chợ. Những cốc nước giải khát nơi chợ quê, cũng đủ tiền để cô bé ấy tiếp tục theo đuổi con đường học tập. Ngày tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội chuyên ngành Mỹ thuật, chị Nga hào hứng gõ cửa các công ty để đăng ký tuyển dụng. Thế nhưng, thật đáng tiếc, nơi nào chị đến cũng bị từ chối chỉ bởi vì… khuyết tật.

“Khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra nên tôi ơi đừng khóc!”, chị Nga đã tự nhủ và luôn dặn lòng phải rắn rỏi hơn để chiến thắng nghịch cảnh như thế. Trong quá trình chờ đợi, chị bắt đầu tìm cách buôn bán nhỏ, có chút vốn thì chuyển sang kinh doanh dịch vụ hoa cưới. 7 năm làm “doanh nhân”, đến năm 2007, khi huyện Sóc Sơn có đợt thi công chức, chị Nga nộp hồ sơ và may mắn trúng tuyển để bắt đầu với hành trình là một cô giáo mỹ thuật tại trường Nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn. “Còn nhớ ngày đầu tiên đến trường làm việc, tôi vui lắm, không phải vì mình sẽ có một công việc ổn định, thu nhập ổn định mà vì từ đây có thể cùng các em vẽ những ước mơ tươi đẹp” - chị Nga chia sẻ.

Lan tỏa Trái tim hồng
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga (thứ 3 từ trái sang) cùng các thành viên HTX Trái tim hồng

Thế nhưng, từng ấy năm gắn bó với các em, cô giáo Nga đã chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện buồn. Học sinh của cô ra trường hầu như không ai có được công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân. Cô cứ ngẫm thấy chúng thật giống mình năm xưa, khi mọi cánh cửa dường như đều đóng lại với người khuyết tật. “Mình học hành, có bằng cấp mà còn bị từ chối nữa là các em. Không có việc làm, trở thành gánh nặng của gia đình bọn trẻ càng sống bi quan hơn. Khó khăn nhất là phải vượt qua những ánh nhìn thương hại của người đời”, và rồi tình thương đó đã biến thành động lực để HTX Trái tim hồng ra đời - chị Nga nhớ lại.

Trái tim ấy biết bao ân tình

Tháng 1 năm 2015, HTX Trái tim hồng chính thức được thành lập bằng những đồng lương chị Nga đi dạy học dành dụm được. Cứ mỗi ngày một chút, từ lợp mái tôn nhà xưởng, mua máy móc… rồi đón từng “xã viên” đến. Ban đầu chỉ với cái máy photo và một số việc lặt vặt bởi thiếu kinh phí, dần dà, khi HTX ngày một phát triển thì những “xã viên” được gửi tới các làng nghề để học việc. 

“Hiểu được hoàn cảnh của mình nên các em rất chịu khó học hỏi. Có em còn biết mình không có khả năng ghi nhớ nên quay lại video để về nhà làm theo. Cần cù bù khả năng, thế rồi bạn nào cũng làm được việc và tốt hơn cả mong đợi” - chị Nga chia sẻ.

Tính đến nay, HTX đã sản xuất được hơn chục mặt hàng thủ công mỹ nghệ, như: chiếu gỗ hương, đệm lót văn phòng, gối đầu massage, túi xách, vòng đeo tay, dây đeo cổ; sản xuất nấm; hàng may; than sạch không khói,… Từng sản phẩm đều được làm rất tỉ mỉ, cẩn trọng nên đạt chất lượng tốt, được thị trường đón nhận. HTX đã được tham gia nhiều hội chợ trưng bày, giới thiệu và bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ lớn. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ HTX Trái tim hồng nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Có đến đây, chứng kiến từng “xã viên” cặm cụi, toàn tâm toàn ý cho từng sản phẩm mới thấy rằng, kết quả đó không dễ dàng mà có được.

Hỏi về cái tên của hợp tác xã, chị Nga kể cho chúng tôi nghe về trường hợp một “xã viên” rất đặc biệt đang mang trong mình căn bệnh máu trắng, bao năm phải truyền máu ở bệnh viện. Dù hàng ngày phải chống chọi với bệnh tật, nhưng “xã viên” này rất chịu khó làm việc online. “Hiểu từng căn bệnh, từng sự khiếm khuyết của mỗi người nên tôi cố gắng sắp xếp công việc sao cho phù hợp, để mỗi người khi nhận tiền lương luôn thấy mình không phải là gánh nặng cho gia đình, vẫn có thể làm việc và kiếm tiền như bao người khác trong xã hội” - chị Nga chia sẻ.

Vậy nên đặt tên HTX Trái tim hồng, chị Nga mong muốn mái nhà này sẽ sưởi ấm cho thật nhiều, nhiều hơn nữa những mảnh đời khiếm khuyết, động viên để họ tự tin sống hòa nhập, làm việc và đóng góp cho cộng đồng. Tính đến nay, HTX đã tạo việc làm cho khoảng 80 người khuyết tật, đảm bảo thu nhập bình quân 2,5 triệu/tháng, người cao nhất 3,5 triệu đồng/tháng. 

Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhận thấy dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc mua khẩu trang của người dân gặp nhiều khó khăn, chị Nga đã huy động gần 20 nhân công trong HTX để may thêm khẩu trang phòng chống dịch. Chị Nga đã nhanh chóng đưa vào sản xuất khẩu trang vừa để bán tăng thêm thu nhập của các xã viên, vừa cấp phát miễn phí cho bà con trên địa bàn và các xã lân cận. Sau đó, HTX Trái tim hồng còn tặng cho các cơ quan hành chính, trường học, đặc biệt là dành tặng cho các hội người khuyết tật trên địa bàn huyện Sóc Sơn với tổng số hơn 5000 chiếc.

Lan tỏa Trái tim hồng
Các sản phẩm của HTX Trái tim hồng trong một triển lãm giới thiệu sản phẩm

Chưa bao giờ bằng lòng với những kết quả đã đạt được, mỗi ngày chị Nga đều cố gắng đi tìm những nguồn năng lượng mới - là những cơ hội để có thể tạo ra nguồn thu nhập cho HTX, mà cụ thể là cho các “xã viên” của mình. “Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải thật khỏe, thật nhiều năng lượng để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất cho HTX, thu hút và tạo nhiều công ăn việc làm cho người khuyết tật, để họ có thể sống ý nghĩa và thật hạnh phúc” - chị Nga nói.

Khó có thể thống kê hết công việc trong một ngày hay một tháng của chị Nga. Chỉ biết rằng, người phụ nữ bé nhỏ với gương mặt phúc hậu và nụ cười đẹp như hoa ấy vẫn đang ngày ngày cặm cụi làm những công việc đẹp đẽ và ý nghĩa vô cùng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa trái tim hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO