Sự kiện & Bình luận

Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới

Đình Thế 11/11/2024 16:53

Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế đất nước sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đã tích lũy được nền tảng thế và lực, hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ hiện thực hóa mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong nhiều bài viết, bài phát biểu tại các hội nghị, diễn đàn trong nước và quốc tế, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Thông điệp này cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10, thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

Trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không ngừng phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

vna-potal-tong-bi-thu-chu-tich-5290-9956-1727139553.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Đại học Columbia. Ảnh: TTXVN

Tại phiên họp thứ tư ngày 22/8, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam là một công việc rất hệ trọng đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước; đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Việc tổng kết 40 năm đổi mới còn có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta nhìn lại chặng đường của Đại hội XIII và quá trình 40 năm đất nước phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, chúng ta có quyền tự hào về thành quả của 40 năm đổi mới, ở góc độ nào đấy, những thành quả này còn thể hiện sự tiến bộ trên thế giới, mang lại tương quan chung giữa các lực lượng tiến bộ. Đồng chí cũng nhấn mạnh lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Việc tổng kết 40 năm đổi mới còn giúp chúng ta thấy được những khó khăn, tồn tại, là tiền đề để chúng ta có giải pháp khắc phục, đưa đất nước phát triển hơn trong giai đoạn sắp tới.

Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, trong bối cảnh tình hình thế giới có những cơ hội, song cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, lấy đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng làm động lực, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý đảng với lòng dân làm nền tảng, nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không ngừng phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới....

Những vấn đề trên thể hiện quan điểm nhất quán trong đánh giá về thành tựu cũng như thời cơ, bối cảnh mới của đất nước, từ đó tạo động lực, niềm tin của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, hướng đến các mục tiêu mới. Có thể thấy, “khởi điểm mới” thường gắn với một dấu mốc thời gian, được xác định dựa vào những sự kiện hoặc những thay đổi quan trọng về nhận thức và hành động. Còn “kỷ nguyên mới” hay thời kỳ mới được xác định với những dấu mốc hệ trọng, thể hiện những thay đổi có tính chất bước ngoặt, tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển đất nước.

Cùng với đó, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 8 nước đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tham gia tích cực vào hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực, ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) kết nối với 60 nền kinh tế chủ chốt, đưa quy mô thương mại vào top 20 quốc gia trên thế giới. Những nỗ lực hội nhập sâu rộng này đã biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn.

Một trong những tiền đề cũng như cơ hội để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đó là Việt Nam đang tích cực tham gia vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ mới. Lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu kiến thức và công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại, là một lợi thế lớn. Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông và hạ tầng số đã tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối với khu vực và thế giới.

Tinh thần đoàn kết và hội nhập quốc tế sâu rộng tiếp tục được phát huy. Việt Nam duy trì chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Sự hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, hưởng lợi từ xu thế toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

bce9641ae57a5e24076b.jpg
Hạ tầng đường bộ được cải thiện mạnh mẽ, tạo động lực phát triển.

Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức, trong đó mặt thách thức nổi trội hơn và thời cơ mới còn có thể xuất hiện trong khoảnh khắc giữa những thay đổi đột biến trong cục diện thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số đem đến cơ hội mà những quốc gia đang phát triển, chậm phát triển có thể nắm bắt để đi trước đón đầu, phát triển vượt bậc.

Theo các nhà nghiên cứu, giai đoạn 2026-2030, để đạt GDP theo đầu người khoảng 7.500-8.000 USD vào năm 2030 là triển vọng. Giai đoạn 2030-2045, mục tiêu thu nhập bình quân theo đầu người khoảng 18.000 USD vào năm 2045 cũng là khả thi. Tuy vậy, trên hành trình hiện thực hóa các mục tiêu, chúng ta phải đối mặt nhiều thách thức, rủi ro. Nhiều nút thắt kinh tế vẫn chưa được khơi thông, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động đan xen bởi tình hình quốc tế phức tạp, khó lường...

Trước những mốc son có tính bước ngoặt lịch sử này, cán bộ, đảng viên và nhân dân đang rất trông đợi, kỳ vọng lớn vào những quyết sách mới, mạnh mẽ và sáng suốt của Đảng mang tính đột phá. Bởi vậy, tại phiên họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, việc xây dựng Báo cáo chính trị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, phải thật sự có chất lượng, thật sự là cơ sở định hướng cho các văn kiện khác, thậm chí là “ánh sáng soi đường” cho những kỳ đại hội tiếp theo./.

Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự đồng lòng của toàn dân, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, đưa đất nước vững bước vào thời kỳ mới, xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ kính yêu!

GS.TS Trần Văn Phòng, Giảng viên cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • Trường THCS Xuân La: Viết tiếp trang sử vàng truyền thống
    Hòa chung không khí hân hoan của cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11, Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy năm học 2024.
Đừng bỏ lỡ
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO