Sự kiện & Bình luận

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV: Chính sách đặc biệt phát triển đường sắt đô thị, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia (Bài 3)

Trung Kiên 09/03/2025 17:51

Nghị quyết “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”; “Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận” vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Các chính sách đặc biệt của hai Nghị quyết này có ý nghĩa to lớn để phát triển đường sắt đô thị theo định hướng TOD, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Gỡ “điểm nghẽn” để Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện thực hóa mục tiêu phát triển mạng lưới đường sắt đô thị

Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố, qua đó đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải đô thị bền vững, hài hòa, hợp lý.

tbt-metro(1).jpg
Ngày 22/2/2025, trong chương trình công tác tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trải nghiệm thực tế tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN).

Theo Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh, từ nay đến 2035, thành phố tập trung đầu tư 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355 km. Sau năm 2035, TP. Hồ Chí Minh xây thêm 3 tuyến metro dài 155 km, nâng tổng chiều dài mạng lưới lên 510 km.

Trong khi đó, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410km. Thành phố Hà Nội đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200km. Như vậy đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Thủ đô Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617km.

Nghị quyết gồm 11 điều, trong đó có một số nội dung như: Thủ tướng Chính phủ được quyết định mức tối đa bố trí cho mỗi thành phố từ kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án; Dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD) được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, căn cứ quy hoạch khu vực TOD được phê duyệt, Ủy ban Nhân dân hai thành phố được quyết định việc chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch giữa các dự án, công trình trong khu vực TOD. Quy định về việc khai thác khoáng sản nhóm IV và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc khoáng sản nhóm III theo quy định của Luật Địa chất và khoáng sản. Quy định về bãi đổ chất thải rắn xây dựng và tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước phục vụ các dự án đường sắt đô thị, công trình dường sắt đô thị thuộc dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD...

Nghị quyết được đánh giá rất quan trọng, cần thiết và cấp bách, nhất là giải quyết điểm nghẽn về thể chế, huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện thực hóa các Nghị quyết, Kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

hanoi4.png
Hiện tại, Thành phố Hà Nội đã đưa vào khai thác 2 tuyến đường sắt trên cao: Tuyến metro số 2A (Cát Linh - Hà Đông) với lượng hành khách đạt khoảng 30.000 lượt/ngày; tuyến metro đoạn Nhổn - ga Cầu Giấy, phục vụ khoảng 20.000 lượt khách/ngày.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm tạo cơ sở pháp lý cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thành phố trong thời gian qua để thực hiện thành công mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào năm 2035 theo Nghị quyết số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị (về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), giúp tạo lập hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách đặc biệt nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Cùng với Nghị quyết trên, Quốc hội khóa XV đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, để khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong những năm tới, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 25/11/2024), Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đây là công việc quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; công việc này cần được thực hiện khẩn trương, đáp ứng các yêu cầu cao nhất về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường”.

dien-hat-nhan-6.jpg
Phối cảnh Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016. (Ảnh tư liệu: VGP).

Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 5 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện Dự án.

Cụ thể như triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác song song quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư. Lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu, trong đó áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế; áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm và hướng dẫn kỹ thuật do đối tác thực hiện đề xuất áp dụng.

Đồng thời, Nghị quyết giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép áp dụng các định mức, đơn giá trên cơ sở đàm phán với đối tác thực hiện Dự án. Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để thông qua, phê duyệt nội dung liên quan. Không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản...

Liên quan đến nội dung này, UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có thông cáo báo chí về việc xây dựng Dự án điện hạt nhân trên địa bàn. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả” và Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội khóa XV thông qua, chính quyền tỉnh Ninh Thuận cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Các chính sách hỗ trợ đặc biệt, như thủ tục hành chính rút gọn, giúp các đơn vị thi công và chủ đầu tư dễ dàng thực hiện các bước tiếp theo. Đặc biệt, công tác bồi thường, tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong vùng dự án được chú trọng. UBND tỉnh Ninh Thuận đã có những kế hoạch cụ thể và lộ trình triển khai rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của người dân, đồng thời giúp họ tham gia vào quá trình phát triển chung của địa phương.

UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, sự đoàn kết giữa Nhà nước và Nhân dân chính là yếu tố quan trọng để Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đạt được những kết quả như kỳ vọng, đóng góp vào sự phát triển bền vững và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia./.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy với tổng công suất 4.400 MW, dự kiến cung cấp 30 tỷ kWh điện/năm, chiếm hơn 10% tổng sản lượng điện quốc gia. Hai nhà máy này được xây dựng trên tổng diện tích 443 ha, trong đó Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam có công suất 2.200 MW, sử dụng công nghệ lò phản ứng nước áp lực đạt tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 xây dựng tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải có công suất 2.200 MW, áp dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng chịu động đất và sóng thần.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2035, giúp Việt Nam giảm đáng kể lượng khí thải CO₂, đồng thời đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng trong bối cảnh kinh tế phát triển nhanh chóng.

(Còn nữa...)

Bài liên quan
  • Hà Nội đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao – Hòa Lạc
    Ngày 06/3, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1301/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc tuân thủ quy định của pháp luật.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • “Người Hà Nội" đã để lại nhiều giá trị trong đời sống văn hóa của người dân Thủ đô và cả nước
    Đó là đánh giá của NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tại Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Tạp chí Người Hà Nội (8/5/1985 – 8/5/2025) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì sáng 8/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP. Hà Nội).
  • Từ phim thị trường đến phim nghệ thuật: Đâu là hướng đi bền vững cho điện ảnh Việt?
    Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của các bộ phim thương mại với doanh thu trăm tỷ, tạo nên những cơn sốt phòng vé. Tuy nhiên, bên cạnh những con số ấn tượng về doanh thu, chất lượng nghệ thuật của những bộ phim này vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Đồng thời, việc quá tập trung vào dòng phim giải trí cũng để lại một khoảng trống lớn cho các bộ phim về lịch sử, chiến tranh - những tác phẩm mang giá trị văn hóa và tinh thần dân tộc. Thực tế này đặt ra những thách thức cho điện ảnh Việt, đòi hỏi cần một chiến lược phát triển dài hạn, cân bằng giữa yếu tố thị trường và nghệ thuật để không chỉ phát triển bền vững mà còn khẳng định vị thế trên bản đồ điện ảnh thế giới.
  • Đại tá, NSND Nguyễn Ngọc Anh: “Dù ở đâu, người nghệ sĩ cũng có sứ mệnh lan tỏa giá trị nghệ thuật”
    Nguyên là Trưởng đoàn Văn công Phòng không Không quân, nay là Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội, Đại tá, NSND Nguyễn Ngọc Anh luôn đau đáu vì sự phát triển của nghệ thuật múa, không ngừng bồi đắp, lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của quân và dân. Điềm tĩnh, dễ gần nhưng ẩn sâu trong con người nghệ sĩ, chiến sĩ ấy là một trái tim chất chứa tình yêu và niềm tin sắt son dành cho nghệ thuật, dành cho quân đội. Tạp chí Người Hà Nội đã có cuộc trò chuyện cùng Đại tá, NSND Nguyễn Ngọc Anh xung quanh những kỷ niệm trên con đường nghệ thuật và trăn trở với sự phát triển nghệ thuật múa của Thủ đô, của nước nhà.
  • [Video] Bản hòa âm Người Hà Nội
    40 năm là một hành trình mà tờ báo – tạp chí Người Hà Nội mang đậm bản sắc văn học nghệ thuật Thủ đô đã đi qua, và đang nỗ lực sáng tạo, không ngừng để định vị thương hiệu, hòa vào dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam bước tới kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 40 năm qua, những giai điệu tự hào của Báo Người Hà Nội, nay là Tạp chí Người Hà Nội đã ngân vang, tạo niềm cảm hứng bất tận để các cán bộ, phóng viên, biên tập viên đồng lòng, chung sức xây dựng ngôi nhà mang tên Người Hà Nội giàu bản
  • [Podcast] Đền Kim Liên – Trấn Nam của kinh thành Thăng Long xưa
    Giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội và nhịp sống đô thị nhộn nhịp hiện nay, có một nơi tưởng như tách biệt hẳn với không gian hiện đại: một cánh cổng tam quan cổ kính, rêu phong; một mái đền cong vút trong bóng cây; và một bầu không khí trầm mặc hiếm hoi còn sót lại trong lòng Hà Nội. Đó là Đền Kim Liên – một trong “Thăng Long tứ trấn”, trấn Nam thiêng liêng của kinh thành xưa. Đền Kim Liên ẩn mình sau một con phố sầm uất, nhưng lại chứa đựng một phần hồn cốt rất riêng của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
  • Nhà báo Vương Minh Huệ: “Người Hà Nội vẫn kiên định mục tiêu giữ vững bản sắc văn học nghệ thuật của Thủ đô rộng dài văn hiến”
    Trong niềm xúc động - tự hào, sáng 8/5, tại Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Tạp chí Người Hà Nội và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội, chia sẻ: “Người Hà Nội vẫn kiên định mục tiêu giữ vững bản sắc văn học nghệ thuật của mảnh đất Hà Nội rộng dài văn hiến, góp phần không nhỏ trong việc khẳng định vai trò tiên phong của văn học nghệ thuật Thủ đô trong dòng chảy của văn học nghệ thuật nước nhà”.
  • Hà Nội: Thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
    UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 1779/UBND-KT ngày 6/5 về việc thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn.
  • Trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VII
    Ban tổ chức đã tôn vinh 20 tập thể, 15 cá nhân, trong đó, lực lượng CAND có 1 giải thưởng cho tập thể, 1 giải thưởng cho cá nhân.
  • PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường qua đời ở tuổi 84
    PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, người sáng lập và chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony đã qua đời vào sáng 6/5 tại Bệnh viện Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư dạ dày. Ông hưởng thọ 84 tuổi.
  • Phim hoạt hình 3D đầu tiên được công chiếu: "Trạng Quỳnh thời nhí nhố: Truyền thuyết Kim Ngưu"
    "Trạng Quỳnh thời nhí nhố: Truyền thuyết Kim Ngưu" là dự án hoạt hình 3D đầu tiên được công chiếu trên màn ảnh rộng Việt Nam từ ngày 30/5.
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV: Chính sách đặc biệt phát triển đường sắt đô thị, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia (Bài 3)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO